Tại sao Netflix lại thích phát hành tất cả các tập phim cùng một lúc?

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Disney+ gần đây với series về Loki – một nhân vật cực “hot” đã và đang chiếm sóng truyền thông thời gian gần đây một lần nữa lại khiến người ta đặt câu hỏi: Disney+ chọn mô hình phát sóng cũ mỗi tuần một tập phim, khiến series được bàn luận và ‘gây bão’ trong một thời gian dài hơn.

Liệu ông lớn Netflix, công ty nổi tiếng đã tạo nên nét văn hóa binge-watching (cày liên tục nhiều tập phim của một series, có khi một đêm đã xong một mùa) có thấy lo lắng hay không? Tại sao Netflix không chọn cách phát sóng mỗi tuần để giữ chân khán giả nhiều hơn?

Kể từ khi phát sóng nội dung độc quyền từ năm 2013, Netflix đã đảo lộn mô hình phát sóng khi không còn chuyện để người xem chờ đợi mỗi tuần nữa, mà ngay cùng một lúc phát hành tất cả các tập phim. Người dùng có quyền cày hết một lượt, hoặc nhâm nhi tùy theo khả năng sắp xếp thời gian của họ.

netflix-mug

Tại sao Netflix quyết gắn bó với hình thức phát sóng cùng lúc?

Xuất phát là công ty cho thuê băng đĩa với tuổi đời già hơn Google, có lẽ hình thức phát sóng này bắt nguồn từ những ngày xưa cũ, khi khách hàng của họ là những người tới thuê một lượt cả series và xem hết có khi chỉ trong một đêm. Netflix chính là đầu tàu tạo nên văn hóa binge watching và khả năng cao họ không muốn phá vỡ nền văn hóa gây dựng nên thương hiệu.

Thế nhưng đó cũng chỉ là một phần rất nhỏ của các lý do. Nên nhớ rằng Netflix là công ty vận hành dựa trên dữ liệu người dùng thu thập được, thế nên từng bước đi của họ đã được chống lưng bằng số liệu nói lên hành vi người dùng trong đời thực. Họ thu thập, nghiên cứu, và có thuật toán để diễn giải hành vi đó. Giám đốc nội dung của Netflix – ông Ted Sarandos đã chia sẻ:

1. Trước khi thực hiện bất kỳ bước đi nào, Netflix đã có trong tay dữ liệu. Từ dữ liệu, họ phát hiện ra rằng: Người dùng có xu hướng duy trì xem mỗi lần một series. Tức là nếu họ quyết định cày Breaking Bad, thì sẽ dành nhiều tuần, nhiều tháng để xem cho hết Breaking Bad trước khi chuyển sang series khác. Thế nên, nếu chuyển sang hình thức phát sóng mỗi tuần, Netflix sẽ bị mất khách nhiều hơn.

ted-sarandos-co-chief-executive-officer-and-chief-content-officer-for-netflix

2. Việc phát hành hàng tuần không còn mấy ý nghĩa nữa: Người dùng đang dịch chuyển hành vi từ việc canh giờ phát sóng hằng đêm trên TV sang xem một lượt bằng cách thuê đĩa và các hình thức xem phim series khác. Họ có quyền và có nhiều cách để thỏa mãn bản thân khi xem một loạt phim yêu thích.

Tuy nhiên, vẫn không quá cứng nhắc với hình thức binge-watching, Netflix đã có thử nghiệm hình thức phát sóng mỗi tuần với các nội dung originals của mình, đơn cử là The Circle, Love Is Blind và mùa mới nhất của The Great British Bakeoff. Đồng thời, họ cũng chạy show hẹn hò thực tế tương tự là Too Hot To Handle, giữ nguyên cách phát sóng như cũ để kiểm tra hiệu quả.

Một lần nữa, số liệu đã cho thấy Netflix chưa thể thay đổi hình thức phát sóng ngay được. “Khán giả của chúng tôi đã lên tiếng, rằng họ thích được cày một lúc cả mùa phim hơn. Họ hài lòng với hình thức binge-watching”. Ngoài ra, những show thi tài khác như Rhythm & Flow, Netflix vẫn phát sóng hằng tuần để không bị lộ người chiến thắng sau cùng.

Tương lai sắp tới có gì?

Cuộc chiến nền tảng streaming lại càng gay cấn hơn với sự trỗi dậy của Disney+, một ông lớn lắm tiền nhiều của không kém gì Netflix, quyết gắn bó với hình thức phát sóng hằng tuần truyền thống. Đây có thể nói là một cuộc chiến văn hóa nữa bởi Disney đã tuyên bố rằng với từng nội dung mà họ sản xuất, họ muốn tạo nên ảnh hưởng văn hóa khi mà người dùng mỗi tuần đều có thể bàn luận về tập phim chứ không phải xem một lược rồi chuyển ngay sang tựa phim khác.

“Công việc hiện tại của chúng tôi có thể khó khăn, nhưng không khó đến thế, bởi vì chiến lược nội dung của chúng tôi là tập trung vào chất lượng chứ không phải số lượng.” – Michael Paull, chủ tịch nền tảng Disney+ và ESPN+ chia sẻ, “Nội dung của chúng tôi được chọn lọc và biên tập để phục vụ khán giả”.

michael-paull
Michael Paull, chủ tịch nền tảng Disney+ và ESPN+

Binge-watching hay chờ mỗi tuần, đây vẫn là vấn đề còn được thảo luận dài dài. Chưa kể còn tùy vào từng loại nội dung mà ta mới quyết định được hình thức phát sóng nào tối ưu cho chúng. Có lý luận cho rằng, cái hay của việc phát sóng mỗi tuần một tập phát huy sức mạnh của nó nếu series đó có nhiều twist, thuyết âm mưu, lắm bất ngờ như Game of Thrones, Breaking Bad, Walking Dead

the-witcher-kaer-morhen
Liệu The Witcher có tăng được sức hút nếu khiến ta chờ đợi mỗi tuần?

Ai phản bội ai, ai sẽ chết, cũng như tập phim cuối cùng sẽ luôn gây bão và làn sóng bàn luận sôi nổi hơn hẳn. Thế nên khi series tương tự của Netflix là The Witcher ra mắt, các chuyên gia đã cho rằng binge-watching cho series này là bước đi thiếu sáng suốt của Netflix.

Kết

Hiện tại, không có dấu hiệu nào cho thấy Netflix sẽ thay đổi chiến lược của mình, mặc cho những thách thức mới như Disney+. Điều này thì còn phải xem trong thời gian xa, mô hình của Disney+ chứng minh được sức hút mạnh mẽ tới đâu mới khiến Netflix phải suy nghĩ lại.

Còn bạn, với tư cách là người dùng, bạn ưa chuộng hình thức nào hơn?

Leave a Reply

error: You are not allowed to copy this page, Thank you!