Làm quen với Doll Repainting?
Hít mai thí nhựa thì kiểu gì cũng đến lúc phải làm mấy công chiện này. Từ sơn mô hình Warhammer 40,000 theo mẫu, cho đến biến tấu để mận keo thêm và cuối cùng là bôi sạch sơn của nhà sản xuất, tự mình tô lại cho thắm. Đó là mùa hè của mình: lọt hố búp bê Barbie và mày mò cách vẽ lại mặt cho chúng. Đây là việc các nghệ sĩ và collector trên thế giới làm từ mấy chục năm nay rồi. Trong bài viết này, mình chia sẻ lại bộ công cụ tiết kiệm nhất cho các bạn muốn thực hiện face-up Barbie hay các loại búp bê khác.
Cơ duyên đến với Barbie
Ngày xưa mình không chú ý đến Barbie lắm, chỉ gần đây phát hiện Mattel có sản xuất dòng sản phẩm búp bê có khớp, mình mới tò mò ra tiệm sờ thử. Phải nói là trong khoảnh khắc, mình đã hiểu vì sao sau 64 năm (từ năm 1959), Barbie vẫn luôn là biểu tượng, cho dù có nhiều giai đoạn phải thay đổi thích ứng với bước chuyển xã hội.
Barbie là sản phẩm sản xuất hàng loạt được làm tốt, cao gần 30cm, cầm khá nặng tay và tóc rất mượt. Đối với dòng Made To Move thì có 22 khớp, tương đối linh hoạt, tạo dáng có hồn. Nói chung cầm một con Barbie trên tay thấy đúng nghĩa là cầm một nàng tiên nhỏ, cảm giác mê hoặc, chẳng trách từ trẻ nhỏ đến người lớn già đầu vẫn theo đuổi dòng đồ chơi này.
Gương mặt của Barbie cơ bản cũng khá đẹp, lớp trang điểm cũng không tệ. Thế nhưng, đối với khách hàng là người lớn, những người làm việc liên quan tới thẩm mỹ thì lớp sơn nhà máy này vẫn khá vô hồn, có khi còn phi lý nữa. Ví dụ, con Barbie Made To Move mà mình mua khiến mình ức chế mấy ngày vì da ngăm ngăm, tóc cam nâu mà môi hồng lòe, trông chập mạch con mắt cực kỳ. Thế nên, mình quyết định make-up lại cho toàn bộ gương mặt Barbie. Thoạt nghe ai cũng bảo là khó. Nhưng là một người đã chinh qua mấy cái chi tiết bé tí hin của Game Workshop, mình tự tin có thể làm được.
Vật liệu cần thiết (cho beginner)
Danh sách dưới đây mình có tham khảo từ bài viết của I Am Loved Dolls (một blog đáng xem nếu bạn lần đầu repaint búp bê, nhưng chị này không dùng màu Acrylic). Vì là lần đầu custom búp bê, mình cũng tra cứu nhiều nguồn (blog, reddit) để thay đổi một số để phù hợp túi tiền và nhãn hàng có mặt ở Việt Nam. Sau đây là những thứ mình dùng, bare minimum, chỉ những gì thiết yếu nhất.
1. Top coat Mr. Super Clear Matt UV Cut
Đây là thứ không thể thiếu nếu bạn muốn vẽ mặt búp bê và thử lội các video hướng dẫn repaint, tất cả đều dùng sản phẩm này để lót và khóa lớp trang điểm. Chính xác loại bạn cần mua là gì? Đó là loại có chữ “Matt”, nó sẽ tạo lớp áo nhám giúp bút màu và phấn bám được trên mặt búp bê. Tránh mua “Gloss” nhé, nó sẽ khiến bề mặt trơn và chẳng có gì bám được. “UV Cut” là top coat giúp bảo vệ tia UV, giúp lớp trang điểm không bị vàng sau một thời gian hoặc khi bị chiếu đèn, mang ra ngoài trời. Loại này đắt hơn loại thường tầm 25k nhưng mình thấy rất đáng đầu tư.
2. Nước tẩy trang, acetone hoặc không acetone
Thứ quan trọng không kém nữa đó là “nước tẩy trang”, hay nói chính xác hơn là nước chùi móng tay. Ở các diễn đàn nước ngoài, thấy các bạn ấy còn dùng 100% acetone để tẩy sơn nữa cơ! Nhưng những ai chơi ma thí nhựa đều biết, acetone có thể làm hỏng bề mặt nhựa. Không hiểu sao các bạn ấy dùng cách cực đoan đó chứ theo kinh nghiệm của mình, nước tẩy none acetone vẫn tẩy hết được lớp sơn sản xuất, rất dễ dàng nữa kìa.
Chai acetone trên mình vào đại Guardian để mua, nó không có acetone nhưng có màu và nồng mùi. Nếu có thể, các bạn nên chọn nước chùi móng không màu, vì loại có màu có thể để loại vệt loang trên mặt búp bê. Mình không bị tình trạng đó nhưng cẩn thận vẫn hơn.
