Quan điểm Cơ Đốc đối với ma thuật
Đây là bài viết mà Gấu Mèo Thức Khuya biên soạn dựa trên câu hỏi của bạn đọc gửi về, trước khi đọc cần lưu ý là mình viết trên góc nhìn của một người học thần học, không phải một tín đồ. Bài viết liên quan tới quan điểm của Cơ Đốc giáo, các Cơ Đốc nhân (hay Kitô hữu) về thực hành phép thuật, nó khác nhau giữa các giáo phái và giữa các cá nhân. Nhiều tín đồ tích cực lên án việc thực hành ma thuật là hoạt động của ma quỷ, cho rằng nó sẽ mở đường cho ma quỷ chiếm hữu con người.
Trong khi đó, bạn cũng có thể gặp một số Cơ Đốc nhân chỉ đơn giản xem đây là trò giải trí, nó không ảnh hưởng tới việc họ cầu nguyện hoặc đi nhà thờ vào cuối tuần. Đầu tiên chúng ta cần xét tới việc Cơ Đốc giáo theo thuyết độc thần (Monotheism), tín đồ Cơ Đốc tin vào sự tồn tại của một Đấng Tối Cao duy nhất mà thôi, ở đây chính là Chúa Trời, hiện hữu trong 3 thân vị (tam vị nhất thể, tức Ba Ngôi) là Chúa Cha, Chúa Con (Jesus) và Chúa Thánh Linh.
Đấng Tối Cao duy nhất và giáo lý Ba Ngôi được công nhận bởi Chính thống giáo Đông phương, Giáo hội Công giáo Rôma và hầu hết các giáo phái Kháng Cách cũng vậy, trong trường hợp này các Cơ Đốc nhân có một điểm chung với niềm tin rất mãnh liệt bất chấp các giáo phái hoặc phân nhánh và nó là bất khả xâm phạm. Bạn không cần phải biện luận về tính đúng đắn của Đấng Tối Cao duy nhất và giáo lý Ba Ngôi với một tín đồ Cơ Đốc.
Như vậy, niềm tin của Cơ Đốc giáo đối lập với niềm tin của các tôn giáo theo thuyết đa thần (Polytheism) – vốn thờ nhiều thần, và phiếm thần (Pantheism) – vốn tin vào một Đấng Tối Cao mang tính biểu tượng và trừu tượng, là tổng hòa của vũ trụ hoặc tự nhiên hơn là một cá thể. Chính vì điểm đó, Cơ Đốc giáo bài xích các lý thuyết cũng như phương pháp thực hành ma thuật liên quan tới tôn giáo đa thần của nhiều dân tộc vì nó trái với giáo lý, có thể tác động tới đức tin của các cơ đốc nhân, các phương pháp đó bao gồm cả Tarot và Sigil.
Trong bài này, mình sẽ nói về Sigil trước.
Tín đồ Cơ Đốc có nên dùng Sigil?
Về bản chất, Sigil là một phép thực hành đã có từ thời đồ đá và nó là một trong những biểu hiện đầu tiên của tín ngưỡng ở loài người, được thực hành rất nhiều ở những nơi là cái nôi của nền văn minh nhân loại, có thể tìm thấy trong các tôn giáo đa thần ở Hy Lạp, Bắc Âu, Canaan (vùng Cận Đông)… mà trong mắt của tín đồ Cơ Đốc, chúng có thể được xem là ngoại giáo (Pagan), hoặc tà giáo, dị giáo (Heresy).
Đặc biệt, ở thời Trung Cổ, Sigil liên quan tới việc triệu hồi nhiều thiên thần và ác quỷ khác nhau, phương pháp này có thể nguy hại với bất kỳ ai, dù có là tín đồ Cơ Đốc hay không. Trong các bài viết trước, Gấu Mèo đã nói về việc Sigil là một phương pháp thực hành ma thuật cần được tìm hiểu nghiêm túc và tỉnh táo, trung dung khi thực hành, nó không bao giờ nên được sử dụng một cách hời hợt, thiếu nghiên cứu hoặc vì mục đích xấu xa, hại người.
