Netflix đã không còn chill và đang tiến hành công tác ngăn chặn chia sẻ mật khẩu tài khoản ra ngoài hộ gia đình. Việc này đã được thông báo từ giữa năm 2022 và bắt đầu thực hiện từng khu vực từ ngày 01/01/2023. Bản thân mình cũng quên bẵng đi việc này, cho đến hôm nay 29/07 mở TV lên bị bắt gửi mã xác nhận mới sực nhớ ra =)).
Làm thế nào Netflix biết bạn đang đăng nhập ngoài hộ gia đình?
Vào tháng 02/2023, Netflix đã cập nhật chính sách mới. Theo đó, nền tảng khuyến khích tài khoản xem phim tập trung trong một hộ gia đình. Để tiến hành kiểm soát hành vi chia sẻ cho profile không ở chung nhà, ví dụ như bạn bè, em gái của bạn thân hoặc chị gái anh rể bạn, Netflix sẽ kiểm tra IP nơi đăng nhập. Nếu thiết bị đăng nhập tại một địa điểm khác hộ gia đình hoặc bằng Wi-Fi khác, Netflix sẽ yêu cầu bạn xác nhận tài khoản chính chủ.
Theo đó, bạn sẽ chọn gửi mã về email hoặc số điện thoại tài khoản chính, nếu chủ tài khoản hoặc chính bạn xác nhận thiết bị và khu vực chính thì sẽ đăng nhập sử dụng tiếp được. Theo The Washington Post và review của một số người dùng, các thiết bị cố định như TV đang bị “sờ gáy” trước. Thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng vẫn chia sẻ tài khoản bình thường, nằm ngoài “vùng chiến sự”, ít nhất là trong thời điểm này.
Có cách nào lách luật được không?
Đối diện với chính sách mới này, người dùng tại Việt Nam hay một số nước vẫn khá lạc quan. Theo người dùng, nếu như đủ thân thiết với chủ tài khoản, bạn có thể nhờ họ gửi mã, xác nhận thiết bị và địa điểm của bạn thuộc về tài khoản là được. Việc này cần chờ thêm một thời gian xem có động tĩnh gì giật gân không. Bởi theo Nerdist, Netflix sẽ định kỳ “hỏi thăm” tài khoản ở xa này. Khá phiền nhỉ.
Đồng thời, chính sách mới cũng dấy lên nhiều vấn đề chưa có cách giải quyết thuận tiện nhất. Đầu tiên là gia đình có con đi học ở xa, vậy là chúng không thể dùng chung tài khoản với bố mẹ nữa? Trong trường hợp một người không sống cùng hộ gia đình muốn dùng chung tài khoản, thì nền tảng có lựa chọn thêm tối đa 2 profile cho người ngoài theo dạng paid sharing. Có nghĩa là profile thêm vào không miễn phí mà phải đóng tiền, giá dao động tùy khu vực.
Chính sách mới có khiến Netflix lao đao trong thời gian tới?
Là “tư bẻn” lành nghề, Netflix chắc chắn đã cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định và rốt ráo thực hiện như thế này, không dại gì làm để chịu thiệt. Trước khi tiến hành ngăn chia sẻ tài khoản, công ty đã lót đường trước bằng cách tung ra các gói phí giá rẻ tại các khu vực Mỹ, Liên hiệp Anh, Pháp, Đức, Ý, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Brazil. Vào Q4/2022, công ty cho biết đã tăng thêm 7.7 triệu người dùng, cao hơn dự tính 4.5 triệu ban đầu.
Đến Q2/2023, sau khi áp dụng chặn chia sẻ mật khẩu, nền tảng thu về được thêm 6 triệu người dùng mới. Trái với dự tính về phản ứng giận dữ của người dùng cũng như làn sóng “thoát fan”, Netflix cho biết lượng hủy membership khá thấp và lượng extra member có tính phí đang tăng lên. Đối với chính sách thay đổi mạnh mẽ như vậy của nền tảng mà đạt được kết quả tích cực, lành mạnh thế này quả là hiếm thấy.
Đi hay ở?
Cuộc sống đang thoải mái, đương nhiên không ai thích bị xáo trộn. Khác với bạn bè quốc tế, vốn không dễ xem lậu, thậm chí bị phạt vì hành vi này, dân ghiền phim ở Việt Nam lạc quan hơn nếu bị Netflix “gây khó dễ”. Tuy nhiên, sau một thời gian quen với việc xem phim thoải mái, không bị quảng cáo che mờ mắt hay lag banh máy, sẽ thật khó để kiên nhẫn bấm tắt từng chiếc pop-up đúng không?
Những nền tảng xem phim như Netflix là đơn vị kinh doanh, đương nhiên họ sẽ tìm cách tăng lợi nhuận và làm mọi cách để giảm thiểu khả năng bị exploit. Còn chúng ta là người trả phí, là khách hàng thì cũng có quyền lựa chọn sản phẩm phù hợp nhu cầu, điều kiện kinh tế, cũng như tôn trọng người dùng. Nếu nhận thấy vẫn còn xem được nhiều phim hay, nếu ưu tiên sự tiện lợi, nền tảng trả phí là lựa chọn tốt cho bạn.