3. Màu vẽ (chì màu nước, phấn tiên, acrylic)
Thứ mọi người thắc mắc nhiều nhất nữa hẳn là loại màu uy tín để vẽ mặt búp bê mà không xu cà na. Đây cũng là khâu đắt đỏ nhất, nhưng kinh nghiệm kiết xu đã giúp mình tiết kiệm kha khá. Nên nhớ, đầu tư thứ đáng đầu tư, không nhất thiết phải vung tiền to khi mới chân ước chân ráo vào con đường custom.
Thứ bạn cần đầu tư nhãn hàng tốt đó là chì màu nước (watercolour pencil), đó là loại chì màu gỗ nhưng có thể loang bằng nước. Rất dễ bị nhầm với chì màu gỗ thông thường nên hãy quan sát kỹ lúc mua nhé. Mình đã mua nhầm một hộp chì màu thường vì tội mắt nhắm mắt mở. Chúng ta cần chì màu nước loại tốt để thực hiện bước phác thảo quan trọng đầu tiên. Thậm chí, nếu không vẽ Barbie mà các dòng búp bê mặt to hơn như Monster High, bạn có thể vẽ toàn bộ bằng chì màu nước, không cần Acrylic. Nên lựa chọn một hãng màu tốt là cần thiết.
Những hãng như Faber-Castell rất phổ biến ở Việt Nam, có thể ra bất kỳ nhà sách nào là có (tuy sẽ bán đắt hơn online). Chì màu nước FC có sắc tố đậm đà, dễ ăn trên lớp coat. Mình chọn mua hộp 12 màu, loại này không có cây màu trắng nhưng cũng không sao vì mình sẽ dùng màu trắng Acrylic để vẽ mắt. Đồng thời, chì trắng cũng khó lên màu nên cũng không cần thiết.
Tiếp theo, bạn sẽ cần phấn để đánh má hồng và tạo khối. Đây là thứ các bạn có thể tiết kiệm rồi đây. Không nhất thiết phải dùng hãng đắt như Faber-Castell hay Van Gogh, mình thấy Mungyo là một lựa chọn tiết kiệm và hiệu quả bất ngờ. Thậm chí bạn còn không phải mua hộp lớn mà chỉ cần hộp 12 màu, chưa tới 100k là đủ, bởi phấn tiên có thể pha màu. Hãng này rẻ mà giàu pigment, một thay thế tốt đối với người mới.
Còn đối với Acrylic (nếu bạn muốn dùng Acrylic), thì cứ nhắm các loại sơn mô hình được cộng đồng khuyên dùng là được. Ở đây mình dùng Vallejo, một số lọ Citadel do dùng ké của chồng. Đây là những loại sơn chuyên dùng sơn mô hình và khá đắt. Nếu muốn rẻ mà đạt hiệu quả thì có Renaissance (19k/lọ) hoặc Faber-Castell (bán một hộp nhiều tuýp).
Nói chung, trên toàn gương mặt con búp bê chỉ có hai chỗ bạn cần sơn là môi và mắt. Tuy ít, nhưng vẫn cần. Thật ra có nhiều nghệ sĩ không dùng Acrylic mà chỉ dùng chì màu nước, đó là lựa chọn phong cách. Bởi nếu tô mắt bằng acrylic thì kết quả ra sẽ sắc sảo hơn, còn chì nước thì dành cho phong cách trang điểm Hàn, nàng thơ…
4. Cọ vẽ
Đây cũng là vấn đề nhức đầu phết đấy. Cách dễ nhất là xách theo con búp bê của bạn để đo cọ, đảm bảo chọn được kích cỡ phù hợp nhất. Cọ càng nhỏ thì càng đắt, cái này phải chịu. Đồng thời, cọ mỏng mà nhúng vào acrylic, nếu không rửa ngay lập tức sẽ bị khô và hỏng nên hãy chú ý. Vì chỗ này nên mình không muốn mua gì quá đắt. Cọ size 00 và 00000 của Renaissance 25k/cây là đủ, đừng tìm mấy loại lông chồn lông tự nhiên làm gì.
Hoặc bạn có thể dùng cọ đánh mắt có sẵn ở nhà (nếu bạn là người hay trang điểm). Các nghệ sĩ cũng hay dùng những cây đánh phấn mắt nhỏ nhất để tạo khối cho búp bê rất đúng bài và quan trọng là tiết kiệm, bạn không phải chi thêm gì cả.
5. Những thứ linh tinh khác
Trong quá trình vẽ, tốt nhất là khi phác thảo, bạn sẽ cần tẩy đôi chỗ. Thế nên, bạn cần một cục tẩy có thể đi vào ngóc ngách nhỏ như khóe mắt. Ở đây mình chọn gôm dẻo Faber-Castell. Mình thấy nó hơi bị mềm quá, nhưng hiện tại chưa biết lựa chọn thay thế nào.
