Insidious: The Red Door (2023) là lời khẳng định mạnh mẽ rằng chúng ta đang sống trong thời đại mà phim kinh dị trở thành công cụ hiệu quả để truyền tải nhận thức về sức khỏe tâm thần. Không phải trước kia phim kinh dị chưa truyền tải nỗi đau này, mà phải đến thập niên 2010 và nhất là giai đoạn nửa sau, làn sóng của những bộ phim kinh dị ẩn dụ cho bệnh tâm lý mới mạnh mẽ và rõ ràng hơn. Một số ví dụ tiêu biểu cho làn sóng này có thể kể đến Midsommar (2018), Saint Maud (2019), Smile (2022)...
Insidious: The Red Door (2023) đưa khán giả quay lại với câu chuyện nhà Lambert sau 10 năm vắng bóng. Với thời gian lâu như vậy, The Red Door đối mặt với nhiều thử thách mà lớn nhất là kỳ vọng của khán giả, những người yêu mến franchise từ hai phần phim đầu do James Wan đạo diễn. Một thử thách nữa đó là vị trí đạo diễn được trao cho Patrick Wilson. Đây là lần đầu tiên “chàng thơ” của James Wan thử sức trong vai trò này.
Chúng ta đều biết ngoài những màn jumpscare “đốn tim”, James Wan còn là người rất giỏi làm những bộ phim kinh dị đầy tình cảm. Chắc hẳn chưa ai quên được cảnh Ed Warren hát Can’t Help Falling in Love rất cảm động trong The Conjuring 2 (2016) đúng không? Patrick Wilson và James Wan vốn là hai tâm hồn đồng điệu với nhau, nên có thể thấy với Insidious: The Red Door (2023), Wilson cũng hướng tới phong cách làm phim tương tự và anh đã phần nào làm được.
Tóm tắt nội dung phim
Mốc thời gian trong Insidious: The Red Door là 9 năm sau sự kiện Insidious 2 (2013), khi đó hai cha con Josh và Dalton được thôi miên để quên đi Cõi Vô Định (The Further), đồng thời đẩy khả năng xuất hồn của hai người sâu vào tiềm thức, không kích hoạt được nữa. Lúc này, Dalton Lambert (cũng như diễn viên Ty Simpkins) đã lớn và bắt đầu vào đại học. Josh và Renai đã ly hôn do căng thẳng sau những gì xảy ra ở phần 2, khiến mối quan hệ cha con giữa Josh – Dalton lạnh nhạt. Họ đã từng xả thân vì nhau trong hai phần phim trước nhưng nay lại như người xa lạ.
Dù đã được thôi miên cho quên đi khả năng xuất hồn, Josh và Dalton vẫn luôn mơ hồ cảm thấy có gì đó không đúng đối với quá khứ của mình. Từng hình ảnh dần trỗi dậy và hai cha con tiếp tục bị những thực thể từ Cõi Vô Định ám. Insidious: The Red Door sẽ là hành trình chống lại thế lực tăm tối ấy cũng như làm lành của hai cha con.
Thông điệp về sức khỏe tâm thần
Điểm sơ qua nội dung, ta có thể hiểu điều đầu tiên phim muốn nhắc đến là gì. Đó là không phải vấn đề nào cứ cố quên nó đi, đẩy nó vào một góc kẹt là xong. Insidious: The Red Door đã vận dụng thông minh kết thúc của phần 2, mở rộng vấn đề ra rồi giải quyết tồn dư từ nó. Thôi miên để quên đi không phải là cách tốt nhất cho hai người họ, sớm muộn gì vấn đề sẽ lại trồi lên và họ phải đối mặt lần nữa.
Trong cuộc sống cũng vậy, chúng ta không thể làm lơ cảm xúc hay bệnh tình của mình mà phải thừa nhận nó, sau đó tìm cách chữa trị hoặc phương thức sống chung. Chúng ta không thể hết bệnh nếu không chấp nhận mình đang có bệnh, dù đó là bệnh thể xác hay tâm thần. Josh Lambert đã có động thái đúng đắn khi chủ động đi bệnh viện, bởi tâm trí mù mờ của anh đang ảnh hưởng đến mối quan hệ với những người xung quanh.
Câu chuyện của Insidious: The Red Door sẽ kéo dài đến thế hệ trước, nhắc đến người cha của Josh, người mà anh cứ nghĩ là đã bỏ mình đi. Josh đã trách cứ và đóng vai nạn nhân vì điều đó suốt nhiều năm trời. Thậm chí bào chữa cho hành vi của mình là do người cha. Cho đến khi tự điều tra và hiểu vì sao cha không xuất hiện trong cuộc đời mình, Josh mới tiến tới đồng cảm và chữa lành vết thương giữa anh và cha, cùng con trai Dalton.
