Made You Look (2020) không phải là tên bản hit của Meghan Trainor nhé. Đây là phim tài liệu hiện tại đang có trên Netflix, tìm hiểu vụ kiện tranh giả lớn nhất từ trước tới nay bị phanh phui. Vụ án liên quan đến các tên tuổi lớn như Pierre Lagrange, vợ chồng De Sole (chủ tịch Tom Ford Int), những người đã bỏ hàng triệu đô la Mỹ để rước về những bức tranh mà họ nghĩ là đồ “xịn” của Rothko và Pollocks.
Tóm tắt sơ lược vụ việc
M. Knoedler & Co. là phòng tranh nổi tiếng tại New York, với tuổi đời hơn 165 năm cho đến khi phải đóng cửa vì scandal. Đây là nơi trung gian mua vào bán ra các tác phẩm hội họa. Theo điều tra, từ năm 1994 đến 2011, giám đốc phòng tranh Ann Freedman đã bán ra khoảng 40 bức tranh theo chủ nghĩa trừu tượng của Robert Motherwell, Jackson Pollock, và Mark Rothko. Tổng số tiền thu về hơn $80M cho 40 bức tranh.
Tất cả những bức tranh Freedman bán đều do một người phụ nữ tên Glarifa Rosales mang đến. Bức đầu tiên được cho là của Rothko. Một điều chết tiệt ở bức tranh này đó là nó giả nhưng mà nó đẹp =)). Không phải của Rothko nhưng mà lại đẹp =)), kiểu vừa tháo ra xem là làm người ta bị ngỡ ngàng một lúc ấy. Thế nên Ann đã bị choáng ngợp và dù câu chuyện về nhà sưu tầm sở hữu bức tranh có phần “ảo diệu”, Ann vẫn đồng ý mua nó về cho Knoedler và về sau bán lại cho Domenico De Sole với giá 8,5 triệu đô la Mỹ.
Lôi cuốn hơn phim giật gân
Có thể bạn sẽ nói, phim về lừa đảo tranh giả thì có gì mà gây cấn? Cũng đúng. Lại còn là tranh trừu tượng nữa chứ, thứ dễ khiến đại chúng nhìn vào và lắc đầu “Làm họa sĩ dễ vậy sao?”. (Thật ra không dễ để vẽ ra một bức tranh trừu tượng đâu, thật đấy!). Tuy nhiên, Made You Look lại là phim tài liệu được thực hiện lôi cuốn, kịch tính như một phim thriller. Bởi vậy vụ án cũng đang được tiến hành làm thành phim điện ảnh.
Made You Look (2020) tập trung phỏng vấn các nhân vật liên quan trực tiếp đến vụ án, quan trọng nhất là Ann Freedman, để bà kể về sự việc từ điểm nhìn của mình. Tiếp theo là những gương mặt có chuyên môn trong ngành nghệ thuật như chuyên gia thẩm định chất liệu, đại diện từ các tổ chức nghệ thuật, cũng như nhà báo, luật sư và sự xuất hiện đầy giải trí của vợ chồng De Sole – nạn nhân của cú lừa Rothko trị giá 8 triệu rưỡi Mỹ kim.
Phim có kịch bản tương đối gãy gọn cùng khâu biên tập kịch tính. Với một vụ việc phức tạp, thậm chí mang tính “ông nói này bà nói nọ” này, phim đã cầm nhịp khá vững khiến nó không bị rối hoặc lê thê mà vừa gây cấn vừa buồn cười, cũng bởi chính câu chuyện mà người trong cuộc kể lại đã “mặn” sẵn nữa. Một điều cần bạn chú ý là hãy tỉnh táo với câu chuyện của Ann Freedman.
Bởi Ann Freedman, người đáng lẽ phải có chuyên môn và tinh thần trách nhiệm để kiểm tra kỹ lưỡng các bức tranh Rosales mang đến, là người gây ra nhiều dấu chấm hỏi cho người xem nhất. Ann Freedman có thật sự mù tịt về những gì Rosales mang đến không? Nếu vậy thì quả thật năng lực bà ta quá yếu kém để làm giám đốc một phòng tranh. Nếu Ann biết đó là những bức tranh giả? Bà ta là tòng phạm và có tội. Câu chuyện của Ann Freedman rơi vào vùng mơ hồ và giả thuyết được ủng hộ nhiều nhất đó là Freedman tự lừa dối chính mình.
Trong tình cảnh bấp bênh sự nghiệp, phòng tranh nợ ngập đầu, Ann đã bám víu vào tất cả những gì có thể. Các bức tranh Glarifa mang đến đều là những thứ chưa từng thấy trước đó của Rothko và Pollocks. Nếu đó là tranh thật thì sẽ là phát hiện lớn và sự nghiệp của Ann cứ theo đà mà lên như diều. Mà quả đúng là như vậy thật. Khi chọn tin những bức tranh ấy là thật, bỏ qua mọi bằng chứng từ phòng thí nghiệm, bỏ qua câu chuyện mù mờ về nhà sưu tầm giấu tên sở hữu mọi bức họa quý giá, Ann Freedman trở nên nổi tiếng trong giới sưu tầm tranh.
