The First Slam Dunk (2022) suất chiếu đặc biệt tại Liên hoan phim Nhật Bản tại Việt Nam – Japanese Film Festival in Vietnam
Về Slam Dunk thì page này đã đăng nhiều, nhưng đi xem công chiếu là một chuyện, còn xem special screenning với cộng đồng fan lại là một trải nghiệm hoàn toàn được tăng tiến, vì bạn có thể thoải mái hú hét, cảm nhận tình cảm và sự tích cực của người xem đối với tựa phim mà mình thích. Đó gọi là sự cùng tần số, giúp cộng hưởng và nhân đôi niềm vui của bạn.
Điều đầu tiên cần nói là lần này LHP Nhật Bản được tổ chức tại Cinestar về tổng thể trải nghiệm tốt hơn lần trước vừa được tổ chức tại BHD, không có nhiều vấn đề về tổ chức và vận hành của rạp. Đi vào chủ đề chính thì vì sao The First Slam Dunk vẫn mang lại sự hứng khởi dù đã xem trước đó rồi, thì có nhiều lý do mà người viết có thể cảm nhận được và chia sẻ.
Thứ nhất, nguyên tác Slam Dunk và phim bám sát môn thể thao mà nó thể hiện, Nhật Bản có nhiều bộ manga thể thao, võ thuật… nổi tiếng và huyền thoại, tất nhiên mình đã không thể xem hết nhưng với một số bộ như Itto, Teppi, Jindodinho, Blue Lock hay Kuroko no Basuke, Baki, Kengan Ashura… đều ít nhiều có yếu tố năng lực phi thường của nhân vật, trong khi The First Slam Dunk rất trung thành với môn bóng rổ. Nó thực tế, gần gũi và logic hơn.
Diễn tả môn thể thao với các yếu tố chân thực về mặt kỹ thuật và cho thấy nhân vật vượt qua các tình huống trong phạm vi thể chất và tinh thần của một con người bình thường chứ không phải phi thường hoặc siêu nhiên là thành công lớn. Điều này có thể khiến một số người xem không phải là fan của môn thể thao (hoặc không chơi và không hiểu nhiều về môn này) cảm thấy khó hiểu và kém thu hút, nhưng với The First Slam Dunk thì không.
Bạn chỉ cần có một số kiến thức cơ bản và phần còn lại thì năng lực diễn hoạt, biên đạo của nhà làm phim và cách tường thuật sẽ giúp bạn cảm thấy hồ hởi. Đây cũng là khác biệt khi xem phim và đọc manga vì trải nghiệm thị giác với hình ảnh chuyển động cùng sự hỗ trợ của âm nhạc. Điện ảnh có lợi thế như vậy vì cho phép bạn thưởng thức với nhiều giác quan hơn, đồng nghĩa với thu nhận nhiều thông tin và được lý giải nhiều hơn.
Thứ hai, các tình huống hài hước sống động trên màn ảnh giúp dung hòa sự căng thẳng (đã được đẩy lên thành epic) của trận đấu bóng rổ. Những pha hài hước rải rác xuyên suốt phim, được đặt để đúng chỗ giúp giữ một tâm trạng tốt cho người xem từ đầu đến cuối, đó là cái tài của người biên kịch và tất nhiên, điện ảnh cũng là nghệ thuật của sự sắp đặt, khẳng định The First Slam Dunk là một tác phẩm điện ảnh hiếm thấy trong thập kỷ qua.
Cây hài chủ chốt tất nhiên là Hanamichi Sakuragi, nhưng các tình tiết ngô nghê của cậu không phải là hài không não và vô duyên, mà nó được dùng làm công cụ để truyền tải cho những thông điệp khác, về tinh thần quật cường và cả đức hy sinh. Ai xem phim thì cũng biết rằng tuy ngớ ngẩn nhưng chính Hanamichi đã xốc lại tinh thần cho cả đội và ở một số tình huống “gánh còng lưng” theo nghĩa đen như thế nào.
Thứ ba, là cách xây dựng nhân vật tài tình, những chàng trai của Shohoku và Sannoh đều có hành trình của riêng mình, nhưng đều gặp nhau ở sân đấu, nơi các nút thắt sẽ được giải quyết một cách phù hợp, không chỉ giữa hai đội là đối thủ của nhau, mà cả những thành viên trong cùng một đội. Yếu tố cạnh tranh và đối kháng giữa tập thể và cá nhân là không thể thiếu trong một bộ truyện hoặc tựa phim về thể thao.
Ví dụ như cố sự của Miyagi và Mitsui, hay cách mà Sakuragi thường chống đối Rukawa, trọng trách của Akagi ở vị trí đội trưởng khiến cậu ta mệt mỏi, Rukawa buộc phải phối hợp với đồng đội và chuyền bóng… Hoặc điều ước về một trải nghiệm chưa từng có đã khiến anh tài Sawakita của Sannoh bật khóc… Tất cả thể hiện một lát cắt trong việc phát triển tâm lý và nhân cách của những chàng trai đang trưởng thành.
Ngay cả những nhân vật phụ như hai vị huấn luyện viên của hai đội cũng mang lại bài học đáng nhớ, Goro Domoto – chiến lược gia của Sannoh không bao giờ ngơi nghỉ bất kể đội mình đang dẫn cách biệt đội Shohoku yếu hơn. Hay cách mà thầy Mitsuyoshi Anzai nhìn rõ biến số Hanamichi Sakuragi và tạo điều kiện cho cậu đảo ngược tình thế, cho thấy kinh nghiệm của một tuyển thủ già. Sự thành bại của hai đội có đóng góp rất lớn của người huấn luyện viên, một chi tiết chân thực về mặt kỹ thuật nữa khi thể hiện bộ môn thể thao trong truyện hoặc phim.
Cuối cùng, các khúc mắc trong mối quan hệ của Miyagi và mẹ cũng được giải tỏa, cô Kaoru – người mất cả chồng và con trai lớn, giờ đã mở lòng và không giữ nỗi đau cho riêng mình. Ryota vượt qua cái bóng của anh trai và biến gánh nặng thành động lực. Họ đều có được trạng thái tâm lý tốt hơn, điều đó giúp bộ phim trọn vẹn và mở ra tương lai cho sự nghiệp của Miyagi ở Mỹ, một chi tiết đã không có trong manga, nhưng là sự thêm thắt cần thiết, cũng là cách để tri ân fan sau ngần ấy năm chờ đợi.
Căng thẳng, kịch tính, hào hứng, logic và cả cảm động, rất đủ đầy. Các khía cạnh của một tựa phim đều được trình bày phù hợp và tiết chế để không bị sượng ở bất kỳ tình huống hoặc giai đoạn chuyển đổi nào. Tiết chế ở mức độ đó là hiếm có, kể cả với những đạo diễn lừng danh thế giới, nhưng điều đó càng khẳng định The First Slam Dunk là một tác phẩm điện ảnh lớn của một nền văn hóa lớn, kết luận như vậy có lẽ là đủ rồi nhỉ.