Trước khi xem Hunger (2023) – phim Netflix Original của Thái được IMDB dán nhãn chính kịch, giật gân – người viết đã đùa rằng thật ra phim này chẳng có chém giết gì nhau đâu, bếp trưởng độc hại sẽ cải tà quy chánh, nữ chính tìm được lối đi riêng. Kết phim mọi người sống và làm việc hạnh phúc.

Dự đoán ấy không đúng hoàn toàn, nhưng cũng được một nửa. Hunger có câu chuyện riêng biệt đặc sắc và mình vui vì điều đó. Nó không phải The Menu (2022) phiên bản Thái hay Whiplash (2014). Trailer tạo cảm giác đây sẽ là phim thriller hay slasher âu cũng chỉ là một cách lôi kéo người xem thôi. Thật mỉa mai vì đó là cách chúng ta tìm đến với phim, nghĩ rằng nó sẽ rất kịch tính. Chúng ta cũng “đói khát” những kích thích.
Cô gái trẻ Aoy (Chutimon) giúp đỡ gia đình tiếp quản tiệm hủ tiếu xào. “Bàn tay phát sáng” của cô gái ấy tuy chỉ làm một món streetfood đơn giản nhưng cũng ngon lành đến mức thu hút đầu bếp Tone mời cô đến làm việc tại Hunger – nhà hàng cao cấp của bếp trưởng Paul, nơi không chỉ nấu ăn mà còn phục vụ trải nghiệm. Cô trải qua bài thi thử với món cơm rang đơn giản và được nhận vào Hunger.

Đến đây thì khán giả sẽ trông đợi những màn tương tác nảy lửa giữa Aoy và Paul, rằng lão bếp trưởng Tộc Xít sẽ bày đủ trò huấn luyện hành hạ nữ chính đến méo mó tâm trí, về sau khi nàng chín muồi rồi thì xiên cả họ nhà bếp trưởng. Không nha. Nếu tiếp tục xem phim với tâm thế này, bạn sẽ thất vọng. Bạn sẽ thấy bếp trưởng này hiền phết, tạo nét mà chẳng có gì nguy hiểm, máu lên xem nào. Bỏ đi nha. Hunger (2023) không xoay quanh mỗi lão bếp trưởng Tộc Xít. Hunger là câu chuyện về tầng lớp giàu nghèo, phê phán xã hội, tìm lời giải đáp cho “ăn để sống hay sống để ăn?”.

Mỗi con người trong Hunger đều khao khát thành công và lý do bắt nguồn từ việc nghèo chẳng có gì vui. Cả Paul, Aoy, hay Tone đều là những nạn nhân của vòng xoáy cơm áo gạo tiền. Bếp trưởng Paul tuy ra vẻ cao cấp, thượng đẳng, nhưng thật ra có nhiều tiền là thuê được ông thôi và lý do ông vươn lên tới vị trí ngày nay cũng không có gì trừu tượng. Vì tuổi thơ nghèo khó bị chà đạp bởi đám nhà giàu, ông muốn trả thù đám hãnh tiến đó bằng cách khiến chúng thèm khát ông.
Thế nên, ngoài kỹ năng nhà bếp, Paul còn giỏi làm thương hiệu. Đầu tiên là phải tạo cảm giác khan hiếm. Người có tiền có quyền muốn thuê ông vì cảm giác khó với tới ấy, rằng đây là bếp trưởng mang lại trải nghiệm ăn uống đặc biệt, nâng tầm bữa tiệc nhưng khó đặt bàn, chờ đợi cả năm… Tính ra Paul rất thảm hại vì có khi chẳng ai quan tâm tới thức ăn của ông cả. Trong một bữa tiệc, sau khi no say, người ta chỉ khen ngợi thức ăn bằng những ngôn từ đơn giản, chiếu lệ rồi lại tiếp tục nhảy múa thôi. Paul và đội bếp của ông chỉ là vật trang trí.

Hunger là câu chuyện kiếm sống. Bếp trưởng Slowik (The Menu) chơi lớn vì đó là màn kịch cuối cùng của ông, thành ra Slowik cho cả nhà đầu tư phải mọc cánh bay. Paul hay Aoy cũng chỉ đi làm thuê. Họ thèm khát và hô hào về sự đặc biệt nhưng cuối cùng bản thân họ chẳng có gì đặc biệt. Cũng mong chờ sự công nhận của người khác, cũng phải lắng nghe phản hồi và thất vọng nếu hào quang không chiếu rọi vào mình nữa. Họ đều là những người thay thế được, trong tay những kẻ có tiền.
Aoy có một hành trình điển hình của kẻ khờ (The Fool). Cô dấn thân vào thế giới ẩm thực cao cấp từ khi chỉ là cô gái bán hủ tiếu xào, còn chưa biết xắt thái đúng chuẩn một đầu bếp nhà hàng. Tính ra Paul rất “hiền” với Aoy, có lẽ ông thấy bản thân mình trong cô và dự đoán được số phận nếu cô trở thành như mình. Dù độc hại, Paul cũng là người thầy chia sẻ được nhiều nhất với Aoy.
Aoy ngày càng hoàn thiện, nhưng mang nhiều trăn trở, cuộc sống đi vào giai đoạn thử thách để cô trưởng thành, bắt đầu từ bước “bán mình”. Cô gái trẻ cuối cùng cũng có được thứ mà ai cũng ao ước: tiếng tăm, tiền tài, sự công nhận. Thế nhưng, tất cả những thứ ấy cũng tước đi bản sắc riêng của Aoy, không phải thứ của riêng cô. Aoy quyết định từ bỏ tất cả, quay về nơi mình bắt đầu, nhưng với tâm trí đã được khai mở.

Có một cảnh khi Aoy mệt mỏi trở về, trên đường cô bắt gặp những con người ngồi ăn. Họ là người lao động, hoặc vô gia cư, nhưng dù là ai thì họ cũng đang ăn để sống, để lấp đầy bụng đói. Cảnh tưởng ấy trái ngược với những gì Aoy trải qua ở nhà hàng, nơi người giàu ăn uống bày vẽ, thừa mứa, chẳng hiểu thứ mình bỏ vào miệng là gì. Aoy cũng đã cãi nhau với người thân nhiều lần về vấn đề này, rằng thức ăn là gì, nghệ thuật ẩm thực là gì? Đối với những người trong gia đình Aoy, món bít tết sang chảnh phải nào dao nào nĩa chẳng ngon lành bằng dĩa hủ tiếu xào công thức bà nội để lại.
Chúng ta không nên so sánh Hunger (2023) với The Menu hay mong chờ nó máu lửa như show truyền hình thực tế Hell’s Kitchen. Cùng là đề tài ẩm thực, Hunger được sản xuất cùng thời gian với The Menu và có câu chuyện cùng thông điệp truyền tải riêng biệt. Nếu xem phim với tâm thế không mong chờ ai sẽ tử vong trong bếp, bạn sẽ thích Hunger.