Thế giới đồ chơi, cụ thể là những con búp bê không hề đơn giản. Nếu lần đầu sụp hố thỏ mà thiếu kiến thức thì bạn dễ bị mua hớ, mua nhầm vì tin vào những lời quảng cáo. Ở đây mình đang nói đến Blythe – dòng búp bê kỳ lạ với lịch sử lận đận, nay trở thành một trong những dòng sản phẩm đắt giá. Tuy nhiên, Blythe trôi nổi trên thị trường với nhiều dạng hàng fake, ăn theo mà vẫn giới thiệu là “hàng chính hãng Takara Tomi” (phần tiếp theo sẽ giúp bạn sẽ hiểu vì sao cái này nực cười).
Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về lịch sử hình thành, phát triển của Blythe cũng như liệt kê các dạng hàng nhái. Thật ra, giới chơi đồ và custom búp bê trên thế giới cũng không ngại công khai mình dùng Blythe giả. Họ thường mua những bản fake để tiện chỉnh sửa hơn là chi tiền mua hàng chính hãng đắt đỏ rồi có khả năng phá hỏng nó. Thế nhưng, đồ giả cũng phải có giá hợp lý đúng tầm của nó. Ở đây, mình lên án những nơi quảng cáo sai, bảo hàng của họ là Takara Tomy hay Hasbro.
Thế nào là Blythe chính hãng?
Allison Katzman (1925-2020) chính là mẹ đẻ của những con búp bê Blythe đầu tiên, sau đó bán bản quyền cho Kenner sản xuất năm 1972. Những con búp bê này chỉ được bán vỏn vẹn 1 năm và phải dừng do trẻ em sợ hãi chúng. Hiện nay, người ta hay nhắc tới chúng là Kenner Blythe, hoặc “authentic”/”original”/”vintage”. Kenner Blythe được giới sưu tầm săn lùng và có giá cực đắt đỏ.
Đến năm 1991, Hasbro thâu tóm Kenner và sau cùng đóng cửa công ty vào năm 2000. Bản quyền sáng tạo hiện tại là của Hasbro và họ bán giấy phép cho công ty Nhật Takara (về sau là Takara Tomy) sản xuất Blythe vào năm 2001, gọi là Neo Blythe. Takara Tomy dừng sản xuất Neo Blythe vào năm 2021 và cùng năm đó tháng 7, Good Smile Company tiếp quản giấy phép của Hasbro, sản xuất dòng búp bê này đến ngày nay.
Thế nên mình mới nói những nơi bán hàng giới thiệu kiểu “chính hãng Takara Tomy” rất nực cười. Blythe đang sản xuất cũng không có giá này, nói chi là Neo Blythe đã ngưng sản xuất. Thêm một điều nữa không có Blythe chính hãng nào được sản xuất có khớp nên nếu thấy ai đăng bán Blythe khớp, nếu không phải là hàng custom của các nghệ sĩ (vốn thích thay body) thì chỉ có thể là đồ giả. Với giá 800k cũng không phải là “xả lỗ”.
Nếu vậy, Blythe chính hãng trên thị trường chỉ có của Good Smile, Takara Tomy, Hasbro và tất cả đều có mặt bóng loáng, không sản xuất khớp. Một nhánh đặc biệt nữa của Ashton Drake Galleries, gọi là ADG Blythe. Đây cũng là dòng sản phẩm có giấy phép từ năm 2005, sản xuất những bản replica của Kenner Blythe và sử dụng bề mặt nhám. Họ sản xuất tổng cộng 12 đời sản phẩm trước khi dừng vào năm 2008.
Ngoài ra, Blythe chính hãng luôn có dòng chạm nổi sau lưng, đề tên thương hiệu, công ty, nơi sản xuất… Hàng giả/nhái không có những dòng này hoặc sẽ in trên gáy. Đương nhiên, hàng chính hãng cũng sẽ có hộp đàng hoàng cùng phụ kiện, quần áo theo chủ đề. Búp bê giả/nhái thường được bán dạng nude. Phần tiếp theo mình sẽ giới thiệu một số dạng làm giả búp bê Blythe, được bày bán nhiều trên Aliexpress và Amazon.
