The Witches of Eastwick (1987) quy tụ những cái tên mê ly: George Miller trong vai trò đạo diễn cùng Cher, Susan Sarandon, Michelle Pfeiffer và Jack Nicholson. Khó ai có thể từ chối được bộ phim với ba nữ diễn viên nhan sắc thượng thừa trong vai phù thủy cùng Nicholson – ác quỷ theo đúng nghĩa đen.
Về tiểu thuyết The Witches of Eastwick
The Witches of Eastwick chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của John Updike, nhà văn Mỹ hai lần đoạt giải Pulitzer cho thể loại tiểu thuyết, điều chỉ một số ít nhà văn đạt được (trong đó có Booth Tarkington và William Faulkner). Tuy nhiên, tác phẩm và sự nghiệp của Updike không mặn mà hơn theo năm tháng mà ngày càng lùi xa so với bước chuyển mình của xã hội. Mặc dù giành hai giải Pulitzer năm 1982 và 1990, Updike viết về phụ nữ rất tệ và luôn bị chỉ trích là mysogynist (kẻ thù ghét phụ nữ). Thế hệ trẻ không đón nhận tác phẩm của Updike.
Vì sao người viết phải đề cập tới John Updike cho dù ý định ban đầu chỉ muốn đánh giá bộ phim một cách độc lập? Đó là vì John Updike sau hơn hai thập kỷ mang danh là kẻ phân biệt giới tính cuối cùng lại viết quyển sách với nhân vật chính là ba phụ nữ nổi loạn, đầy thách thức đối với những con người bảo thủ, ngoan đạo trong thị trấn nhỏ Eastwick. Theo lời của Updike, quyển sách là “một nỗ lực làm hòa” với các nhà nữ quyền đã chỉ trích ông vật hóa phụ nữ, là quyển sách về “quyền lực phụ nữ, thứ quyền lực bị đàn ông phủ nhận”.
Nỗ lực này, đương nhiên vẫn đầy sạn. Theo nhà phê bình văn học Kakutani Michiko viết trên The New York Times: “Nỗ lực của Updike để miêu tả những người phụ nữ mà ông gọi là năng động và bùng nổ thực chất vẫn dẫn đến câu chuyện kỳ thị phái nữ… Nỗi sợ mà họ gây ra chính xác là nỗi sợ thúc đẩy các phiên tòa xử phù thủy thời trung cổ. Ông miêu tả ba nữ chính như những kẻ ái kỷ, lăng nhăng, vô trách nhiệm, ghen tuông, vận dụng tính nữ một cách mưu mẹo để thao túng đàn ông và thậm chí sát hại người phụ nữ ngây thơ hơn”.
Tiểu thuyết The Witches of Eastwick gây nhiều tranh cãi khi một số ý kiến cho rằng nó thực sự là tác phẩm nữ quyền, “một cách tiếp cận thông minh với chủ nghĩa nữ quyền, trường hợp hiếm hoi khi tác giả nam viết theo góc nhìn phụ nữ” (theo LA Times). Một số khác phản đối vì quyển sách vẫn mang tính kỳ thị nữ giới, gọi họ là phù thủy và củng cố tư tưởng nam quyền rằng phụ nữ phải nhờ đàn ông mới phát triển bản thân được. Phe ở giữa cho rằng, có thể Updike chỉ đang mỉa mai những điều đó thôi.
Tuy có nhiều ý kiến trái chiều như vậy, The Witches of Eastwick vẫn là tác phẩm thành công về mặt thương mại của Updike. Nó được chuyển thể thành phim điện ảnh do George Miller đạo diễn, chuyển thể thành phim truyền hình của đài ABC và ba lần chuyển thể thành nhạc kịch sân khấu. Updike còn viết một quyển hậu truyện The Widows of Eastwick và đó là tác phẩm cuối cùng trước khi ông mất năm 2009.
Phim chuyển thể liệu có khá hơn sách?
Từ những thông tin về tác phẩm gốc, chúng ta có thể lạy trời rằng George Miller cùng biên kịch Michael Cristofer đã chuyển thể cuốn sách với những thay đổi hợp lý, dễ tiếp cận đại chúng hơn. Họ đã sửa chữa những sai lầm của sách gốc để cho ra đời tác phẩm vui nhộn, mỉa mai và đương nhiên trao quyền cho phụ nữ. Đồng thời, việc không sử dụng hình ảnh khỏa thân nhảy múa quanh đống lửa để miêu tả thuật phù thủy cũng là điểm cộng cho phim. Điểm trừ đó là credit phim đặt Jack Nicholson lên đầu trong khi thời lượng xuất hiện của ông ít hơn ba nữ chính.
Cher, Susan Sarandon, Michelle Pfeiffer vào vai Alexandra, Jane và Sukie – ba người phụ nữ xinh đẹp nhưng không gặp may mắn với đàn ông. Họ đều là mẹ đơn thân và mỗi tuần lại hội họp cùng nhau uống rượu, nấu nướng, chơi bài… thoạt nghe như hội chị em ấm cúng hạnh phúc lắm nhưng sự thật họ vẫn cảm thấy thiếu thốn và khao khát tình cảm. Không nhận thức được năng lực phù thủy của mình (vốn mạnh hơn khi họ ở cùng nhau), cả ba vô tình thu hút (manifest) một người đàn ông lý tưởng.
