(Bài viết nói về sự liên quan giữa Midnight Mass và vụ thảm sát Jonestown, có những tình tiết bạo lực và nhạy cảm.)
Midnight Mass (Thánh lễ lúc nửa đêm) là dự án đã khiến Mike Flanagan trăn trở trong thời gian dài. Theo lời của chính tác giả, Flanagan đã phát triển ý tưởng trung tâm của câu chuyện kinh dị dựa trên đức tin này trước cả khi sự nghiệp của ông bắt đầu. Dự án đã được tinh chỉnh nhiều lần, đầu tiên là một cuốn tiểu thuyết, sau đó là một bộ phim, và cuối cùng là một loạt phim gốc trên nền tảng Netflix.
Mặc dù các chi tiết của Midnight Mass đã được Flanagan chỉnh sửa trong nhiều năm, hai tình tiết cụ thể vẫn không thay đổi. Đầu tiên là cảnh mở đầu, trong đó nhân vật chính Riley Flynn (Zach Gilford) gây ra vụ tai nạn giao thông khi say rượu. Cảnh còn lại là cảnh cao trào được dùng đặt tên cho bộ phim: Thánh lễ lúc nửa đêm, trong đó Đức ông John Pruitt, hay Cha Paul, đã hứa hẹn sự bất tử cho tín đồ của mình.
Một trong những vụ án bi thảm nhất từng được ghi nhận
Cảnh phim được được truyền cảm hứng bởi một sự kiện có thật, nó có tác động to lớn đến Flanagan và nhà sản xuất Trevor Macy. Thậm chí, có thể nói, sự kiện chúng ta đang nhắc tới là một trong những bi kịch lớn nhất mà nhân loại từng chứng kiến trước khi thảm họa ngày 11 tháng 9 xảy ra, đó chính là vụ thảm sát Jonestown – nơi mà hơn 900 người bị lừa hoặc bị ép buộc uống chất độc cyanua bởi giáo phái cuồng tín.
“Trevor và tôi có chung niềm đam mê với việc khai thác sự kiện Jonestown,” Flanagan trả lời phỏng vấn của Den of Geek và các tờ báo khác. “Phân cảnh như vụ Jonestown trong Thánh lễ lúc nửa đêm luôn được định sẵn để cho vào loạt phim. Đó là ví dụ hoàn hảo cho sự đồi bại về đức tin, theo một cách kỳ cục nhất.” – Ông nói. Nếu như bạn chưa nghe qua vụ án này, chúc mừng, bạn đã tránh được rất nhiều thông tin tiêu cực.
Diễn ra vào ngày 18 tháng 11 năm 1978 tại Cộng hoà Hợp tác Guyana, vụ tự sát, hoặc đúng hơn là thảm sát tập thể này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 909 đến 918 người, trong đó có hơn 300 nạn nhân là trẻ em. Cả một số vật nuôi, như chó, cũng bị cho uống thuốc và chết. Vụ Jonestown cũng gây ra cái chết của một nghị sĩ quốc hội Mỹ khiến các cơ quan như NSA, FBI cũng phải vào cuộc điều tra.
Đền Hội Chúng và nỗi kinh hoàng từ những giáo phái cuồng tín
Tất cả bắt đầu với sự ra đời của Đền Hội Chúng (Peoples Temple) được nhà truyền giáo James Warren Jones (còn gọi là Jim Jones) thành lập năm năm 1956 với mục đích chiêu mộ và giúp đỡ những người nghèo khó, đặc biệt là người da màu. Ban đầu, Đền Hội Chúng được xây dựng tại Indianna, rồi chuyển tới California vào năm 1966. Về sau, Jim Jones muốn bành trướng ra nước ngoài để thoát khỏi sự quan sát của chính phủ Mỹ.
Năm 1973, Jones tìm một vùng đất hẻo lánh tại Cộng hoà Hợp tác Guyana (Nam Mỹ) và thấy nó phù hợp nhu cầu mở rộng giáo phái. Ông ta thuê đất rừng của chính phủ Guyana và bắt đầu xây dựng cơ sở vật chất, gọi là khu đền và giáo phận Jonestown. Cùng lúc đó, Jim Jones dùng sức mạnh của tôn giáo để trục lợi tại Mỹ, thực hiện những hành vi vô đạo đức với tín đồ, vi phạm nhân quyền và tham gia vào những bê bối tài chính.
