Nhân dịp phim điện ảnh Barbie sắp ra mắt vào ngày 21/07/2023 sắp tới, hãy dành chút thời gian tìm hiểu về lịch sử của cô nàng búp bê nổi tiếng nhất thế giới này và tầm ảnh hưởng của nó đến tận bây giờ nhé.
- Tên đầy đủ của Barbie là Barbara Millicent Roberts, dựa theo con gái Barbara của bà. Búp bê Ken thì dựa theo tên con trai Kenneth.
- Barbie đến từ thị trấn giả tưởng Willows, thuộc bang Winsonsin, Hoa Kỳ.
- Sinh nhật Barbie là ngày 9 tháng 3 năm 1959, đó là ngày cô được trình diện tại New York Toy Fair, trong thiết kế kinh điển tóc vàng, áo tắm sọc đen trắng.
- Barbie “bay vào không gian” năm 1965; 4 năm trước khi con người đặt chân lên Mặt Trăng.
Lịch sử hình thành Barbie
Ruth Handler nghĩ đến Barbie từ một lần quan sát con gái chơi búp bê theo kiểu thay đồ và cho nó đóng giả nhiều nghề nghiệp. Bà nhận ra một chỗ trống trong thị trường đồ chơi bấy giờ, đó là những con búp bê trưởng thành. Ngày xưa, búp bê được tạo hình là những em bé với suy nghĩ rằng các bé gái thích đóng vai người chăm sóc, một người mẹ.
Từ đó, loại búp bê mới ra đời trong thiết kế trưởng thành hơn và tên nàng là Barbie. Triết lý của Barbie đó là các cô gái có thể là bất cứ thứ gì nàng muốn. Handler viết trong quyển tiểu sử năm 1994 của bà, “Barbie đại diện cho sự thật rằng phụ nữ có nhiều lựa chọn”. Ruth đồng sáng lập Mattel với chồng, nhưng ý tưởng về một con búp bê hiện đại như vậy không hấp dẫn lắm với hội đồng quản trị. Họ lo sợ các bà mẹ sẽ không chịu mua một con búp bê có ngực. Ruth phải tìm cách thuyết phục họ, trước tiên là thiết kế và nó dẫn đến câu chuyện li kỳ dưới đây.
Bí mật đen tối của Barbie
Một thương hiệu lớn và lâu đời như Mattel không thể không có những drama gây tranh cãi, mà thứ mỉa mai nhất đó là thiết kế đầu tiên của Barbie vốn “lấy cảm hứng” từ một con búp bê dành cho đàn ông của Đức – nàng Lilli Bild.
Lilli Bild vốn là nhân vật truyện tranh được đăng dài kỳ trên tạp chí lá cải Bild của Đức, do Reinhard Beuthien sáng tác năm 1952. Nàng là thư ký, là kiều nữ hạng sang chuyên cặp kè đàn ông để moi tiền. Nàng táo bạo, vô kỷ luật với những câu chuyện xéo xắt hết sức. Nổi tiếng nhất có lẽ là mẩu chuyện khi Lilli bị cảnh sát nhắc nhở tại bãi biển vì mặc áo tắm hai mảnh, nàng tỉnh bơ đáp: “Được thôi, vậy theo ngài tôi nên bỏ bớt mảnh nào?”. Các mẩu chuyện của Liili luôn gây tranh cãi ngay từ thời đại của nó.
Đến năm 1955, merch của Bild Lilli ra đời, do O. & M. Hausser sản xuất, đó là cô búp bê cao 30cm và đối tượng khách hàng không phải trẻ em mà là đàn ông. Nàng được bày bán tại các quán bar, cửa hàng thuốc lá, thậm chí còn được sản xuất size nhỏ 9cm để treo đung đưa trên xe ô tô. Thế nhưng, dần dần các bé gái cũng trở nên yêu thích Lilli và thế là người ta sản xuất thêm quần áo đa dạng cho cô nàng để các bé chơi trò thay đồ.
Lilli nổi tiếng từ nội địa Đức đến các nước Bắc Âu và năm 1958, một phim điện ảnh về nàng được xúc tiến (nghe quen không?). Phim thể loại hài trinh thám tên Lilli – ein Mädchen aus der Großstadt (Lilli — A Girl From the Big City) với nữ chính là nữ diễn viên Đan Mạch Ann Smyrner.
