Netflix vừa qua đã cho ra mắt series phim tài liệu dài “This Is Pop” – khám phá những câu chuyện phía sau nền âm nhạc thị trường. Series có 8 tập phim, mỗi tập khai thác một khía cạnh, kiến thức về nhạc Pop Âu Mỹ. Trong bài viết này, Gấu Mèo muốn đi sâu vào một tập phim yêu thích nhất – “Stockholm Syndrome“.
Đây là lối chơi chữ sử dụng thuật ngữ tâm lý đặt theo tên thủ đô Thụy Điển, quốc gia có diện tích không lớn lắm ở châu Âu nhưng là cái nôi, nơi sản sinh ra những giai điệu bắt tai thống trị thị trường âm nhạc suốt nhiều thập kỷ. Hay còn gọi là ‘Swedish Music Miracle’ – điều kỳ diệu của âm nhạc Thụy Điển. Làm thế nào Thụy Điển làm được điều đó?

Thử lật lại MV bài “Show Me The Meaning Of Being Lonely” của Backstreet Boys, bạn sẽ thấy một dòng đề tặng “Dành cho Denniz PoP và những ai mất đi người họ yêu thương”. Denniz PoP là ai mà ban nhạc tri ân như vậy?
Denniz Pop tên thật là Dag Krister Volle, xuất phát điểm từ một DJ ở Stockholm cho đến bố già của nhạc Pop hiện đại. Denniz là người đặt ra nền tảng cho thứ giai điệu dễ nghe, bắt tai, khiến ta phải nghe đi nghe lại nhiều lần một bài hát. Nếu thứ âm thanh ma thuật đó cứ lẩn quẩn trong đầu và khiến bạn vô thức hát theo, dù không thích bài hát đó lắm, thì đó chính là di sản của Denniz đấy.

1. BẮT ĐẦU TỪ SỰ PHÁ CÁCH CỦA ABBA
Thế nhưng trước khi đi sâu vào hành trình đưa Thụy Điển vào bản đồ âm nhạc thế giới của Denniz, ta phải nhắc đến những người tiên phong – ABBA, ban nhạc huyền thoại hoạt động sung sức và đạt thành tựu rực rỡ vào những năm 80 của thế kỷ 20. ABBA là ban nhạc đầu tiên đưa cái tên Thụy Điển vươn ra ngoài châu Âu và đến Mỹ. Là một quốc gia giàu có nhưng nhỏ, thành công của một nghệ sĩ vẫn cần được xác định qua doanh thu ở thị trường lớn là Mỹ và ABBA đã làm được điều đó.

Tất cả bắt đầu bằng một suy nghĩ phá cách. Buổi đầu mới thành lập, ABBA chỉ là ban nhạc chuyên hát cover nhạc của người khác. Một ngày, thành viên nhóm Benny Andersson nghĩ: “The Beatles tự viết nhạc của họ. Nếu họ làm được, mình cũng làm được”. Để thúc đẩy tên tuổi của nhóm, ABBA quyết định tham gia cuộc thi âm nhạc châu Âu Eurovision năm 1974, nhưng hát bằng tiếng Anh để tạo tiếng vang xa hơn. ABBA cũng có những đột phá khác như trang phục và quan trọng là bài hát giúp họ giành giải – “Waterloo”.
Trước những gia điệu bắt tai của Denniz và trước cả Waterloo của ABBA, Thụy Điển có phong cách nhạc Schlager – nói chung đó là phong cách âm nhạc đại chúng ở châu Âu, ca từ đơn giản, tập trung vào giai điệu, vui vẻ, tình cảm. Tại Eurovision, ABBA vẫn giữa tinh thần của Schlager, nhưng Waterloo là một bài nhạc rock, điều chưa từng có ở cuộc thi này, trước đó người ta hay hát những bản ballad tình cảm, nhẹ nhàng hoặc những bản nhạc vui vẻ. Những điều bình thường chúng ta thấy bây giờ thật ra là rất lạ lẫm vào thời ấy.

