Love, Death + Robots: Tập 26 – The Drowned Giant

The Drowned Giant (Người Khổng Lồ Chết Đuối) là tập cuối của Love, Death & Robots Mùa 2, mình chọn tập phim này để viết riêng vì có nhiều bạn đã đặt câu hỏi về ý nghĩa của nó. Hơn nữa, đây cũng là tập phim gửi gắm thông điệp mạnh mẽ và sâu xa trong số 8 tập của Mùa 2. The Drowned Giant được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn người Anh J.G. Ballard, là một trong những tác giả truyền cảm hứng cho làn sóng tiểu thuyết khoa học viễn tưởng chủ đề hậu tận thế vào những năm 1960.

the-drowned-giant-netflix-love-death-robot-season-2-2021
The Drowned Giant, chuyển thể từ tác phẩm nổi tiếng của J.G. Ballard.

Mình đã mất khá nhiều thời gian để đọc và tìm hiểu thêm về phong cách của J.G. Ballard, quá khứ của ông, cũng như một số bài phân tích văn học có thể tìm được trên mạng về truyện The Drowned Giant. Sau đây mình sẽ cố gắng recap và trình bày một cách dễ hiểu thực tế nhất về nội dung, ý nghĩa và câu chuyện phía sau truyện ngắn này. Trên thực tế, trước khi Love, Death & Robots mùa 2 lên sóng thì nguyên tác của J.G. Ballard cũng không quá phổ biến, hiện cũng có khá nhiều topic được lập ra trên khắp các diễn đàn quốc tế để thảo luận về tập phim này.

Đôi nét về cuộc đời tác giả J.G. Ballard

Trước hết, bạn cần biết rằng J.G. Ballard (sinh năm 1930 mất năm 2009) là một người có nền tảng giáo dục tốt, xuất thân từ một gia đình Anh giáo có của ăn của để. Cha ông là nhà hóa học, giám đốc kiêm chủ tịch của công ty dệt may Calio Printer’s Association chi nhánh Trung Quốc.

Ballard sinh ra tại Trung Quốc vì cha mẹ ông đến đây làm việc và sinh sống tại Khu dân cư quốc tế Thượng Hải để thuận tiện quản lý công ty. Lớn lên, ông học lớp học của nhà thờ Anh giáo tại Bến Thượng Hải. Nói chung, Ballard ngoan đạo, tin vào Chúa, tiếp xúc với khoa học kỹ thuật sớm và cũng nếm trải Thế chiến 2 từ bé, những yếu tố này ảnh hưởng nhiều đến phong cách sáng tác sau này của ông.

Sơ lược nội dung The Drowned Giant

Câu chuyện bắt đầu với một tin đồn rằng một cái gì đó kỳ lạ đã trôi dạt vào bãi biển, và nó rất lớn. Không phải một con cá voi, mà chính xác là một người khổng lồ. Đó là một thanh niên có vóc dáng và sắc đẹp hoàn hảo, như tượng tạc hoặc bước ra từ những câu chuyện thần thoại Hy Lạp, anh ta khỏa thân, nằm ngửa và dường như đã chết đuối.

Người dân từ một ngôi làng gần đó tụ tập để chứng kiến ​​cảnh tượng kỳ vĩ này, ban đầu họ dè dặt, nhưng càng về sau, họ đến gần hơn, leo lên trên xác chết và làm đủ trò trịch thượng. Người duy nhất không hài lòng với những hành vi lố bịch đó là Steven – một nhà nghiên cứu ở độ tuổi trung niên và có vẻ khắc kỷ.

The Drowned Giant nói về những vẻ đẹp đã mất.

Thời gian trôi qua và sức hấp dẫn của người khổng lồ dần không còn nữa. Ba ngày sau, chỉ còn Steven trông nom và ngẫm nghĩ về cái xác. Trong suốt tập phim, chúng ta thấy cơ thể của người khổng lồ chết đuối ngày càng xấu đi, hầu hết là do quá trình phân hủy tự nhiên, cũng như tác động của thời tiết cực đoan và động vật hoang dã tới rỉa xác.

Tuy nhiên, dân làng và những người khác ở ngoài thị trấn cũng đến cưa xương cắt thịt người khổng lồ để lấy đi một phần “chiến lợi phẩm” cho riêng họ. Trong khi đó, nhiều thanh niên cố gắng để lại dấu ấn của mình bằng cách để lại hình vẽ graffiti lên cơ thể người khổng lồ.

The Drowned Giant tượng trưng cho những giá trị cao quý bị bôi nhọ.

Chẳng bao lâu sau, số lượng graffiti xuất hiện trên người khổng lồ càng nhiều, các bộ phận như chân tay của cái xác bị cắt mất, thậm chí một số người địa phương đã xẻo thịt và nấu nướng để ăn. Cơ thể xinh đẹp ngày trước đã không còn nhìn ra vóc dáng con người nữa vì chiếc đầu lẫn bộ phận sinh dục cũng bị người dân cắt mang đi để trục lợi.

