Như đã chia sẻ trong bài Odin – Gã trùm cuối thâm hiểm mở ra tương lai khó đoán cho cả series, mình đã nói về nhiều khía cạnh của The All-Father trong tựa game God of War Ragnarök, một nhân vật bám sát thần thoại. Với bài viết này, mình sẽ nhắc lại những gì mà Odin đã làm trong vũ trụ game của Santa Monica. Lưu ý, đây là Odin được nhà phát triển hư cấu lại để phù hợp với bối cảnh game nên sẽ có những chi tiết khác biệt với hiểu biết vốn có của bạn đọc về nhân vật này.
Lưu ý, bài viết phân tích không tránh khỏi có nội dung tiết lộ diễn biến và cốt truyện game, trong trường hợp bạn muốn có trải nghiệm tốt nhất, hãy quay lại đọc bài sau khi đã chơi game God of War Ragnarök.
1- Những ngày đầu của Odin
Tất cả sự sống ở Bắc Âu đều bắt nguồn từ Ymir – Người Khổng Lồ băng đầu tiên (Jötunn, hay Frost Giant) và con bò nguyên thủy Auðumbla. Trong số đó, Búri là vị thần Aesir xuất hiện trước nhất, được tạo ra khi Auðumbla liếm một tảng băng ở Niflheim. Sau đó, Búri cưới một nữ Khổng Lồ và sinh ra Borr, kẻ sẽ lại tiếp tục cưới nữ nhân tộc Khổng Lồ là Bestla, họ sinh ra ba anh em là Odin, Vili và Vé. Đây cũng là cột mốc quan trọng đầu tiên đánh dấu sự trỗi dậy của Odin.
Odin muốn thần tộc Aesir cai trị Cửu Giới, nên ông ta cùng Vili và Vé đã giết Ymir hay bất kỳ ai khác cản đường họ. Máu của Ymir đã nhấn chìm tất cả, ngoại trừ một cặp đôi Người Khổng Lồ là Bergelmir và vợ của ông – những nhân vật đã được nhắc đến trong phần game God of War 2018. Việc họ may mắn sống sót bằng cách bám vào một thân cây lớn đã bắt đầu cho thế hệ thịnh vượng mới của những Người Khổng Lồ, tức các Jötnar sau này.
Odin sau đó tạo ra Midgard từ cái xác khổng lồ của Ymir cùng những con người đầu tiên ở Cõi phàm. Tuy nhiên, vào khoảnh khắc Ymir bị giết bởi Odin, ngay tại đó đã tạo ra một vết rách thực tại, còn gọi là The Rift (Khe Nứt), khiến Odin đặc biệt chú ý. Sau khi lờ mờ nhận thấy được sức mạnh kỳ bí, ẩn chứa trong Khe Nứt, ông ta biết rằng còn nhiều điều to lớn hơn nằm ngoài Cửu Giới. Với nhận thức mới mẻ này, Odin bắt đầu một dự án nghiên cứu lớn để khám phá những bí mật đang bị ẩn giấu.
2- Asgard và Odin the All-Father
Sự xuất hiện của Khe Nứt cũng là khởi đầu cho bản tính ám ảnh về kiến thức của Odin, ông ta bắt đầu tích cực thu thập thêm kiến thức huyền bí, nâng cao hiểu biết bằng một quyết tâm học tập cao độ, bởi Odin biết cách duy nhất để tiếp cận được Khe Nứt là cần phải có đầy đủ tri thức về nó. Vào thời gian này, ông ta cũng xây dựng Asgard như một cõi riêng của thần tộc Aesir.
Ngay bên trên Khe Nứt, Odin xây dựng Great Lodge – một khu phức hợp là nơi nghiên cứu và tập trung mọi tri thức của Cửu Giới mà ông ta tìm được. Để phục vụ mục đích này, Odin nhận thấy cần phải sở hữu một nguồn lực rất lớn, từ đó tìm cách nắm quyền kiểm soát Valhalla và 9 Valkyrie đang giám sát nó. Với đạo quân những chiến binh bất tử sẽ liên tục hồi sinh ở Valhalla, Odin tìm cách thu thập càng nhiều kiến thức càng tốt, đây cũng là một phần trong kế hoạch đối phó với trận chiến Ragnarök.
