Bóng đè là hiện tượng đáng sợ mà lại rất phổ biến
“40% nhân loại từng gặp phải hiện tượng bóng đè ít nhất một lần trong đời, 1/3 trong số đó kể rằng họ đã bị tấn công bởi thực thể ma quỷ.“ – đó là lời tựa của phim kinh dị Mara (còn được biết đến với tên Kẻ Không Ngủ hoặc Quỷ Bóng Đè). Ra mắt năm 2018, mặc dù phim không thành công lắm nhưng đã làm tốt trong việc truyền tải một số kiến thức rất thú vị. Phim khai thác đề tài ác quỷ theo cách mà mình cho là hay hơn loạt phim về Valak nhiều.
Bộ phim mở đầu khi cô bé Sophie bị đánh thức bởi mẹ là Helena, được cho là đang la hét sau khi giết chồng là Wynsfield. Kate Fuller (do Bondgirl Olga Kurylenko thủ vai) – một nhà tâm lý học tội phạm được thám tử McCarthy gọi đến hiện trường vụ án để chẩn đoán tình trạng của Helena và kết luận xem nên đưa cô vào viện tâm thần hay không.
Khi Kate phỏng vấn Helena và Sophie, cả hai đều khẳng định rằng ông Wynsfield đã bị giết bởi con quỷ Mara. Kate bắt tay vào điều tra và phát hiện ra không chỉ có một nạn nhân duy nhất, vụ việc không hề đơn giản và linh hồn ma quỷ này bắt đầu rình rập cô. Mara – con quỷ trong phim được truyền cảm hứng từ nhiều sự kiện khác nhau và nó được liên kết với hiện tượng SUNDS (Sudden Unexplained Nocturnal Death Syndrome) – Đột tử do rối loạn nhịp tim khi ngủ và hiện tượng Bóng Đè (Sleep Paralysis).
Từ năm 1997, nhiều người Hmông tị nạn ở Mỹ và Canada chết bất thường trong khi ngủ. Năm 1982 – 1990, hơn 200 công nhân Thái Lan cũng chết khi lưu trú tại Singapore vì nguyên nhân không lý giải, họ đều ngủ và qua đời. Từ 1981-1982, tỷ lệ chết do SUNDS hàng năm ở Hoa Kỳ cao nhất với 92/100.000 trong số những người gốc Lào-H’mong, 82/100.000 trong số các nhóm dân tộc Lào khác và 59/100.000 trong số những người Campuchia.
Tỷ lệ tăng cao này là lý do tại sao mô hình của những cái chết bất ngờ ở người châu Á đã được chú ý nghiên cứu ở Hoa Kỳ.
Nhiều nền văn hóa ghi nhận cùng một hiện tượng
Trong văn hóa tâm linh của người Hmông, họ cho rằng đây là hiện tượng do ma quỷ gây ra. Người Indonesia cũng ghi nhận, gọi hiện tượng là digeuton (bị ép chết). Người Trung Quốc thì gọi bèi guǐ yā (bị quỷ đè chết). Đối với tiếng Hàn, hiện tượng được miêu tả là gawi nulim, tức “bị đè xuống bởi thứ gì đó đáng sợ trong giấc mơ”, tiếng Nhật gọi là kanashibari. Mông Cổ, Tây Tạng và tất nhiên là Việt Nam cũng ghi nhận hiện tượng “ma đè” hay “bóng đè”.
Ở Hà Lan, người ta gọi cái chết bất thường này là nachtmerrie, với chữ “merrie” đến từ tiếng Hà Lan thời trung cổ là mare – một giống quỷ cái incubus ngồi lên ngực nạn nhân và làm họ ngạt thở. Mô tả này khớp với khái niệm quỷ dab tsuam của người Lào, vốn được cho là có hình dạng của một người phụ nữ ghen tuông. Tại Phillipines, con “quỷ ngủ” này cũng tồn tại, nó được gọi là bangungot – có hình dạng như một bà già và nó giết người bằng cách ngồi lên ngực hoặc lên mặt của nạn nhân, khiến họ ngạt thở và chết khi đang ngủ.
