God of War Ragnarök: Odin – Gã trùm cuối thâm hiểm mở ra tương lai khó đoán cho cả series

God of War Ragnarök đã ra mắt và một trong những yếu tố đáng chú ý nhất trong tựa game này chính là thần Odin – gã trùm cuối thâm hiểm gây ra không ít khó khăn cho cha con Kratos, tuyến nhân vật này cũng là điểm nhấn, giúp nâng tầm cốt truyện tổng thể của trò chơi. Odin là một trong những nhân vật mà Sony và Santa Monica đã giữ kín tạo hình lẫn các thông tin liên quan cho đến khi game ra mắt, ông ta không chỉ mang đến bất ngờ thú vị cho người chơi mà từ đó mở ra tương lai với nhiều tiềm năng cho cả series game.

god-of-war-ragnarok-odin
Odin trong God of War Ragnarök

Lưu ý, bài viết phân tích không tránh khỏi có nội dung tiết lộ diễn biến và cốt truyện game, trong trường hợp bạn muốn có trải nghiệm tốt nhất, hãy quay lại đọc bài sau khi đã chơi game God of War Ragnarök.

Thế kế nhân vật trung thành với tài liệu gốc

Odin (tiếng Bắc Âu cổ: Óðinn), còn được gọi là All-father, được xem là vị thần Bắc Âu của Bầu trời, Chiến tranh, Cái chết, Trí tuệ, Thơ ca và Phép thuật, đồng thời là Vua của Asgard, Người cai trị của Valhalla, Chúa tể của các vị thần Aesir và là một nhân vật nổi bật trong thời đại Bắc Âu của dòng game God of War. Đây là nhân vật đã được Santa Monica nghiên cứu kỹ lưỡng khi đưa vào trò chơi.

Odin nổi tiếng là nhà lãnh đạo của thần tộc Aesir, con của Borr và cháu của Búri, kẻ được sinh ra từ Ymir – Người Khổng Lồ (Jotnar) đầu tiên và là khởi nguồn của sự sống trong thần thoại Bắc Âu. Tuy nhiên, Odin cảm thấy rằng tộc Aesir phù hợp nhất để trở thành những người cai quản Cửu Giới, còn những tộc khác phải quy thuận Aesir.

Vì vậy, ông ta cùng với các anh em trai của mình là Vili và Vé đã giết Ymir cùng bất kỳ ai khác cản lối họ. Với sự thông minh, hay đúng hơn là xảo quyệt, Odin trở thành kẻ thống trị tối cao – “The All-Father”. Sau đó, máu của Ymir đã nhấn chìm hầu hết các Người Khổng Lồ, ngoại trừ Bergelmir và vợ của ông ta. Odin tiếp tục tạo ra Midgard từ xương thịt của Ymir, rồi sáng tạo những con người đầu tiên ở cõi phàm.

Có thể nói, Odin có vị trí khá tương đồng với Cronos và Zeus trong thần thoại Hy Lạp, đều là kẻ lật đổ vị thần tiền nhiệm là cha hoặc ông của mình để nắm quyền cao nhất. Trong series God of War mà cụ thể là God of War: Ragnarök, Odin được Santa Monica tham khảo từ tài liệu gốc là thần thoại Bắc Âu, giữ nguyên khá nhiều khía cạnh của nguyên bản thần thoại.

Về tạo hình và tính cách, có thể thấy Santa Monica bám khá sát với ngoại hình của diễn viên lồng tiếng Richard Schiff, cũng như các tư liệu tham khảo chính thống, những bức vẽ minh họa nổi tiếng và lâu đời, hoặc những thông tin học thuật từ nguồn của các quốc gia Bắc Âu ví dụ như của Bảo Tàng Lịch Sử Thụy Điển. Trong quá trình này những điểm khác biệt của Odin và Zeus cũng sớm được làm rõ khi người chơi khám phá các nhiệm vụ cốt truyện của game, bởi về bản chất Odin và Zeus là khác nhau.

Mặc dù có vị trí tương đồng trong hệ thống các vị thần, nhưng tính cách và ngoại hình cũng như mục đích cuối cùng của Odin và Zeus có sự khác biệt không nhỏ. Ở nhiều phương diện, Odin trở nên một đối thủ đáng gờm và khó đối phó hơn Zeus. Thế giới của thần thoại Bắc Âu vốn khắc nghiệt và tàn bạo hơn so với sự hào nhoáng và thịnh vượng của xứ sở Hy Lạp, chính vì vậy mà các vị thần của họ cũng không thể được đánh giá hời hợt theo vẻ ngoài.