Giáo phận của Jim Jones ở Guyana ngày càng đông đúc, ông ta đưa đến đó nhiều tín đồ hơn, đó là lúc vấn đề xảy ra. Không có đủ chỗ ăn ngủ cho tất cả mọi người, thậm chí Jones bắt phân chia cộng đồng theo giới tính khiến các cặp đôi phải xa nhau. Họ bị bắt lao động cực khổ 11 giờ mỗi ngày dưới trời nắng gắt, điều kiện sống tồi tệ khiến họ bị bệnh và thậm chí hàng đêm Jim Jones còn bắt loa truyền giáo khiến không ai ngủ được.
Đã có những người tìm cách đào thoát khỏi giáo phận của Jones, họ không chịu nổi khổ cực. Lúc này chuyện đã tới tai Nghị sĩ Mỹ Leo Ryan đến từ California, ông mời đoàn làm phim của hãng NBC và nhân chứng là những người thân của các tín đồ đã trốn thoát, tất cả cùng đến Jonestown để điều tra. Nghị sĩ Leo Ryan đã chất vất Jim Jones về việc nên để cho những tín đồ được ra đi nếu họ muốn.
Ban đầu, Jim Jones tỏ ra hợp tác với vị nghị sĩ, và cho phép những ai muốn rời đi có thể được toại nguyện. Tuy nhiên, Ryan và phái đoàn sớm vấp phải sự phản kháng từ những kẻ cuồng tín thân cận của Jim Jones. Vào ngày mà các tín đồ muốn đào thoát cùng ngồi trên một chiếc xe tải để đi ra sân bay Kaituma, Ryan và các cộng sự đã quyết định ở lại thêm một đêm để hỗ trợ những người khác nữa. Thế nhưng, họ đã bị tấn công.
Một gã cuồng tín lẩn trong đám đông đã cố ám sát Ryan, mặc dù vậy hắn đã thất bại. Lúc này vị nghị sĩ biết được Jim Jones đang muốn giết mình, ông liền lập tức rời khỏi Jonestown. Khi đến sân bay, phái đoàn tưởng như đã an toàn, thế nhưng máy bay đến trễ. Lúc này, những thành viên Đền Hội Chúng tháp tùng phái đoàn bất ngờ rút súng bắn về phía Ryan và các cộng sự, một trong những kẻ tấn công là Larry Layton, nhân viên ở đường băng Kaituma.
Cái chết của vị nghị sĩ và thảm sát Jonestown
Vụ xả súng bất ngờ đã khiến nghị sĩ Leo Ryan, ba nhà báo và một thành viên Đền Hội Chúng đào tẩu bị giết chết, trong khi làm bị thương chín người khác, bao gồm cả Jackie Speier, trợ lý của Leo Ryan. Các tay súng của Jim Jones đã xả đạn vào Ryan với hơn 20 phát súng trước khi bắn vào mặt ông. Các tín đồ đào tẩu còn sống buộc phải đầu hàng Layton và những người sống sót khác bỏ chạy vào cánh đồng gần đó.
Chiều hôm đó, trước khi tin dữ được công khai, vợ của ông William Holsinger, một phụ tá khác của Ryan cũng nhận được ba cuộc điện thoại dọa giết, buộc gia đình Holsinger sau đó phải chạy trốn, chuyển nhà hai lần đến Lake Tahoe và Houston. Vụ việc được những người đào thoát thành công trên một chiếc máy bay báo cáo, Đại sứ Hoa Kỳ John R. Burke ở Guyana ghi nhận sự việc.
Mãi đến sáng hôm sau, quân đội Guyana mới có thể đi xuyên qua khu rừng rậm và đến được Jonestown. Họ phát hiện ra 909 cư dân của giáo phận đã chết. Họ đã tự nguyện uống hoặc bị ép uống một hợp chất Cyanua pha với nước có vị nho, những người bỏ chạy đều bị thuộc hạ của Jim Jones bắn chết. Sự kiện được Hạ viện Hoa Kỳ mô tả là một “nghi lễ tự sát và giết người hàng loạt”.
Lấy lý do rằng Nghị sĩ Leo Ryan đã chết, Jim Jones đe dọa rằng lính Mỹ sẽ đến và giết hết tất cả tín đồ trong giáo phận, hắn ta thuyết phục họ phải uống thuốc độc tự sát. Với những người không tình nguyện, hắn ép buộc, trẻ em là những nạn nhân đầu tiên, bị Jim Jones cho người bơm cyanua vào miệng. Chỉ trong riêng ngày 18 tháng 11 năm 1978, đã có tới 912 người chết do thuốc độc.