Ở Canada, người ta biết đến thực thể ma quỷ tương tự trong văn hóa dân gian là Night-Hag (hag là bà lão). Năm 1781, họa sĩ người Thụy Sĩ Henry Fuseli vẽ bức tranh Nightmare – mô tả hiện tượng bóng đè khi một cô gái bị con quỷ ngồi lên ngực. Văn hóa Slavic, Đức, Scandinavi, Thụy Điển, Pháp, Na Uy cùng ghi nhận khái niệm về con quỷ mære – với biến thể về ký tự trong ngôn ngữ khá tương đồng và mô tả về hiện tượng dẫn đến cái chết cũng vậy.
Còn trong tiếng Phạn, Māra là từ được dùng để gọi Ma Vương, con quỷ đã cố gắng cám dỗ Đức Phật Thích Ca (Thái tử Siddhārtha) trong đêm ông tọa thiền dưới gốc bồ đề để giác ngộ. Chuyện kể lại rằng Mara đã dùng những ảo ảnh ma mị gợi dục, hoặc cho những đứa con gái của mình khỏa thân để quấy rối đức Phật. Tuy nhiên cuối cùng bị đức Phật gạt bỏ hết tạp niệm và đánh bại. Māra cũng là tên thật của Nanno – Cô Gái Đến Từ Hư Vô.
Một thực thể ma quỷ truyền cảm hứng cho phim
Có thể nói, nếu dựa trên các chứng cứ, ghi chép và câu chuyện truyền miệng trong văn hóa dân gian và đời sống tâm linh của các dân tộc trên thế giới (bất kể họ không có sự liên hệ với nhau do cách xa về mặt địa lý) thì có tồn tại một thực thể ma quỷ cổ xưa vô cùng hùng mạnh, nó liên hệ với giấc ngủ, hiện tượng bóng đè và cái chết bí ẩn. Nó được ghi nhận từ rất sớm trong các nền văn hóa sơ khai.
Trong phim, con quỷ xuất phát cùng với một sự kiện thảm khốc, và nó lây lan từ người sang người với điều kiện là người đó có tội lỗi, trong đầu có tạp niệm và bị dằn vặt bởi hành vi mà mình đã gây ra. Ban đầu nó chỉ đứng từ xa và quan sát nạn nhân, trong lúc họ đang bị bóng đè (cơ thể tê liệt nhưng thần trí tỉnh táo). Dần dần, Mara sẽ đến gần hơn sau mỗi lần bóng đè và giết chết nạn nhân.
Các tình tiết của phim diễn ra một cách chặt chẽ và xuyên suốt như bạn đang đọc một cuốn truyện trinh thám, hoàn toàn dễ hiểu khi người xem theo chân nhân vật chính Kate để điều tra về những cái chết và tìm ra quy luật trong cách giết người của con quỷ. Tuy nhiên, cũng vì thế mà phim có vẻ hơi chậm, thiếu cao trào và không có twist gì cả.
Phim có một vài pha jumpscare và sử dụng âm thanh chói tai, tốt nhất bạn nào yếu tim thì nên ngồi xa màn hình một chút và vặn volume nhỏ thôi. Mặc dù kịch bản hơi yếu không xây dựng được tính cách của con quỷ nhưng tạo hình Mara khá đạt, vặn vẹo ghê tởm và cách nó xuất hiện có thể khiến người xem cảm thấy tuyệt vọng trước hiểm họa không tránh khỏi.
Thông qua việc lý giải các hiện tượng như SUNDS hoặc sleep paralysis, phim cũng đưa vào một số kiến thức khoa học thông qua vai diễn của nhân vật tiến sĩ Ellis. Bên cạnh đó thì cần nói là diễn xuất của nữ chính khá tốt, vai phụ Dougie – người đàn ông bị ma ám thì rất xuất sắc, nói chung phim này ai diễn cũng ổn. Lưu ý: Bạn nào hay bị bóng đè, yếu tim, hay sợ ma và ngủ một mình thì đừng xem phim nhé, tốt nhất là rủ bạn xem cùng và xem buổi sáng, đừng mở ra xem trước khi đi ngủ là được.
Một phim kinh dị khác của Việt Nam cũng được truyền cảm hứng từ hiện tượng bóng đè là The Ancestral của đạo diễn Lê Văn Kiệt.