Và ABBA đã chiến thắng, mở đường cho âm nhạc Thụy Điển vươn tới thị trường Mỹ. Phải nói thêm, thời điểm mới nổi ABBA không được lòng dân nội địa lắm mà chủ yếu làm mưa làm gió ở nước ngoài. Bởi hình ảnh của họ “không được khiêm nhường với một nước xã hội chủ nghĩa”, các bài hát của họ mang tính thương mại, không nói về những trăn trở của con người bình thường, nói như phụ huynh ta là nhạc nhẽo nhảm nhí không có ý nghĩa sâu sắc ấy.
Thiếu niên Thụy Điển lúc bấy giờ vì cấm đoán của cha mẹ nên đối mặt với nhạc của ABBA với thái độ rất cầm chừng, họ có thể thích, nhưng không dám bộc lộ, có thể nói là “guilty pleasure”. Phải đến khi thế giới bên ngoài cho họ biết ABBA tuyệt vời thế nào, người Thụy Điển mới đón nhận ABBA và người trẻ mới có thể thở phào thú nhận mình thích nhạc của họ. Thành công của ABBA truyền cảm hứng cho những ban nhạc về sau và những ban nhạc đó trở thành hình mẫu, nền móng cho nhiều ban nhạc khác tiếp nối.
2. ROXETTE, TIẾNG ANH VÀ DỊP MAY TÌNH CỜ
Tiếp nối sau thành công của ABBA là Roxette, cũng là ban nhạc rock Thụy Điển. Lần này thì Roxette có xuất phát điểm là ban nhạc 2 người nổi tiếng trong thị trường nội địa rồi. Để vươn ra thị trường toàn cầu, họ cũng làm như ABBA đó là bắt đầu hát bằng tiếng Anh. Tiếng Anh là chìa khóa đầu tiên giúp các ban nhạc xứ này dễ được biết đến hơn và may thay dân Thụy Điển nói tiếng Anh rất tốt, không mấy khó khăn gì để họ có thể hát thứ tiếng này như tiếng mẹ đẻ.

Thế nhưng độ phủ của Roxette đến từ một dịp may tình cờ. Anh sinh viên người Mỹ Dean Cushman trong chuyến du học trao đổi ở Thụy Điển đã mua đĩa đơn “The Look” của Roxette và mang về quê nhà Minneapolis và đơn giản là giới thiệu nó cho một DJ địa phương. Họ nghe bài hát và thấy nó thật sự hay. Các DJ bắt đầu chuyền tay nhau, bài hát thường được phát sóng trên radio và thính giả rất thích. Đó là một may mắn, nhưng điều quan trọng đó là bài hát phải hay, đó là điều cốt yếu.
Thụy Điển đã có ABBA, Roxette, tiếp theo là các nhóm thành công khác như A*Teens, The Cardigans… Thế nhưng, để bứt phá lên được vị trí như thời điểm hiện nay, thì đó lại là một câu chuyện khác nữa, nơi thiên thời địa lợi nhân hòa, đúng người đúng thời điểm của Thụy Điển.
3. ACE OF BASE VÀ DENNIZ POP
Tới đây thì chúng ta có thể nói về Denniz Pop và hành trình của anh biến Thụy Điển trở thành quốc gia xuất khẩu âm nhạc. Đó là một ngày đẹp trời, Ace of Base (mà sau này sẽ nổi tiếng thế giới với “All That She Wants”) nghe thử một đĩa nhạc. Họ nghe thử 20s đầu và cảm thấy rất thích, xác định đây là nhà sản xuất mình muốn hợp tác và đã đi tìm Denniz PoP tại một phòng thu rất nhỏ bé, nơi mà sau này sẽ sản xuất ra hàng loạt kỳ tích cho âm nhạc đại chúng thế giới.
Denniz PoP là một nhà sản xuất âm nhạc đặc biệt, anh không biết chơi đàn, không biết hát, cũng không biết viết nhạc. Anh chỉ mò mẫm trên bảng điện tử, kết hợp mọi thứ với nhau và cho ra lò những giai điệu “nghe nó hay”.
Ace of Base và Denniz PoP bắt tay vào chỉnh sửa lại bản thô của “All That She Wants” và có thể Denniz là người đầu tiên nghĩ ra cách thử nghiệm thực tế người dùng: anh mang bản thu gần hoàn thiện để phát trên vũ trường mỗi đêm và xem mọi người phản ứng thế nào. Nếu có đoạn nhạc nào không khiến người ta nhảy hăng lắm, Denniz sẽ mang về chỉnh sửa lại, sao cho nó phải gây nghiện.
Thành công của “All That She Wants” đã mang tên tuổi của Ace of Base và Denniz vang xa tới Mỹ, các nghệ sĩ và phòng thu bắt đầu đổ về Stockholm để được làm việc với Denniz, lúc này đã cùng các chiến hữu như Jacob Schulze, Kristian Lundin, Max Martin thành lập phòng thu Cheiron. Vào khoảng thời gian này thì điều kỳ diệu mang tên Backstreet Boys xuất hiện.
4. THẬP NIÊN 90 – THỜI ĐẠI VÀNG CỦA NHẠC POP