Quyền năng, sự hy sinh và nỗi ám ảnh của Odin

Khác với Zeus – lãnh đạo tối cao của Pantheon, vốn là kẻ độc tài đứng ở trên đỉnh cao của sự xa hoa, dư thừa về vật chất, một vị thần theo chủ nghĩa cá nhân, thích hưởng thụ và bất chấp thủ đoạn để tư lợi cho bản thân, thì Odin lại khác. Ông ta cũng bất chấp thủ đoạn, cũng tham quyền cố vị, nhưng để hướng về một mục đích to lớn hơn các vị thần, hơn cả chính bản thân mình, đó trí tuệ, kiến thức, những hiểu biết vượt trên cả sự tồn tại của Cửu Giới, điều đó khiến Odin trở nên nguy hiểm ngoài sức tưởng tượng.

Theo thần thoại, Odin muốn biết tất cả mọi thứ và có được sự khôn ngoan, kiến ​​thức về những điều bị ẩn giấu. Đó là một mong muốn, khao khát về trí tuệ đến mức ám ảnh, khiến ông ta phải hy sinh bản thân mình và làm những điều mà một kẻ như Zeus sẽ không làm. Odin hy sinh một con mắt trong giếng Mimir và ném mình vào ngọn giáo Gungnir như một kiểu tự sát mang tính biểu tượng, nghi lễ, từ đó có được kiến thức về những thế giới khác và am hiểu cổ ngữ (các chữ rune).

Thông qua sự hy sinh của mình, Odin đã nhìn thấy những khải tượng và có được kiến thức về những điều bí mật. Những kiến ​​thức ấy mang năng lực chữa bệnh, làm dịu những cơn bão, khiến vũ khí chống lại chính chủ nhân của chúng và làm cho phụ nữ say mê. Sự quyến rũ và mê hoặc của Odin không đến từ vẻ ngoài hoàn hảo và bản chất đa tình như Zeus, mà nó đến từ phù phép, từ sự thông tuệ, mưu ma chước quỷ, từ những lời nói ma mị, như mật ngọt rót vào tai nhằm sai khiến kẻ khác theo kế hoạch của mình.

Một năng lực đáng gờm khác của Odin là khả năng thay hình đổi dạng, ông ta được biết đến với cái tên Svipall – tức The Shape-Shifter (Kẻ Biến Hình). Mặc dù thường được mô tả là một một ông già có râu thích uống rượu, trên thực tế Odin có thể cải trang thành bất kỳ ai hoặc bất kỳ con vật nào, thường là cá, rắn hoặc loài chim để du hành khắp các cõi khác nhau. Bạn không bao giờ đoán trước được ông ta sẽ xuất hiện ở đâu, khi nào, với hình dạng gì và đang mưu toan chuyện gì.

Chính vì vậy, Odin còn được cho là một bậc thầy lừa lọc khét tiếng, một trong những tên gọi phổ biến của Odin là Ginnar – tức The Deceiver (Kẻ Lừa Dối). Trong thần thoại Bắc Âu, Odin có đến hàng trăm cái tên khác nhau, được người đời gọi với sự tôn sùng, kính sợ lẫn nghi kỵ, kinh tởm… một trong số đó còn có Vidur – tức The Killer (Kẻ Sát Nhân). Đây là một vị thần có nhiều sắc thái, rất phức tạp, được xem là hình tượng tốn nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu về thần học và văn hóa nói chung.

Odin không cần sự hào nhoáng, không vai u thịt bắp, không cần phải tỏ ra phô trương, mà sự khiêm tốn giả tạo, khả năng thấu hiểu và đọc vị tâm lý người khác khiến người chơi game có thể cảm nhận rằng Odin ở hữu một bộ óc siêu việt của ông trùm tội phạm trong truyện Bố Già – kẻ có thể “đưa ra lời đề nghị mà người khác không thể chối từ”. Odin hiếm khi phải tự tay xử lý vấn đề, ông ta hoàn toàn có thể thao túng mọi sự vật, sự việc chỉ bằng những lời gian dối.

Trong loạt game God of War, bóng đen nham hiểm của Odin vốn đã che phủ mọi sự kiện, âm thầm can thiệp vào mọi việc, dẫn tới cuộc chiến bất đắc dĩ của cha con Kratos. Trong khi không thực sự xuất hiện trong trò chơi năm 2018, ông ta thường xuyên được nhắc đến bởi một số nhân vật với sự ghê tởm, thậm chí là sợ hãi. Mimir từng nói: “Tàn nhẫn? Dã man? Nhẫn tâm? Đó là Odin.” – đáng sợ hơn, khi bạn nhận ra những phẩm chất đó nơi gã trùm này, thì thường đã là quá muộn.

