Bài viết về Tứ Đại Danh Khuyển từng được Gấu Mèo Thức Khuya viết cho Lost Bird.
– Gấu Mèo Thức Khuya
Chó H’mông đuôi cộc

Vốn là giống chó hoang sống ở vùng đồi núi Tây Bắc, được đồng bào người H’mông ở đây thuần hóa, trở thành trợ thủ đắc lực trong đời sống hằng ngày như hỗ trợ việc săn bắn, chăn thả gia súc và giữ nhà. Giống này có bản tính giữ gìn lãnh thổ rất cao lại thêm kỹ năng săn bắt, lùng sục tích lũy qua nhiều đời, chó H’mông đuôi cộc không biết sợ các loài hung dữ như sói, cáo, chúng sẵn sàng đánh trả khi những loài này xâm phạm vào khu vực dân cư.

Đặc điểm ngoại hình của chó H’mông đuôi cộc là cơ bắp toàn thân rắn chắc, khung xương to, ngực nở, đầu to mõm ngắn nhìn bụ bẫm, trán rộng, phẳng và cao. Lông có thường đơn sắc với các màu như đen, trắng, xám hoặc có thể vằn vện, màu đặc trưng là màu nâu đỏ hoặc vàng đất. Những con chó H’mông đuôi cộc màu lông chuẩn và ngoại hình đẹp được chuyên dùng làm giống có giá rất đắt, có thể lên tới hàng trăm triệu Đồng.

Đặc điểm là đuôi cụt hoặc thường không có đuôi, nếu có thì rất ngắn, dài không quá 1 gang tay. Hiện tại giống chó H’mông cộc đuôi được nuôi bảo tồn ở vùng Tây Bắc hoặc vùng đồi núi ở Tây Nguyên, giá một con thuần chủng trưởng thành có thể lên đến 30 triệu Đồng. Những con có màu lông “lệch chuẩn” hoặc không đạt các tiêu chí về ngoại hình, cân nặng có thể sẽ rẻ hơn, nhưng cũng không dưới vài triệu Đồng.
Chó Lài Sông Mã

Chó Lài hay được đồng nhất với Dingo Đông Dương (mặc dù có ý kiến cho rằng chúng khác nhau), là một giống chó đặc hữu ở vùng trung du và miền núi phía Bắc, sinh sống ở môi trường tự nhiên là khu vực sơn địa, bán sơn địa tiếp giáp đồng bằng. Chó Lài vốn là hậu duệ của loài sói xám Châu Á, được người Việt thuần hóa làm chó săn. Chúng vẫn giữ được sự nhạy bén của tổ tiên loài sói và là một giống chó rất giỏi nếu được huấn luyện đúng cách.

Ngày nay, do bị lai tạp nhiều với chó cỏ nói chung ở đồng bằng nên tìm được chó Lài thuần chủng là không dễ, tuy nhiên đặc điểm nhận dạng của một cá thể thuần chủng là ngực nở eo thon, lông dày và thường có màu vàng tươi hoặc vàng cam nhưng không xoáy không bờm, đuôi như bông lau nhưng hay cụp xuống, mõm nhọn và 4 chân trắng. Chúng có lỗ tai dựng chứ không cụp và có dáng đi cúi đầu, cụp đuôi, như loài sói.

Chó Lài giỏi lần theo dấu vết, đánh hơi con mồi, có thể ngửi mùi theo vết thú rừng cách xa hàng cây số, thích hợp để trở thành bạn đồng hành của con người khi săn bắt. Ngoài ra chúng rất nhanh nhẹn, uyển chuyển, đi không tiếng động, phục kích con mồi tài tình. Chó Lài thể được huấn luyện để trở thành chó canh gác, chó cảnh vệ, chó tấn công, chúng nổi tiếng với sự dẻo dai và khả năng thích nghi tốt.