Thành công của búp bê Lilli kéo dài bất chấp định kiến về hình tượng gợi dục cũng như giá khá đắt (7.50 DM vào thập niên 50s), cho đến khi phu nhân Mattel là Ruth Handler du lịch châu Âu và phát hiện ra Lilli tại một cửa hàng ở Thụy Điển. Bà mua 3 con mang về và phát triển khuôn, chỉnh cho ngực nhỏ lại, môi bớt chúm chím, da sáng lên và trình bày cho hội đồng cô búp bê “người mẫu thời trang tuổi thiếu niên”, cũng cao 30cm, mặc áo tắm. Mẫu búp bê được bày bán năm 1959 và thu về thành công lớn.
Nói thẳng ra, trước Mattel, Lilli đã bị nhiều cơ sở các nước khác như Hồng Kông hay Tây Ban Nha chôm về đúc khuôn, nhưng không bán được vì đó là những thị trường bảo thủ, không đồng tình với một con búp bê đầy đường cong như vậy. Khi Barbie công phá thị trường Mỹ, phải mất một lúc lâu tin tức mới đến công ty ở Đức. Phải như thời nay có mạng xã hội là Mattel bị dập lòi m… nhanh và luôn rồi.
Nghe đâu Hausser đã không dám chơi lớn với Mattel vì đối thủ có nhiều tiền hơn. Vụ kiện được dàn xếp yên ắng sau 2 năm với kết quả là Mattel mua bản quyền thiết kế, bằng sáng chế Lilli với giá rẻ đến những người sáng tạo bên Đức cũng ngậm ngùi. Lilli chính thức ngừng sản xuất năm 1964.
Đến nay, với truyền thông phát triển toàn cầu, câu chuyện của Lilli mới được phanh phui rộng rãi hơn. Thế nhưng, người ta cũng không thể làm gì hơn ngoài trìu mến gọi Lilli là “bà ngoại gợi cảm” của Barbie. Cô nàng người mẫu thiếu niên từ Winconsin đã thắng trong cuộc chiến pháp lý và văn hóa. Tuy có nguồn gốc là một nàng kiều nữ đào mỏ ở Đức, Barbie sang Mỹ đã có nhiều chọn lựa nghề nghiệp hơn, nàng là nhà thiết kế (hy vọng không copy ai nữa), bác sĩ thú y, phi hành gia, vũ công, vận động viên, hoa hậu…
Tại sao Barbie lại có tầm ảnh hưởng?
Bỏ qua chuyện copy thì Barbie có vẻ dễ làm ăn hơn bởi nó có một câu chuyện sống lâu với thời đại hơn. Lilli là cô nàng đào mỏ, nhưng Barbie có sự nghiệp riêng, có nhà, có xe, một người bạn trai không nổi tiếng bằng mình. Cô có mọi thứ vào năm 1959, khi mà phụ nữ Mỹ còn chưa thể sở hữu thẻ tín dụng hay mua nhà mua đất mà không có chồng hoặc cha bảo lãnh. Đến năm 1974, phụ nữ Mỹ mới được mở thẻ tín dụng đứng tên mình đấy.
Bất chấp những cười chê và phản kháng của các nhà hoạt động nữ quyền, vốn bám chấp quá nhiều về vấn đề hình thể, Barbie vẫn sống và được những người yêu thích nó bênh vực với những bài luận văn chất lượng. Bất chấp những cáo buộc rằng “bé gái chơi Barbie có lòng tự tôn thấp”, vẫn có những người phụ nữ độc lập, thành công lớn lên cùng Barbie và vẫn yêu quý nó, xem Barbie là nguồn cảm hứng, là mentor.
Tuy nhiên, Mattel cũng có những quyết định sáng tạo đúng đắn. Một trong số đó là bắt kịp xu hướng để đa dạng hóa ngoại hình Barbie. Từ cô nàng tóc vàng mắt xanh da trắng như Carol trong Nữ Hoàng Ai Cập. Barbie giờ đây lên kệ với tương đối đầy đủ kích cỡ, màu da, chủng tộc, tình trạng cơ thể, tuổi tác… Các bạn có thể xem phim tài liệu “Tiny Shoulders: Rethinking Barbie” của Hulu để theo dõi quá trình đội ngũ sáng tạo và marketing của Mattel hoảng loạn tìm cách thay đổi sản phẩm ra sao. Đến đây thì mình cũng không theo dõi thêm phe nữ quyền chỉ trích gì ngoại hình Barbie nữa.
Lời kết
Đối với người viết, Barbie không cần phải mang một trọng trách gì cả. Cô ta không cần phải lo lắng làm theo những gì người khác nói. Không cần phải mập hay ốm, trẻ hay già, có sẹo hay rạn bụng. Người viết đã lớn lên với những con búp bê và cơ bản là không cần nó dạy cho mình điều gì về việc làm phụ nữ, hay làm người cả. Barbie hãy cứ là Barbie, đừng tăng giá và sản xuất nhiều dòng có khớp là được.