Để chuẩn bị cho Ragnarök – một mối đe dọa sắp xảy ra cho thần tộc Aesir, Odin tận dụng những chiến binh vĩ đại nhất đã chết trong chiến trận – các Einherjar, cho họ tiến vào Valhalla để một ngày nào đó sẽ phục vụ như quân đội của riêng mình. Trong khi đó các Valkyrie sẽ đóng vai trò là người tuyển mộ và huấn luyện. Những kẻ khác không đến được Valhalla đều sẽ bị đày xuống vùng đất hoang băng giá ở Helheim.
3- Odin, Mimir và Mímisbrunnr
Tại một thời điểm nào đó, Mimir đến gặp Odin và giới thiệu Mímisbrunnr – “giếng tri thức thần bí”, nhưng nó thực sự là cái giếng được tẩm đủ nấm ma thuật để khiến cho một vị thần quyền năng thấy những ảo ảnh tương xứng với sức mạnh của bản thân. Tức là người càng mạnh mẽ, càng sẽ thấy được ảo ảnh phức tạp, với một kẻ quyền năng như Odin, không ai tưởng tượng nổi ông ta đã thấy gì.
Odin ban đầu rất ấn tượng với cái giếng này và chìm đắm trong ảo ảnh của nó đến mức suýt chút nữa đã móc cả hai mắt của mình ra. May mắn thay, Mimir kịp ngăn lại và thuyết phục rằng Odin đã hy sinh một con mắt để có được kiến thức. Tuy nhiên, Odin ngay lập tức nhận ra rằng Mimir đã lừa mình, nhưng vẫn cho phép Mirmir trở thành cố vấn nhờ trí thông minh tuyệt vời mà Mimir có được.
Mãi đến khi nghi ngờ Mimir âm thầm giúp đỡ người khổng lồ, Odin mới cầm tù cố vấn của mình trong một cái cây mà ngay cả búa của Thor cũng không thể phá hủy, sau đó móc một bên mắt của Mimir để trả thù và thậm chí là tra tấn mỗi ngày. Odin cũng tìm kiếm Brok và Sindri để xây dựng Tượng Thor, nhằm làm nơi che giấu con mắt bị móc ra của Mimir, khiến ông ta không thể du hành qua các cõi được nữa. Anh em người lùn từ chối nhưng vẫn buộc phải xây dựng bức tượng đó nếu không muốn bị trách phạt.
4- Những đứa con của Odin
Trong khoảng thời gian này, Odin cũng bắt đầu kết hôn với nhiều người phụ nữ, hy vọng có được những đứa con thần thánh nhằm phục vụ cho mục đích bành trướng của ông ta. Mục tiêu đầu tiên của Odin là Skaði, nhưng khi cô ta từ chối, Odin đã lừa Skaði giết chính cha mình, điều này cũng dẫn đến cái chết thương tâm của chính cô ấy.
Cụ thể, Odin tung tin đồn rằng có một con đại bàng hay ăn cắp những trái táo Idunn, mà ngay cả những cung thủ thiện nghệ nhất của Aesir cũng không bắn hạ được nó. Odin biết lời đồn này sẽ kích động Skaði, vì cô là một thợ săn tài năng. Quả thật, Skaði đã ra sức bắn hạ con đại bàng, chỉ để nhận ra đó là cha cô – Thiazi, một Jötunn có năng lực biến hình thành bất kỳ loài thú nào.
Quá đau khổ, Skaði ôm lấy xác cha và chết trong tư thế đó khi mùa đông đến. Sau khi thất bại trong mối quan hệ với Skaði, Odin kết hôn với nữ nhân tộc Khổng Lồ Fjörgyn, họ có con trai là Thor. Một thời gian sau khi Thor chào đời, Fjörgyn mất, để lại Odin đau lòng và cô đơn trong nhiều năm. Odin cuối cùng đã có ít nhất hai người vợ khác trong thời gian này, Hróðr sinh ra Týr và Blóðughadda sinh ra Heimdall.
Trong các chiến dịch bành trướng của mình, thần tộc Aesir giao tranh với một thần tộc khác hùng mạnh không kém là Vanir ở Vanaheim, được lãnh đạo bởi Freya và Freyr. Hai lực lượng mạnh nhất Cửu Giới đã chiến đấu không ngừng cho đến khi cuối cùng họ đi đến bế tắc, buộc phải tiến tới một hòa ước. Lúc này, Mimir đề xuất Freya và Odin nên kết hôn để kết thúc mọi xung đột.