Hơn nữa, chó Lài là loài có kỹ năng chiến đấu tốt, hung dữ, không biết sợ, có thể đấu lại heo rừng, chồn, cáo, không nao núng trước rắn rết, độc vật. Chó Lài phát huy kỹ năng tốt nhất khi có 2 cá thể hoặc theo bầy, thậm chí đe dọa được chó sói, hổ, báo. Ngày xưa, vua Lê Lợi từng nuôi chó Lài như quân khuyển giúp đánh trận, tương truyền ông đã dùng khi đánh đuổi giặc Minh.
Chó Bắc Hà

Là giống chó bản địa ở vùng Bắc Hà, một huyện phía đông bắc của tỉnh Lào Cai. Là giống chó xù duy nhất trong số tứ đại danh khuyển của Việt Nam. Nhiều cá thể chó Bắc Hà sở hữu cái bờm xù rất đẹp, được người địa phương gọi là “chó xồm”. Nguồn gốc của chó Bắc Hà được phỏng đoán là xuất phát từ loài chó hoang ở vùng núi Himalaya, chúng chia sẻ nhiều điểm chung với loài chó Chow Chow của Trung Quốc.

Chó Bắc Hà thân thiện với người, thông minh, dễ huấn luyện, rất kỷ luật, không quá hung dữ. Đây là loài chó đa năng, có thể được nuôi vì nhiều mục đích như chăn gia súc ở vùng cao, bảo vệ, canh gác nhà cửa chuồng trại, hoặc làm chó nghiệp vụ cho cảnh sát, quân đội tác nghiệp ở vùng địa hình phức tạp như biên giới. Chó Bắc Hà thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và dễ nuôi.

Ngoại hình của chó Bắc Hà cũng rất đa dạng, ngoài bộ lông xù đặc trưng, chúng có thể có màu trắng, đen, xám vàng, vện hoặc khoang. Màu được cho là đẹp nhất là màu đỏ hung, cá thể chó Bắc Hà có màu này rất hiếm. Lỗ tai chó Bắc Hà có thể cụp hoặc dựng tùy con, nhưng đều có bờm và đuôi xù nổi bật. Giá chó Bắc Hà có thể dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng tùy theo ngoại hình và màu sắc.
Chó Phú Quốc
Chó Phú Quốc (tên quốc tế là Phu Quoc Ridgeback) giống chó thuần Việt nổi tiếng nhất, được cộng đồng yêu chó quốc tế biết đến rất nhiều. Chó Phú Quốc cũng được công nhận là một trong những giống chó quý hiếm nhất thế giới vì xuất xứ, bản tính và năng lực đặc biệt của chúng. Là nòi chó nổi tiếng trung thành, thông minh, nhanh nhẹn, được người dân đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang yêu quý, sử dụng trong việc săn bắt từ hàng trăm năm qua.

Gần như mỗi gia đình ở Phú Quốc đều nuôi ít nhất một chú chó đặc biệt này. Đặc điểm nhận dạng là chó Phú Quốc có xoáy lưng, mặt nhăn có ngấn như mặt hổ, chân có màng như vịt nên bơi rất giỏi, đuôi có thể cụt hoặc dài, người thuôn, không xù, phần lông ở cổ có thể dày hơn phần còn lại của cơ thể, như một cái bờm nhỏ. Lưỡi chó Phú Quốc có thể có nhiều bớt đen, hoặc cả lưỡi đều đen tuyền. Lông chó Phú Quốc có 4 màu cơ bản gồm đen, vàng kem, đốm hoặc vện, đôi khi có màu trắng.

Chó Phú Quốc nổi tiếng vì tài săn bắt, theo dấu con mồi, tính tình gan lỳ dũng cảm, không biết bỏ cuộc, xả thân vì chủ. Khi tới mùa sinh sản thì đào hang để đẻ, lúc này chúng rất hung dữ, sẵn sàng âm thầm tấn công người lạ nếu lãnh địa bị xâm phạm. Nhược điểm của chó Phú Quốc là do thích nghi cuộc sống ở trên đảo, môi trường sống này cách biệt nên khi mang vào đất liền nuôi dễ bị bệnh nguy hiểm dẫn đến tử vong.

Muốn chó Phú Quốc sống khỏe ở đất liền thường phải lai giống với nòi chó khác để ra đời F2 có khả năng thích nghi với môi trường mới, hoặc phải có điều kiện vật chất rất tốt, bỏ công sức ra chăm nom thì cá thể thuần chủng mới sống được tốt ở đất liền. Chó Phú Quốc cũng là giống chó có giá bán cao kỷ lục, từng có chuyên gia gây giống chó chuyên nghiệp cho sinh nở thành công ở Anh bầy chó Phú Quốc, giá đến 10.000 Euro (hơn 260 triệu Đồng) mỗi con.