Ngày nay, Sigil mà các bạn thấy chia sẻ tràn lan trên mạng dựa trên lý thuyết Ma Thuật Hỗn Mang (Chaos Magic) của Austin Osman Spare, nó là một bộ môn thực dụng, tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của người thực hành, rất tiếc là nó chắc chắn được Kitô hữu xếp vào hàng ngũ các Ma Thuật Đen (Black Magic) cùng với Thuật Phù Thủy (Witchcraft), Bói Toán (Divination) hoặc Chiêu Hồn (Necromancy). Nếu là một người theo Cơ Đốc giáo, việc thực hành Sigil sẽ ngay lập tức khiến bạn vi phạm giáo lý.
Có một số đề cập đến việc sử dụng Ma Thuật Đen trong Kinh Thánh và nó lên án mạnh mẽ những phương pháp thực hành như vậy, ví dụ, Sách Đệ Nhị Luật (Book of Deuteronomy) có viết từ câu 10 tới câu 12:
“Khi vào đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em), thì anh (em) đừng học đòi những thói ghê tởm của các dân tộc ấy:10 giữa anh (em), không được thấy ai làm lễ thiêu con trai hoặc con gái mình, không được thấy ai làm nghề bói toán, chiêm tinh, tướng số, phù thủy,11 bỏ bùa, ngồi đồng ngồi cốt, chiêu hồn.12 Thật vậy, hễ ai làm điều ấy thì là điều ghê tởm đối với ĐỨC CHÚA, và chính vì những điều ghê tởm ấy mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã trục xuất các dân tộc ấy cho khuất mắt anh (em).“
Đoạn “làm lễ thiêu con trai hoặc con gái” gợi nhớ tới lễ hiến tế cho một trong những con quỷ đáng khinh bỉ nhất từng được nhắc tới trong Kinh Cựu Ước là Moloch, nó chấp nhận hiến tế trẻ em bằng cách thiêu sống. Moloch là con quỷ đồng nhất với Bael hoặc Baal – một trong những Vua của Địa Ngục được nhắc tới trong The Lesser Key of Solomon, tất nhiên, theo sách này hắn có thể được triệu hồi bằng một Sigil phù hợp. Bạn có thể hiểu được vì sao Sigil sẽ là một hình thức vi phạm giáo lý.
Sigil là thứ tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Nhìn chung, một Cơ Đốc nhân tôn trọng giáo lý sẽ không dùng Sigil như phương pháp thực hành tâm linh vì bất kỳ mục đích nào, kể cả khi bạn dùng nó để đại diện cho một thông điệp nào đó tôn vinh Thiên Chúa. Về bản chất, Thiên Chúa không có và không nên có một hình ảnh hay biểu tượng cụ thể để sử dụng khi cầu nguyện, điều này có thể dẫn đến việc tín đồ tôn thờ biểu tượng nhiều hơn những gì ý nghĩa nhất phía sau nó, bạn không nên vẽ một Sigil ra và dùng nó để cầu nguyện với Thiên Chúa.
Nói về Sigil, một biểu tượng là mã hóa của một thông điệp, thì trong trường hợp này, ngay cả Thánh Giá, được coi là biểu tượng cho sự đóng đinh của Chúa Jesus trên một thập giá lớn bằng gỗ, là biểu tượng quan trọng của Cơ Đốc giáo, cũng không thể vượt trên Thiên Chúa. Điều quan trọng cần làm rõ ở đây là một tín đồ cầm Thánh Giá khi cầu nguyện, thì vẫn là cầu nguyện với Thiên Chúa, chứ không vì tôn vinh bản thân biểu tượng Thánh Giá.
Cơ Đốc Giáo không phủ nhận sức mạnh to lớn về mặt ý nghĩa và tính biểu tượng của Sigil mang lại, cũng như Sigil không phải lúc nào cũng xấu mà tùy vào mục đích của người sử dụng, Sigil có thể tượng trưng cho ác quỷ, nhưng cũng có Sigil tượng trưng cho thiên thần. Phổ biến nhất có thể nhắc đến chính là Sigil của Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, một ví dụ rất kinh điển.
