Hòn Loreley (biến thể: Lorelei, Lore Lay) là một đồi đá bảng nằm bờ bên phải khúc trung lưu sông Rhein, thuộc Đức. Đồi đá này có tiếng vang rất đặc biệt và tọa lạc gần trên đỉnh là sân khấu nhạc ngoài trời Freilichtbühne Loreley được xây từ thời Đức Quốc xã. Tới nay, sân khấu này vẫn còn được sử dụng và là nơi tổ chức những buổi trình diễn nhạc rock danh tiếng.
Truyền thuyết hòn Loreley
Xoay quanh mỏm đá nổi tiếng này là những câu chuyện cổ, truyền thuyết, với người lùn, yêu tinh, hay người cá. Nổi tiếng nhất là về nàng Loreley, mỏm đá được cho là mang tên theo nàng. Loreley (hay Lore Ley) là thiếu nữ xinh đẹp, có người nói nàng là phù thủy có khả năng rù quến mọi người đàn ông yêu mình và rồi đẩy họ đến chỗ chết. Tuy nhiên, Lore Ley ngày nọ đã xiêu lòng và yêu thật sự một chàng hiệp sĩ. Thế nhưng, người này lại miễn nhiễm với phép thuật của nàng (hoặc vì thật lòng nên cô không dùng bùa ngải) và tố cáo Lore Ley lên Giám Mục.
Thế nhưng, ngay cả Giám Mục cũng phải mềm lòng trước nhan sắc Lore Lay. Nàng không bị phán tội chết mà chỉ chuyển về một tu viện nữ. Trên đường đi có ba hiệp sĩ áp giải nàng, khi đến mỏm đá, nàng nói muốn đứng trên đó nhìn về lâu đài của người mình yêu lần cuối. Ai ngờ leo lên đến nơi thì nàng nhào xuống sông Rhein tự vẫn, ba người hiệp sĩ cũng nhảy xuống theo.
Câu chuyện về nàng Lore Ley trên bắt nguồn từ bản ballad lãng mạng của Clemens Brentano và về sau có rất nhiều dị bản, bản thân bản ballad của Brentano cũng lấy cảm hứng từ những câu chuyện cổ. Một biến thể phổ biến nữa đó là Lore Ley vốn là tiên cá ngồi trên mỏm đá, chải mái tóc dài vàng óng dưới ánh trăng, tiếng hát của nàng mê hoặc các thủy thủ, khiến họ không chú ý khúc quanh mà đâm thuyền vào đá vỡ tan.
Chúng ta đều biết rằng những câu chuyện cổ như thế này được truyền miệng từ thời xa xưa để lý giải cho những hiện tượng khó lý giải. Khúc trung thượng sông Rhein có nhiều khúc quanh co và hòn Loreley nhô ra tạo thành khúc quanh khá gắt, lại có nước xoáy nguy hiểm, tàu bè đi ban đêm không kịp trở tay mà hay đâm vào mỏm đá. Có lẽ vì vậy mà người xưa mới chế ra nàng tiên cá Lore Lay để lý giải cho những tai nạn thương tâm liên tiếp xảy ra nơi đó, cộng thêm tiếng vang đặc biệt ở nơi này.
Loreley trong văn hóa đại chúng
Bản ballad của Clemens Brentano đã góp phần giúp câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn. Khó ai có cưỡng lại một câu chuyện lãng mạn như thế. Lorelei trở thành cái tên gắn với điển tích điển cố, thường được đặt cho những nhân vật nữ quyến rũ, hoặc phổ thành những bản nhạc về tình yêu không thành.
Có thể kể đến bài Lorelei của ban nhạc Đức nổi tiếng Scorpions, bài hát đề cập trực tiếp đến sự tích, trong đó ẩn dụ tình yêu mù quáng của nhân vật cũng giống như chiếc thuyền đâm vào vách đá bởi tiếng hát của Lorelei.
Ban nhạc metal khác của Đức là Lord of The Lost cũng có bài hát về Loreley, lời bài hát mơ hồ hơn nhưng đại loại cũng nói về nỗi buồn đau giết chết người con gái Loreley từ bên trong. Ngoài ra còn rất nhiều bài hát nữa của các ban nhạc khác như Blackmore’s Night, Dschinghis Khan, The Pouges, Styx…
Lorelei là nguồn cảm hứng vô tận. Vũ trụ Marvel cũng có nhân vật tên Lorelei với năng lực điều khiển đối phương bằng giọng nói. Nhân vật này cũng xuất hiện trong hai tập phim truyền hình Agents of S.H.I.E.L.D, do Elena Satine thủ vai.
Nữ chính trong Gentlemen Prefer Blondes (1953) tên là Lorelei Lee, do Marilyn Monroe thủ vai. Đây cũng là vai nữ quyến rũ, trông có vẻ ngốc nghếch nhưng thật ra lanh mồm lẹ miệng, có thể nói là street smart chứ không khờ khạo như người ta nghĩ.
Lorelei dưới diễn xuất của huyền thoại Marilyn là người phụ nữ thực dụng, ưa vật chất. Nhưng thật ra sống trong xã hội nam quyền và làm công việc không mấy ai coi trọng, cô buộc phải khôn khéo, có thể nói là lươn lẹo theo cách riêng của mình: “Con có thể thông minh trong những việc quan trọng, nhưng phần lớn đàn ông không thích thế”.
Bạn đọc quan tâm đến truyện thần thoại, điển tích có thể tham khảo mục Văn hóa và Xã hội của Gấu Mèo để đọc nhiều hơn nhé!