Khái niệm của “đêm tối linh hồn” là gì?
Đêm tối linh hồn (Dark Night of the Soul) là thuật ngữ chỉ giai đoạn khủng hoảng tâm linh, được đề cập đầu tiên bởi những người theo Công giáo Roma. Thérèse of Lisieux, một nữ tu Pháp vào Thế kỷ 19 đã miêu tả về đêm tối của mình, vốn bắt nguồn từ nỗi nghi ngờ của bà về sự tồn tại của vĩnh hằng. Bà chiến thắng được đêm đen nhờ niềm tin tôn giáo sâu sắc, nhưng cũng đã khổ sở vì nó trong một thời gian dài. Chia sẻ với các nữ tu khác, bà chỉ trầm mặc, “Giá như các sơ biết được thứ bóng tối tôi rơi vào là gì”.

Nổi tiếng nhất phải đề cập đến bài thơ của thánh Gioan Thánh Giá (John of the Cross), ông vốn không đặt tên cho bài thơ này mà chỉ có hai quyển bình luận mang tên Ascent of Mount Carmel (Đi lên núi Carmel) và The Dark Night (Đêm đen). Bài thơ miêu tả hành trình thần bí hội ngộ với Thiên Chúa, mà hành trình ấy gọi là “đêm đen” bởi theo thánh John, con đường đến với Chúa là không biết trước được.
Ngày nay, Đêm tối linh hồn được đề cập nhiều hơn trong văn hóa đại chúng là nhiều người nhận thức về nó hơn. Ở một thời điểm nào đó trong đời, bạn có thể trải qua đêm tối, cho dù bạn có theo một tôn giáo hay đang bước đi trên con đường tâm linh hay không. Đây không còn là thuật ngữ mang tính tôn giáo đặc thù nữa.

Đêm tối linh hồn là giai đoạn cuộc đời khi bạn cảm thấy trống rỗng, mất kết nối với bản thân mình. Nếu là người theo tôn giáo hoặc đã thức tỉnh tâm linh, đó là giai đoạn bạn mất niềm tin với thế lực Thánh Thiêng đã dẫn dắt mình. Người chìm vào đêm tối thường cảm thấy mất mát, tuyệt vọng, u uất. Đêm tối linh hồn có thể được ví như suy nhược tâm linh (spiritual depression).
Bạn bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi mang tính hiện sinh, “Tại sao đây là tôi? Mà không phải ai khác?”, “Có phải làm người là đau khổ?”, “Sao người tốt lại chịu nhiều đau thương thế?”
Một người nếu muốn đoan chắc về hành trình mình đi, thì hãy nhắm mắt và bước trong đêm tối.
John of the Cross – The Dark Night
Đêm tối linh hồn và trầm cảm có giống nhau?
Disclaimers: Bài viết mang tính tham khảo, người viết chia sẻ với mục đích học hỏi và khám phá kiến thức tâm linh. Bạn đọc nên tiếp nhận với tâm thế cởi mở và cân nhắc. Nếu có bất kỳ dấu hiệu suy giảm sức khỏe tinh thần đáng ngại, hãy thảo luận với người đáng tin cậy và chuyên gia y tế.
Theo tiến sĩ y khoa Gerald May (nhà tâm thần học, Nghiên cứu viên cao cấp ở Contemplative Theology and Psychology) giải thích trong cuốn The Dark Night of the Soul, khi một người bị trầm cảm về mặt lâm sàng, họ trở nên khép kín cũng như không có khả năng nhìn thấu vấn đề của mình. Trầm cảm có thể khiến một người từ năng động, nhạy cảm trở nên thờ ơ, các giác quan như bị vô hiệu hóa.

Đối với người đang trong Đêm tối linh hồn, họ vẫn cảm nhận được nỗi đau, nhưng ở mức độ nào đó nhận thức được rằng nỗi đau này là điều cần thiết, còn người mắc trầm cảm sẽ tìm mọi cách để được giải tỏa càng nhanh càng tốt. Tiến sĩ May giải thích: “Khi đối mặt với người đang trong Đêm tối linh hồn, tôi không cảm thấy sự tiêu cực hay oán giận như ở người mắc trầm cảm”.
Nhà tâm lý học Kevin Culligan, đồng thời là cựu chủ tịch Viện Nghiên cứu Dòng Cát Minh cũng đề cập điểm khác biệt trong cuốn Carmelite Prayer, rằng người mắc chứng trầm cảm mất hết năng lượng trong hầu hết hoạt động, bao gồm những thứ họ từng say mê. Người trong Đêm tối linh hồn cũng cảm thấy mất mát, nhưng đa phần là mất niềm tin, niềm vui vào Đấng Thiêng Liêng.
Culligan cũng đề cập đến khác biệt trong phản ứng của ông đối với hai đối tượng thuộc hai hiện tượng. Sau khi làm việc với người mắc trầm cảm, ông cũng cảm thấy bất lực, tuyệt vọng, suy nhược theo; nhưng đối với người đang gặp khủng hoảng tâm linh, ông không bị kéo theo cảm xúc của họ.

