‘Love Alarm’: Tựa phim phản ánh thời cuộc và hình ảnh ẩn dụ về mặt trái của công nghệ trong ‘chuông báo tình yêu’

Như đã biết, mùa 2 của Love Alarm đã khiến khá nhiều fan thất vọng vì cái kết bám sát webtoon và cho Jojo lựa chọn đáp lại tình yêu của Hye-Yeong thay vì Sun-Oh. Đã có một số ý kiến cho rằng nhà biên kịch rất đáng trách khi cho “nữ chính yêu nam phụ”. Tuy nhiên trên thực tế cả hai nhân vật Hwang Sun-Oh và Lee Hye-Yeong đều là nam chính được tạo ra ở vị trí ngang bằng, nhưng buộc nữ chính phải chọn một để phục vụ cho mục đích truyền tải thông điệp chủ đạo của nguyên tác.

Để hiểu hoặc ít nhất là chấp nhận thông điệp chủ đạo này, chúng ta cần có một cái nhìn toàn cảnh về Love Alarm – loạt phim được mô tả là đã thể hiện sự pha trộn hoàn hảo giữa các yếu tố đắt giá từng gặp trong Black Mirror và Mean Girls. Tất nhiên, nó đậm nét Á Đông và phản ánh rõ nét bối cảnh và các vấn đề xã hội tồn tại ở các nước phát triển thuộc Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… nhờ vậy mà nó cũng gần gũi và thấm thía hơn đối với khán giả Việt Nam.

Bối cảnh phim phản ánh thời cuộc

Như đã biết, Love Alarm xoay quanh những con người trẻ bị cuốn vào vòng xoáy của việc leo lên nấc thang xã hội, tìm kiếm tình yêu đầu tiên trong khi vẫn phải đạt thành tích tốt ở trường, những học sinh trung học này luôn gánh chịu áp lực nặng nề. Giữa bối cảnh rất thật ấy, phương tiện truyền thông chỉ khuếch đại sự thái quá của hệ thống phân cấp xã hội bất công và đôi khi độc hại.

Một số khái niệm mới cũng được đặt ra, ví dụ như “popular kids” (những người trẻ nổi tiếng) – họ không chỉ đạt được vị thế cao hơn ở trường, mà còn có thể nhận được nhiều “lượt thích” hơn trên các bài đăng Instagram của mình. Cũng từ đó mà sự bắt nạt trong trường học mở rộng ra trên thế giới trực tuyến, dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần và thậm chí là tự tử.

Các nhân vật của Love Alarm được đặt vào một thế giới hư cấu hào nhoáng nhưng đầy hiểm họa như vậy, nơi một ứng dụng hẹn hò tên là Love Alarm có chức năng “rung chuông” mỗi khi ai đó trong bán kính 10 mét “yêu” bạn. Bằng cách nào đó, ứng dụng được “kết nối với trái tim” của người dùng và hứa hẹn tính xác thực cho kết quả cuối cùng.

Nếu thực sự hiện diện ngoài đời thật, một tính năng đầy triển vọng như thế có thể khiến bậc thầy công nghệ Elon Musk hào hứng bởi nó sẽ rất phù hợp cho dự án Neuralink của ông ấy. Ngoài chi tiết sáng tạo về “chuông báo tình yêu”, loạt phim theo đúng format “high school drama” điển hình.

Trong phim, sự phổ biến của ứng dụng Love Alarm chỉ làm tăng thêm căng thẳng cho cuộc sống của các học sinh trung học, nó tạo ra chỉ số định lượng về thứ bậc, áp đặt khía cạnh phức tạp cho các mối quan hệ bạn bè, cũng như tình yêu mới chớm nở, trên thực tế nó đã khoét sâu hơn những mâu thuẫn.

Hiệu ứng này tương tự như cách thanh thiếu niên trong thời buổi hiện đại cố gắng để thể hiện và có được nhiều sức ảnh hưởng hơn trên mạng xã hội, một số học sinh trong phim cũng đã cạnh tranh để có được nhiều lượt chuông báo tình yêu nhất. Suy cho cùng, đó cũng chỉ là một cách để phông bạt, đánh bóng tên tuổi cá nhân.

Các nhân vật giữa vòng xoáy thực và ảo đan xen

Hwang Sun-oh (Song Kang thủ vai) là một nhân vật thuộc mô típ “người trẻ nổi tiếng” đã nhắc đến ở trên. Cha mẹ của cậu vốn là chính trị gia và nữ diễn viên nổi tiếng, họ giàu có và quyền lực. Bản thân Sun-oh cũng là một người mẫu đầy tiềm năng. Cậu ta vừa từ Mỹ về và chuyển đến trường trung học địa phương. Khi Sun-oh bước vào khuôn viên trường, Love Alarm của cậu dường như bùng nổ với những chuông báo từ hầu hết các cô gái xung quanh. Trong khi đó, Kim Jojo (Kim So-hyun) lại là một học sinh rất khác.