Các dòng búp bê Blythe làm nhái
Thật ra trong cộng đồng chơi Blythe, việc mua búp bê nhái không phải là chuyện đáng giấu giếm nữa. Thứ nhất, người chơi búp bê trưởng thành và có chút năng khiếu thường thích custom. Đối với người chơi Blythe, việc đó còn được đẩy lên tới mức tay nghề cao như điêu khắc khuôn mặt búp bê bằng cách đắp thêm hoặc mài, giũa. Đó là lý do họ ngại mua hàng chính hãng bởi vì nếu lỡ làm hỏng thì coi như bay mất $300.
Blythe nhái cũng có một số đặc điểm các nghệ sĩ thích đó là cơ thể có khớp. Thời đại này, việc chơi búp bê không chỉ là thay đồ chải tóc. Người sưu tầm búp bê học thêm nhiều kỹ năng khác như thiết kế, may vá, làm rement… và tất cả sẽ được thu vào một bức hình đẹp. Thế nên, việc búp bê có thể tạo dáng linh hoạt là lợi thế lớn tạo thoải mái cho người chơi. Người chơi hàng chính hãng cũng có thể mua body khác thay vào nhưng điều đó lại tăng thêm chi phí.
Một điều hấp dẫn với người dùng quốc tế nữa là tính đa dạng của hàng nhái. Một blogger đã chia sẻ niềm vui khi tìm thấy một búp bê Blythe da màu tóc xoăn, điều mà Takara Tomy hay Good Smile chưa linh hoạt lắm. Hiện tại trên web Good Smile chỉ có một mẫu Suri da hơi bánh mật mà thôi. Trên một trang bán búp bê nhái của Aliexpress có nhiều phân loại theo màu da, bao gồm cả tone da cực tối.
Ở đây mình dùng từ “hàng nhái” để phân biệt với hàng giả vốn được sản xuất với bao bì y hệt và quảng cáo là đồ thật, nhằm đánh lừa người dùng. Ở đây, các sản phẩm nhái không được quảng bá là đồ thật, tức không chủ động lừa người mua mà chúng ta sẽ phải tự hiểu. Các blogger nói tiếng Anh thì dùng từ fake, counterfeit để phân biệt với hàng imitation (bắt chước). Thế nên mình mới viết bài phần trên để giúp các bạn xác định trong trường hợp muốn mua đồ chính hãng. Các dạng nhái phổ biến là Factory, ICY Blythe, DBS và Taobao Blythe.
Factory Blythe: Dòng này không còn được bán rộng rãi nữa và cũng ít người dùng từ này, họa may còn sót lại trên eBay. Vốn dĩ nó được quảng cáo là Blythe sản xuất từ bộ phận chính hãng của Takara, kiểu đồ “xuất dư”, làm từ linh kiện trộm, hoặc không qua được vòng kiểm tra chất lượng. Điều này khá mơ hồ thành ra Fatory là dòng búp bê nhái ít uy tín nhất, nên tránh nếu thấy nơi nào đăng bán và dùng từ này để quảng cáo.
ICY Blythe: Một trong những dòng hàng nhái phổ biến nhất hiện nay, sản xuất bởi công ty ICY. Dòng búp bê này có khuôn mặt khác Blythe Hasbro với phần má bầu bĩnh cùng mắt hạnh nhân, mũi tẹt hơn, có mí mắt. Đây cũng là dòng búp bê các nghệ sĩ ưa thích cho việc custom.
DBS Blythe: Một dòng Blythe rất phổ biến, do công ty Zhongshan Debisheng Toys sản xuất. Công ty này làm nhiều khuôn mặt khác nhau, đơn cử là loại búp bê há miệng lộ cả răng. Họ còn xăm chân mày cho chúng nữa! Vốn dĩ đám Blythe là búp bê không lông mày =)), đó là điều khiến gương mặt chúng kì dị.