Điều quan trọng nữa, Đêm đen tâm hồn không ảnh hưởng đến con người về mặt thể chất vật lý như trầm cảm, không có các triệu chứng như đau đầu, rối loạn tiêu hóa, nhức mỏi… Người trong Đêm tối linh hồn cũng có ý nghĩ tự sát, nhưng với mục đích được trở về với Đấng Thánh Thiêng, được thoát khỏi nỗi đau xác phàm, nó không đến mức ám ảnh và tự ngược đãi như khi mắc trầm cảm.
Chú ý: Dù là mắc trầm cảm hay Đêm tối linh hồn, nếu có ý nghĩ tự sát, hãy nhanh chóng liên hệ với người thân, người bạn có thể tin tưởng hoặc đường dây nóng hỗ trợ tâm lý. Cả Culligan và May cũng đồng tình rằng, một người có thể mắc trầm cảm lẫn Đêm tối linh hồn, thậm chí tình trạng này xảy ra thường xuyên. Ngoài ra, sau khi trải qua trầm cảm, ở bạn không có quá nhiều thay đổi về niềm tin, giá trị cốt lõi; nhưng vượt qua được Đêm tối linh hồn rồi, bạn sẽ thức tỉnh và trải nghiệm cuộc sống kỳ diệu hơn nữa.
Làm thế nào để vượt qua Đêm tối linh hồn?
Trong cuốn Dark Nights of the Soul, nhà trị liệu tâm lý đồng thời là cựu tu sĩ Công giáo Thomas Moore có một chia sẻ quan trọng: “Đêm tối linh hồn đồng thời kêu gọi phản hồi về mặt tâm linh chứ không chỉ là trị liệu”. Đêm tối kêu gọi chúng ta “ngưng trói mình vào quá khứ cũng như tư tưởng bảo thủ về tương lai mà hãy tập trung hiện diện ở hiện tại. Thử thách khó khăn nhất của Đêm tối đó là xuôi dòng, để cho quá trình diễn ra, đó là cách duy nhất để vượt qua áp lực của Đêm tối linh hồn”.

Đương nhiên, điều đáng buồn là có nhiều người đã không vượt qua được Đêm tối và cuối cùng tự kết thúc mạng sống của mình. Còn những người sống sót thì sẽ nhận ra “cuộc sống không phải lúc nào cũng đẹp đẽ, tươi sáng và đầy ý nghĩa như bạn tưởng”, khi đó họ tìm ra – hoặc đúng hơn là tự tạo ra ý nghĩa sống riêng cho mình.
Nếu xác định bản thân đang trải qua Đêm tối linh hồn, trước tiên hãy nhận thức được: nỗi đau bạn đang trải qua là một phần tất yếu cho hành trình đang đi. Trong suốt cuộc đời, một con người có thể trải qua nhiều đêm tối và mỗi lần vượt qua được nó, con người đó lại tái sinh và trưởng thành hơn về mặt tâm linh lẫn tâm lý.
Nhà tâm lý học Ba Lan Kazimierz Dąbrowski từng đặt ra thuật ngữ Phân rã tích cực (Positive disintegration), chỉ việc xem những lo lắng, căng thẳng là điều tất yếu. Nói cách khác, chính sự tự cọ xát bên trong mỗi con người đã giúp tấm gương linh hồn chúng ta sáng bóng hơn và soi rọi bản chất thật chúng ta.

Cũng hãy nhận thức rằng, Đêm tối linh hồn không phải là thứ có thể “chữa” hay là sẽ không quay lại. Đồng thời một khi đã đi qua được đêm tối, bạn phải chấp nhận một phần bản thân đã bị lột bỏ hoàn toàn, niềm tin, giá trị, cách nghĩ, thậm chí là bản ngã… nhưng là để chừa chỗ cho điều khác tốt hơn.
Sau đó là có nhiều cách bạn có thể làm để bước qua Đêm tối linh hồn, có nhiều hình thức thực hành như sử dụng Tarot/Oracle, thiền, học tập thêm về tâm linh, tìm giúp đỡ từ người khác… nhưng về hành trang tâm lý thì bạn cần những điều sau:

- Đón nhận đêm tối chứ đừng cưỡng lại.
- Chấp nhận và giải quyết cảm xúc mạnh thay vì đè nén chúng.
- Tập dành thời gian một mình.
- Kiên nhẫn và tin vào hành trình.
Kết: Hãy tin rằng mọi thứ rồi sẽ qua
Một điều bạn có thể chắc chắn từ trải nghiệm Đêm tối linh hồn, đó là nó không phải hình phạt, là bản án cho cuộc đời… mà là một phần trong hành trình để tiến tới thức tỉnh tâm linh. Để vượt qua đêm đen, hãy nhận thức thứ đang chờ bạn phía bên kia. Sợ hãi, mất hy vọng, mất niềm tin là điều bình thường. Không có quá trình lột xác nào là không đau đớn.