Struggle: The Life and Lost Art of Szukalski – Cuộc đời sóng gió của nghệ sĩ thiên tài Ba Lan

Cuộc hội ngộ kỳ lạ với Stanisław Szukalski

Struggle: The Life and Lost Art of Szukalski là phim tài liệu năm 2018 do Leonardo DiCaprio sản xuất, nói về về họa sĩ, nhà điêu khắc người Ba Lan Stanisław Szukalski (tên thân thiện là Stas). Đây là những thước tư liệu quý giá về một nghệ sĩ tài ba với đầu óc có phần cổ quái. Cuộc đời ông trải qua nhiều thăng trầm theo biến động lịch sử, những tác phẩm kỳ diệu bị thất lạc trong chiến tranh và quãng thời gian cuối đời phải sống tha hương, bất đắc chí.

Struggle: The Life and Lost Art of Szukalski

May mắn thay, trong một dịp tình cờ, biên tập viên/họa sĩ Glenn Bray phát hiện ra Szukalski thông qua quyển artbook trong cửa hàng sách cũ. Hoàn toàn choáng ngợp bởi những bức tranh và tượng điêu khắc của nghệ sĩ kỳ lạ này, Glenn cố truy địa chỉ và tìm tới Szukalski và giới thiệu ông với những người bạn trong ngành nghệ thuật, bao gồm George DiCaprio (cha của Leonardo DiCaprio), Robert và Suzanne Williams, Lena Zwalve…v.v. Những nghệ sĩ trẻ bị cuốn hút hoàn toàn không chỉ bởi những tác phẩm lạ lùng nhào nặn từ đầu óc Szukalski mà cả cá tính và cuộc đời ông cũng đầy tranh cãi.

Szukalski-work

Những bức tượng của Szukalski rất sống động, chúng có đặc trưng ở đường nét vặn xoắn khiến bức tượng như đang chuyển động. Đề tài của chúng thường là về sự kiện lịch sử, ẩn dụ văn hóa, tâm tư… Còn những bức họa của ông đạt đến độ 3 chiều hoàn hảo khiến những nghệ sĩ hiện đại với đầy đủ phần mềm tiện dụng cũng ngạc nhiên bởi cách Szukalski xếp đặt ánh sáng và không gian, mà ông làm những điều đó chỉ bằng cách hình dung trong đầu thôi đấy.

Szukalski-art

Nhận thấy thiên phú ở con mình, từ năm 13 tuổi cha của Szukalski đã cho ông đi học điêu khắc tại Art Institute of Chicago (Học viện Nghệ Thuật Chicago). Nhưng chỉ sau 1 năm, giáo viên đã thuyết phục cha ông gửi con mình về lại Ba Lan để theo học  Academy of Fine Arts, ngôi trường danh giá tại Kraków. Szukalski phải trải qua bài nặn tượng thiếu nữ khỏa thân, ông chỉ nặn phần đầu gối nhưng giám khảo đã nhận ra tiềm năng của ông mà nhận vào ngay không cần thi thêm.

Szukalski-and-his-work
Szukalski bên tác phẩm của mình

Szukalski học điêu khắc 3 năm dưới sự hướng dẫn của bậc thầy Konstanty Laszczka trước khi bỏ học về lại Chicago năm 1913. Ông cãi nhau với giáo sư vì không chịu dựng tác phẩm dựa theo người mẫu. Ông cho rằng làm theo mẫu giết chết tài năng. Dường như các họa sĩ với tài năng thiên bẩm đều có xu hướng đối đầu môi trường học thuật thì phải? Bởi trước đây Gấu Mèo từng viết bài về họa sĩ kiêm nhà huyền học Austin Osman Spare – người cũng được nhận vào trường danh tiếng nhưng sớm ra đi vì không đồng tình phương pháp giảng dạy.

