Everything Everywhere All at Once (EEAO), một phim do hãng A24 sản xuất, có yếu tố đa vũ trụ. A24 vốn nổi tiếng về khoản đầu tư cho những kịch bản gốc lạ lùng và những bộ phim kinh dị quái đản. EEAO cũng là một phim mang đặc trưng dị hợm đó, nhưng có một khúc cua tôi không ngờ được: Bộ phim chỉ mượn đa vũ trụ để kể một câu chuyện đơn giản hơn, nhưng gần gũi và cấp thiết. Tôi đã khóc khi xem đến 3/4 Everything Everywhere All at Once, có rất nhiều điều để nói về kiệt tác này.

Everything Everywhere All at Once là gì?
Tựa phim có nghĩa là “Tất cả mọi thứ ở tất cả mọi nơi cùng một lúc”, dựa theo giả thuyết mà các nhà vật lý lượng tử đưa ra nhằm suy đoán về cách vận hành của thế giới lượng tử. Thí nghiệm nổi tiếng nhất chứng minh sự kỳ quái này của của lượng tử đó là Thí nghiệm Khe đôi (Slit Experiment), được Geoffrey Ingram Taylor tiến hành lần đầu năm 1909 và đến tận ngày nay vẫn cho ra kết quả y hệt.
Tóm tắt thí nghiệm: Khi các nhà khoa học bắn một hạt electron đi xuyên qua một lỗ hổng trên rào chắn thì nó tuân theo đúng dự đoán của họ: bắt đầu là dạng hạt và kết thúc hành trình ở bức tường cũng ở dạng hạt, tạo thành một dải sáng. Nhưng khi người ta bắn hạt electron đi qua hàng rào có 2 khe hở, thì nó có vẻ như đi qua hai khe cùng lúc, tạo thành nhiều dải giao thoa như sóng chứ không chỉ 2 dải như dự đoán.

Điều khiến các nhà khoa học kinh ngạc hơn nữa là khi họ đặt một máy theo dõi electron xem nó đi qua khe thế nào, thì hạt hạ nguyên tử tinh quái ấy lại hành xử bình thường, tạo thành hai dải sáng tương ứng với hai khe chúng đi qua.
Vậy hãy tưởng tượng, nếu trong tình trạng không chú ý và có thêm khe hở thứ 3, thứ 4 cho hạt electron đi qua thì sẽ thế nào? Phức tạp hơn nữa là một tấm rào chắn càng có nhiều khe hở thì xem như nó là một không gian trống, tức một hạt electron cứ thế có thể ở mọi nơi cùng lúc. Mà electron là đơn vị nhỏ nhất cấu thành nên vật chất.
Dựa vào tính siêu vị trí của electron, EEAO miêu tả khả năng truy cập vào vũ trụ khác, học kỹ năng của bản thân mình ở đó, ở trình cao hơn còn là biến đổi vật chất theo ý muốn như Jobu và Evelyn. Thế nhưng, lượng tử hay đa vũ trụ chỉ là phương tiện để EEAO truyền tải những thông điệp phi thường hơn
Các tư tưởng triết học chủ đạo trong phim
Có thể bạn xem EEAO vì yếu tố đa vũ trụ, nhưng cuối cùng đọng lại trong lòng sẽ là câu chuyện về tình gia đình, tình yêu, khoảng cách thế hệ, ý nghĩa sống ở đời…v.v. Một bộ phim hay vì có cách kể chuyện hay, EEAO tựa như cuốn sổ nháp của các biên kịch nơi mọi ý tưởng đều được chấp nhận, tạo nên bộ phim thoạt trông như nồi lẩu thập cẩm nhưng vẫn đạt được kết cấu tổng thể chặt chẽ.
Sơ lược nội dung phim
Nhân vật chính trong phim là Evelyn (Dương Tử Quỳnh), năm xưa do chạy theo tình yêu là Waymond Wang (Quan Kế Huy) mà sang đất Mỹ. Hai vợ chồng kinh doanh bằng cửa tiệm giặt ủi và có con gái tên Joy. Phim mở đầu bằng quang cảnh bận rộn tại nhà Evelyn, bà phải lo đón người cha từ TQ, lo chuyện thuế má, cửa hàng, Joy lại ra mắt bạn gái, chồng thì đệ đơn ly hôn. Tất cả chồng chất khiến Evelyn muốn nổ tung và bà nhận ra cuộc đời mình chán ngán đến mức nào.