Cùng nhau, họ sinh ra con trai út của Odin, Baldur – Thần Quang Minh, một trong những vị thần được yêu thích nhất ở Asgard. Odin và Freya hòa thuận được một thời gian, Freya trở thành Nữ hoàng của các Valkyrie và Odin cho bà những quyền lực nhất định, thường xuyên chiều ý bà, tuy nhiên trên thực tế là ông ta chỉ muốn lợi dụng để học được phép thuật của Vanir mà thôi.
5 – Odin lộ mặt gian hùng
Odin lo ngại về lời tiên tri của Gróa – nữ nhân thông tuệ của tộc Khổng Lồ đã đưa ra các tiên đoán về Ragnarok: Một mùa đông kéo dài ba năm, lúc các cõi rung chuyển và bầu trời bị chia cắt, nỗi kinh hoàng trỗi dậy với thanh kiếm rực lửa, một con sói khổng lồ, các vị thần chiến đấu chống lại nhau, và bóng ma màu trắng từ vùng đất khác với con trai của mình sẽ là trung tâm của sự kiện.
Đó là lời tiên tri về sự xuất hiện của Kratos và Atreus, dẫn đến ngày tàn của Asgard và thần tộc Aesir. Odin cảm nhận được mối nguy từ khải tượng đó, ông ta đến thư viện của Gróa, yêu cầu được biết chính xác về những gì bà đã nhìn thấy. Gróa do dự, Odin đe dọa sẽ giết bà trong khi thú nhận rằng Thor đã sát hại Aurvandil – người chồng đang mất tích của Gróa. Sau khi biết được sự thật, Gróa từ chối nói với Odin bất cứ điều gì, chấp nhận bị bóp cổ đến chết bởi Odin.
Odin ra sức tìm kiếm và tước đoạt những kiến thức kỳ bí ở Jötunheim – vùng đất của các Người Khổng Lồ, đồng thời bắt đầu một chiến dịch diệt chủng để giết bất kỳ Người Khổng Lồ nào mà Aesir có thể tìm thấy. Týr – lúc đó là một Thần Chiến Tranh và Luật Lệ rất uy tín, đã cố gắng mang lại hòa bình bằng cách mời Odin tham dự hội nghị thượng đỉnh với Người Khổng Lồ, nhưng Odin từ chối nhượng bộ, khiến các Jötnar trục xuất Odin khỏi quê hương của họ.
Vụ việc trên khiến Odin giam cầm Týr.
Freya cuối cùng đã rời bỏ Odin, bởi bà trở nên quẫn trí trước cách đối xử tàn nhẫn của ông ta với Người Khổng Lồ, cũng như sự lạm dụng kiến thức từ Vanir và phản bội lòng tin của bà. Điều này khiến All-Father vô cùng tức giận và nguyền rủa Freya, khiến bà bị giam cầm ở Midgard và không thể làm hại bất kỳ sinh vật sống nào, ngay cả khi phải tự vệ.
Chưa hết, vì để trả thù Freya, Odin dần dần tẩy não Baldur, khiến hắn ta ngày càng thù ghét mẹ mình vì đã dùng phép thuật khiến hắn không thể cảm nhận được bất kỳ cảm xúc gì. Bằng cách đó, Odin biến Baldur thành con chó săn, phái hắn đi thăm dò và truy lùng mọi Người Khổng Lồ còn sống, đặc biệt là Laufey – nữ nhân được mệnh danh là Người Hộ Vệ của tộc Khổng Lồ, dẫn đến những diễn biến chính của God of War 2018.
6- Âm mưu thâm độc của Odin
Mặc dù không thực sự xuất hiện trong trò chơi, nhưng Odin thường được một số nhân vật nhắc đến ở God of War 2018. Nữ Khổng Lồ Laufey (hay Faye) đã là cái gai trong mắt Odin và là cường địch đối với phe Aesir trong một thời gian khá dài, bởi vì thậm chí Thor cũng đã không đánh bại được Faye và họ đã từng chạm trán nhau một lần. Chi tiết này được hé lộ trong God of War Ragnarök, ở Vanaheim có một cây sét bị đóng băng do Leviathan va chạm với Mjolnir tương tự như khi Kratos đối đầu với Thor tại vùng hồ.
