Perfect Strangers, bộ phim hài tâm lý ra mắt năm 2016 đã tạo nên hiện tượng toàn cầu, khi được đưa vào sách kỷ lục Guinness là phim điện ảnh được làm lại nhiều nhất. Tính tới thời điểm tháng 12 năm 2020 đã có 14 bản chuyển thể ở các quốc gia khác nhau được ra mắt và khoảng 4 dự án đang xúc tiến, trong đó có bản Mỹ với sự tham gia của Charlize Theron, còn bản Nhật sẽ ra mắt năm 2021.

So sánh về mặt văn hóa
Perfect Strangers (Người quen xa lạ) có nội dung đầy kích thích: 7 người bạn thân tụ tập lại với nhau dùng bữa tối vào đúng đêm nguyệt thực. Câu chuyện đưa đẩy qua lại về hôn nhân, ngoại tình và dẫn đến một sáng kiến thảm họa: nếu ai cũng đoan chắc mình trong sạch hoặc khôn ngoan, thì hãy cùng bỏ điện thoại lên bàn, từ đây mọi cuộc gọi đến phải được bật loa ngoài, mọi tin nhắn nhận được đều phải đọc to cho mọi người nghe… Tóm lại là công khai toàn bộ những trao đổi dù là thầm kín nhất.
Có thể nói Perfect Strangers có một câu chuyện rất mê đắm, ai mà chẳng nhảy dựng lên khi có người cầm vào điện thoại của mình, dù là nhân viên FPT hay người yêu? Vấn đề đặt ra rất gần gũi và mang tính toàn cầu, đồng thời phim là khung sườn hoàn hảo để mỗi quốc gia được dịp thay đổi câu chuyện để phù hợp với văn hóa xứ mình. Có thể nói, mấu chốt của mỗi bản remake của Perfect Strangers đó là văn hóa. Ít nhiều các quốc gia như Hàn, Trung, Đức… đã làm tốt theo cách của họ.

Nếu xem bản Trung, bạn sẽ nhận thấy không chỉ câu chuyện của mỗi nhân vật mà cách dẫn dắt tình tiết phim hoàn toàn được thay đổi, thậm chí đạo diễn của nguyên tác Ý Paolo Genovese cũng phải bất ngờ và công nhận đây như là một bộ phim hoàn toàn khác. Hay như trong các bản phim châu Âu chủ yếu giữ nguyên yếu tố mối quan hệ giữa người và người, thì phiên bản Hàn Quốc lại đề cập thêm vấn đề giai cấp, sĩ diện, chỗ đứng xã hội… để phù hợp với việc phản ánh thực tại xã hội ở quốc gia của mình.
Điều này thể hiện qua những tình tiết nhấn nhá thêm như chủ nhà Ye-Jin (Eva bản gốc) săm soi quà tân gia của Chae-Young (Bianca trong bản gốc), phát hiện miếng nhãn “Made in China” và đã xem thường, nhỏ to về việc ấy với Soo-Hyun (Carlotta trong bản gốc). Sau đó là chồng Ye-Jin bị lật tẩy là đã làm thất thoát một số tiền lớn vì đầu tư sai lầm, mọi người sau đó tỏ ra thương hại và nhắc đến việc anh sẽ bị bố vợ đánh giá vì khả năng làm ăn kém. Ngoài ra, cả bản Trung, Hàn, Việt còn khai thác mâu thuẫn chồng kiếm tiền, vợ ở nhà nội trợ phụ thuộc vào chồng, trở nên bất mãn, buồn tủi…