Evelyn có rất nhiều ước mơ, nó thể hiện qua mớ hóa đơn bà nộp cho cơ quan thuế. Có lẽ như tất cả những ước mơ ấy bị trì hoãn hoặc dập tắt từ khi bà quyết định đi theo Waymond. Evelyn khám phá ra bản thân ở những vũ trụ khác khi Alpha Waymond (chồng bà nhưng ở Alphaverse) tìm đến và cho biết về thảm họa diệt vong mà phản diện Jobu Tupaki mang tới cho đa vũ trụ.
Nếu được lựa chọn khác
Đầu tiên, câu hỏi mà bộ phim mang lại cho khán giả khi đề cập đến đa vũ trụ rất đơn giản, đó là về những quyết định. Trong phim đã giải thích, mỗi quyết định, mỗi hành động của chúng ta đều gây rẽ nhánh ra một vũ trụ khác, nơi ta là một cái gì đó khác dựa trên hành động và sự kiện. Thành thử có hằng ha sa số các vũ trụ tồn tại song song với thế giới ta đang ở.
Đơn cử như Evelyn chọn đi theo Waymond hay không đã phát sinh ra 2 vũ trụ, nơi bà là hai con người khác nhau khi có và không có Waymond, đó chỉ mới là 2 trong vô lượng thế giới. Evelyn khi bé sẩy chân ngã cũng là một vũ trụ khác, hoặc không chỉ xoay quanh một con người, lịch sử tiến hóa loài người cũng đã trổ nhiều nhánh.
Ví dụ như vũ trụ nơi con người có bàn tay xúc xích do năm xưa loài khỉ tay bình thường bị đánh bại bởi bọn khỉ xúc xích và tuyệt chủng. Chỉ nhiêu đó thôi cũng đủ để bạn hiểu mức độ rộng lớn của đa vũ trụ trong EEAO.

Thế nên, từ đó Evelyn bâng khuâng trong lòng câu hỏi: “Sẽ ra sao nếu mình và Waymond không ở bên nhau?”. Trong một phút mâu thuẫn, bà đã công nhận đó là cuộc đời tuyệt vời hơn tiệm giặt ủi hiện tại và tỏ ý hối hận. Sự thật là, con người ta chỉ nuối tiếc quyết định năm xưa khi không hài lòng với cuộc sống hiện tại. Nếu con người vui vẻ với cuộc sống và bản thân mình rồi, chắc chắn nhìn lại những gian khó năm xưa, những quyết định ngốc nghếch, nhưng dại dột lầm lỡ, họ sẽ xem đó là phước lành dẫn đến con người họ như hiện tại và không cần phải đưa ra quyết định khác.
Everything Everywhere All at Once tôn vinh chánh niệm bằng cách đặt nhân vật chính vào giữa vô vàn khả năng khác nhau. Thay vì nhìn tới nhìn lui bản thân ở những vũ trụ khác, thì hãy trân trọng cuộc sống ở thế giới hiện tại, trân trọng những điều nhỏ bé, ngớ ngẩn nhất. Từ gia đình rắc rối cho đến mấy cặp mắt nhựa đồ chơi của người chồng, câu chuyện gẫu của khách.
Khi chịu sống chậm lại và nhìn kỹ hơn, Evelyn mới nhận ra lòng bác ái của chồng, hay đồng cảm với câu chuyện về hương nước hoa người vợ quá cố hay dùng của người khách quan phu. Tất cả những điều đó về sau đều có ích cho Evelyn trong trận chiến.
Thái độ khác nhau với chủ nghĩa hư vô
Evelyn có chồng và một con gái. Con gái Joy đồng thời cũng là phản diện Jojo Chewbaca (!!) đại diện cho một thái độ khi đối mặt với hư vô, còn người chồng là phản đề. Jobu tạo ra cái bánh vòng như một công cụ hủy diệt, còn Waymond có những con mắt nhựa. Hai công cụ này như âm và dương, như hai thái độ của con người khi khám phá ra tính hư vô của cuộc đời. Các bạn có thể hiểu thông qua meme dưới đây:

Tại Alphaverse, Joy bị mẹ mình ép “nhảy verse” đến mức phân rã, cảm nhận đồng loạt tất cả phiên bản của mình tồn tại ở các vũ trụ khác. Từ việc cảm nhận hết, thấy hết mọi thứ đó, Joy rơi vào khủng hoảng hiện sinh trầm trọng dẫn đến con đường tự hủy diệt. Đó là tâm lý thường thấy của những người mới tiếp cận chủ nghĩa hiện sinh, thường xảy ra ở độ tuổi còn trẻ, khi ấy họ có nhiều hoài bão, bám chấp, dẫn đến ý niệm về một cuộc đời hư vô là quá sức chịu đựng.
Một lần nữa, Gấu Mèo xin minh họa bằng meme sau:

Trái ngược với Joy, chính xác hơn là Jobu, người chồng Waymond cùng những con mắt nhựa mang tinh thần chánh niệm cao nhất. Waymond đơn giản và vô tư đến mức không cần biết gì về hư vô chủ nghĩa hay đa vũ trụ. Ông chỉ cần biết Evelyn ở đó và ông luôn ở đó với bà, thậm chí lá đơn ly hôn cũng chỉ vì suy nghĩ ngây ngô “thấy vợ chồng Byron ở nhà thờ cũng khổ sở như mình, nhưng họ thảo luận chuyện ly hôn và thế là mọi thứ ổn thỏa hết”.
Tư tưởng Phật giáo thể hiện ở Waymond
Waymond vốn tính tốt bụng, không giỏi nghĩ ngợi sâu xa. Trong khi Evelyn không thiện cảm gì với thanh tra sở thuế, ông vẫn mang bánh quy biếu họ. Giữa trận chiến sinh tử, dù bị vợ đâm, Waymond vẫn đứng chắn giữa bà và kẻ thù và gào lên từ tận trái tim “Làm ơn, hãy từ bi, nhất là khi ta không hiểu chuyện gì đang xảy ra”.

Vì từ bi, nhất là khi không hiểu chuyện gì đang diễn ra, nên dù Evelyn cư xử lạ lùng, dù bị vợ nói những lời đau lòng với mình, bị đâm vào bụng, Waymond vẫn đứng chắn giữa kẻ địch và vợ, ngăn cản mọi người đừng đánh nhau nữa. Waymond là người đã dạy cho Evelyn rất nhiều về tình thương và đồng cảm.
Phật giáo có tứ vô lượng, một trong số đó là vô lượng từ bi. Khoảnh khắc Evelyn nhặt con mắt nhựa đặt lên trán, bà đã đồng ý nhìn thế giới qua con mắt của chồng, hay như thoại phim: “Em quyết định chiến đấu theo cách của anh”. Phân cảnh đánh nhau sau đó thật đắt giá, nó biến câu “make love not war” không còn sến và rập khuôn nữa. Evelyn nên được liệt vào một trong những vai diễn chói sáng nhất của Dương Tử Quỳnh – “bà cô biết đánh nhau” của Hollywood.
Chủ nghĩa hư vô không chỉ đơn thuần là “Cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì”, nó là chấp nhận tính “không” của cuộc đời này và quyết định tận dụng nó để sống tốt đời đẹp đạo hơn. Nó không phải lợi dụng sự vô nghĩa của đời sống để đánh mất đạo đức, mà dựa vào đó để trân trọng từng phút giây. Không có gì trên đời này có ý nghĩa, nên thành ra tất cả có nghĩa ngang nhau.
Thông điệp về tình cảm gia đình, tình yêu, sang chấn thế hệ
Sau cùng thì Everything Everywhere All at Once mượn yếu tố đa vũ trụ phức tạp để truyền tải câu chuyện về tình cảm gia đình, tình yêu, sang chấn thế hệ rất hay. Năm nay tôi lại “vô tình” xem thêm một phim gia đình nữa mặc dù bản thân ngại thể loại này. Cũng may là tình cảm gia đình trong phim được thể một cách chân thành, không bị sến, phù hợp với người châu Á vốn không bày tỏ tình cảm với người trong nhà theo kiểu ngọt ngào, bặm trợn.
Rất dễ thấy sang chấn thế hệ trong gia đình Evelyn và tất cả được bà trút ra hết ở cuối phim. Evelyn bị áp lực từ cha nên luôn cảm thấy bản thân lựa chọn sai lầm và kém cỏi. Từ đó, bà đổ nỗi sợ hãi cha mình lên con gái Joy, bà sợ con gái trở nên giống mình, lâm vào cuộc sống vất vả như mình. Cuối cùng, Evelyn an lòng rằng bản thân bà chẳng có gì phải xấu hổ cả, suy ra Joy có thể sống theo ý con bé muốn mà vẫn ổn. Chẳng có gì gọi là không ổn khi tự tâm ta biết xuôi dòng và chấp nhận mọi trở ngại trên đường đời.