“Người đàn ông lý tưởng” ấy không ai khác chính là Daryl Van Horne, gã nhà giàu bí ẩn chuyển đến thị trấn Eastwick và mua lại tòa nhà lâu đời của họ. Từ đây chúng ta có thể hiểu Daryl thực chất là ác quỷ, hắn cảm nhận được sức hút phát ra từ Eastwick do ba phù thủy vô tình đánh tín hiệu. Daryl tiếp cận các cô gái, rù quến họ, tập hợp họ lại để phục vụ cho mục đích riêng mà sau này ta sẽ biết.
Phim The Witches of Eastwick khéo léo hơn tiểu thuyết gốc của nó khi phát triển nhân vật nhất quán và phù hợp với xã hội. Những nàng phù thủy không lợi dụng quyền lực của mình để thu lợi cá nhân mà họ sợ hãi khi thấy người khác bị hại vì chuyện liên quan đến mình. Họ là những người phụ nữ bình thường, có mong muốn một tình yêu, nhưng không vì một người đàn ông mà xâu xé nhau hay ảnh hưởng đến cộng đồng. Họ muốn một cuộc đời như ý, nhưng không cần thế lực hắc ám nào giúp đỡ điều đó.
Những người phụ nữ này trải qua các giai đoạn tuyệt vọng vì tình cảnh hiện tại cho đến đê mê với người đàn ông mới. Rồi họ bắt đầu ghen tuông, đấu đá nhau vì hắn, cho đến chấp nhận chia sẻ tình cảm. Cuối cùng họ nhận ra những dấu hiệu đáng báo động và dứt khoát chia tay, chung sức đánh đuổi kẻ nguy hiểm này. Kết phim, các nhân vật tuy có chút nhung nhớ, nhưng đó là chuyện bình thường xảy ra ở người bình thường. Họ có quyền bị lay động, chúng ta không thể nhất quyết gán ghép hình tượng nữ cường thì không được có những cảm xúc mong manh.
Daryl quyến rũ các nhân vật nữ và lên giường với tất cả có thể là điểm khó nuốt nhất phim, nhưng ta sẽ bàn về chuyện đó sau. Các bạn cũng hãy quên đi hình tượng ác quỷ lịch lãm như series Lucifer (2016-2021) hay cách Al Pacino thể hiện trong Devil’s Advocate (1997). Daryl Van Horne là con quỷ hôi thối, ăn nói bẩn thỉu, gạ tình lộ liễu… nhưng hắn giúp các cô gái nhận ra tiềm năng bản thân. Một lần nữa, đây chính là điểm khiến sách và phim bị cho là phản nữ quyền.
Theo đánh giá người viết, cách Daryl “khai mở” các cô gái mang tính tôn thờ, ngưỡng mộ nhiều hơn là một người thầy, người cha, người có quyền lực chỉ dạy cho kẻ thấp bé biết chúng có thể làm gì. Nhưng ta phải nhớ rằng Daryl là nhân vật phức tạp và đầy thao túng, đó là bản chất quỷ dữ thường được khắc họa trong Kinh thánh và nó ảnh hưởng đến các tác phẩm đương đại. Khó mà biết được Daryl thật sự yêu mến các cô gái và mong cầu được bầu bạn, hay chỉ muốn dụ dỗ họ hoài thai hậu duệ cho hắn.
Âu cũng có là cái hay của bộ phim giải trí này. Chúng ta có thể nhìn nó theo nhiều góc độ và thảo luận suốt nhiều năm liền dù yêu hay ghét. Bạn có thể xem có bộ phim nữ quyền, phản nữ quyền, hoặc chẳng ra gì cả. Riêng người viết nhận thấy, nếu bạn muốn biết một mối quan hệ độc hại, nơi người nam thao túng người nữ như thế nào thì có thể bạn hãy tìm hiểu cảm giác đó qua Daryl. Nếu bạn băn khoăn, thậm chí có lúc thông cảm cho hắn, bạn đã hiểu cảm giác của người bị thao túng trong tình cảm.
Daryl qua diễn xuất của Jack Nicholson mang nhiều tính châm biếm hơn bao giờ hết. Hắn yêu chiều các phù thủy của mình, nhưng khi mọi thứ không được như ý, hắn bộc lộ bản chất và nỗi cay cú. Hắn “thiêu” họ (một cách hình tượng), kể lể những điều hắn làm và công khai trừng phạt phụ nữ vì họ “vô ơn”. Những người phụ nữ “vô ơn” ấy nhìn thấy mối nguy của hắn với thị trấn bởi dẫu bị xa lánh, họ vẫn gắn kết với cộng đồng. Còn Daryl chỉ có vẻ tử tế vì tư lợi.
Kết
The Witches of Eastwick (1987) cũng đưa ra nhiều nhận xét đầy cảm hứng về phụ nữ. “Phụ nữ là tự nhiên, mà tự nhiên đôi lúc chẳng khoa học tí nào, nên mới gây sợ hãi như vậy”, cũng như “Đối diện với người phụ nữ đầy quyền năng, người đàn ông sợ hãi nên quyết định thiêu sống họ”. Đến một lúc nào đó, hy vọng The Witches of Eastwick (1987) sẽ không còn liên quan đến thời đại này nữa, bởi đó là lúc mâu thuẫn giới tính sẽ được đẩy lùi và không ai còn phải bàn chuyện đàn ông – phụ nữ nữa.