Cố ý phá hoại tác phẩm của Van Gogh
Hai nhà hoạt động xã hội với quan điểm “anti-oil” (phản đối khai thác và sử dụng dầu) đã gây náo loạn tại Phòng trưng bày Quốc gia ở London bằng cách ném súp cà chua vào bức tranh Sunflowers của cố họa sĩ Vincent Van Gogh vào ngày 14 tháng 10 vừa qua. Hai nhà hoạt động được xác định là Phoebe Plummer, 21 tuổi, đến từ London và Anna Holland, 20 tuổi, đến từ Newcastle.
Rất may, bức tranh có trị giá lên đến hơn 84 triệu USD được bảo vệ tốt và nó không bị tổn hại, chỉ có phần khung tranh là bị hỏng một chút.
“Điều gì đáng giá hơn, nghệ thuật hay cuộc sống?” – Người tham quan ở phòng trưng bày có thể nghe thấy cô Plummer hét lên trong khi Anna Holland nói thêm: “Nó có giá trị hơn thức ăn không? Hơn cả công lý? Bạn quan tâm hơn đến việc bảo vệ một bức tranh hay việc bảo vệ hành tinh và con người của chúng ta?” – Tôi không chắc lắm về thứ công lý mà họ đang đấu tranh và cả hai đã bị cảnh sát giải đi sau đó.
Sở Cảnh sát Đô thị London cho biết hai cô gái trẻ bị bắt vì tội gây ra thiệt hại và xâm phạm tại phòng triển lãm, đồng thời làm dấy lên sự phẫn nộ trên mạng xã hội đối với phong trào của nhóm “Just Stop Oil” mà họ đang triển khai. Cần lưu ý đây không phải là hành động duy nhất của nhóm này đối với các tác phẩm nghệ thuật, họ cũng đã tấn công tác phẩm Peach Trees in Blossom của Van Gogh trước đó.
Một bình luận trên Twitter tag thẳng trang Just Stop Oil viết: “Theo nghĩa đen, hành vi này không có ý nghĩa. Nhắm đến các tác phẩm nghệ thuật quan trọng trên phạm vi quốc tế sẽ không mang lại sự hỗ trợ cho mục tiêu của bạn hoặc tạo ra sự thay đổi. Nó sẽ chỉ biến những người luôn ủng hộ các cuộc biểu tình và có nhu cầu thay đổi quay sang chống lại bạn, đồng thời làm mồi cho những kẻ tấn công từ cánh hữu.“
Hành vi ngu ngốc của Just Stop Oil
Mình hoàn toàn đồng ý rằng hành vi của hai cô gái nói trên là vô nghĩa, nó cũng thể hiện rằng bản thân họ không hề biết mình đang đấu tranh cho điều gì. Trên thực tế, nếu muốn nhằm vào việc nâng cao nhận thức về việc hạn chế sử dụng dầu, ở đây là một phần của các nhiên liệu hóa thạch (fossil fuels), thì công kích các tác phẩm nghệ thuật có dùng sơn (cần nguyên liệu từ dầu để sản xuất) là vô nghĩa.
Cần làm rõ là ngày nay dầu cũng như các nhiên liệu hóa thạch khác (khí tự nhiên, than đá…) là cần thiết cho quá trình sản xuất rất nhiều thứ, ví dụ như chất liệu nhựa, quần áo, vải vóc, các ngành công nghiệp từ nhẹ tới nặng, từ cái ly nhựa cho đến chiếc xe trị giá hàng triệu USD… Các loại sơn màu dùng để vẽ, hay nhiều thứ khác phục vụ cho việc sáng tạo nghệ thuật cũng không ngoại lệ, tuy nhiên có sự khác biệt.
