The Red Shoes (1948) là phim điện ảnh đề tài múa ba lê của cặp đôi đạo diễn – biên kịch người Anh, Emeric Pressburger và Michael Powell. Chưa bàn về nội dung thì kỹ thuật của bộ phim đã khiến nó xứng đáng trở thành tuyệt tác vĩ đại của thế kỷ 20 và nhờ dự án phục hồi do Martin Scorsese đứng ra kêu gọi gây quỹ, những thước phim bị hư hỏng của The Red Shoes đã được chuyển thành định dạng kỹ thuật số, khôi phục màu sắc đẹp tuyệt vời của bộ phim. The Red Shoes được xem là tác phẩm rực rỡ nhất của điện ảnh Anh quốc thời bấy giờ.
Thế nhưng, ẩn sau cuộc hôn nhân viên mãn của màu sắc và ánh sáng trong phim là câu chuyện tăm tối sau cánh gà của người vũ công múa ba lê. Victoria Page là tài năng trẻ được Boris Lermontov tuyển dụng vào nhà hát của ông, cùng với chàng nhạc sĩ Julian Craster, người sau này cô sẽ yêu. Vở diễn đầu tiên mang lại tên tuổi cho Page và Cruster là The Red Shoes (Đôi Hài Đỏ), lấy cảm hứng từ chuyện cổ tích cùng tên của Christian Andersen.
Nội dung The Red Shoes của Andersen
Cho những ai chưa biết/không nhớ câu chuyện, thì Đôi Hài Đỏ kể về cô bé Karen nhà nghèo đến mức không có giày mang. Cô được vợ một thợ đóng giày làm tạm cho một đôi giày vải đỏ, trông rất thô vụng nhưng có còn hơn không. Sau khi mẹ qua đời, Karen cũng chỉ có mỗi đôi hài đỏ ấy để mang trong đám tang và bị xì xầm. Thương cảm cho cô, bà góa giàu nhận nuôi Karen. Được sống sung sướng, Karen đâm ra hư hỏng và phù phiếm. Cô chọn mua một đôi giày đỏ mới và mang chúng đi nhà thờ dù bị cấm.
Thậm chí, sau khi mẹ nuôi qua đời, Karen không thèm dự lễ tang mà bỏ đi vũ hội trong đôi giày đỏ. Thiên thần lập tức hiện ra, hóa phép bắt Karen nhảy múa tới chết, thậm chí chết rồi vẫn phải nhảy, xem như là hình phạt cho những đứa trẻ phù phiếm, hư hỏng. Karen nhảy mãi nhảy mãi qua xóm lành rừng rậm, cho đến khi không chịu nổi nữa, cô nhờ một đao phủ chặt chân mình. Đôi chân mang giày đẫm máu ấy dù đã lìa ra nhưng vẫn nhảy múa như có ý thức riêng và nó không buông tha cô bé.
Người đao phủ làm cho Karen một cặp chân gỗ và dạy cô đọc khúc Thi Thiên dành cho người lầm lỗi. Cô bé quyết định đi nhà thờ nhưng khi đến nơi, cặp chân mang giày đỏ lại đang nhảy múa trước mặt khiến cô sợ hãi quay về. Cô chờ đến Chúa Nhật kế thì mọi sự lại diễn ra y hệt vậy. Đau buồn, Karen không đi nhà thờ nữa mà đến xin ở nhờ nhà linh mục. Cô không mong cầu lộng lẫy xa hoa mà chỉ muốn sống đời bình dị, chăm chỉ phục vụ trong nhà, nghe linh mục cầu kinh mỗi tối.
Chúa Nhật tiếp theo khi tất cả đã đi nhà thờ, Karen quay về căn phòng nhỏ của mình và cầu nguyện xin Chúa cứu giúp. Bấy giờ thiên thần mới hiện ra cùng cành hoa và hóa phép cho căn phòng nhỏ cùng nhà thờ hòa làm một, giúp Karen được dự lễ cùng mọi người. Karen ra đi trong bình yên và hạnh phúc vô ngần, linh hồn cô được lên Thiên Đàng, nơi không ai hỏi về đôi hài đỏ.
Tại sao lại là The Red Shoes?
Tại sao Pressburger và Powell lại chọn The Red Shoes trở thành vở diễn nổi tiếng cho Victoria Page? Câu chuyện của Andersen có vẻ khó tạo đồng cảm cho thế hệ này bởi nó nói về tội lỗi của thói phù phiếm và tìm thấy ơn cứu chuộc từ niềm tin tôn giáo. Thế nhưng, đôi hài đỏ ngoài hiệu ứng thị giác rất bắt mắt ra, nếu đặt trong bối cảnh câu chuyện phim nói riêng hay đời nghệ sĩ nói chung, thì nó là ẩn dụ cho “cái chết vì nghệ thuật” – như Powell đã giải thích, “Art is something worth dying for”. Nghe kịch tính quá đúng không?