Odin lúc này sử dụng một số lượng lớn tinh linh quạ (được gọi là Eyes of Odin) để quan sát thế giới và thu thập thông tin, Kratos có thể tiêu diệt tất cả những con quạ này. Odin cũng có những căn hầm bí mật nằm rải rác khắp các thế giới chứa đựng những bức tranh tường mô tả về truyền thuyết và lối vào nhà tù của những Valkyrie – lúc này đã bị lời nguyền của Odin trói buộc phải luôn hiện thân trong trạng thái vật lý, khiến họ dần hóa điên.
Do mối nguy hiểm mà các Valkyrie bị tha hóa có thể gây ra, Nữ hoàng Valkyrie Sigrun buộc phải phong ấn các chị em mình để ngăn chặn sự điên loạn của họ gây ra thảm họa, trước khi chính cô cũng nổi điên. Vì thế, các Valkyrie không thể hộ tống những chiến binh đã chết về đúng vị trí của họ ở Valhalla, dẫn đến sự quá tải người chết trong vương quốc Helheim, góp phần vào sự trỗi dậy của những con quái vật Hel-Walker ở Midgard.
Sau những sự kiện của God of War 2018, Odin để mắt tới cha con Kratos. Bất kể họ là một mối nguy cho kế hoạch của ông ta, Odin lại cảm thấy thú vị với Atreus, đó là lúc một âm mưu thâm độc khác bắt đầu. All-Father định khiêu khích, chia rẽ hai cha con, cố hướng họ vào con đường sai lầm của sự trả thù.
7- Vị khách lạ trước nhà Kratos
Vài năm sau lần Baldur ghé qua, dẫn đến những rắc rối bất đắc dĩ cho Kratos, thì lần này đến lượt Thor và Odin tiếp tục quấy rối giấc ngủ của hai cha con. Odin xuất hiện với nhân dạng là một người đàn ông cao tuổi, mảnh khảnh, chiều cao trung bình, nước da nhợt nhạt, đầu hói với tóc và râu màu xám trắng, mắt trái có màu xanh lam, đeo một miếng bịt mắt bên phải, nơi con mắt đã bị móc ra từ lâu.
Ông ta chủ yếu mặc bộ trang phục lịch lãm với áo xanh nhạt, quần nâu và luôn mang theo một chiếc áo choàng lớn, đôi khi đội mũ da kiểu Bắc Âu. Mặc dù có ngoại hình khá khiêm tốn, hầu như không phô trương, ngay giây phút đầu tiên xuất hiện ông ta đã chứng minh bản thân mình mới là kẻ nguy hiểm nhất và luôn nổi bật trong mọi cutscene, bất kể sự hiện diện của Thor và Kratos, hai nhân vật khét tiếng là Sát Thần này cũng trở nên lép vế trước khí độ của Odin.
Đây là lúc người chơi nhận ra lời nói của Odin có thể trở nên vô cùng thuyết phục, bất kể bạn không khể khẳng định được gã đang nói thật hay nói dối, hoặc nửa giả, nửa thật, thì nghe nó vẫn vô cùng hợp lý. Tất nhiên, khi đã có quá nhiều kinh nghiệm đối mặt với những vị thần gian dối, Kratos sẽ chỉ trả lời theo một cách duy nhất: “Không!” – cách mà chính Odin đã tiên đoán trước và nó cũng nằm trong kế hoạch nhằm dẫn dụ Atreus vào con đường ở thành môn đồ phục vụ cho Aesir.
8- Chiếc mặt nạ ma thuật Seiðr
Chiếc mặt nạ đã vỡ được khắc những cổ ngữ có thể tương tác với Khe Nứt là vật mà Odin yêu thích nhất, nó ẩn chứa những bí mật của ma thuật Seiðr, là một loại phép thuật dựa trên đời thật, đã được thực hành trong xã hội Bắc Âu vào cuối thời kỳ đồ sắt ở Scandinavia. Việc thực hành Seiðr được cho là một hình thức ma thuật có liên quan đến năng lực định hình tương lai.
