Love, Death + Robots: Tập 19 – Automated Customer Service

Automated Customer Service

Được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của tác giả John Scalzi, mặc dù tập phim không để lại ấn tượng mạnh mẽ như cách series Love, Death & Robots đã bắt đầu mùa 1 với Sonnie’s Edge, nhưng Automated Customer Service vẫn đáng xem, vì nó đầy châm biếm, hài hước một cách đen tối. Nó không cần tìm đến một tương lai xa xôi nào để nhìn thấy sự suy đồi của nhân tính, mà những gì tập phim đang thể hiện đã ở rất gần và đang diễn ra rồi.

Love-Death-Robots-Automated-Customer-Service
Ảnh minh họa: Automated Customer Service

Một cộng đồng dân cư cao cấp?

Bối cảnh phim diễn ra tại cộng đồng dân cư “cao cấp” nơi những người già về hưu có thể tận hưởng cuộc sống an nhàn của họ, mọi thứ đều được chăm lo bởi bọn máy móc mà tiêu biểu là Vacuubot Extreme Clean – con robot hút bụi thông minh có thể làm được hết tất cả việc nhà. Chúng ta gặp Jeanette – một quý bà sống cùng con chó poodle của mình và ông hàng xóm Bill. Họ đang có một ngày bình thường như mọi ngày thì bỗng Jeanette gặp xung đột với Vacuubot một cách hết sức vô duyên.

Ảnh minh họa: Automated Customer Service

Vaccubot dường như bị trục trặc và nó muốn giết Jeanette, bà và con chó của mình phải chiến đấu để sinh tồn trong khi sử dụng điện thoại để tìm kiếm sự giúp đỡ từ dịch vụ chăm sóc khách hàng tự động vô cùng không hữu ích. Ngay cả khi Vacuubot bị Jeanette tiêu diệt với sự giúp đỡ của Bill, nó vẫn có thể chuyển tiếp tất cả thông tin về bà cho những đồng loại khác ở gần đó.

Lúc này, người phụ nữ xấu số sẽ buộc phải sống một đời lang bạt và trốn chạy liên miên trừ khi bà trả thêm tiền để được ghi tên vào danh sách trắng của công ty Vacuubot, lúc đó bọn robot sẽ không truy đuổi bà nữa.

Chuyện gì đang thực sự xảy ra?

Tác giả John Scalzi đã có chủ đích phản ánh thực trạng xã hội, chỉ ra một số vấn đề bất cập đang tồn tại ngay trong ngày nay. Truyện ngắn không những châm biếm sự vô dụng của dịch vụ tổng đài trả lời tự động, thứ mà chúng ta thường rất mệt mỏi khi phải đối mặt, mà còn chỉ ra chiêu trò láo toét của những tập đoàn công nghệ lớn đã o ép và trục lợi đối với người dùng.

Khi sản phẩm của họ gặp lỗi, khách hàng thường nhận được những câu giải thích theo kiểu “đó không phải lỗi, mà là tính năng”, nghe rất quen phải không?

Ảnh minh họa: Automated Customer Service

Trong trường hợp này, John Scalzi khai thác những góc khuất còn tăm tối hơn, rằng những kẻ nắm giữ và thao túng công nghệ không chỉ mặt dày, họ còn lợi dụng sự lệ thuộc của khách hàng vào sản phẩm để vơ vét thêm nữa. Trong tình huống của Jeanette, trên thực tế con Vacuubot đã không trục trặc, nó được lập trình có chủ đích để gây hấn với chủ nhân vào một thời điểm nào đó để có cớ truy sát họ.

Chính vì lý do này mà một con robot hút bụi thông thường lại được trang bị chế độ tấn công người với súng laser và súng điện taser. Trong lúc đó, tổng đài trả lời tự động chẳng những không giúp mà sẽ càng đưa Jeanette vào một tình huống nguy hiểm hơn.

Love-Death-Robots-Automated-Customer-Service-ending
Ảnh minh họa: Automated Customer Service

Tất cả những sự đe dọa và gây hấn đó chỉ vì một mục đích sau cùng là tống tiền người dùng, buộc Jeanette phải trả thêm chi phí để được an toàn, hoặc bà sẽ phải chạy trốn mãi mãi. Trong thời đại này, thiết bị công nghệ cao là thiết yếu và chúng ta đôi khi không thể sống mà không có nó, điều đó khiến chúng ta vô tình trở thành nô lệ cho máy móc vô tri.

Thực ra, máy móc tuy vô tri, nhưng chúng được thao túng bởi những bộ óc khác to lớn hơn và thâm hiểm hơn ở phía sau. Bất kỳ ai đã tạo ra Vacuubot, đó mới là kẻ phản diện thực sự trong tập phim.

Không xuất sắc nhưng vẫn ổn

Nói chung, Automated Customer Service có mô típ không mới, nó khiến ta liên tưởng đến sự kết hợp giữa Wall-E và Animatrix. Mặc dù không phải một khởi đầu mạnh mẽ và thuyết phục cho mùa 2, tuy nhiên tập phim vẫn mang lại một số niềm vui nho nhỏ. Phong cách nghệ thuật trong tập này cũng độc đáo, người xem có thể cảm nhận họ đang xem gia đình Simpson theo phong cách photorealistic.

Love-Death-Robots-Automated-Customer-Service-style
Ảnh minh họa: Automated Customer Service

Lại nói về cái kết, Jeanette chọn rời đi cùng Bill, bà chấp nhận trốn chạy suốt phần đời còn lại, đây cũng là chi tiết mang tính biểu tượng khi bà ấy chọn một cuộc sống tự do, bất kể đặt tính mạng của mình vào rủi ro thay vì trả thêm tiền cho công ty vận hành Vacuubot. Nó thể hiện mong muốn của tác giả để thoát khỏi những sự lệ thuộc và vơ vét trong thế giới hiện đại. Tuy nhiên, đó chỉ là mơ ước mà thôi, vì trong hầu hết các tình huống tương tự ngoài đời thật, bạn sẽ phải móc hầu bao.

Love-Death-Robots-Automated-Customer-Service-explained
Ảnh minh họa: Automated Customer Service

Jeannette cũng cho thấy sự tồn tại của nhân tính nơi bà khi đã không hy sinh con chó của mình, đơn giản, nó là sinh vật gần gũi nhất bầu bạn với bà. Thế còn con cháu của bà đâu? Tại sao tất cả người già sống một mình trong khu dân cư như vậy? Đây cũng là một hiện tượng cần bàn đến. Trong thời nay, người già về hưu hay bị con cháu bỏ rơi một mình, bất kể họ có giàu sang nhưng xung quanh cũng chỉ toàn máy móc lạnh lẽo.

Nếu con người ta quan tâm chăm sóc và gần gũi nhau hơn, đồng thời ít lệ thuộc vào máy móc công nghệ hơn, thì khá chắc thảm kịch trong tập phim đã không xảy ra. Bạn có chắc rằng mình sẽ không rơi vào tình trạng như Jeanette trong tương lai không? Cũng đáng suy ngẫm chứ?

Leave a Reply

error: You are not allowed to copy this page, Thank you!