Trên đây là giới thiệu sơ qua để người đọc hiểu về sức hấp dẫn văn hóa của Perfect Strangers, điều khiến nó trở thành bộ phim được remake nhiều nhất thế giới. Chủ yếu trong bài này, người viết muốn nói nhiều hơn về phiên bản tiếng Đức, vốn cũng được chiếu tại rạp Việt Nam trong khuôn khổ liên hoan phim Đức được tổ chức bởi viện văn hóa Đức Goethe-Institut Vietnam. Nếu xem Perfect Strangers là bài tập về nhà với yêu cầu mỗi quốc gia học sinh hãy dựng lại theo màu sắc văn hóa nước mình, thì Das perfekte Geheimnis của Đức xứng đáng là bài làm xuất sắc đạt điểm 9/10.
Perfect Strangers của Đức là bản remake kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc giữ nguyên những chi tiết hay ho của bản gốc, lẫn thêm thắt gia vị của riêng mình để cho ra một bữa tiệc trăng máu hoàn hảo. Từ việc xây dựng lại nhân vật để mỗi cá nhân mang màu sắc riêng biệt rõ ràng, cho đến thay đổi cái kết vừa ấm áp vừa bí mật, khéo léo “khoe” cho thế giới thấy khía cạnh nhân văn của con người Đức, lại giữ được tính bí mật nhức nhối của kịch bản gốc. Người viết xin được làm một bài “TED Talk” để phân tích cái hay của phiên bản này.

Bài viết dưới đây có tiết lộ nội dung phim, người đọc cân nhắc trước khi xem tiếp.
Xây dựng hình tượng nhân vật và mối quan hệ rõ ràng hơn
Người Đức nổi tiếng kỹ tính thế nên dù có nền văn hóa có nhiều nét tương đồng với Ý, một lợi thế khi khai thác câu chuyện của mỗi nhân vật, họ cũng không chấp nhận làm một bản remake rập khuôn lười biếng.
Trước tiên, hẳn họ đã đặt câu hỏi “6-7 con người trong cái phim này, họ thân nhau cỡ nào để có thể hẹn nhau ăn tối ở cái tuổi bận bịu con cái, lại còn cầm điện thoại của nhau đọc tin nhắn?”. Đó là vấn đề mà trong bản gốc của Ý không hề đề cập, thế nên, người Đức đã quyết định chèn thêm một đoạn ngắn nhưng cũng đủ để người xem hiểu về mức độ thân tình của các nhân vật: một đoạn clip cho thấy họ đều là bạn với nhau từ nhỏ, làm khá nhiều trò điên rồ tới toét đầu chảy máu, và các chàng trai hợp lại thành băng đảng Perfetti, luôn đồng lòng sát cánh bên nhau. Điều này hợp lý hóa màn cười khóc điên rồ sau đó.

Các nhân vật cũng được tạo hình lại để 7 con người hiện lên là 7 mảng màu khác biệt. Cá tính, nghề nghiệp của họ bộc lộ qua quần áo, tóc tai, cách nói năng, đứng ngồi…
Phiên bản Đức giữ nguyên format về nghề nghiệp nhân vật, thế nên ta có bác sĩ tâm lý Eva trong bộ jumpsuit màu ô liu và tóc nâu tối, vừa lịch lãm, lại vẫn gợi cảm, thể hiện là nhân vật chỉn chu, nữ tính nhưng có phần nghiêm khắc. Carlotta làm việc ở công ty truyền thông, cô mặc váy bó da bóng và áo cổ lọ, tổng thể trang phục lộ rõ đường cong gợi cảm (ngay cả Eva cũng đã bình luận “Cậu đi làm mà ăn mặc nóng bỏng vậy à?”). Ở Carlotta toát lên vẻ mạnh mẽ của một “người phụ nữ thời đại mới”, vừa có con vừa bảo toàn sự nghiệp. Còn anh chồng Leo đang phải giúp cô ở nhà trông con (dù là gượng ép) – anh bắt đầu mặc đồ đơn giản bằng vải linen thoáng mát giống với các bà nội trợ, nhằm “hòa nhập” cộng đồng mẹ bỉm sữa.

Nhưng Bianca là một nhân vật được xây dựng thú vị, khắc họa rõ nét hơn các bản phim khác. Cô nàng làm bác sĩ thú y, tính tình hào sảng, có phần hơi ngây ngô như trẻ con, cô ăn nói cũng hoạt bát và biểu cảm hơn. Theo người viết thấy, Bianca của bản gốc vẫn hơi đằm tính, vốn dĩ cô là thành viên đang cố hòa nhập với nhóm bạn đã chơi với nhau từ lâu, nếu Bianca của Ý còn rụt rè tỏ ý muốn là “một phần của nhóm” thì Bianca của Đức lại vô tư hơn nhiều. Cô thoải mái trò chuyện đùa giỡn với những người bạn của chồng mình như đã thân quen từ lâu lắm.