Seiðr được xem là thuật bí truyền của Người Khổng Lồ, thuộc về những hậu duệ trực hệ của Ymir – các Jotnar, và Odin không thể nào hiểu được những cổ ngữ trên đó. Chỉ có Atreus mới hiểu được nó (đó cũng là cách cậu từng dùng để gọi Jormungardr bằng ngôn ngữ cổ của Người Khổng Lồ). Tại thời điểm này, Odin muốn thao túng Atreus để tìm các mảnh vỡ còn lại của chiếc mặt nạ.
Đây là mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất mà Odin theo đuổi trong tựa game God of War Ragnarök, ông ta sẽ hy sinh tất cả để đạt được điều này, bao gồm cả việc để cho con trai Heimdall chết dưới tay Kratos như một phần của lời tiên tri. Lão muốn Ghost of Sparta lại bước vào con đường giết chóc, để kết cục là Kratos sẽ chết dưới tay Thor và Atreus trở thành môn đồ của lão.
9- Kratos: “Mệnh ta do ta định.”
Odin giao nhiệm vụ cho Atreus tìm kiếm các mảnh vỡ mặt nạ nằm rải rác ở khắp các cõi, bằng cách hợp tác với cả Thor và Heimdall. Trong khi Atreus làm điều đó, Kratos và Freya hiện đã trở lại là đồng minh sau khi gỡ bỏ những mâu thuẫn. Freya đồng ý rằng mọi thảm kịch của bà đều là do Odin gây ra, mà Kratos cũng chỉ là một nạn nhân. Odin muốn hủy hoại mối quan hệ cha con và kéo cậu bé Atreus về phía mình, theo đúng những diễn biến tồi tệ nhất của lời tiên tri.
Tại thời điểm này, phần lớn cốt truyện của trò chơi đã được làm rõ là xoay quanh việc đấu tranh chống lại định mệnh. Trước đó Kratos đã nhìn thấy lời tiên tri của Người Khổng Lồ rằng ông sẽ chết ở Ragnarok, nhưng cựu Chiến Thần luôn cố giữ vững niềm tin, chế giễu những tiên đoán như vậy và nói với Atreus rằng chúng ta nên tự quyết định số phận của mình. Tuy nhiên, để chắc chắn, Kratos, Freya và Mimir đến thăm các Norn, những nữ thần số phận.
Ba chị em Norn đồng ý với Kratos – rằng không có thứ gọi là số phận và họ cũng không làm chủ vận mệnh của người khác, nhưng những lựa chọn mà mọi người đưa ra rất dễ đoán, đến mức giúp việc tiên tri trở nên dễ dàng. Quan trọng hơn, họ tiết lộ rằng Heimdall có ý định giết Atreus, vì hắn có thuật đọc tâm và biết rằng Atreus muốn đến Asgard làm gián điệp.
Nếu Kratos vì lý do đó mà cố gắng giết Heimdall, thì lời tiên tri sẽ ứng nghiệm, Ragnarok sẽ xảy ra theo cách tồi tệ nhất và đó là những gì mà Odin mong đợi. Người chơi sẽ nhận ra rằng, trong God Of War Ragnarok, thì trận chiến cuối cùng là không thể tránh khỏi, Ragnarok sẽ luôn diễn ra, chỉ là nó sẽ diễn ra như thế nào mà thôi. Đây là tâm điểm của trò chơi và các nhân vật giằng co trong những tình huống khó xử cũng vì thế.
Atreus bất đắc dĩ cãi lời Kratos, đến phục vụ Odin vì muốn ngăn chặn lời tiên tri về Ragnarok và cái chết của cha mình. Ngược lại Odin lợi dụng tình thế để khiến Kratos “ngựa quen đường cũ”, vì ông ta trên thực tế đã hoàn toàn biết được kế hoạch của đối phương nhờ giả dạng Týr mãi cho đến khi bị Brok phát hiện. Odin rất tự tin rằng âm mưu lớn của mình sẽ hoàn thành, bất kể Heimdall phải chết, hay Asgard thất thủ đi chăng nữa, Kratos vẫn sẽ chết dưới tay Thor và lão sẽ mở được khe nứt nhờ Atreus.