Tóm tắt cuộc đời Stanisław Szukalski

Stanisław Szukalski sinh ngày 13/12/1893 tại Warta, Ba Lan. Năm 13 tuổi ông cùng mẹ chuyển đến New York để đoàn tụ với bố, vốn là một thợ rèn ở Chicago. Cha ông – Dyonizy có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời Szukalski. Từ nhỏ, Stas đã là người nổi loạn, ông tự chế ra chữ viết cho riêng mình, thứ mà chẳng ai đọc được cả. Khi giáo viên gọi cha ông lên để phàn nàn, ông Dyonizy chỉ lắc đầu: “Thưa cô, đây là cách thằng bé viết chữ và nó sẽ không thay đổi đâu”. Hệ thống chữ viết ngoằn nghoèo này Szukalski sử dụng đến tận cuối đời, trong những cuốn sách, hoặc khi viết thư.

The-Life-and-Lost-Art-of-Szukalski
Szukalski thời trẻ

Có một chuyện li kì mà Szukalski kể khi có người hỏi ông học giải phẫu học từ đâu. Stas kể ông rất yêu thương cha mình, đó là người “dạy” ông về giải phẫu. Dyonizy tử vong trong một vụ tai nạn giao thông trên đường phố Chicago. Stas đã cõng cha mình đi bộ đến nhà xác của hạt và thể theo yêu cầu của ông, nhân viên nhà xác cho phép Stas mổ xác cha mình. Đó là cách ông học về cơ thể người.

szukalski-father-head
Đầu tượng người cha của Szukalski, chất liệu đồng.

Trên đó chỉ mới là 2 trong số những ví dụ về cá tính mãnh liệt của Szukalski. Struggle: The Life and Lost Art of Szukalski do Irek Dobrowolski, đạo diễn người Ba Lan thực hiện miêu tả Szukalski như một con người đa chiều, mâu thuẫn và đầy phức tạp. Một số nét tính cách của ông có thể là thử thách với người xem. Ông chẳng phải bậc thánh nhân mà cũng là một nghệ sĩ với cái tôi cao chót vót, niềm say mê đến mức có thể gọi là mù quáng, lẫn thái độ ta đây cóc cần đối với nghệ thuật đại chúng.

boleslaw-the-brave-monument

Cuộc đời và tác phẩm của Szukalski không được nhiều người biết đến cũng vì thái độ của ông đối với văn hóa đại chúng Mỹ, một thị trường có thể giúp tên tuổi ông đi xa nhưng cơ bản là ông không hợp. Ông gọi Picasso là Pic-ass-hole trước mặt đối tác tiềm năng và được lịch sự mời về, nhưng cơ bản là Szukalski không cần hợp tác với những người trưng bày tranh Picasso.

Katyn-massacre
Bức tượng về thảm sát rừng Katyn, sự kiện giới trí thức Ba Lan bị xử bắn tập thể năm 1940

Ông cũng gây mết lòng một số nghệ sĩ trẻ khi thẳng thừng phê phán tác phẩm của họ “chẳng có ý nghĩa gì”. Ông quan niệm một tác phẩm phải nói lên được gì đó và ông trung thành với phong cách sáng tác này. Điều này thể hiện rõ ràng qua từng bức tranh, bức tượng của ông, luôn có gì đó để ông thuyết minh về chúng.

szukalski-young

Chưa kể, một sự kiện đau thương trong sự nghiệp của Szukalski đó là hầu hết các tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp của ông đều bị vùi lấp trong mớ đổ nát ở Warsaw khi thành phố bị đánh bom trong Thế chiến lần thứ hai. Szukalski vội vã cùng vợ rời khỏi Ba Lan để đến Mỹ, hành trang vỏn vẹn trong 2 chiếc va li. Những tác phẩm và dự án trong thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp của Stas đều nằm lại Ba Lan, tan chảy trong bom đạn hoặc bị hôi của.

jose-limon-artstation-work-struggle-hand

May mắn thay, sau khi Szukalski qua đời năm 1987, Glenn Bray cùng nhóm bạn đã tìm lại được bức tượng đồng Struggle – tác phẩm ấn tượng nhất trong sự nghiệp Stas. Họ góp tiền để mua lại được Struggle và cùng nhau lưu giữ và lan truyền di sản người nghệ sĩ bí ẩn này để lại, mà đơn cử là bộ phim tài liệu do George DiCaprio sản xuất và Netflix phân phối, cùng nhiều quyển artbook, các buổi triển lãm.