Nhân vật Odin trong God of War Ragnarök

Trong trò chơi do Santa Monica phát triển, như đã nói ở trên, hình tượng Odin khá trung thành với tài liệu gốc là thần thoại Bắc Âu. Ông ta cũng là một kẻ điên cuồng tìm kiếm tri thức, đồng thời có những kế hoạch nhằm tận diệt và sở hữu mọi hiểu biết của Người Khổng Lồ – tức các Jotnar, chủng tộc sở hữu ma thuật bí truyền seiðr (Seid) mạnh mẽ liên quan đến khả năng tiên tri.

Odin lo ngại về lời tiên tri của Gróa – nữ nhân thông tuệ của tộc Khổng Lồ đã đưa ra các tiên đoán về Ragnarok: Một mùa đông kéo dài ba năm, lúc các cõi rung chuyển và bầu trời bị chia cắt, nỗi kinh hoàng trỗi dậy với thanh kiếm rực lửa, một con sói khổng lồ, các vị thần chiến đấu chống lại nhau, và bóng ma màu trắng từ vùng đất khác với con trai của mình sẽ là trung tâm của sự kiện.

Đó là lời tiên tri về sự xuất hiện của Kratos và Atreus, dẫn đến ngày tàn của Asgard và thần tộc Aesir. Odin cảm nhận được mối nguy từ khải tượng đó, ông ta đến thư viện của Gróa, yêu cầu được biết chính xác về những gì bà đã nhìn thấy. Gróa do dự, Odin đe dọa sẽ giết bà trong khi thú nhận rằng Thor đã sát hại Aurvandil – người chồng đang mất tích của Gróa. Sau khi biết được sự thật, Gróa từ chối nói với Odin bất cứ điều gì, chấp nhận bị bóp cổ đến chết bởi Odin.

Kể từ lúc đó, Odin không chỉ chiếm cứ toàn bộ thư viện và kiến thức bí ẩn từng thuộc về Gróa, ông ta cũng bắt đầu cho Thor và tay sai truy lùng, sát hại tất cả những Người Khổng Lồ còn lại ở các cõi, đặc biệt là Laufey – cô gái dũng mãnh được mệnh danh là Người Hộ Vệ cuối cùng của tộc Khổng Lồ. Những sự kiện này, như đã biết, cuối cùng sẽ đánh động tới cuộc sống yên bình của Kratos, buộc gã cựu Chiến Thần, hay đúng hơn là Kẻ Sát Thần, buộc phải cầm vũ khí lên một lần nữa.

Tuy nhiên, chuyện không chỉ đơn giản là có thế, Santa Monica đã nâng tầm Odin lên một bậc nữa, trong khi vẫn trung thành với bản chất khao khát kiến thức vốn có của All-Father. Đó là tất cả những hành vi và âm mưu trên của Odin còn phục vụ cho một mục đích lớn hơn nữa – chạm đến Khởi Nguyên. Trong bối cảnh của God of War, Odin là kẻ duy nhất biết được sự tồn tại của một cõi khác, hay một không gian khác, nằm ngoài Cửu Giới, thông qua một Khe Nứt bí ẩn.

Khe Nứt (The Rift) là thứ mà Odin khám phá ra từ những ngày đầu sau cái chết của Ymir, khi ông ta còn là một vị thần trẻ, trên thực tế đây là thứ khiến Odin say mê tìm hiểu đến điên cuồng. Tất cả những nỗ lực và sự hy sinh mà Odin từng thực hiện đều là để có đủ quyền năng và hiểu biết nhằm tiếp cận và mở ra khe nứt ấy một cách phù hợp, từ đó có thể mang lại “tri thức vô biên”. Bởi bất kỳ thứ gì ở bên kia khe nứt ấy đều chính là nguồn gốc của sự sáng tạo ban đầu, tức Khởi Nguyên hoặc Sáng Thế.

Và điều quan trọng là, không ai ngoài Odin có thể hiểu được điều đó, không ai có đủ năng lực để đồng cảm với ông ta, cũng không ai thực sự có phẩm chất để thực hiện sứ mệnh mà Odin cho là vĩ đại này, trừ Atreus. Người chơi có thể cảm nhận được rằng dù đang thao túng Atreus phục vụ cho mục đích của mình, Odin vui mừng đến tột cùng khi tìm được một cậu bé như Atreus – kẻ duy nhất đọc được cổ ngữ trên chiếc mặt nạ có thể tương tác với Khe Nứt. Chính từ ở điểm này, nguồn cơn của mọi rắc rối bắt đầu!

Khe Nứt dẫn đến cội nguồn của sáng tạo

Atreus vào được Asgard nhờ những con quạ của Odin, sau khi vượt qua bức tường khổng lồ bao quanh Asgard, Atreus biết rằng Odin ngày đêm tìm hiểu về Khe Nứt, thứ mà ông ta đã mô tả với cậu bé là: “Khe Nứt, có thể là nơi khai sinh ra thực tại. Ta nhìn vào bên trong và có thứ gì đó đang nhìn lại ta.