Pepe cũng là một nhân vật phức tạp khác mà trong bản Đức, anh chịu trách nhiệm cho một tuyến truyện có ý nghĩa. Peppe được xây dựng là chàng trai hướng ngoại, làm giáo viên thể dục. Một điều đáng khen trong bản Đức đó là thực hiện những góc quay quay cận mặt Pepe để đặc tả cảm xúc nhân vật, khi anh rối bời với bí mật của mình trong khi xung quanh bạn bè cãi nhau ầm ĩ. Anh mệt mỏi và bị đẩy đến đường cùng, chưa kể cảm giác đau đớn khi chứng kiến cách bạn mình phản ứng với vấn đề đồng tính. Perfect Strangers của Đức sở hữu dàn diễn viên xinh đẹp, tươi sáng và tràn đầy năng lượng, chính năng lượng của nhân vật, cách họ phản ứng với những bí mật bị lật tẩy đã mang lại không khí phim hoàn toàn khác mà người viết sẽ đề cập dưới đây.
Một bộ phim náo nhiệt
Perfect Strangers nguyên tác tuy thuộc thể loại tâm lý hài, nhưng không khí phim nhìn chung khá trầm mặc: các cuộc đối thoại vui vẻ nhỏ nhẹ, cãi nhau cũng không quá to tiếng, đã vậy poster phim nào cũng mang màu sắc bí ẩn khiến ta liên tưởng tới phim giật gân hơn là phim hài.

Perfect Strangers bản Đức mang một sắc thái hoàn toàn khác: các nhân vật ăn mặc màu mè hơn, màu phim sáng sủa và các nhân vật rất náo nhiệt! Ngay từ đầu phim đã thể hiện rõ họ là những người bạn thân từ nhỏ, nên tất cả đều thân mật không còn khoảng cách. Cao trào đắt giá đầu tiên là khi Pepe buộc phải thay Leo nhận một “tấm ảnh đặc biệt” từ cô ‘X’. Có thể nói người viết thiên vị nhưng màn đập điện thoại của Pepe hài hước hơn bản gốc nhiều, và phản ứng của những người bạn khi xem tấm ảnh đó lại càng lầy lội, họ la lét om sòm, chạy tới chạy lui như còn trẻ con, trái ngược với Pepe đang khổ sở gánh nạn giùm bạn. Việc đẩy cao trào lên tột đỉnh như vậy khiến việc xem Perfect Strangers bản Đức không khác gì đi tàu lượn.
Khán giả nín thở với một cuộc gọi nóng bỏng, rồi thở phào khi đó chỉ là cuộc gọi chơi khăm. Khán giả hoa mắt ù tai với mấy màn đùa giỡn của các ông các bà, rồi lại nín thở khi vấn đề nghiêm túc thật sự được khơi dậy. Phải nói, đây là bản phim khiến người xem được “sống” cùng với nhân vật, quan tâm thật sự tới số phận nhân vật. Das perfekte Geheimnis đã chứng minh rằng người Đức cũng có thể vui vẻ như thế, nhưng khi cần cất lên tiếng nói công bằng giữa một bộ phim hài, họ thật sự bắt tay nghiêm túc vào việc.
Vấn đề xã hội được khai thác nghiêm túc
Như đã nói ở đầu bài viết, mấu chốt của các bản remake Perfect Strangers đó là văn hóa. Mỗi quốc gia khi dựng lại kịch bản này đều ít nhiều mượn câu chuyện đọc tin nhắn điện thoại để phơi bày không chỉ mặt trái của mỗi con người mà còn là những vẫn đề gia đình, xã hội nhức nhối. Bản Trung là cặp vợ chồng tuy ngoài mặt đề huề nhưng thật ra đã ly hôn, vì con cái mà phải ép mình sống chung dưới một mái nhà, là người phụ nữ bị bạo hành tình dục và tống tiền, là thể diện của người đàn ông khi sống nhờ vào bạn gái tiểu thư, và ở cả 3 bản Hàn Trung Việt, đều đề cập đến tình cảnh người vợ phải lép vế người chồng, không thể đi làm mà ở nhà làm nội trợ và còn bị chồng hiếp đáp…