Sự việc vỡ lở và vụ kiện “hài hước”
Câu chuyện của Made You Look (2020) bắt đầu gõ nhịp nhanh khi các nhà sưu tập giàu có phát hiện ra bức tranh mình bỏ hàng triệu đô ra mua là tranh giả, nhờ một vụ ly hôn. Đó là nhà tài chính Pierre Lagrange khi chia tài sản với vợ đã quyết định bán bức tranh của Pollocks mà ông mua giá 17 triệu đô la từ Knoedler. Thế nhưng tổ chức đấu giá Sotheby’s không chấp nhận vì bức tranh không rõ xuất xứ. Vậy là Lagrange phải thuê một chuyên gia lớn về art forensic để kiểm tra bức họa.
Nguyên văn là, “Một loại sơn vàng được phát hiện trên tranh, loại đến năm 1970 mới sản xuất. Giới hội họa đều biết Jackson Pollock qua đời vì tai nạn xe hơi năm 1956. Mọi chuyện vậy là xong”. Knoedler từ chối tiếp chuyện với Lagrange, còn Freedman lại ấp úng những lời không thuận tai khiến triệu phú bốc hỏa quyết định bắn phát súng đầu tiên giúp câu chuyện rùm beng trên các mặt báo.
Ngó bên nhà De Sole, bao đời bán túi xách, mỹ phẩm, cầm 8 triệu rưỡi đô mua bức tranh Rothko ở đầu bài xong cũng giật mình thon thót. Bức tranh của họ không có trong tài liệu ghi chép nào cả, cũng được xem là “phát hiện đầu tiên” như bức của Lagrance. Kết quả có 10 người kiện Knoedler và hết 9 vụ được dàn xếp kín, chỉ duy nhất Sole quyết đưa ra tòa do không chấp nhận cái giá dàn xếp, cùng nhiều lý do khác nữa mà nhiều nhất có lẽ là muốn làm to sự việc lên và đẩy những người liên quan ra mặt xử công khai.
Diễn biến vụ kiện té ra mang lại rất nhiều tiếng cười. Đầu tiên là người ta mất mấy chục phút ngồi cãi nhau về hai khối màu trên tranh, rằng cái nhỏ hơn phải ở dưới chứ. Rồi con trai Rothko được gọi đến tòa để đứng trên bục làm chứng, quan sát thử bức tranh giả và cho ý kiến. Cuối cùng con trai Rothko cũng khen bức tranh là “Đẹp”. Tranh đẹp không có nghĩa là tranh thật và rất khó hiểu với hành động sử dụng người nhà họa sĩ để kiểm định tranh (vốn xảy ra hai lần trong phim). Gia đình không có nghĩa là hiểu phong cách họa sĩ hơn các chuyên gia.
Ai là người vẽ 40 bức tranh giả triệu đô?
Một điều nói ra chắc các bạn cũng không ngạc nhiên. Đó là tác giả của những bức tranh nhái Rothko và Pollocks được đẩy giá hàng triệu đô ấy không ai khác là một “pháp sư Trung Hoa” tên Pei-Shen Qian (琛錢培, Sâm Tiễn Bồi). Người này vốn là giáo sư toán và yêu thích hội họa, khá nổi tiếng ở Trung Quốc. Ông quyết định sang Mỹ lập nghiệp nhưng gặp khó khăn và cuối cùng thông đồng với Glarifa cùng bạn trai ả để vẽ tranh nhái bán cho Knoedler.
Khi vụ việc đổ bể và Glarifa bị bắt, Sâm nhanh chóng bay về Trung Quốc, nơi không có luật dẫn độ về Mỹ. Lực lượng chức năng xem như bó tay với ca này. Đồng thời, đoàn phim cũng đã đến tận Trung Quốc tìm ông Sâm nhưng bị từ chối gặp mặt. Thay vào đó, họ phát hiện ra những công xưởng làm tranh nhái tại đây, nơi sản xuất ra hàng loạt “Đêm Đầy Sao” hay “Hoa Diên Vĩ”, giống từng nét cọ, nếu chỉ nhìn thoáng qua sẽ thấy sống động như thật. Họ nhái đến cả mấy bức tranh “vằn vện” của Pollocks cơ mà.
Kết
Điều khiến Made You Look hấp dẫn không chỉ là điều tra về vụ án tranh giả mà còn đào sâu vào tâm lý của những người trong cuộc. Làm thế nào họ có thể chấp nhận một thứ đáng ngờ như vậy? Cả những người mua sành sỏi như De Sole mà lại dễ dàng bỏ hàng đống tiền cho thứ không có nguồn gốc? Mà ý là bản thân ông đã sưu tầm rất nhiều tranh. Tại sao người ta vẫn qua lại mua bán với người có scandal lớn và uy tín sụt giảm nặng nề như Ann Freedman. Hãy xem Made You Look để có cảm nhận riêng nhé.