Mồ côi khi còn nhỏ, Jojo sống với người dì bạo hành và người chị em họ nổi tiếng là Gul-mi (Go Min-si), Gul-mi có tham vọng muốn Sun-oh phải rung chuông ứng dụng Love Alarm vì cô ta. Tuy nhiên, thay vào đó, Sun-oh nảy sinh tình cảm với Jojo và cả hai bắt đầu một mối quan hệ lãng mạn. Thêm vào đó là cậu học sinh yêu judo Il-sik – bạn trai cũ của Jojo, một gã mọt sách bị xã hội ruồng bỏ như Duk-gu. Cuối cùng là Lee Hye-yeong, nhân vật theo mô típ kinh điển “người bạn thân thích cùng một cô gái” của Sun-oh.

Loạt phim đen tối hơn bạn nghĩ

Thoạt nhìn, với bối cảnh và nhân vật như vậy, có thể bạn đang nghĩ rằng Love Alarm chỉ là một bộ highschool drama bình thường với những vấn đề của tuổi mới lớn như tìm hiểu bạn khác giới hoặc xung đột để chứng tỏ bản thân. Thế nhưng khi bạn bóc tách được ra các hình ảnh trừu tượng và xem xét kỹ hơn các yếu tố của câu chuyện, hay ít nhất là có đọc qua webtoon, bạn sẽ thấy rằng Love Alarm trên thực tế khá đen tối và tàn nhẫn.

Thậm chí, người xem Netflix có thể sẽ nhận thấy Love Alarm đang ở một mức độ nghiêm trọng giống như Black Mirror hay 13 Reasons Why hơn là High School Musical. Không chắc tác giả Chon Kye-young có ý định cho Love Alarm trở một bộ webtoon mang hơi hướng “dystopia” hay không (thể loại văn hóa phẩm hư cấu có chủ đề phản địa đàng), nhưng nó rõ ràng là có yếu tố như vậy.

Trong phim, chả có nhân vật nào nhận được vô số lượt rung chuông từ ứng dụng như Sun-oh, cậu ta quá hấp dẫn và nổi tiếng đến mức mọi cô gái đều hướng về cậu, nhưng điều đó cũng khiến tất cả những lượt rung chuông đó đối với cậu đều chỉ là con số, chúng không có ý nghĩa gì nhiều với Sun-oh cả.

Ngược lại, có người gần như bị xã hội lãng quên, mặc cảm và tự trách mình chỉ vì họ không nhận được một lượt rung chuông nào. Hậu quả là đã có những vụ tự tử xảy ra, dẫn đến việc nhóm hoạt động chống Love Alarm được thành lập để phản đối ứng dụng và kêu gọi người dùng gỡ cài đặt nó.

Trong khi đó, Gul-mi sử dụng các biện pháp khắc nghiệt để cố gắng mua được các lượt rung chuông, giống như cách những người nổi tiếng hay doanh nghiệp trên Facebook và Instagram muốn mua lượt thích hoặc tương tác “ảo” từ các agency cung cấp dịch vụ vậy. Loạt phim đã đưa ra ánh sáng mặt tối của mạng xã hội, cách nó tác động đến lòng tự trọng của con người trong thời đại mới, hay là cách nó làm cho mối quan hệ của chúng ta trở nên hời hợt hơn.

Xét cho cùng, nếu có đến hàng nghìn người bấm “yêu” bạn qua ứng dụng Love Alarm, thì rõ ràng tình yêu đó đã trở nên vô cùng rẻ mạt. Mỗi tập phim đều kết thúc với một ghi chú về nỗi ám ảnh trên mạng xã hội, trong đó đắt giá nhất là câu nhắc nhở rằng “con số mạnh mẽ nhất là con số 1 [người yêu bạn]”. Bạn không cần hàng nghìn lượt “yêu” qua ứng dụng, bạn chỉ cần 1 người thực sự yêu mình mà thôi.

Có một làn sóng phản đối trên mạng xã hội cho rằng cái kết này khá khiên cưỡng, bởi Jojo và Hye-Yeong đến với nhau trong một tình huống bất chấp sự quan tâm của cô ấy dành cho Sun-Oh vẫn còn, đồng thời lựa chọn của Jojo cũng đi ngược lại với những gì Love Alarm đã hiển thị. Tuy nhiên, mấu chốt ở đây là Jojo nhận ra rằng chỉ nên lắng nghe trái tim mình và lựa chọn, chứ không phải bị chi phối bởi một thuật toán của ứng dụng di động.

Thông điệp mà tác giả Chon Kye Young muốn truyền đạt khi thực hiện webtoon Daum vốn là như thế, có thể bạn vẫn thấy nó không thuyết phục, nhưng ít nhất có thể đồng cảm và chấp nhận cách thể hiện của nguyên tác. Tất nhiên, khi một tác phẩm chuyển thể lên màn ảnh thì nó có những yếu kém nhất định, không thể truyền tải hết mọi chi tiết như nguyên tác, do đó sẽ có những chỗ sượng khiến khán giả khó tính không chấp nhận.

Leave a Reply

error: You are not allowed to copy this page, Thank you!