Kế hoạch của Odin diễn gần như hoàn hảo. Nhưng có những biến số mà lão không lường trước được, chủ yếu là do những Người Khổng Lồ đã có kế hoạch từ trước, đặc biệt là Faye. Biến số đó cũng bao gồm sự xuất hiện của Angrboda – cô gái tộc Khổng Lồ được định mệnh sắp đặt sẽ là vợ của Loki, cũng như sự tồn tại của thế giới bí ẩn Ironwood – một Cõi nằm ngoài Cửu Giới, là khu rừng nguyên thủy, nơi ẩn mình của những Người Khổng Lồ cuối cùng.
Trải nghiệm của Atreus ở Ironwood đã giúp định hình nhân cách “Loki” theo hướng tốt, và nó khiến cậu hiểu nhiều hơn về bản thân, về người mẹ đã khuất là Faye và về huyết mạch người Khồng Lồ mà mình đang sở hữu. Trong thời gian đó, chính Kratos cũng đã có đấu tranh nội tâm của riêng ông, thông qua những ký ức ngọt ngào với Faye, những lời khuyên của Mimir và Freya, cũng như cuộc hành trình với Brok.
10- Kế hoạch lớn của Odin đổ vỡ
Kết quả là, Kratos vẫn giết Heimdall, nhưng không phải vì thù hận thôi thúc, hoặc vì ông ham muốn giết chóc, mà vì Heimdall là một tên khốn cố chấp. Sự buông bỏ của Kratos khiến ông đường đường chính chính trở thành một “đại tướng” chiến đấu vì công lý cho phe bị áp bức trong Ragnarok. Bản thân “Ngày Tận Thế” lúc này cũng trở thành cuộc chiến chính nghĩa vì tương lai của Cửu Giới, nhằm lật đổ ách thống trị của Asgard.
Điều đó cũng thay đổi kết cục trong trận chiến giữa Kratos với Thor, giúp Thần Sấm nhìn ra bản chất của Odin, bất kể điều đó khiến Thor chết dưới mũi thương Gungnir của All-Father đi nữa thì rõ ràng lời tiên tri đã bị đảo ngược. Còn về phía Atreus, cậu hoàn thành sứ mệnh là tìm đủ các mảnh vỡ của chiếc mặt nạ, nhưng cuối cùng Atreus đã không bị tham vọng che mờ lý trí, dù rất tò mò về Khe Nứt và bị Odin tác động bằng lời nói, Atreus đã chọn người thân và bạn bè, chứ không phải “tri thức vô biên”, cậu phá vỡ chiếc mặt nạ, nó bị cuốn vào khe nứt và cả hai cùng biến mất.
Đây chính là lúc người chơi có thể thấy rõ lý do Odin thất bại, ông ta lập ra một kế hoạch lớn dựa trên lời tiên tri, nhưng Kratos và Atreus lại không bị cuốn theo lời tiên tri đó, mà hành động vì lời hứa của hai cha con với nhau về việc tự làm chủ số phận của mình, cũng như vì lý do chính đáng là tương trợ các đồng minh như Freya và Freyr. Trên hết, khi lựa chọn như vậy, Kratos đã tự hướng mình theo một lời tiên tri khác – lời tiên tri của chính Faye.
Mãi đến cuối phần nhiệm vụ cốt truyện chính, người chơi mới biết được rằng Faye đã hy sinh như thế nào vì chồng và con, để Atreus – tức Loki, trở thành Nhà Vô Địch đúng nghĩa của tộc Khổng Lồ và Kratos – tức Fárbauti, sẽ ở lại Bắc Âu để giúp Cửu Giới tái thiết lại sau Ragnarok, nhờ vậy mà trở thành một vị thần đúng nghĩa được cư dân khắp chín cõi thờ phụng.
Faye đã sống cô độc, tự cách ly bản thân khỏi giống loài mình vì sự tin tưởng vào hai cha con, bà hướng Kratos và Atreus đến đỉnh cao nhất của Cửu Giới không phải vì bản thân, mà để đặt họ vào một cuộc hành trình sẽ cứu lấy cả Bắc Âu, một việc phải làm vì nó mang tính cần thiết chứ không phải vì được tiên đoán trước. Đó là sự hy sinh cao cả vượt lên trên mọi tham vọng mà Faye đã thực hiện, điều mà kẻ mưu mô, vị kỷ, tham lam như Odin không thể làm được.