Trong số các nghệ sĩ tìm đến Cheiron, có một boyband vô danh đến từ Florida muốn hợp tác. Trong căn hầm nhỏ bé chỉ đủ kê 2 chiếc ghế, Backstreet Boys cùng Denniz làm việc để tìm giai điệu bài hát, một giai điệu khiến người ta muốn nghe mãi, muốn hát theo. Denniz có cách làm việc đơn giản: “Nhạc không được nhàm chán. Nếu giai điệu nghe hay thì triển, nghe chán thì sửa”. Đó là phương châm đã tạo ra loạt bài hit đầu tiên cho Backstreet Boys.
Tiếp theo là cú hit vang dội với “cô gái tóc vàng từ Mỹ”. Cheiron lúc này nhận hợp đồng sản xuất với đội ngũ của Britney Spears. Trong 9 ngày họ sản xuất 6 bài hát cho Britney. Các nhà sản xuất hết lời khen ngợi sự chăm chỉ và chuyên nghiệp của cô ca sĩ đến từ Mỹ, thế nhưng họ không ngờ album hoàn thành lại thành công đến vậy. “…Baby One More Time” xếp hạng 1 trên Billboard và chính họ cũng không ngờ tới.
Với Britney Spears và Backstreet Boys làm gió trên các bảng xếp hạng, Thụy Điển bắt đầu thiết lập con đường danh vọng để tiến vào làng nhạc thế giới. Thay vì tạo ra các nghệ sĩ nhạc Pop, họ đào tạo các nhà sản xuất âm nhạc và sản xuất âm nhạc cho các thị trường hàng đầu như Mỹ và Anh, hợp tác với các nhân tài như *NSYNC, Celine Dion, Bon Jovi… cùng những tên lớn khác thế giới khác.

5. DI SẢN CỦA DENNIZ POP
Đang trên đỉnh cao danh vọng, Denniz PoP không may mắc bệnh ung thư dạ dày và qua đời sớm ở tuổi 35. Thế nhưng, trong khoảng thời gian hoạt động ngắn ngủi chưa đầy 10 năm, di sản anh để lại thật sự khổng lồ. Không chỉ thay đổi cuộc đời nhiều nghệ sĩ, Denniz đã vạch ra khuôn mẫu sáng tác những ca khúc ăn khách vẫn còn áp dụng được đến tận ngày nay.

Tuy phòng thu Cheiron đóng cửa 2 năm sau khi Denniz mất, những đồng nghiệp khác như Max Martin vẫn tiếp tục con đường anh đã vạch ra, viết nhạc cho các nghệ sĩ, trở thành nhân tố lặng lẽ đứng sau thành công của họ. Max Martin trở thành một trong những nhà sản xuất âm nhạc hàng đầu hiện nay và hợp tác với gần như hợp tác với tất cả nghệ sĩ US-UK nổi tiếng.

Đó là một danh sách dài mà chỉ có thể nêu một số cái tên đình đám (liệt kê theo thứ tự thời gian) như Pink, Usher, Avril Lavigne, Katy Perry, Taylor Swift, Ariana Grande, The Weeknd… Max Martin có 24 ca khúc lọt top Billboard 100 và 5 trong số đó đứng đầu bảng xếp hạng.
KẾT – NGƯỜI THỤY ĐIỂN VÀ JANTELAGEN
Ngày nay ngoài các nhà sản xuất đứng sau hậu trường, Thụy Điển cũng có những ca sĩ, DJ nổi tiếng thế giới như Avicii (rất tiếc anh đã qua đời năm 2018), Zara Larsson, Tove Lo… Ngoài ra, các ban nhạc Metal Thụy Điển đã từ lâu khẳng định vị thế của mình trên bản đồ nhạc rock thế giới.
Một điều đặc biệt nữa trong tập phim “Stockholm Syndrome“ và có lẽ là một trong những lý do thành công của những nhà soạn nhạc Thụy Điển, đó là lối sống Jantelagen.

Jantelagen dịch ra theo nghĩa đen chỉ là “luật Jante”: không khoe khoang, không nói về thành công của bản thân, thậm chí là liệt kê những dự án lớn từng tham gia. Hầu hết những nghệ sĩ Thụy Điển trong tập phim đều có thái độ ngượng ngùng và miễn cưỡng khi nhắc đến những nghệ sĩ họ đã hợp tác, những thành tựu họ đạt được. Họ chỉ đơn giản là chăm chỉ làm việc và khiêm tốn hết mực.
Lối sống này của người Thụy Điển có lẽ là lý do những ngày đầu họ chống lại thành công của ABBA đến vậy, cũng như sau này lại chọn công việc sản xuất, chọn làm người đứng sau hào quang của những nghệ sĩ khác. Người nghe nhạc có thể biết tên ca sĩ trình bày, nhưng ít khi chú ý ai là người sáng tác. Có thể một lúc nào đó bạn hãy tra thử tên người sáng tác các ca khúc Pop nổi tiếng, khả năng cao sẽ bắt gặp vài cái tên lặp đi lặp lại đấy. Phần lớn tư liệu trong bài được lấy từ phim tài liệu “This Is Pop” của Netflix.