Taobao Blythe (TBL): Cách gọi này khá là buồn cười. Taobao không phải công ty sản xuất mà là nền tảng mua bán như Shopee hay Lazada. Nói búp bê Taobao ám chỉ hàng nhái chung chung chứ không chỉ nguồn sản xuất của nó như ICY hay DBS, giống như chúng ta hay dùng “hàng sộp pi” ngầm hiểu đó là sản phẩm giá rẻ. TBL cũng là hàng DBS thôi, chúng ta có thể gọi đó là Blythe Trung Quốc.
NBL Blythe: Dòng này hơi phức tạp và mơ hồ. Cơ bản nó là dòng hàng nhái mới. Chưa biết công ty nào sản xuất nhưng những con búp bê này có khuôn mới với phần môi trên được mở cong và cao hơn, mắt cũng được sơn mí, sử dụng body với dạng khớp khác. Có lẽ họ đã sản xuất dựa theo thị hiếu, bởi những người custom Blythe thường thích mài phần môi trên của con búp bê cho dày, cong, sắc nét hơn. Dòng này vẫn được bán ở dạng nude.
Vài suy nghĩ về Blythe hàng nhái
Mua hàng nhái thì đương nhiên không ai tự hào rồi. Có một bộ phận người chơi Blythe cực kỳ phản đối và thậm chí không mua búp bê custom nếu khuôn gốc của nó là hàng nhái. Điều này đúng và là một lẽ đương nhiên. Thế nhưng, một lượng lớn dân custom từ nghiệp dư tới chuyên nghiệp đều chọn hàng nhái để sáng tạo. Lựa chọn này nhằm hạ giá thành sản phẩm cũng như bớt áp lực trong quá trình làm việc. Đương nhiên, người nghệ sĩ luôn công khai họ đã dùng khuôn gốc nhái, không được lừa dối hay giấu thông tin.
Đồng thời, những lợi điểm đã nêu ở trên của hàng nhái cũng khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn. Giá rẻ hơn 10 lần nhưng bạn còn có được body khớp, màu da, kiểu tóc đa dạng, mềm mượt không dính keo… Tâm lý người dùng dĩ nhiên họ sẽ chọn thứ tiện lợi hơn. Những lợi điểm này có được bởi các cơ sở ăn theo không có hệ thống cồng kềnh như các hãng lớn, khiến việc thay đổi nhanh chóng, bắt kịp thị hiếu. Quyết định sản xuất dòng búp bê môi cao hơn? Ok, triển liền, không cần phải qua quá nhiều khâu giấy tờ cũng như cân nhắc chiến lược kinh doanh.
Hàng nhái là chủ đề nhạy cảm trong giới sáng tạo. Bầu không khí hòa bình phụ thuộc vào thái độ người dùng. Nếu đã chọn mua hàng nhái phục vụ cho niềm vui cá nhân hoặc thậm chí kiếm tiền bằng cách custom chúng, hãy thành thật với bản thân và khách hàng của bạn. Đồng thời, tôn trọng nhãn hàng đang phân phối chính hãng, tránh thái độ “Rẻ thế này mua hàng nhái chứ mua hãng làm gì”.Nên nhớ, chất lượng chính hãng vẫn ở đẳng cấp khác bởi họ có đủ tài nguyên cho việc đó. Trước tiên là cơ chế mắt của Blythe chính hãng tốt hơn hàng nhái.
Hàng chính hãng Blythe lại còn đắt xắt ra miếng bởi chất lượng của pack đi kèm bao gồm quần áo, phụ kiện tinh xảo. Để có thể ra đời một con búp bê như thế đòi hỏi đội ngũ thiết kế, kiểm duyệt, chưa kể giấy phép từ Hasbro. Búp bê nhái không phải trải qua tất cả những điều đó. Chúng ta chỉ mua về một con búp bê khỏa thân và tự do. Điều duy nhất có thể phàn nàn về hàng chính hãng đó là mái tóc bết dính keo cùng cơ thể không có khớp.
Lời kết
Tóm lại, Blythe hàng nhái được ưa chuộng trong giới custom, còn búp bê chính hãng dành cho giới sưu tầm. Đây là đề tài nhạy cảm nhưng tất cả sẽ ổn thôi nếu người dùng tôn trọng nhau lẫn tôn trọng hãng sản xuất hợp pháp.