Câu nói trên của Odin dựa trên chính câu nói nổi tiếng của học giả người Đức Friedrich Wilhelm Nietzsche, một trong những triết gia vĩ đại của nhân loại, nhân vật quan trọng có ảnh hưởng lớn về các lĩnh vực văn học, tôn giáo, đạo đức, văn hóa đương thời và triết học hiện đại.

Nguyên văn như sau: “Whoever fights monsters should see to it that in the process he does not become a monster. And if you gaze long enough into an abyss, the abyss will gaze back into you.” (Bất cứ ai chiến đấu với quái vật cần thấy rằng trong quá trình đó, anh ta không nên trở thành một con quái vật. Và nếu bạn nhìn đủ lâu vào một vực thẳm, thì vực thẳm sẽ nhìn lại bạn.)

Câu nói này được diễn giải theo nhiều cách, nhưng cách phổ biến và dễ hiểu nhất là nếu bạn dành thời gian của mình để xung đột với ai đó hoặc đối mặt với một điều gì đó rất khủng khiếp, thì có nguy cơ rất cao rằng chính bạn sẽ trở nên khủng khiếp và xấu xa như chính thứ mà mình đang cố chống lại. Hay đơn giản hơn, bạn cần tránh bị biến chất khi theo đuổi một tham vọng nào đó.

Cái hay trong việc sáng tạo ra chi tiết Khe Nứt, cũng như dẫn câu nói nổi tiếng của Friedrich Wilhelm Nietzsche trong tựa game God of War Ragnarök khiến trò chơi này trở nên đáng suy ngẫm hơn, cũng như nó bổ trợ một cách hoàn hảo cho cách mà các nhân vật phát triển. Odin theo đuổi tri thức, và lão đã biến chất, ngược lại, Kratos đã chiến đấu, vượt qua chính mình, bước đi trên con đường trở thành một vị thần thực thụ. Đặc biệt hơn nữa là, Atreus – một cậu bé mang dòng máu thần thánh của cả Hy Lạp và Bắc Âu đã không sa ngã vì tham vọng như Odin.

Các chi tiết nói trên thực sự mang tính giáo dục, tinh tế và uyên thâm, nó ứng dụng triết lý cao siêu nhưng cũng gần gũi để người chơi thấy được. Khi bạn chơi một trò chơi, mà có thể rút ra được bài học giá trị, thì đó chính là một trò chơi tuyệt vời và Odin đúng là một nhân vật được thiết kế rất tài tình.

Tương lai của God of War mở ra từ “Khe Nứt”

Quay lại chủ đề chính của bài viết này, đó là vì sao nhân vật Odin của God of War Ragnarök lại mở ra một tương lai rộng mở, khó đoán, rất giàu tiềm năng của dòng game. Thì nó nằm chủ yếu ở hai chi tiết sau:

Thứ nhất, hiện tại chúng ta đã biết rằng trong vũ trụ game của God of War, có tồn tại một lực lượng nguyên thủy ở phía sau Khe Nứt, nó mạnh mẽ, cổ xưa hơn cả các vị thần và có thể chính là nguồn cội của sức mạnh thần thánh ở các cõi, bất kể là Hy Lạp hay Bắc Âu, hoặc các thế giới thần thánh khác, từ Ai Cập cho tới Nhật Bản hoặc Châu Mỹ cổ đại. Tức là tiềm năng khai khác dòng game sau này là vô hạn, không bị ràng buộc bởi nhân vật Kratos nữa mà có thể sẽ là cuộc phiêu lưu của Atreus hay bất kỳ ai khác.

Thứ hai, bởi vì Odin là một bậc thầy lừa lọc, sự hiểu biết của ông ta vốn đã vượt sức tưởng tượng của mọi nhân vật trong game (trừ người chơi, vốn nằm ngoài Bức Tường Thứ Tư), thì liệu ông ta có thể thất bại một cách dễ dàng như vậy, hay sự sụp đổ của Asgard chỉ là một phần trong kế hoạch để Odin tiến xa hơn? Đặc biệt, nếu bạn cảm nhận rằng cái chết của Odin ở cuối nhiệm vụ cốt truyện chính của God of War Ragnarök là hơi chóng vánh, thì bạn không đơn độc, rất nhiều giả thuyết đang bắt đầu được đưa ra.

Theo kinh nghiệm và linh cảm của mình, thì cuộc chơi chưa kết thúc và âm mưu của Odin vẫn còn đó, hãy cùng chờ đợi xem Sony và Santa Monica sẽ còn dành bất ngờ gì cho chúng ta trong tương lai!

error: You are not allowed to copy this page, Thank you!