Bài viết chính chủ được Gấu Mèo Thức Khuya biên tập dưới khuôn khổ event 💥 ECS Warmasters & Loremasters 💥 của Empire Capital Shop (hashtag #ecsloremasters). Thông tin chi tiết về sản phẩm boardgame Warhammer 40,000 và các tựa game khác các bạn vui lòng truy cập Fanpage Empire Capital Shop – Tan Binh – ECS HQ.
– Gấu Mèo Thức Khuya

Chaos Magic (Ma thuật Chaos, hoặc Ma thuật Hỗn mang) còn được ghi là là Chaos Magick, là một phương pháp thực hành ma thuật đương đại. Ban đầu nó được phát triển ở Anh vào những năm 1970, dựa trên triết lý của nghệ sĩ và nhà huyền bí Austin Osman Spare. Đôi khi được gọi là “ma thuật của sự thành công” hoặc “ma thuật dựa trên kết quả”.
Ma thuật hỗn mang là thứ ma thuật thực dụng
Lý do nó được gọi như vậy là vì người thực hành Ma thuật hỗn mang tuyên bố và nhấn mạnh về tính thực dụng và nó có khả năng giúp người sử dụng đạt được các kết quả cụ thể cao hơn so với việc sử dụng các biểu tượng, nghi lễ, trang trí hoặc lý thuyết thần học của các phương pháp huyền bí truyền thống khác.

Ma thuật hỗn mang được mô tả là một hình thức kết hợp của các kỹ thuật huyền bí truyền thống và chủ nghĩa hậu hiện đại ứng dụng – đặc biệt là chủ nghĩa hoài nghi hậu hiện đại, liên quan đến sự tồn tại hoặc khả năng biết được của sự thật khách quan. Nói chung, nó tỏ ra thực dụng hơn nhiều so với các phương pháp cổ xưa.
Các pháp sư theo đuổi Ma thuật hỗn mang sau đó coi niềm tin này như một công cụ, họ thường tạo ra các hệ thống phép thuật đặc trưng của riêng mình và thường xuyên vay mượn từ các phương pháp phép thuật truyền thống, các phong trào tôn giáo, văn hóa đại chúng và các chuỗi triết học khác nhau.
Khái niệm và thuật ngữ của Ma thuật hỗn mang
Ma thuật hỗn mang bác bỏ sự tồn tại của một chân lý tuyệt đối, nó xem tất cả các hệ thống huyền bí là một hệ thống ký hiệu tùy ý chỉ có hiệu quả vì niềm tin của người thực hành. Do đó, Ma thuật hỗn mang có quan điểm bất khả tri về việc liệu ma thuật có tồn tại như một thế lực siêu nhiên hay không, hay nó trên thực tế phụ thuộc vào mong muốn của chính bản thân người tu tập.

Nhiều pháp sư nghiên cứu Ma thuật hỗn mang bày tỏ sự chấp nhận của họ về một mô hình tâm lý như một cách giải thích khả thi nhất. Bản thân từ “Chaos” – hỗn mang hay hỗn loạn, lần đầu tiên được liên kết với ma thuật đương đại bởi nhà thần học Peter J. Carroll trong tác phẩm Liber Null & Psychonaut: An Introduction to Chaos Magic (1978), nó được mô tả là “thứ” chịu trách nhiệm về nguồn gốc và hành động liên tục của các sự kiện.
Carroll từng nói rằng: “Nó (Chaos – sự hỗn mang) cũng có thể được gọi là Thượng đế hoặc Đạo, nhưng tên tên gọi Chaos hầu như không có ý nghĩa và nó không có ý tưởng nhân hình học của các tôn giáo khác.” – bởi trong khi các vị Phật và Chúa đều có hình tượng tương tự như hình người (theo Thuyết nhân hình – Anthropomorphism), Chaos thì không, nó là một khái niệm trừu tượng và không có dáng hình cụ thể.
Phương pháp thực hành Ma thuật hỗn mang
Hầu hết các kỹ thuật Ma thuật hỗn mang liên quan đến một cái gì đó được gọi là trạng thái ngộ đạo (gnosis state), hoặc thuật giác ngộ. Được mô tả là một trạng thái ý thức bị thay đổi, trong đó tâm trí của một người chỉ tập trung vào một điểm, tất cả các suy nghĩ khác đều bị loại bỏ. Trạng thái ngộ đạo được sử dụng để vượt qua “bộ lọc” của tâm trí có ý thức – thứ được cho là cần thiết để hầu hết các dạng ma thuật có thể hoạt động.
Trong khi người ta khẳng định rằng phải mất nhiều năm đào tạo để thành thạo loại khả năng thiền định này, các pháp sư hỗn mang lại có thể đốt cháy giai đoạn để sử dụng nhiều cách khác nhau nhằm đạt được “trạng thái ngộ đạo” một cách nhanh chóng, từ đó có thể thực hành các phương pháp ma thuật theo ý muốn mà không mất nhiều thời gian, thế nên mới gọi Chaos Magic là thứ thực dụng.
Sigil là một trong những cách dễ nhất để thực hành Ma thuật hỗn mang, nó là một hình ảnh hoặc glyph đại diện cho một mong muốn hoặc ý định cụ thể. Chúng thường được tạo ra bằng cách viết hoặc vẽ ra biểu trưng của ý định đó, sau đó cô đọng các chữ cái lại để tạo thành một loại monogram (chữ lồng).
Sau đó, các pháp sư thực hành Ma thuật hỗn mang để sử dụng trạng thái ngộ đạo nói trên (gnosis state) để “khởi động” hoặc “sạc năng lượng” cho Sigil đó – về cơ bản là bỏ qua tâm trí có ý thức để cấy ham muốn của bản thân vào vô thức nhằm đạt được những điều đã mong muốn.