Kể từ khi mang đôi hài đỏ, Victoria Page đã thành công và được sống đúng với niềm đam mê nghệ thuật của mình. Cũng như cô bé Karen, cô múa liên tục, được giao cho tất cả vai chính. Cô còn tìm thấy tình yêu đời mình là Julian Craster. Cũng chính tình yêu này khiến cơn giằng xé giữa sự nghiệp và hôn nhân đẩy Page đến bi kịch. Đoạn kết phim bị chỉ trích gay gắt vì tính bạo lực, cũng như cáo buộc về tư tưởng nam quyền. Đến nay người ta vẫn còn bàn tán, suy đoán về nó.
Đôi hài đỏ giúp sự nghiệp Page thăng hoa cũng có sức mạnh kiềm giữ cô về thể chất lẫn tâm hồn. Nó đại diện cho tham vọng nghệ thuật mà cô không nao núng thể hiện với Lermontov trong lần gặp đầu tiên.
“Tại sao cô muốn múa?”, Boris hỏi
“Vậy tại sao ông muốn sống?”, Victoria đáp lại
“Chà, tôi không giải thích được nhưng…”
“Đó là câu trả lời của tôi đấy”.
Trong câu chuyện cổ Andersen, cô bé Karen chỉ mãi nghĩ đến đôi giày đỏ, đến mức khi làm lễ nhận Bí tích, cô quên hát bài vịnh và tạ ơn Chúa. Page không nghĩ cụ thể đến đôi giày đỏ, cô nghĩ đến ballet, khao khát nó bằng tâm hồn lẫn thể xác. Ta có thể nhận ra điều đó khi Page rời giường ngủ và mở tủ, sờ soạn những đôi giày múa nay đã nghỉ hưu cùng cô. Trên poster phim có câu slogan “Dance she did and dance she must between her two loves”. “Two loves” ở đây không phải cuộc tình tay ba với Craster và Lermontov, mà là giữa ba lê và Craster.
Trong một bài múa ngắn diễn ra ở sân khấu nhỏ hơn, khi Lermontov đi xem Page múa để đánh giá. Ta có thể thấy biểu cảm dữ dội của cô hướng về Lermontov, ngụ ý rằng tôi đã sẵn sàng và ông chỉ có thể chọn tôi. Lermontov cảm nhận được điều đó và chính ông cũng đã gợi nhắc cho cô về khooảnh khắc ấy. Giữa Page và Lermontov có sự đồng điệu về tham vọng với ba lê. Đối với Lermontov, ba lê là tôn giáo, còn với Page, ba lê là sống. Tôi không nghĩ Lermontov có tình cảm nam nữ với Page, đây là nhân vật đặc biệt mà chúng ta sẽ bàn sau.
Nhưng khác với câu chuyện Andersen, nhân vật phim không tìm thấy sự cứu chuộc. Họ không kiểm soát được cuộc đời mình nữa. Page không thể múa hết sức mình nếu không có Craster và nếu theo Craster, cô cũng không được múa. Cô không thể đưa ra lựa chọn nào và đoạn kết phim rất mơ hồ. Bạn nghĩ nó rõ ràng, nhưng nếu suy xét nội tâm của Page, ta sẽ thấy nó thật mơ hồ. Phần lớn nội tâm của Page được thể hiện trong bài múa dài 15′ trong phim. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh, nội dung phim phải dừng lại, nhường cho vở múa.
Bài múa diễn ra với xu hướng ngày càng trở nên huyền ảo, từ đó ta biết được mình không phải đang xem người vũ công múa trên sân khấu mà trong tâm cảnh của chính họ, cụ thể ở đây là Victoria Page. Nó báo hiệu tình yêu của cô và Craster, đồng thời là ghen tuông chiếm hữu của Lermontov. Đến đây thì kỹ thuật dựng phim lên ngôi với các biện pháp cắt cảnh cùng hiệu ứng đặc biệt cho thấy đây không phải sân khấu thông thường. Theo lời Martin Scorsese, rất nhiều kỹ thuật làm phim câm được áp dụng trong bài múa này bởi đây đã trở thành giao tiếp không lời.
Dàn diễn viên đặc biệt xuất sắc
Nói về những cảnh múa quan trọng, diễn viên chính Moira Shearer vốn xuất thân là vũ công ba lê chuyên nghiệp, được đào tạo bởi bậc thầy người Nga Nikolai Legat và về sau làm việc tại Sadler’s Wells Dance Company. Mục tiêu của Pressburger và Powell là tìm một vũ công biết diễn xuất chứ không phải một diễn viên biết múa nên họ đã nhắm đến Shearer. Ban đầu, bà từ chối vai diễn do nhận thấy đooàn múa trong phim không được thể hiện đúng theo thực tế. Cặp đôi đạo diễn ra sức tìm người thay thế trong suốt 1 năm nhưng không ai đạt yêu cầu.
