Back Home (2023): Mượn phim kinh dị bàn chuyện chính trị
Thứ nhất, cần hiểu tên gọi của phim: Ngay từ cái tựa phim tiếng Việt đã gây sự hiểu nhầm. Phim này không liên quan gì tới “quỷ môn quan” và “gọi hồn” vì có lẽ người đặt tên tiếng Việt chỉ muốn nó nghe ghê ghê để ra rạp thu hút khách, còn tựa đề gốc là 七月返歸 (Thất Nguyệt Phản Quy), có nghĩa là trở về vào Tháng 7, tựa đề tiếng Anh chuẩn hơn, súc tích hơn là Back Home (Về Nhà).
Hong Kong trở về với Trung Quốc vào ngày nào nhỉ? Sự kiện Chuyển giao chủ quyền Hong Kong diễn ra vào 1 tháng 7 năm 1997, như vậy đây là một tựa phim kinh dị được thực hiện để ẩn dụ chuyện chính trị. Cuối cùng thì vào tháng 7, nhân vật chính tên Vinh trở về nhà là họa hay phúc? Tháng 7 năm 1997 Hong Kong trở về với đại lục là họa hay phúc? Hoặc cả phúc lẫn họa?
Người Hong Kong chào đón ngày quay về với đại lục một cách yên bình, nhưng trong lòng họ vẫn có ẩn ức, vẫn có những điều không quen thuộc, và điều đó chỉ chực chờ bùng nổ. Trong tựa phim đầu tay này, đạo diễn Tạ Gia Kỳ đã nói lên tiếng nói của người trẻ Hong Kong, sự bí bách của họ dưới một cơ chế khác, không phải thứ tự do mà họ đã có và quen thuộc lâu nay.
Trong phim, nhân vật chính ở Canada trước khi quay về với mẹ và cộng đồng của mình – một cộng đồng mà anh gần như đã quên từ lâu, cũng giống như Hong Kong trở lại với đại lục, dẫn tới một tình huống có ân oán tình thù đầy rẫy, có sự yêu thương, mà cũng có mâu thuẫn, bỏ thì thương mà vương thì tội. Sự chuyển giao này mang theo nỗi khổ cho cả đôi bên.
Nhân vật chính tên Vinh là một người đặc biệt, cậu có con mắt âm dương thấy được âm hồn, những thứ mà người khác không thấy, cậu có một góc nhìn khác về bản chất của sự vật và sự việc xung quanh mình, ở đây nó đại diện cho góc nhìn và tư tưởng chính trị, về nhận thức và tư duy khác nhau giữa người Hong Kong và cộng đồng mà họ mới quay về.
Vinh thấy được sự khổ đau, những gì bị che giấu, và muốn giúp đỡ, còn những kẻ thủ cựu, tức người lớn, mẹ cậu, ông bà Chung, những người trong khu chung cư, thì muốn che giấu, bịt miệng bịt tai, không được vạch ra cái xấu, cái ác, bảo vệ và cảnh sát thì vô năng! Vinh ở Canada với chú, cậu bình thường trong môi trường đó, nhưng lại khác thường khi quay về nhà.
Người xung quanh toàn là bà con thân thuộc, nhưng cậu và họ không hề có sự kết nối. Mẹ Vinh rất thương con trai, nhưng bà vì hoàn cảnh mà áp bức chính con mình, hành hạ cậu và giày vò bản thân, bán mình cho thần quyền và bị lạm dụng bởi chính tên thầy pháp chỉ để phong ấn “con mắt âm dương” của Vinh, thực ra chính là ẩn dụ cho sự “chèn ép” và “bịt mồm” một góc nhìn/tiếng nói khác, nhận thức khác theo quan điểm chính trị và tư tưởng đối với giới trẻ Hong Kong.
Sự kiện chuyển giao ảnh hưởng rất nhiều tới giới trẻ, đó là lý do mà những hồn ma toàn là trẻ em bị hại ở tầng 7 chứ không có người lớn (tầng 7 cũng ẩn dụ cho tháng 7, là tháng mà Hong Kong quay về với đại lục). Ở tầng 7 này, rõ ràng đã có một sự việc ghê rợn xảy ra nhưng không rõ là gì, chỉ biết là nó rất kinh tởm và nạn nhân toàn là con nít, bị giam cầm ở đây mãi mãi sau những bức tường xi măng được xây để bít kín mọi hành lang, nhằm giấu kín tội ác khỏi ánh mắt người ngoài.