Việc ứng dụng dầu trong ngành sản xuất sơn màu được gọi là “non-combustion uses” – tức dùng sản phẩm từ dầu hoặc nhiên liệu hóa thạch cho một mục đích mà không đốt cháy nó (cụ thể ở đây là để pha chế màu), nhằm phân biệt với “combustion uses” – tức dùng sản phẩm từ dầu hoặc nhiên liệu hóa thạch cho một mục đích là đốt cháy nó (như tạo ra xăng để vận hành phương tiện, máy móc).
Theo American Coatings Association (Hiệp hội Sơn phủ Hoa Kỳ) – tổ chức tình nguyện, phi lợi nhuận làm việc để thúc đẩy nhu cầu của ngành sơn và chất phủ và các chuyên gia làm việc trong đó thống kê cho biết, tính theo số liệu năm 2017, chỉ 13% tổng sản phẩm xăng dầu được tiêu thụ dưới dạng không đốt cháy (bao gồm trong các loại sơn màu), đối với khí tự nhiên là 3% và đối với than đá là dưới 1%.
Tức là, lượng nguyên liệu từ nhiên liệu hóa thạch dùng cho ngành sản xuất sơn màu mà các họa sĩ sử dụng là rất ít so với các mục đích sử dụng khác. Thế nên, trong trường hợp một tổ chức muốn công kích việc khai thác và sử dụng dầu, mà lại nhắm vào các tác phẩm nghệ thuật có dùng sơn là không khôn ngoan, và nó chỉ là hành vi phá hoại của công chứ không thể tạo ra một luận điểm thuyết phục được.
Đó là chưa kể các tác phẩm nghệ thuật cũng như bản thân những người sáng tạo nghệ thuật đều có những giá trị không thể đo đếm được về mặt tinh thần, cũng như đóng góp của họ vào văn hóa, văn minh nhân loại là không thể phủ nhận. Chúng ta không thể như hai cô gái thành viên của Just Stop Oil kia, thét lên rằng tác phẩm nghệ thuật của Van Gogh đáng giá như thế nào, hay lượng dầu được dùng trong sơn màu để tạo ra chúng là quá nhiều hay quá ít.
Chính vì vậy, nhắm vào các tác phẩm nghệ thuật vì mục đích “anti-oil” là bất công, trong khi tiêu thụ nhiều dầu nhất là các ngành công nghiệp sản xuất, ngành công nghiệp vũ khí của các cường quốc phải chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên dường như các đối tượng đó nằm ngoài tầm với của các tổ chức phông bạt như Just Stop Oil, thế nên họ quay sang tấn công các sáng tạo nghệ thuật nổi tiếng để gây sự chú ý và kiếm tiền tài trợ.
Được tài trợ bởi đại gia xăng dầu
Chưa kể, có một điều trớ trêu là bản thân Just Stop Oil là một hội nhóm phản đối việc khai thác và sử dụng dầu, nhưng bản thân họ lại được tài trợ bởi Climate Emergency Fund – một quỹ từ thiện có nhà sáng lập bao gồm Aileen Getty Foundation của Aileen Getty. bà Aileen Getty là một trong những người đang hưởng lợi từ tài sản của tập đoàn xăng dầu do ông mình là Jean Paul Getty sáng lập. Cần lưu ý, Getty là gia tộc giàu lên nhờ tham gia khai thác và buôn bán dầu mỏ.
Một điều đáng lưu tâm hơn nữa là khi còn sống, Jean Paul Getty lại là một người rất đam mê các tác phẩm nghệ thuật, ông mua hàng trăm bức vẽ, bao gồm nhiều tác phẩm nổi tiếng từ thế kỷ 18. Thậm chí nhà Getty còn sở hữu cả một bảo tàng, là Getty Museum, sau khi Jean Paul Getty chết, các bức vẽ mà ông sưu tầm đã được mang về trưng bày tại đây. Quanh đi quẩn lại, thì nói chung là hành vi ném sốt cà chua vào tác phẩm của Van Gogh mà Just Stop Oil vừa làm chính là một trò hề.