
Cloud gaming vẫn là một khái niệm mới mẻ, thế nhưng các công ty lớn không ngại đầu tư sớm vào tương lai của dịch vụ đầy hứa hẹn này. Amazon Luna là nền tảng mới nhất tham gia vào cuộc cạnh tranh cloud gaming và với sự tương hỗ từ Amazon Web Services (AWS) cùng Twitch, Luna rất có thể chiếm ngôi vương ở lĩnh vực này trong tương lai gần. Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin về cloud gaming cũng như dịch vụ chơi game đám mây của Amazon.
Cloud gaming là gì?
Chơi game trên dịch vụ đám mây, hay ngắn gọn là “chơi game đám mây”, đôi khi cũng được gọi là chơi trò chơi theo yêu cầu hoặc trò-chơi-dưới-dạng-dịch-vụ, là một loại hình chơi game tuyến mà dữ liệu của trò chơi đặt tại các máy chủ từ xa và truyền trực tiếp chúng đến thiết bị của người dùng. Nó trái ngược với các khái niệm chơi trò chơi truyền thống, khi dữ liệu của trò chơi được cài đặt trên thiết bị của người dùng như PC hoặc thiết bị di động.

Những công ty công nghệ lớn hiện đều đã ra sức phát triển cloud gaming, như Microsoft có dịch vụ Xbox Game Pass trong khi Sony có PS Now và Google có Stadia. Cloud gaming là giải pháp xử lý toàn bộ rắc rối về lưu trữ cho người dùng, cũng như vấn đề tương thích ngược của nhà phát triển game (ví dụ nhiều game cũ không chơi được trên thiết bị đời mới). Từ khi PS Now ra đời, người dùng hoàn toàn có thể chơi các game PS2, PS3 trên máy PS4 và PS5.
Amazon Luna thì sao?
Amazon Luna là nền tảng trò chơi trên đám mây được cung cấp bởi nền tảng điện toán đám mây phổ biến của Amazon là Amazon Web Services (AWS). Giống như các nền tảng cloud gaming, nó cho phép người tiêu dùng truyền trực tuyến trò chơi ngay lập tức đến một số thiết bị. Điều này giúp bạn chơi game nặng ngay trên thiết bị có cấu hình thấp, loại bỏ nhu cầu lưu trữ dữ liệu cục bộ, ngược lại, nó yêu cầu một kết nối internet tốc độ cao.

Giống như nền tảng Xbox Cloud Gaming của Microsoft, Amazon Luna bao gồm danh mục các trò chơi với phí đăng ký hàng tháng, người chơi chọn game để chơi như lựa phim trên Netflix để xem vậy. Và giống như Amazon Prime Video, nó cũng cung cấp các chức năng để mở khóa kênh với nhiều nội dung hơn từ một nhà phát hành game cụ thể với một khoản phí bổ sung hàng tháng. Hiện tại, kênh duy nhất (ngoài kênh Luna Plus cơ bản) là kênh của Ubisoft.
Liệu Amazon Luna có đáng tiền?
Vì vẫn còn trong giai đoạn truy cập sớm, nên thật khó để nói liệu Amazon Luna có xứng đáng hay không vào thời điểm hiện tại. Mặc dù vậy nó vẫn là một sự lựa chọn thay thế hấp dẫn khi so sánh với Xbox Cloud Gaming hoặc Google Stadia. Dù sinh sau đẻ muộn, có rất nhiều người tin tưởng rằng Luna sẽ sớm là nền tảng cloud gaming dẫn đầu thế giới mà lý do lớn nhất là nhờ vào cơ sở vật chất và nguồn vốn mạnh mẽ của ông trùm Amazon đứng sau nó.

Giá thành cũng là một vấn đề đáng lưu tâm, hiện tại Amazon đang cung cấp dịch vụ này với giá chỉ 5.99 USD (vào thời điểm tháng 6 năm 2021), nhưng họ cũng nói rằng đây chỉ là giá cho early access, tức là về sau nó có thể tăng lên gấp đôi khi chính thức ra mắt. Mặc dù vậy, giá cuối cùng vẫn chỉ có thể ngang hoặc thấp hơn các đối thủ chứ không cao hơn. Với một kết nối tốt, người dùng sẽ khó nhận ra sự khác biệt giữa Luna và dịch vụ của các hãng khác.
Yêu cầu về tốc độ internet của bạn?
Một điều thú vị về Amazon Luna là nó cung cấp nhiều tùy chọn phát trực tuyến để phục vụ cho các tốc độ kết nối internet khác nhau. Amazon khuyến nghị tốc độ ít nhất là 10Mbps cho phát trực tuyến chất lượng 1080p hoặc 35Mbps cho độ phân giải 4K. Giới hạn dữ liệu cũng là mối quan tâm của nhiều khách hàng và có thể dẫn đến việc bạn phải thuê bao một gói cước internet có giá cao ngất ngưỡng (nhưng vẫn hời nếu bạn chơi một game cần cấu hình cao).

Rất may, Amazon Luna đã triển khai một tùy chọn để giới hạn chất lượng luồng ở 720p. Điều này sẽ làm giảm bớt những rắc rối về tiêu thụ dữ liệu mà các dịch vụ trò chơi điện toán đám mây khác phải đối mặt, những người dùng thuê bao gói cước internet tốc độ thấp hơn cũng sẽ thích điều này. Nói chung, Luna hứa hẹn người dùng có thể có nhiều lựa chọn phong phú so với các nhà cung cấp khác tùy theo điều kiện của họ.
Cloud gaming tại Việt Nam?
Dấu hỏi đặt ra đối với cloud gaming tại Việt Nam không chỉ là tốc độ truyền dữ liệu mà còn cả độ ổn định của kết nối đến máy chủ nước ngoài, hầu hết nhà mạng Việt Nam có các gói thuê bao tốc độ cao với giá rất ưu đãi, nhưng họ chỉ cam kết tốc độ đối với đường truyền trong nước, còn quốc tế thì không. Game là loại hình giải trí yêu cầu thời gian phản hồi nhanh, độ trễ thấp, các yếu tố này quyết định đến chất lượng trải nghiệm.

Một số thể loại game yêu cầu độ ổn định cao hơn, ví dụ như các game online mang tính đối kháng như MOBA hoặc FPS, kết quả thắng thua của người chơi hầu như phụ thuộc vào yếu tố này và nó có thể thay đổi chỉ bởi một mili giây độ trễ. Hầu hết máy chủ đám mây của các nhà cung cấp như Luna hay Xbox Game Pass không có máy chủ ở Việt Nam, đây là vấn đề nan giải, bởi hiện tại quy mô của thị trường gaming tại Việt Nam là chưa cao.

Có thể thấy là các nhà cung cấp dịch vụ cloud gaming vẫn chưa đưa thị trường Việt Nam vào tầm ngắm, đó là vì sức mua thấp và lượng người chơi chưa đủ để gây ấn tượng với họ, cũng như cơ sở hạ tầng ở Việt Nam là chưa đủ. Ngoài ra, còn một số rào cản như chính sách, thuế quan cho các dịch vụ xuyên biên giới nói chung. Sẽ mất nhiều năm nữa thì cloud gaming mới thực sự trở thành một chủ đề đáng bàn luận tại Việt Nam.