Dân làng tận dụng chúng để làm những vật trưng bày ở gánh xiếc hoặc cơ sở kinh doanh của họ. Cuối cùng thì cái xác cũng thối rữa theo thời gian và không còn gì hơn ngoài những cái xương cong, cao, trở thành nơi nghỉ chân của bọn mòng biển. Không còn ai nhớ đến người khổng lồ, không còn ai xuýt xoa trước nét đẹp của anh ta, chỉ có Steven lặng lẽ bên bờ biển và nuối tiếc.

Ý nghĩa ẩn dụ của cái xác khổng lồ

Cái xác là biểu tượng mang tính siêu hình và là phép ẩn dụ tài tình của tác giả. Thứ nhất, nó tượng trưng cho một sự hoàn hảo tuyệt đối, thông qua sự hiện diện của cái xác, vốn là một giống loài người khổng lồ không rõ nguồn gốc nhưng to lớn và xinh đẹp không tì vết, J.G. Ballard đã chứng minh Chúa toàn năng có tồn tại. Sự toàn thiện đó đã từng được tạo tác thông qua bàn tay nhào nặn của Chúa, nó là di sản của Người và khi so sánh với nó con người trở nên nhỏ bé, xấu xí và không đáng nhắc tới.

Truyện lẫn phim không đào sâu giải thích nguồn gốc cái xác, hàm ý rằng sự tồn tại của giống loài này quá ưu việt, nằm ngoài tầm với của văn minh nhân loại, cũng như chúng ta chưa đủ năng lực để biết và giải mã sự hiện diện của đấng toàn năng. Đứng trước vẻ đẹp đó, con người chỉ có thể trầm trồ, xuýt xoa, ngạc nhiên và tất cả đều chú tâm vào nó. Mặc dù vậy, cái đẹp đó ĐÃ CHẾT, và nó bắt đầu cho ý nghĩa ẩn dụ thứ hai.

nguoi-khong-lo-chet-duoi
The Drowned Giant cũng chỉ ra sự suy đồi của nhân tính.

Thứ hai, cái xác và sự phân hủy tự nhiên/hủy hoại có chủ đích của nó tượng trưng cho nhân tính. Ban đầu, con người đều có thể có tính thiện, nhưng theo thời gian, nó có thể biến tướng, trở nên xấu xa và thối nát. Như vậy cái đẹp toàn thiện do Chúa tạo ra đã chết, chết ngay trong lòng của mỗi con người vì những toan tính cá nhân hèn mọn, dơ bẩn và bệnh hoạn.

Cũng tương tự như xác người khổng lồ hoàn hảo ban đầu đã dần thối rữa và không còn được người đời chiêm ngưỡng nữa, họ cắt xẻo nó để tư lợi cho riêng mình, trưng bày rải rác mỗi nơi một thứ như bộ phận của những con sinh vật biển kỳ dị – một cách đối xử thiếu tôn trọng, không còn ai quan tâm đến nguồn gốc và giá trị ban đầu trong cái đẹp của tạo hóa nữa.

review-love-death-robot-nguoi-khong-lo-chet-duoi

Thông qua hình ảnh người khổng lồ chết đuối, tác giả muốn truyền tải thông điệp mạnh mẽ về sự suy đồi của nhân tính có thể diễn ra nhanh và khó lường như thế nào, và khi điều đó xảy ra, những lời hay ý đẹp mà các bậc hiền nhân như Chúa, Phật đã để lại cho con người cũng sẽ bị lãng quên và không còn tác dụng gì nữa.

Hay tệ hơn, các di sản đó thậm chí còn có thể bị xuyên tạc và lợi dụng vì những ham muốn nhỏ bé. Như cái xác của người khổng lồ xinh đẹp bị cắt xẻo để biến thành trò đùa. Trong bối cảnh đó, người thực sự nhìn ra giá trị đáng chiêm nghiệm từ sự vật, sự việc thì lại đơn độc và im lặng, thậm chí là bất lực và cam chịu như nhân vật nhà nghiên cứu Steven vậy.

Tác giả mất niềm tin vào nhân loại

Như đã nói ở trên, J.G. Ballard sinh ra trong một gia đình thượng lưu, cha là nhà tư bản, ông đã sống thời niên thiếu trong cảnh thịnh vượng cho đến khi xung đột Trung – Nhật diễn ra năm 1937 và Thế chiến 2 xảy ra sau đó vào năm 1939 khiến cả gia đình ông bị ảnh hưởng, họ phải di tản để tránh làn tên mũi đạn và sống trong cảnh thiếu thốn ở những trại tập trung.

the-drowned-giant-review-gaumeothuckhuya

Bản thân J.G. Ballard vì vậy mà chứng kiến tất cả những sự thay đổi của thế giới và của con người. Ông có cơ hội trải nghiệm cả sự giàu sang và khổ cực ngay từ khi còn trẻ, đồng thời thông qua đó cũng nhận biết được bản chất hay thay đổi của con người trong buổi loạn ly, rằng họ có thể trở nên xấu xa như thế nào. Các bạn có thể đọc về những tập phim khác của Love, Death & Robots Mùa 2 trong bài viết tổng hợp này. (Bài viết chính chủ, báo mạng copy vui lòng để nguồn.)

Leave a Reply

error: You are not allowed to copy this page, Thank you!