571a3a7f1aa95_o_full
Szukalski và Leonardo DiCaprio ngày bé

Szukalski rất thân thiết với gia đình DiCaprio, thông qua quãng thời gian ông dựng concept cảnh quan cho một số phim Hollywood như King Kong (1933). Trong ảnh trên là tài tử Leonardo DiCaprio cùng bị họa sĩ trong một chuyến ghé chơi nhà. Sau khi trưởng thành, Leo cũng tài trợ cho một số dự án liên quan đến Szukalski như triển lãm mang tên “Struggle” tại Laguna Art Museum năm 2000 và phim tài liệu này.

glenn-bray-and-leomardo-dicaprio
Glenn Bray cùng Leonardo DiCaprio bên tác phẩm của Szukalski

Điều gây sốc duy nhất về cuộc đời Szukalski có thể là việc ông từng là người bài Do Thái mạnh mẽ. Stas là một người theo chủ nghĩa dân tộc, một nhà ái quốc có tư tưởng bài ngoại trong thời điểm trước Thế Chiến II nổ ra. Thế nhưng, sau chiến tranh, sau khi mất hết công trình cả đời mình, sau khi sống ở Mỹ, Szukalski đã thay đổi. Ông không còn hiềm khích với dân Do Thái nữa mà theo ông, đó là dân tộc chịu nhiều vận rủi lịch sử, nhưng nhờ vậy họ mới phát triển tốt hơn theo từng biến cố.

szukalski-and-joan

Szukalski đau đớn rời bỏ quê hương. Ông tự nhận mình là nhà yêu nước không Tổ quốc. Tại Mỹ Stas không còn tiền bạc để dựng studio và đúc tượng nữa, ông đi làm việc trái ngành, khắc khoải nỗi buồn không được sống đúng như tài năng và trái tim thôi thúc. Thứ duy nhất ông còn là tình yêu của vợ Joan, người vợ thứ hai trung thành và đồng hành cùng ông qua những thăng trầm dữ dội nhất.

Phim tài liệu đáng xem cho những ai yêu nghệ thuật

Struggle: The Life and Lost Art of Szukalski nhìn chung là một phim tài liệu được thực hiện chỉn chu. Nó không chỉ tường thuật lại cuộc đời và con người của bị họa sĩ Ba Lan một cách đa chiều mà còn là câu chuyện về tình bạn, sự phản tỉnh, chuộc lỗi. Những nghệ sĩ trẻ người Mỹ đã vượt qua rào cản ngăn cách suy nghĩ, văn hóa, cá tính để tìm cách thấu hiểu Stanisław Szukalski, đồng thời trở thành một phần quan trọng, là người đồng hành tới cuối đời của người nghệ sĩ già cô đơn.

glenn-bray-and-szukalski

Người có công lớn nhất trong việc lưu trữ cuộc đời Szukalski là Glenn Bray (và Leonardo DiCaprio đã sản suất bộ phim). Những con người này biết rằng ẩn sau thái độ khinh mạn khó gần ấy là một chiều sâu tinh thần cần khai thác và giới thiệu cho thế giới. Stanisław Szukalski không thần không Phật, ông chỉ là một con người và là người nghệ sĩ. Szukalski đơn giản là cuộc đời Szukalski. Hiện các tác phẩm của ông được trưng bày vĩnh viễn tại Polish Museum of America.

error: You are not allowed to copy this page, Thank you!