Tổng số người chết đã lên đến 918 người, cả ở sân bay và trong khu đền của giáo phận Jonestown, bao gồm cả chính Jim Jones, hắn đã tự sát bằng súng, hoặc ra lệnh cho một tông đồ bắn mình. Chỉ có một nhóm người sống sót bằng cách chạy trốn vào rừng hoặc ẩn nấp đâu đó trong khu đền. Vụ thảm sát này minh chứng cho sức mạnh hủy diệt của tôn giáo khi được dẫn dắt bởi một kẻ điên rồ.
Kết cục
Nghị sĩ Leo Ryan (ảnh bên) được xem là người duy nhất giữ chức vụ này bị giết chết khi đang làm nhiệm vụ, ông được xem là anh hùng, được phong tặng Huy chương vàng của Quốc hội Mỹ – vinh dự cao nhất của Quốc hội dành cho những thành tựu và đóng góp xuất sắc của các cá nhân hoặc tổ chức. Tên của Ryan được đặt cho một công viên tưởng niệm và trợ lý của ông là Jackie Speier – người sống sót trong vụ thảm sát, đã trở thành Dân biểu quốc hội.
Lại nói về những người sống sót, Tại đường băng, phóng viên tên Reiterman chụp ảnh lại hậu quả của vụ xả súng. Phó trưởng phái đoàn Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Guyana Richard Dwyer đảm nhận vai trò lãnh đạo tại hiện trường và theo lệnh của ông, Larry Layton đã bị cảnh sát Guyan bắt giữ. Dwyer bị một viên đạn sượt qua mông trong vụ xả súng. Phải mất vài giờ trước khi mười một người bị thương và những người khác trong nhóm của họ tập hợp lại với nhau.
Hầu hết những người sống sót đã qua đêm trong quán cà phê ở Port Kaituma. Những người bị thương nặng hơn ngủ trong một căn lều nhỏ ở đường băng. Một máy bay của chính phủ Guyan đến vào sáng hôm sau để sơ tán những người bị thương. Năm thành viên thiếu niên của gia đình Parks và Bogue, cùng một người bạn trai, đã làm theo chỉ dẫn của tín đồ đào tẩu Gerald Parks để ẩn náu trong khu rừng lân cận cho đến khi có sự trợ giúp và tính mạng của họ được đảm bảo.
Nhóm đó bị lạc trong rừng ba ngày và suýt chết, những người lính Guyan cuối cùng đã tìm thấy và giải cứu họ. Thi thể của 912 trong số 918 người thiệt mạng, bao gồm cả chính Jim Jones, được quân đội Hoa Kỳ thu thập ở Guyana, sau đó vận chuyển bằng máy bay chở hàng quân sự đến Căn cứ Không quân Dover ở Delaware. Nhiều nhân viên được giao nhiệm vụ di chuyển hoặc xác định các thi thể nạn nhân đã bị các triệu chứng PTSD về sau.
Các bạn có thể đọc thêm bài báo của An Ninh Thủ Đô về vụ việc này.
Vụ việc xảy ra tại Jonestown về sau khiến chính phủ Mỹ đặc biệt chú trọng theo dõi các giáo phái, phong trào chống các hội nhóm tôn giáo tự phát cũng diễn ra mạnh mẽ ở nước Mỹ. Sự kiện bi thảm này đã truyền cảm hứng cho rất nhiều xuất phẩm khác như phim điện ảnh, phim tài liệu, hoặc game, ví dụ như Far Cry 5 và trở thành một chủ đề được bàn luận xuyên suốt cho đến tận ngày nay.
Những cuộc điều tra sau này cũng chỉ ra Jim Jones là một kẻ kỳ quặc và bị ám ảnh bởi tôn giáo và cái chết, lúc bé, hắn đã thực hiện các thí nghiệm trên động vật và tiến hành tang lễ cho chúng, bạn của hắn kể lại đã thấy hắn giết một con mèo bằng dao. Jim Jones cũng được cho là một kẻ say mê với Adolf Hitler, khi Hitler tự sát vào tháng 4 năm 1945 vì thua trận, Jim Jones đã tỏ ra rất ấn tượng.