Cách duy nhất để tiếp cận là thông qua cánh cửa đỏ mà chính mẹ của Vinh – tức con ma Kinh Kịch đang canh giữ (Kinh Kịch là loại hình nghệ thuật truyền thống của Trung Quốc, phát triển từ Bắc Kinh, nó đại diện cho tinh hoa đại lục). Con ma không muốn giết Vinh, nó chỉ muốn kiểm soát cậu, không muốn cậu vạch trần sự thật ghê tởm về cái chết của những đứa trẻ, thế nên ó chỉ mở cánh cửa đỏ để đuổi cậu ra khỏi đó. Nơi mà Vinh trở về, là nơi mà tội lỗi bị che giấu!
Mẹ của Vinh là một kẻ đáng thương và cũng là nhân vật phản diện, bà muốn mọi thứ tốt cho con, nhưng phải theo ý bà, bởi bà đã phải chịu quá nhiều tổn thương, nên bà tự cho mình cái quyền đó. Bà trách Vinh vì năng lực dị thường của cậu mà cha cậu bỏ đi, để lại bà gánh vác tất cả. Chi tiết này cũng như ẩn dụ cho sự việc Hong Kong nằm dưới quyền kiểm soát của vương quyền Anh Quốc từ năm 1841 sau Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất với triều đình nhà Thanh.
Lúc đó triều đình Mãn Thanh bị thua cuộc nên phải ký các hiệp ước bất bình đẳng, chịu mở nhiều cảng cho các nước ngoài vào thông thương. Hong Kong thì bị cắt làm nhượng địa cho đế quốc Anh. Nhiều nước đế quốc (Đức, Pháp, Nhật, Nga,…) khác theo chân nước Anh và đã buộc Trung Quốc phải chấp nhận nhiều điều kiện bất bình đẳng ngay trên đất Trung Quốc. Một cố sự có thật trong lịch sử có thể truyền cảm hứng cho nhà làm phim.
Vinh và mẹ không liên lạc trong thời gian dài, thư gửi đi không tới được người nhận, sự thiếu giao tiếp cũng dẫn tới khác biệt, khi Vinh về nhà thì mẹ bị mất lưỡi, tức là họ chăm sóc cho nhau nhưng không nói được với nhau, không có tiếng nói chung, không thể bày tỏ nỗi lòng, hạnh phúc nhưng đau khổ cũng tương đương. Mối quan hệ mẹ con cảm động nhưng rất độc hại.
Mẹ Vinh và các bô lão trong khu chung cư tuy rất quan tâm, lo cho ăn ngủ, nói lời yêu thương, nhưng mục đích cuối cùng là họ muốn đưa Vinh vào khuôn để sống theo ý họ, vì lợi ích của họ. Những người lớn thủ cựu ấy cho mình cái quyền “suppress” giới trẻ vì họ nghĩ rằng họ xứng đáng được như vậy. Chúng ta đã chứng kiến giới trẻ Hong Kong biểu tình vì tự do đúng chứ?
Phim kết thúc lửng lơ, thông điệp thì có phần cryptic, đậm chất oneiric, có thể vì đạo diễn Tạ Gia Kỳ chịu ảnh hưởng từ David Lynch, Ari Aster, hay Get Out của Jordan Peele – vì Vinh rơi vào nhà tù tâm trí của mẹ và ông bà họ Chung, rất giống như nhân vật chính trong Get Out bị rơi vào nhà tù của những kẻ da trắng, áp chế ý chí tự do của anh ta. Ngoài ra cũng còn vì một nguyên nhân, đó là tương lai giới trẻ Hong Kong hiện tại vẫn là một câu hỏi và họ vẫn còn đó sự phản kháng.
Phong trào đấu tranh đòi quyền lợi của họ chưa thể thành công, mâu thuẫn vẫn còn đó… Câu chuyện của Hong Kong còn tiếp diễn thì làm sao phim có thể đi đến một kết thúc trọn vẹn? Những đứa trẻ ở tầng 7 chưa được giải cứu, linh hồn của chúng vẫn than khóc. Nhưng con mắt âm dương của Vinh không thể hoàn toàn bị phong ấn, vì cậu là người đã vươn ra thế giới, đã được “khai thị”, liệu cậu sẽ là nhân tố dẫn đến sự thay đổi và trả lại sự thật cho những đửa trẻ?