Tăm bông để tẩy lớp sơn cũ. Mình mua tăm bông có một đầu nhọn để chùi mấy góc, khóe. Tăm bông này cũng có thể dùng để đánh khối, bọng mắt, má hồng nữa nha.
Cuối cùng là băng keo giấy, bao nilon để che tóc búp bê lại khi xịt top coat. Nhớ cả khẩu trang (đeo cùng lúc nhiều lớp), mắt kính để bảo vệ mặt khi dùng acetone (mùi cực nồng) và xịt top coat (mùi rất khủng).
Các bước thực hiện sơn búp bê
Đến đây thì ngooài các bước chung như tẩy trang, xịt lót, seal, thì còn lại là tùy năng khiếu và độ Parkinson của mỗi người. Nhưng nói chung, một đứa bị run tay như mình mà cũng cho ra thành phẩm chấp nhận được thì các bạn cũng không cần phải lo gì nhé.
1. Tẩy trang
Nhúng bông tăm vào nước chùi móng và tẩy nhẹ nhàng, loang tới đâu thấm bằng khăn giấy tới đó. Nói chung khá dễ dàng, không gì phải xoắn. Ai mà dùng nước tẩy có acetone thì nên rửa lại mặt búp bê bằng nước ấm (ấm thôi nha!) với xà phòng, để trôi bớt acetone, đỡ bị ăn mòn.
2. Xịt top coat
Bước này mình quên chụp hình, nhưng đại loại là bạn bịt tóc con búp bê lại, nếu không muốn contour body cho nó thì bọc cái thân lại luôn. Sau đó cầm khoảng cách 1 cánh tay và xịt phun sương vào mặt búp bê. Nhớ đeo khẩu trang, kính và xịt ở nơi thoáng khí nha. Cũng đừng đưa búp bê lại gần hơn một cánh tay để xịt, điều đó chỉ khiến mặt nó bị đẫm nước và lớp coat bị dày, dễ tróc, thậm chí bóng.
Để mặt búp bê ăn chì màu, bạn phải xịt ít nhất 3 lớp đầu. Xịt một lớp, để khô, xong xịt lớp nữa, cứ thế 3 lần. Nếu chỉ dùng chì màu nước để custom, thì sau mỗi lớp chì, bạn phải xịt top coat để có thể ăn lớp chì tiếp theo. Thông thường với cách vẽ này, có khi lên tới 10 lớp coat trên mặt búp bê.
3. Phác thảo
Đây là bước quan trọng, nhất là với những ai dùng màu acrylic. Bởi vì nếu bạn không phác thảo kỹ và nhất quán, thì khi sơn Acrylic lên rồi, nếu thay đổi ý định (mày ngang thành mày cong, mắt hạnh nhân đổi thành mắt xếch) thì bạn sẽ phải dùng acetone để tẩy sơn. Nếu dùng acetone tẩy thì sẽ bay luôn lớp coat :), phải xịt lại. Thành ra chỗ dày chỗ mỏng rất kinh.
Nếu không muốn gặp thảm họa đó thì bạn nên phác họa trước nét mặt búp bê trên giấy hoặc phần mềm đồ họa nào đó. Hoặc sử dụng thật nhiều hình tham khảo từ các nghệ sĩ khác. Chắc chắn về vibe của con búp bê thành phẩm, tránh trường hợp muốn trang điểm phong cách nhẹ nhàng cô hàng xóm mà lạc lối sang siêu mẫu Mỹ với đôi mắt sắc lẹm.
Chân mày, chân mày, chân mày, điều quan trọng phải nhắc 3 lần. Đó là thứ quyết định toàn bộ gương mặt, nên hãy phác thảo nó đầu tiên và cẩn thận. Sau đó mới chuyển sang các chi tiết khác như dáng mắt, môi. Bạn cũng nên đánh khối, má hồng sương sương ở giai đoạn này. Nhìn chung là xong bước này, bạn phải hình dung ra được thiết kế của mình.
Vẫn là bước phác thảo. Mình dùng chì đen để xác định đường kẻ mắt. Điều quan trọng là hai mắt phải đều nhau nhé. Thành ra khó nhất là con mắt, vẽ nó xong là xem như hoàn thành, mấy cái khác như môi, khối mũi dễ thở hơn nhiều.
Sorry vì tới đây cua hơi gấp. Nói chung là các bạn cứ vẽ theo trực giác và kiến thức bản thân thôi. Chủ yếu mình xịt thêm vài lớp coat nữa để tô chân mày và bọng mắt, dùng sơn nâu đỏ để tô khóe môi, bóng môi, cùng kết hợp những màu khác nữa cho môi có khối sinh động. Con mắt mới là cần chỉnh đi chỉnh lại nhiều. Sau cùng là chấm tàn nhang, điều chỉnh khối cho vừa ý.
Một số hình ảnh sau khi chỉnh sửa vài lần nữa.