Insidious tập trung vào những người đàn ông có khả năng xuất hồn và cách nó ảnh hưởng đến họ như một căn bệnh tâm thần. Theo thống kê từ các tổ chức y tế, 40% nam giới không muốn nhắc đến tình trạng sức khỏe tâm thần của mình và phải đến khi có ý nghĩ tự sát, họ mới tìm đến giúp đỡ. Có thể thấy trong The Red Door, 3 người đàn ông thuộc 3 thế hệ đã có cách xử lý khác nhau đối với tình trạng của mình và mấu chốt họ cần đó là sự gắn kết, cùng nhau vượt qua lời nguyền chung.
Kịch bản hay nhưng cần triển khai tốt hơn
Scott Teems là người viết kịch bản cho Insidious: The Red Door. Teems đã có kinh nghiệm trong mảng phim kinh dị lẫn kịch bản truyền hình (Narcos: Mexico). Có thể thấy trong Insidious: The Red Door đặt để nhiều ý định tốt đẹp nhưng triển khai còn cồng kềnh. Đầu tiên là nhịp phim không mượt, lúc quá chậm, lúc lại cụt lủn (trong khi đó là khoảnh khắc cần nhấn nhá). Tiếp theo là ôm đồm quá nhiều thứ vốn có thể bỏ đi để phim được gãy gọn hơn.
Dalton Lambert vào đại học và phim muốn giới thiệu đời sống sinh viên điên rồ cũng như người bạn mới Chris của cậu. Thế nhưng cuối cùng lại gây khó chịu và cringe vô cùng. Phim đưa vào những nhân vật phụ và phụ phụ nhưng không khiến khán giả thấy họ đáng yêu hay quan tâm đến số phận của họ. Cũng may về sau nhân vật Chris đã được phát triển gọn gàng hơn và cô trở thành bạn đồng hành cần thiết cho Dalton.
Không chỉ tốn kha khá thời gian giới thiệu cuộc sống sinh viên của Dalton, phim còn dồn cho khán giả nhiều thông tin cả cũ lẫn mới gây choáng ngợp. Phải giải thích cho mọi người hiểu tình hình gia đình Lambert đang thế này thế này, rồi tìm hiểu ông bố của Josh – người mà cả hai phần phim trước đều không nghe nhắc đến, Josh lẫn Dalton phải lần mò về miền ký ức bỏ quên để hiểu chuyện gì đã xảy ra…
Với ngần ấy thứ phải xử lý nhưng phim lại khá ngắn, 1 tiếng 47 phút không đủ để có một mạch phim làm hài lòng những khán giả quan tâm đến phương thức kể chuyện (như tôi). Chỗ gây sốc nhất là màn “Hold The Door”. Thật sự không hiểu Dalton (hay có thể nói là Ty Simpkins) lúc ấy đã nghĩ gì khi nhìn bố mình vật vã giữ cửa còn cậu cầm cái đèn, bộ dạng còn không chút lo lắng cho bố. Mặc dù cậu quay đi với một giải pháp, khoảnh khắc ấy vẫn gây khó hiểu cho khán giả, nhất là những người đồng hành cùng hai cha con từ đầu.
Rose Byrnes cũng có màn trình diễn khá mệt mỏi mặc dù cô là diễn viên thực lực. Nhưng có lẽ vai trò của Renai đã không được chăm chút tốt nên Byrnes cũng không biết phải làm gì hơn trong phần phim này. Patrick Wilson trong vai trò đạo diễn có lẽ cần cải thiện cách truyền đạt với diễn viên, cũng như cách cầm nhịp một bộ phim. Ta có thể thấy càng về cuối càng nghe được tiếng thở phào “sắp xong rồi” và nhịp phim hối hả, hời hợt hơn.
Kết của Insidious: The Red Door
Trong một phỏng vấn với báo Thanh Niên, Patrick Wilson đã nói rằng anh muốn mang cảm xúc và dấu ấn cá nhân của mình đối với franchise vào Insidious: The Red Door. Đúng là Patrick đã làm được như vậy. Ta có thể thấy anh thật sự là một người cha của Dalton/Ty Simpkins – người đã đóng phim cùng anh từ khi còn là diễn viên nhí, cũng như vẻ hoài niệm, nuối tiếc khi nhìn lại quá khứ. Những con quỷ trong Cõi Vô Định có lẽ chưa bỏ cuộc nên trong tương lai, có thể ta sẽ lại gặp Patrick Wilson “lên tay” hơn trong những tác phẩm sau cùng thuộc hoặc ngoài franchise.