‘Mickey 17’, tựa phim điện ảnh thứ 8 và là phim nói tiếng Anh thứ 3 của đạo diễn Bong Joon-ho đã được công chiếu quốc tế và nhận được phản hồi tích cực, mặc cho doanh thu không khả quan. Người viết quan tâm tới dự án này từ những hình ảnh first look đầu tiên nên đã nhanh chóng đặt vé và thật sự có trải nghiệm tốt với tác phẩm. Phong cách làm phim tiếng Anh của Bông luôn khác biệt với các tác phẩm nội địa của ông. Nếu so với ‘Okja’ hay ‘Snowpiercer’, ‘Mickey 17’ cho thấy vị đạo diễn Hàn Quốc đã thoải mái hơn với phong cách làm phim phương Tây.
Đây có thể xem là tác phẩm trực diện nhất của Bong, mang tính thiện ác đối đầu kinh điển. Tính đả kích xã hội, châm biếm chính trị của nó rất rõ ràng, bạn sẽ không phải thắc mắắc về ẩn dụ hay ngôn ngữ hình ảnh sâu xa, nhưng điều đó không làm tác phẩm thiếu chiều sâu. Mickey 17 khám phá câu hỏi về tính người qua một nhân vật bị chà đạp tới tận cùng, hình dung viễn cảnh khai hoá thuộc địa của con người cùng nguy cơ lặp lại lịch sử đẫm máu, cũng như niềm tin vào chiến thắng của nhân tính.
Mickey 17 – Anh xung phong làm rác
Mickey 17 dựa theo tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Mickey7 của Edward Ashton, xoay quanh câu chuyện khai phá thuộc địa hành tinh Niflheim, đồng thời thử nghiệm dự án nhân bản con người để phục vụ cho quá trình nghiên cứu môi trường mới. Mickey Barnes là chàng khờ trong lúc trốn chạy đám chủ nợ, đã đăng ký làm Expendable, nom na là người nhân bản. Bởi vì nếu anh chết thì sẽ được “in” lại toàn bộ vào ngày hôm sau nên nhiệm vụ của Mickey là làm chuột thí nghiệm để các nhà khoa học thử đủ loại bệnh, bị đẩy ra thám hiểm để hứng chịu các nguy cơ đầu tiên.
Với cơ chế này, tính người của Mickey đã bị hạ xuống tới tận cùng. Anh bị gọi là rác, bởi cơ bản vật chất cấu thành nên cơ thể nhân bản của anh là hỗn hợp chất thải đủ mọi loại trong tàu vũ trụ, cũng như công việc của anh chỉ cỡ tấm bia đỡ đạn, một con heo hay con chuột. Bởi vì vậy mà có một thay đổi của Bong Joon-ho mới trở nên quan trọng, đó là mối quan hệ giữa Mickey và Nasha. So với nguyên tác, tình yêu của hai người được thăng hạng về cảm xúc và mối gắn kết.
Nasha Barridge là người cứu vãn Mickey, giúp anh giữ được nhân tính của mình trong hoàn cảnh bị phi nhân hoá (Dehumanization). Ranh giới sống chết không còn, nên người ta cũng xem nhẹ tầm quan trọng của Mickey, dù nhờ có anh mới có vaccines phòng bệnh. Chỉ có Nasha vẫn xem Mickey là người, coi trọng nỗi đau mà anh phải chịu và quyết tâm đồng hành cùng anh trong giờ phút sinh tử, cho dù anh đã trải qua cả chục lần. Nasha khẳng định rằng Mickey là Mickey Barnes, không phải con số, dù là 17 hay 18, anh vẫn là một Mickey.
Tại sao điều đó quan trọng? “At the end of the day, you’re a number, not a name” (Humanity, Scorpion). Khoảnh khắc người ta không gọi bạn bằng tên riêng mà bằng con số, đó là bạn bị tước đi danh tính, theo sau là tính người, như người tù khổ sai, một sản phẩm, con số nhấp nháy lên xuống trên biểu đồ. Từ ngày làm Expendable, người ta gọi Mickey theo số lần anh được in ra. Nasha cũng kể rằng mỗi Mickey có một số khác biệt nhất định, nhưng nhìn chung tất cả vẫn là Mickey thôi. Người viết sẽ lý giải về khác biệt này sau.
Vì sao Mickey 18 lại khác biệt với Mickey 17?
Đây có lẽ sẽ là câu hỏi đa số khán giả thắc mắc sau khi xem Mickey 17. Đầu tiên, chúng ta hãy bàn một chút câu hỏi về căn tính cá nhân, theo hướng tiếp cận tâm lý học. Bởi vì vấn đề sinh học và vật lý học đã được giải quyết trong phim, đó là một cơ thể được in ra hoàn hảo, thừa hưởng toàn bộ ký ức được sao lưu liên tục trong một ổ cứng, còn cơ thể cũ bắt buộc phải xác nhận là đã tiêu huỷ. Tuy nhiên, một lỗi quy trình xảy ra, hiện thực hoá viễn cảnh tồi tệ các triết gia đã hình dung.
Mickey 18 được in ra trong tình trạng Mickey 17 chưa được xác nhận tử vong với bằng chứng tin cậy, dẫn tới có hai Mickey. Điều kỳ lạ là Mickey 18 lại hung hăng hơn 17. Trong tất cả các phiên bản Mickey theo góc nhìn của Nasha, mỗi người đều có khác biệt chút ít, nhưng không đi quá xa so với cốt lõi Mickey Barnes, ngoại trừ số 18. Có hai giả thuyết cho điều này, đầu tiên là kỹ thuật nhân bản không thể hoàn thiện quá trình truyền ký ức mở mức độ tiềm thức, dẫn tới biến số dao động ngày một lớn, tức càng nhân bản nhiều càng bất ổn.