Tại điểm này, chúng ta quay lại phát ngôn của triết gia người Đức Friedrich Wilhelm Nietzsche đã truyền cảm hứng cho câu thoại của nhân vật Odin: “Whoever fights monsters should see to it that in the process he does not become a monster. And if you gaze long enough into an abyss, the abyss will gaze back into you.” (Bất cứ ai chiến đấu với quái vật cần thấy rằng trong quá trình đó, anh ta không nên trở thành một con quái vật. Và nếu bạn nhìn đủ lâu vào một vực thẳm, thì vực thẳm sẽ nhìn lại bạn.)
Odin đã biến chất khi theo đuổi tham vọng của mình và trở thành một con quái vật không biết điểm dừng, sẵn sàng sát hại chính con ruột của mình, đó là lý do ông ta thất bại.
11- Giả thuyết về âm mưu của Odin
Sau nhiệm vụ cốt truyện cuối cùng của God of War Ragnarök, nhiều giả thuyết được đặt ra rằng âm mưu của Odin chưa kết thúc tại đây, vì người chơi đánh bại Odin theo một cách khá chóng vánh và không có nhiều sự lắc léo, hoặc nhiều lần đối mặt với các hình dạng/phase khác nhau của trùm cuối, mà một Studio nhiều kinh nghiệm như Santa Monica khó có thể mắc phải thiếu sót như vậy.
Từ đó nhiều người chơi suy luận rằng tất cả cũng chỉ là một phần trong kế hoạch to hơn của Odin mà thôi và All-Father chưa thực sự “chết”, còn nhà phát triển thì sẽ còn nhiều điều bất ngờ dành cho người chơi trong tương lai, dù sao đi nữa thì God of War Ragnarok cũng chỉ mới ra mắt mà thôi. Khả năng nó sẽ nhận được thêm các phần chơi cốt truyện mở rộng là rất cao.
Một trong những cơ sở cho suy luận trên là do bản chất của Odin – một “Great Shape-Shifter”, kẻ biến hình cũng như kẻ sở hữu ma thuật khủng khiếp nhất ở Cửu Giới, ông ta có thể hóa thân và thao túng, can thiệp vào nhiều tình huống khác nhau mà không ai có thể nhận ra, minh chứng là Odin đã thành công trong việc đóng giả Týr để lừa cha con Kratos và các nhân vật khác bị cuốn theo lời tiên tri, bao gồm cả người chơi, trong khoảng thời gian hơn nửa đầu phần chơi cốt truyện chính.
Ở một số tình huống khác, nhiều ý kiến cũng chỉ ra những bất cập, có thể là chỉ dấu cho việc Odin đang can thiệp vào để thao túng tâm trí kẻ khác. Thứ nhất, đó là khi Sif xuất hiện ở Nilfheim để kích động Thor, cô ta hành xử hoàn toàn khác với tính cách đã thể hiện trước đó của mình. Sif về bản chất sẽ không làm như vậy để khiến Thor đưa Atreus vào chỗ chết vì cô vốn là một người giàu tình thương. Người chơi dễ nhận ra sự khác biệt trong văn phong, sắc thái lời nói của Sif ở diễn biến này.
Thứ hai, đây là một chi tiết có chỉ dấu rất lớn trong game, đó là việc Sindri thay đổi nhanh đến mức khó nhận ra, bất kể là anh ta có bị tổn thương sau cái chết của Brok đi nữa. Đặc biệt, ở nhiệm vụ phụ, khi Kratos cùng Freya đột kích nhà tù bí mật được canh gác cẩn thận của Odin và giải cứu Týr thật, ông cũng tìm được một công cụ phá thành độc quyền của Sindri bị rơi trong căn phòng trống, không hề có dấu vết nào khác của Sindri.
Như vậy, liệu “thứ” mà nhóm Kratos đã đánh bại ở cuối trận chiến Ragnarok có phải bản thể thực sự của Odin hay không, âm mưu của All-Father liệu đã thực sự chấm dứt? Phải chăng Sindri đã dùng búa đập vỡ hồn của Odin ở cuối phần chơi cốt truyện, hay đó lại là một chi tiết lắc léo khác mà nhà phát triển dành cho người chơi? Liệu Sindri hiện tại có phải là Sindri mà chúng ta đã biết? Hãy cùng suy luận và chia sẻ ý kiến của các bạn nhé!