‘Saint Maud’: Nữ y tá cuồng tín hay do sự cô đơn quá khủng khiếp?

(BÀI VIẾT TIẾT LỘ NỘI DUNG PHIM)

Saint Maud (Thánh Maud) là phim kinh dị tâm lý ra mắt năm 2019, do Rose Glass viết kịch bản và đạo diễn, đây cũng là bộ phim đầu tay của cô. Câu chuyện kể về nữ y tá ngoan đạo tên Maud (do Morfydd Clark thủ vai) bị ám ảnh khi chăm sóc bệnh nhân của mình là vũ công Amanda (Jennifer Ehle). Những sự cố đáng tiếc trong mối quan hệ của hai người khiến Maud tin rằng cô phải cứu lấy linh hồn của Amanda, nhưng dẫn đến một kết cục gây sốc. Phim mang màu sắc hư hư thực thực, kì ảo khiến nhiều người liên tưởng đây là phim của hãng A24.

Kịch bản phim được đánh giá cao và thậm chí nhiều khán giả đã đặt dấu hỏi rằng liệu phim có dựa trên một câu chuyện có thật hay không. Câu trả lời là Glass có được một chút gợi ý khi trò chuyện với người phụ nữ nọ từng là y tá tại bữa tiệc sinh nhật của người bạn chung, cô ta kể rằng bản thân đã phải đối mặt với những tổn thương tâm lý khó giải quyết trong quá trình làm việc và Glass đã cảm thấy rất hứng thú với nó.

Cụ thể là trong ca trực ở đơn vị chăm sóc đặc biệt, một trong những bệnh nhân của cô ta bị ngưng tim khiến cô buộc phải thực hiện sơ cứu ép tim (CPR). Vì bệnh nhân này đang hôn mê và đã rất yếu sau ca phẫu thuật tim, cơ thể ông ta nhất là ở vùng ngực rất mỏng manh, nó không chịu nổi sức ép từ động tác cấp cứu và tay của cô y tá đẩy thẳng vào trong lồng ngực, giết chết ông ta ngay lúc đó. Nữ y tá này đã mất nhiều thời gian để vượt qua cú sốc đó.

Rose Glass đã đưa tình tiết đó vào phim như một flashback để lý giải cho một bước chuyển tiếp trong diễn biến tâm lý của nhân vật chính, nhưng tình tiết còn lại của bộ phim hoàn toàn là hư cấu và cốt truyện do chính cô nghĩ ra vào vào năm 2014. Glass bắt đầu xây dựng nội dung cho bộ phim trong nhiều năm, xoay quanh ý tưởng về một nữ y tá nghe thấy giọng nói của Chúa trong đầu.

Phim trình bày sự liên hệ giữa sức khỏe tinh thần và đức tin tôn giáo

Đức tin của Maud là rất mạnh mẽ, thậm chí trong một số trường hợp nó có thể khiến cô xúc động mạnh và cảm thấy hưng phấn tức thời. Rose Glass bị cuốn hút bởi mối quan hệ giữa sức khỏe tinh thần và tôn giáo, cũng như giữa tinh thần và thể chất. Cả hai khía cạnh này đều có thể được nhìn thấy trong phim. Bản thân Maud sống một cuộc sống cô độc, lại thêm cú sốc do công việc, vì vậy cô níu kéo vào đức tin để có động lực.

Nhân vật Maud do Morfydd Clark thủ vai.

Cũng chính vì thế, mối quan hệ với Chúa và với Amanda là rất thực tế và quan trọng đối với Maud, nhất là khi cô nhìn thấy nữ bệnh nhân Amanda dường như cũng có đức tin mạnh mẽ như mình. Vì lý do đó, Maud mới ngộ nhận rằng Amanda đã bị lạc lối. Khi chứng kiến Amanda chối bỏ đức tin, Maud đổ lỗi cho người tình đồng tính của Amanda là Carol và thậm chí nghĩ rằng bệnh nhân của mình đã bị quỷ ám, cần được thanh tẩy.

Nhân vật nữ vũ công Amanda do Jennifer Ehle thủ vai.

Theo nữ đạo diễn Rose Glass, Maud cảm nhận được Chúa như một cảm giác rất thực tế, như một “trải nghiệm thể xác” là điều hợp lý vì đức tin của cô không phải là một sự hiểu biết, hoặc mang tính chất tâm lý hay thần học, mà là “bản năng” và “duy cảm”. Maud là con chiên nhưng không sinh hoạt trong cộng đồng tôn giáo nào, cô cũng không có bạn thân. Vì hoàn cảnh độc đáo ấy, cô ấy đã tạo ra trải nghiệm của riêng mình về đức tin và nó rất mạnh mẽ.

Maud không bị tâm thần mà chỉ cô đơn và để đức tin dẫn lối

Mặc dù tình tiết phim thể hiện rằng Maud có thấy những ảo giác, nhưng đạo diễn Rose Glass vốn không có chủ ý làm rõ việc Maud bị tâm thần, hay để bộ phim trở thành một xuất phẩm nói về các tình trạng sức khỏe tâm thần. Nó đơn giản chỉ là trình bày một trường hợp kỳ lạ, trong một hoàn cảnh kỳ lạ và nhân vật đã làm những điều kỳ lạ. Tất nhiên, bình thường khó mà ai nghĩ ra được một câu chuyện như vậy lại có thể trở nên hợp lý.

Rose Glass cũng muốn gửi gắm thông điệp rằng bộ phim cho thấy tất cả mọi người đều có lúc “dễ nhận thức sai lầm với thực tế”, tùy theo hoàn cảnh của họ, nhất là khi đơn độc, và vì vậy họ có thể khiến bản thân hoặc những người khác gặp rủi ro. Việc Maud làm hại Amanda và chính mình đã minh chứng điều đó, mặc dù vậy, Maud vẫn là một cô gái tốt và có quyết tâm mạnh mẽ đối với đức tin của bản thân. Trên thực tế Maud thuần khiết và có đức hy sinh, nên tựa đề phim mới được đặt là “Thánh Maud”.

(Bài viết tham khảo nhiều nguồn)

error: You are not allowed to copy this page, Thank you!