Sigil của Michael là thứ được in lên áo, đúc thành nhẫn hoặc mặt dây chuyền bán đầy trên mạng và rất nhiều người Âu Mỹ đã mua và sử dụng nó để cầu nguyện như trào lưu, bạn có thể ngay lập tức đặt mua một cái trên Amazon. Tuy nhiên, hành vi này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mà các học giả Cơ Đốc giáo sẽ có 7749 lý do để bài xích, nhất là việc ôm cái Sigil đó mà cầu nguyện rồi hình thành một thói quen, đó là chưa kể việc những thứ được rao bán đó có thực sự được in ấn và chế tác chuẩn, hay nó cũng tiềm ẩn một vấn đề khác?
Theo Kinh Thánh, các thiên thần làm theo mệnh lệnh của Chúa, họ không hành động độc lập và không có ý chí tự do như con người, hoặc sẽ trở thành một thiên thần phản nghịch. Trên lý thuyết, bạn không cần thiết phải dùng Sigil của Michael để cầu nguyện, hay thường gặp hơn là xin xỏ hoặc hỏi han một điều gì đó nhằm thỏa mãn ý muốn vị kỷ của bản thân mình trong bất kỳ tình huống nào.
Sử dụng cái Sigil đó không khiến việc cầu nguyện của bạn có trở nên có ý nghĩa hơn, tương tự như việc có sở hữu một cây Thánh Giá hay không cũng sẽ không thay đổi giá trị, ý nghĩa, bản chất của lời cầu nguyện và niềm tin của bạn đối với Thiên Chúa trong tôn giáo mà bạn theo đuổi. Nhìn xa hơn, khi vô tình để Sigil trở thành một phần không thể thiếu của phiên cầu nguyện, nó hại hơn là lợi.
Theo nhà một nhà nghiên cứu thuộc đạo Tin Lành là Scott McIntyre, ông cho rằng trong trường hợp bạn chấp nhận lý thuyết của Cơ Đốc rằng Michael và các thiên thần không tự thân hành động, thì Michael phải được sự chấp thuận của Thiên Chúa trước khi hoàn thành một yêu cầu nào đó. Trong trường hợp bạn cầu nguyện và câu trả lời hoặc sự giúp đỡ thực sự xảy ra, bạn cũng không thể giải thích rõ ràng rằng sự giúp đỡ đó có thực sự đến từ Thiên Chúa của bạn, hay từ Michael không? Lúc đó rất dễ dàng tạo ra sự nhầm lẫn, bạn cho rằng Michael hoặc Thiên Chúa đã trả lời bạn, nhưng đó có thể là một thứ gì đó khác.
Kẻ đáp lại bạn có thể là một thế lực khác, nó nhận thức được nhu cầu của một người thông qua việc họ sử dụng Sigil và đưa ra câu trả lời hoặc giải pháp cho một vấn đề. Người nhận sẽ tỏ ra rất biết ơn đối với kẻ mà họ nghĩ là thiên thần Michael của Chúa. Trên thực tế, cả Chúa và Michael đều không liên quan gì đến câu trả lời này. Trong trường hợp đó, tín đồ đang đi theo một thứ gì đó hoặc một kẻ nào đó không liên quan đến Đức Chúa Trời, có nghĩa là họ bị dẫn đi xa khỏi sự thật, đến một tình huống tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm về mặt tinh thần hoặc thậm chí gây hại về thể chất.
Thực ra, trường hợp này cũng khá tương đồng với các hành vi cúng kiến để xin xỏ đang tràn lan ở các tôn giáo khác, ví dụ những người đi chùa cúng dường rồi cầu xin Phật… để đáp ứng nhu cầu của mình. Trên thực tế, không có vị Phật hay Bồ Tát nào nhận quà để giải quyết vấn đề cho bạn, hay ban cho bạn vật chất. Bất cứ thế lực tâm linh nào đáp ứng điều đó, nó có thể không phải Phật. Nhìn chung, tổng hòa những ham muốn và phương pháp thực hành sai lệch có thể khiến một tín đồ đi rất xa khỏi lý tưởng ban đầu của tôn giáo mà họ đang theo đuổi. Kết lại, đây là lý do chính mà giáo lý Cơ Đốc đã nghiêm cấm việc thực hành các hình thức ma thuật như Sigil.