Giả thuyết thứ hai người viết thấy tự tin hơn, đó là “khoảng hở” trong ký ức của Mickey 18. Thứ cuối cùng 18 nhớ được đó là cuộc chạm trán không mấy tốt đẹp với Timo, người bỏ rơi mình dưới vực tới chết, đồng thời cợt nhả, xúc phạm anh. Điều này lý giải cho thái độ thù địch của 18 đối với Timo gay gắt hơn hẳn. Cái khoảng trống ký ức về cái chết cuối lại chỉ được tường thuật thông qua Timo, trở thành điểm mù không hoàn thiện trong tâm trí Mickey 18.
Tranh luận về nhân bản không có lời giải đáp tối hậu, đó là bản chất của triết học. Theo David Hume, đặt câu hỏi về bản ngã là điều không cần thiết, bởi vì nó rất khó xác định, ông cho rằng suy nghĩ về một bản ngã thực chất (substantial self) là sai lầm. Hãy tưởng tượng khái niệm bản ngã là một cái bình, nó có thể chứa đựng mọi kinh nghiệm của chúng ta, dán cái nhãn lên và bạn nghĩ đó chính là “tôi”, đó là suy nghĩ thường thấy về danh tính cá nhân. Tuy nhiên, theo Hume, cái bình chỉ chứa kinh nghiệm chứ tự nó không sinh ra kinh nghiệm.
Nếu vậy, nếu bạn thấy lập luận của Hume hợp lý và chọn tin vào ông, thì nếu tiếp tục tồn tại hai Mickey 17 và 18, lời khẳng định của Nasha có lẽ không còn đáng tin cậy. Mickey 18 sẽ sớm thu nhận những trả nghiệm khác biệt và trở thành một con người khác, có lẽ vẫn mang tên Mickey Barnes, nhưng cái gọi là “căn tính” sẽ thay đổi. Có lẽ cả hai vẫn sẽ yêu Nasha, nhưng đối với cô, đây có lẽ chỉ còn là chuyến phiêu lưu tình ái thú vị, chứ niềm tin của cô về “một Mickey” sẽ sớm bị đánh đổ.
Mặt tối lịch sử khai phá thuộc địa
Dễ hiểu vì sao Bong Joon-ho chọn thực hiện dự án Mickey 17. Nếu tìm hiểu qua những trước tác của ông, bạn sẽ biết ông thường làm về chủ đề phân biệt giai tầng (Parasite), tha hoá đạo đức (Barking Dogs Never Bite) lẫn sự mơ hồ về nó (Mother), lòng tham con người, thói bạo tàn chà đạp của họ lên môi trường và kẻ yếu thế. Nhìn chung tác phẩm của ông đều phê phán mặt tối cùng cực nào đó của đồng loại. Dự án tiếng Anh như Mickey 17 hay hai phim trước đó cũng khai thác đề tài này nhưng sẽ có thêm lực lượng ánh sáng chống chọi lại cái xấu.
Mickey 17 vẽ ra một hình dung khi con người tiến tới khai phá thuộc địa mới ngoài hành tinh, biến nó thành nơi con người sống được. Đứng đầu hành trình viễn chinh này là tên chính trị gia ngu ngốc Kenneth Marshall (Mark Ruffalo) cùng bà vợ Ylfa (Toni Collette) và tổ chức tôn giáo. Các chính sách và cách cai trị của hai con người này khiến chúng ta liên tưởng tới đảng phái và một số nhân vật cụ thể nhưng trong phạm vi quan tâm của người viết, sẽ không nhắc tới, mà chỉ xem đó là biểu tượng chỉ chung cho bản tính và lịch sử hung hăng của con người.
Con người hung hăng và lịch sử đã chứng minh điều đó. Trên mỗi mảnh đất, mỗi châu lục mà chúng ta chạm chân, đều chưa đựng tàn tích một thời chúng bị xăm lăng, tàn phá, xoá sổ nền văn hoá bản địa. Những con người từ nơi xa xôi đáp tàu đến một vùng đất mới và nhanh chóng thể hiện thái độ thù địch với dân bản địa, như thể họ mới là chủ nhân mảnh đất này. Đó là những gì xảy ra với hành tinh Niflheim và sinh vật bản địa tại đây, giống loài mà Marshall gọi là Creeper.
Con người, khi đối mặt với những gì họ chưa hiểu, họ sợ hãi và phòng vệ theo cách hung hãn nhất. Chỉ qua một đoạn phim không bàn tới bối cảnh, Marshall nhanh chóng bỏ kết tội con vật là nguy hiểm và yêu cầu diệt trừ. Chính lối suy nghĩ xâm lăng này biến con người thành vi rút phá hoại mọi nơi họ đến. Điều này đang diễn ra trên chính hành tinh Trái Đất và nếu không thay đổi, dù có di dân tới đâu, con người dưới sự dẫn dắt của những kẻ như Marshall, cũng sẽ nhanh chóng phá hoại nơi đó.
Mickey 17 mở ra một tương lai tươi sáng, niềm tin vào nhân loại khi họ biết thức tỉnh, đoàn kết chống lại lãnh đạo yêu quái, xây dựng thế giới mới nơi con người hoà hợp với thiên nhiên, tìm hiểu nó thay vì chống lại và huỷ diệt.