May mắn thay, sau khi nghe lời khuyên của mentor là vũ công Ninette de Valois, Shearer đồng ý tham gia The Red Shoes. Powell đã dành nhiều lời có cánh cho bà trong quyển tiểu sử của mình, “Mái tóc đỏ tự nhiên của cô bùng cháy và lấp lánh như ánh lửa thu”. Quả thật, Moira Shearer là nhân tài có một không hai. Bà vừa xinh đẹp lộng lẫy, vừa là diễn viên múa được công nhận, diễn xuất lại cực kỳ chân thật dù mới đóng phim lần đầu. Những khung hình cận mặt không làm khó được Shearer vì vẻ đẹp cũng như cảm xúc chực trào ra ngoài khung hình.
Một nhân vật thú vị và phức tạp nữa là Boris Lermontov do Anton Walbrook thể hiện. Cả Page và Lermontov đều là những nhân vật đầy kiểu mẫu: ông bầu nhà hát lạnh lùng, thao túng và vũ công trẻ tài năng, khao khát được trình diễn. Cùng nhau, Shearer và Walbrook đã tô điểm cho những khuôn mẫu ấy, cho chúng thêm nhiều chiều kích, sâu sắc, phức tạp hơn. Đặc biệt là Anton Walbrook, người được Powell miêu tả là không khác mấy nhân vật Boris khi đã loại bỏ tính cách độc đoán. Ông đưa hết mọi duyên dáng, lịch thiệp tự nhiên của mình vào Boris.
Boris có yêu Victoria không? Có trời mới biết. Nếu có thì đến chết lão cũng không thể hiện ra. Boris rất bài xích tình cảm và không hứng thú với việc các gà cưng kết hôn, bởi điều đó đồng nghĩa họ chấm dứt sự nghiệp. Một vũ công lưu diễn liên tục với công ty, đi qua nhiều quốc gia khó có thể cân bằng đời sống hôn nhân vào thập niên 40s-50s. Boris nói vu vơ nhưng chủ đích cho Victoria nghe thấy “Ta không thể có cả hai. Một người sống dựa vào thứ tình yêu êm dịu đáng ngờ thì không thể thành vũ công vĩ đại”.
Boris đương nhiên có một trái tim, nhưng hắn che giấu nó. Tình cảm Lermontov dành cho Page có lẽ cũng mang hơi hướng lãng mạn, chỉ là hắn chôn nó quá kỹ đến mức không nhận ra. Nếu là tình cảm chuyên nghiệp, Boris đã không gây sự với Julian. Craster xem cô là niềm cảm hứng, là điều kỳ diệu, Lermontov xem cô là vũ công có thể trở nên vĩ đại nếu chịu đi theo hắn và Page biết Boris đúng. Người ám ảnh với nghệ thuật sâu đậm nhất là Lermontov, hắn tưởng đã tìm được người cùng chí hướng với mình.
Có nhiều điều bí ẩn thu hút ở nhân vật này cho dù ta biết hắn là quái vật. Hắn có tình cảm lãng mạn với Page không? Hắn đã định viết thư gì cho cô? Lời thông báo của Boris ở cuối phim là một trong những màn diễn xuất sắc mọi thời đại. Chưa từng ai thấy ông bầu khắc nghiệt nhất Anh quốc rơi vào trạng thái kích động như vậy, nên hắn phải cố gắng giữ mình. Đó là màn độc thoại mà Walbrook sẽ phải tự lo liệu, nếu không khéo sẽ biến thành sướt mướt, phá vỡ nhân vật.
Hôn nhân và ballet trong lòng Page, cái nào đã thắng? Tôi nghĩ là ballet, nhưng độc giả cũng nên trải nghiệm bộ phim để có đánh giá cá nhân. Nghệ thuật đích thực đòi hỏi thời gian lao động miệt mài mà từ bỏ đời sống cá nhân là việc hiển nhiên vẫn diễn ra ở hiện tại. Trong bối cảnh hiện đại, “chết cho nghệ thuật” như vậy nghe có vẻ kì quặc đối với khán giả đại chúng, nhất là khi họ chẳng mấy tiếp xúc với những tạo tác tinh xảo.
The Red Shoes (1948) có thể sẽ là bộ phim “làm lố” cho những ai chỉ đơn thuần muốn giải trí, nhưng với giới nghệ sĩ, ai cũng có đôi hài đỏ của riêng mình. Đó là lý do The Red Shoes đứng thứ 9 trong số 100 phim Anh quốc vĩ đại nhất mọi thời, cũng như giành hai giải Oscar cho Nhạc phim và Chỉ đạo nghệ thuật (nay gọi là Thiết kế sản xuất). Bạn có thể xem phim miễn phí trên YouTube hoặc trả phí trên Apple TV+. Bài viết nằm trong chuỗi review 365 Ngày Xem Phim, dự án dậy sớm xem phim mỗi ngày của Gấu Mèo.