Sau khi sạc cho một Sigil và hoàn thành nghi thức sử dụng nó, người thực hiện cần phải kìm nén mọi ký ức về nó, và nên có “một nỗ lực có chủ đích để quên nó đi” – theo chính lời của Spare hướng dẫn. Vì khá dễ thực hiện, Sigil là phương pháp phổ biến trong giới trẻ, thậm chí thường được các bạn học sinh sử dụng để cầu sức khỏe, tiền tài, hoặc cầu cho học tốt, thi qua môn… như mình đã nhắc đến trong bài viết Sigil là gì và vì sao sử dụng Sigil có thể nguy hiểm? trước đây.
Sigil xuất hiện từ thời Trung Cổ, về bản chất thì Sigil là một biểu tượng liên quan đến một thiên thần hoặc ác quỷ cụ thể, có thể được sử dụng để triệu hồi thực thể đó theo một nghi thức. Nhưng Austin Osman Spare – nhà sáng tạo của Chaos Magic lại coi thường cách đó, ông cho rằng những sinh vật siêu nhiên như vậy chỉ đơn giản là một phức hợp trong vô thức, và có thể được tạo ra một cách chủ động thông qua quá trình sử dụng ký hiệu.

Trong Ma thuật hỗn mang đương đại, khi một phức hợp suy nghĩ, mong muốn và ý định đạt được mức độ tinh vi đến mức nó dường như tự động tách rời khỏi ý thức của pháp sư, như thể nó là một thực thể độc lập, thì một phức hợp đó được gọi là Servitor, tức người hầu của pháp sư. Khi một thực thể như vậy trở nên đủ lớn để nó tồn tại độc lập với bất kỳ cá nhân nào, như một dạng “tâm trí nhóm”, thì nó được gọi là một cái tôi.
Ngày nay, đa số những bạn trẻ đang lan truyền và sử dụng Sigil hầu hết không hiểu được bản chất, quá trình, sự phát triển và nguồn gốc xưa cũ của phương pháp sử dụng Sigil, bất kể là theo kiểu Trung Cổ hay theo lý thuyết của Chaos Magic do Austin Osman Spare phát triển, vì vậy nó có thể sẽ không mang lại tác dụng gì, hoặc dẫn đến hậu quả xấu ngoài mong đợi cho người sử dụng.
Tác động lớn tới một tựa game tabletop kinh điển
Biểu tượng của Ma thuật hỗn mang là 8 mũi tên cùng lan tỏa ra mọi hướng từ một tâm điểm, biểu tượng này có thể sẽ rất quen thuộc với người yêu thích trò chơi tabletop Warhammer, bởi các tác giả của trò chơi đã dựa trên hình tượng Ma thuật hỗn mang của Austin Osman Spare để tạo nên nhiều khái niệm trong game.
Franchise Warhammer được đặt nền móng vào năm 1983 tại Anh Quốc (năm đầu tiên Games Workshop phát hành một rulebook), không lâu sau khi Chaos Magic chính thức được giới thiệu. Thời gian ra mắt phát triển mạnh mẽ và tạo nên một làn sóng văn hóa của Chaos Magic là từ 1974 đến 1994.

Rõ ràng, trong thời gian đó các tác giả của Warhammer đã chịu ảnh hưởng lớn từ phương pháp thực hành ma thuật này và thậm chí họ đã sử dụng biểu tượng của Ma thuật hỗn mang ngoài đời thật trong thế giới game. Từ năm 1994 đến 2000, khi Ma thuật hỗn mang bắt đầu trở thành một phần của văn hóa đại chúng, Warhammer và các trò chơi kế nhiệm như Warhammer Fantasy, Warhammer Age of Sigmar và Warhammer 40,000 cũng thế.
Trong vũ trụ Warhammer, Chaos – Hỗn mang là một lực lượng luôn thay đổi, nó có thể đồng thời làm băng hoại cả về thể chất lẫn tinh thần, mặc dù bản thân nó không nhất thiết phải là “tà ác”. Trong khi các tín đồ và người hầu của Chaos hành động theo những cách bạo lực và độc ác, một số kẻ khác lại tận tâm phục vụ cho sự tự do và thay đổi hơn là vì sự ích kỷ thuần túy mà Nhân loại và hầu hết các loài thông minh khác định nghĩa là “bất chính”.
Trong bài này mình chỉ giới thiệu một chút về Chaos Magic và sự hiện diện của nó trong Warhammer, nếu mọi người có hứng thú, mình sẽ nghiên cứu và viết nhiều về nó hơn.