Bản Đức có sự xoay chuyển tài tình ở đây: mâu thuẫn giữa người vợ đi làm và người chồng ở nhà nội trợ. Vợ chồng Carlotta và Leo là một cặp đôi như thế, nhưng, biên kịch lại tạo thêm một twist nữa để nói lên mặt trái của phong trào nữ quyền: thật ra Carlotta muốn làm bà nội trợ chứ không phải nữ anh hùng đảm việc nước giỏi việc nhà. Cô khao khát được nhìn con mình lớn lên, được nghe tiếng con tập nói, chứ không phải đi làm tới 9h tối mới về và chứng kiến con mình dần quên mất mẹ chúng. Nhưng những người phụ nữ thành đạt như Eva sẽ nhìn cô với ánh mắt thế nào? Cô làm việc trong ngành công nghiệp năng động, trẻ trung, liên tục hô hào về nữ quyền, nhưng việc cô muốn ở nhà nội trợ có gì là sai với nữ quyền? Tại sao cô phải khổ sở gồng gánh như vậy chỉ vì con mắt đánh giá của chị em phụ nữ trong phong trào nữ quyền sục sôi này?
Ngoài tuyến truyện của Carlotta, bí mật của Pepe cũng là câu chuyện chủ đạo trong Perfect Strangers: anh là người đồng tính và đang hứng chịu sư kì thị ở trường, phải chuyển công tác rất khó khăn. Ở đây, một lần nữa dàn biên kịch Đức chứng minh tài năng chuyển thể của mình, khi thay đổi hoàn toàn cái kết để cho ra một Perfect Strangers lạc quan hơn, tươi sáng hơn. Chú ý đoạn sau có tiết lộ kết phim quan trọng, người đọc cân nhắc trước khi đọc tiếp.
Kết phim ấm áp, vẫn còn bí mật bỏ ngỏ
Trong bản gốc của Ý, kết phim tất cả đều ra về bình thường, hạnh phúc bên nhau, bởi vì không ai chơi trò công khai điện thoại đó cả, tất cả chỉ là giả định. Đây là cú twist khiến Perfect Strangers trở thành bộ phim kỳ lạ hơn hết thảy. Nhưng chúng ta đều biết những giả định đó phần nhiều là có thật, bởi khi Bianca và chồng Cosimo về nhà, cô điều hành viên vẫn đang ráo riết cố gọi cho Cosimo để thông báo tin khẩn. Phiên bản của Đức có kết cục khác hoàn toàn, họ bỏ qua giả định mà để cho nhân vật đối mặt với vấn đề của mình và tự hàn gắn. Bianca mạnh mẽ quyết không muốn gắn đời mình với kẻ tệ bạc như Simon, dứt áo ra đi, không quên bày tỏ lòng yêu mến với con người trong sạch như Pepe. Carlotta và Leo thì quyết định cùng nhau vượt qua sóng gió hôn nhân.

Nếu bản gốc của Ý, việc Pepe đồng tính và đang gặp khó khăn trở thành tình huống giả định và đến cuối phim, một mình anh vẫn phải đối mặt với việc đó, thì trong bản Đức có cách xử lý nhân văn hơn. Bạn bè của Pepe đã giúp anh chống lại kẻ bắt nạt mình theo cách rất “băng đảng”, nhưng đó cũng là chi tiết ấm áp nhất của phim: Pepe sau khi bị tổn thương và nghĩ rằng chính người thân cũng không chấp nhận mình, cuối cùng đã quay lại vòng tay bạn bè khi họ chuộc lỗi bằng cách giúp đỡ anh. Sau cùng họ vẫn là bạn bè, những chàng trai quậy phá đến tóe máu ở đầu phim. Và khoan… cặp vợ chồng bác sĩ Eva và Rocco vẫn giữ kín bí mật đen tối của mình, cho đến tận cuối phim.
Bản remake tựa đề Das perfekte Geheimnis của Đức là một sự sáng tạo đáng khen ngợi, tất cả đều được mài giũa kỹ càng chứ không chỉ là bản lười biếng copy lại mọi chi tiết. Sau bài viết này, người viết chỉ còn chờ đợi phiên bản Perfect Strangers của Mỹ và Nhật, hai nền điện ảnh khổng lồ khác, hứa hẹn sẽ có những đột phá cho kịch bản gốc đình đám này.