Nói đến tình yêu, tuy không muốn so sánh EEAO với bất kỳ phim đa vũ trụ nào, nhưng có thể nói lời tỏ tình của Waymond là phiên bản “yêu em ở mọi vũ trụ” chân thành và sâu sắc biết bao:
“Anh chọn cách nhìn mọi việc theo khía cạnh tươi sáng. Không phải vì anh ngây thơ. Mà đó là chiến thuật và cần thiết. Đó là cách anh học sinh tồn qua mọi thứ. Em tự xem mình là chiến binh thì anh cũng vậy. Đó là cách anh chiến đấu. Thế nên, cho dù em vừa làm tan vỡ tim anh lần nữa, anh cũng xin nói rằng, ở một kiếp sống khác, anh vẫn muốn được làm công việc giặt là, thuế má với em”.
Evelyn cảm nhận song song hai thực tại, xâu chuỗi chúng với nhau, nhận ra triết lý của Waymond, nhận ra tấm lòng của ông. Bà nhặt con mắt nhựa mình từng rất ghét lên và học cách chiến đấu từ Waymond ở mọi vũ trụ.
Đánh giá chung và bàn chuyện ngoài lề
Hẳn các bạn cũng biết một chuyện bên lề đó là ban đầu, EEAO có nhân vật chính là nam, do Thành Long thủ vai. Nhưng cuối cùng do đụng lịch trình, Thành Long đã không thể tham giam giúp cho vai diễn được thay đổi thành nữ và Dương Tử Quỳnh thay vì là người vợ vai phụ, đã trở thành nhân vật chính.
Awkwafina đáng lẽ cũng sẽ vào vai con gái Joy của nữ chính, nhưng cũng vì kẹt dự án mà vai này giao lại cho Stephanie Hsu. Tiếp theo là Quan Kế Huy tham gia đóng vai người chồng bên cạnh Dương Tử Quỳnh. Ơn trời, tất cả những thay đổi này thật kì diệu.
Ở Dương Tử Quỳnh, từ cách phát âm tiếng Anh trật vuột, đầu bù tóc rối, bước chân hấp tấp, điệu bộ rối rắm đều trái ngược với hình tượng nữ anh hùng đâu vào đấy trong đa số phim trước. Và tôi thấy bà đóng kiểu vai nào cũng thật dễ mến, nhưng Evelyn còn khiến tôi nổi da gà vì giống bà mẹ ở nhà của tôi quá.
Vai con và chồng của Hsu và Quan Kế Huy cũng là điểm sáng chói khác nữa. Stephanie Hsu đóng vai con gái Joy của Evelyn, đồng thời là kẻ thù Jobu Chewbaca (!!). Hsu diễn hài ra hài mà ác ra ác, khóc ra khóc. Đây là nhân vật được xây dựng gần gũi rất gần gũi mà bất kỳ ai có bất đồng với cha mẹ đều sẽ hiểu, hiểu được cơn bướng bỉnh của cô bé ở gần cuối phim.
Cái hay của Everything Everywhere All at Once đó là bằng cách khiến cho mọi việc không trôi qua dễ dàng chỉ sau vài câu tâm tình, nó giúp phân đoạn xử lý tình cảm gia đình không bị sến, sượng. Người châu Á vốn không dễ bộc lộc tình cảm, nhất là giữa người nhà với nhau, nên việc Joy giằng co một lần cuối trước khi trở về rất thực tế đối với khán giả Á Đông, nhất là tôi, một đứa rất ớn phim gia đình.
Cuối cùng là Quan Kế Huy, trong vai người chồng Waymond Wang. Đây chính là nhân vật khiến tôi khóc trận đầu tiên. Ở chú Huy có nét dễ mến để vào vai người chồng ngốc nghếch, chân phương, nhưng bản thân ông cũng là bậc thầy diễn xuất nên khi nhập vai Waymond ở vũ trụ khác, từ chiến binh Alpha Waymond cho đến Rich Waymond ở vũ trụ không được ở bên Evelyn, khán giả phải thán phục bởi dường như ông đã khoác lên trên mình một thần khí khác hoàn toàn.
Cùng nhau, 3 con người này trở thành xương sống cho Everything Everywhere All at Once, tạo nên gia đình nhập cư cực kỳ rắc rối nhưng cũng duyên dáng, gần gũi.