Đây là bài viết chính chủ, do Gấu Mèo Thức Khuya biên tập cho trang Lostbird.vn. Bài viết thuộc series “Kỳ án Nhật Bản” này được Gấu Mèo Thức Khuya re-up để lưu trữ trong blog cá nhân. Tất cả những trang web khác đăng tải nội dung trùng lắp câu chữ với bài viết này đều đã sao chép nguyên văn mà không xin phép người viết hoặc chủ nhân của trang Lostbird.vn.
– Gấu Mèo Thức Khuya
Vụ án “thảm sát Tsuyama” là chương đen tối trong lịch sử địa phương mà người dân Nhật ở làng Kamo, nay là thành phố Tsuyama, tỉnh Okayama không muốn nhắc đến. Cảnh sát dán mác vụ án này là một hành vi “trả thù man rợ” của hung thủ vì bị mọi người xung quanh ngược đãi, xem thường và do các cô gái từ chối quan hệ với hắn.
Hung thủ của vụ án là Mutsuo Toi – một thanh niên 21 tuổi sống ở làng Kamo, hắn ta đã giết và làm bị thương 33 người chỉ trong một đêm, bao gồm cả bà mình. Số hung khí mà Toi sử dụng bao gồm kiếm Nhật, rìu, dao và súng shotgun. Sau khi thực hiện hành vi tàn sát, Toi đã tự sát bằng súng trước khi bị cảnh sát bắt giữ.
Mặc dù trở thành một kẻ giết người tàn ác nổi tiếng trong lịch sử tư pháp Nhật Bản, Mutsuo Toi lại có số phận đáng thương, bản thân hắn là một con người bị cộng đồng bỏ rơi trong tủi nhục. Có lẽ chính vì thế mà hắn đã nung nấu ý định trả thù tất cả mọi người xung quanh, bao gồm cả người thân ruột thịt cũng không tha.
Sự trả thù của kẻ bị ruồng bỏ Mutsuo Toi
Mutsuo Toi đã có kế hoạch rất chu toàn, hắn ra tay cắt đường dây điện đến làng Kamo vào tối ngày 20 tháng 5 năm 1938, khiến cả cộng đồng chìm trong bóng tối. Vào khoảng 1 giờ 30 phút sáng ngày 21 tháng 5, hắn đã đích thân giết hại người bà 76 tuổi của mình bằng cách chặt đầu bằng một cái rìu.

Sau đó, hắn buộc hai cái đèn pin vào đầu, mang theo kiếm Nhật (katana), súng shotgun và 100 viên đạn gém, rình mò khắp làng như một “kẻ săn đêm” (night-crawler) hay còn được gọi là “Yobai” (這 い) trong tiếng Nhật, hắn cứ thế đi vào nhà của hàng xóm, gặp người nào thì “xử” người nấy không nương tay.

Mutsuo Toi đã dùng kiếm và dao giết 29 người (trong số đó 27 người chết tại chỗ, 2 người bị thương nặng, họ đều chết vì thương tích sau đó), đồng thời làm 3 người khác bị thương trong khoảng thời gian một tiếng rưỡi. Số thương vong gần như là một nửa cư dân của cộng đồng nhỏ ở làng Kamo.

Khắp nơi đều có người chết, mùi máu tanh tưởi khắp làng, hành vi của Mutsu Toi được nhiều người so sánh với sát nhân Jason máu lạnh trong phim Thứ 6 Ngày 13 vậy. Vào lúc bình minh, Mutsuo Toi đã tự sát bằng cách dùng súng bắn vào ngực mình trước khi cảnh sát đến kịp.
Chân dung sát thủ bí danh “kẻ săn đêm”
Mutsuo Toi (都井睦) sinh ngày 5 tháng 3 năm 1911 ở tỉnh Okayama trong gia đình khá giả. Thế nhưng không may cha mẹ anh ta qua đời vì bệnh lao khi còn nhỏ, lúc đó gia đình trở nên sa sút. Suốt thời niên thiếu Mutsuo Toi và chị gái đã được bà ngoại nuôi dưỡng.
Ban đầu anh ta được ghi nhận là người năng động, nhưng đến năm 17 tuổi, khi chị gái kết hôn và theo về nhà chồng thì Toi đã trở nên cô đơn và mắc chứng rối loạn Hikikomori (rút lui khỏi xã hội) trong một thời gian dài. Đây là một hội chứng rất phổ biến ở Nhật Bản.

Khi còn niên thiếu, Mutsuo Toi cũng bị ám ảnh bởi nữ sát nhân Sada Abe – Geisha si tình đã siết cổ chết người yêu của mình sau đó cắt đứt dương vật và tinh hoàn của anh ta (sự kiện có thật đã truyền cảm hứng cho bộ phim nổi tiếng In the Realm of the Senses).
Như đã nói ở trên, Mutsuo Toi thực hành hoạt động dạ hành gọi là Yobai, một phong tục xưa cũ ở nông thôn mô tả những thanh rình mò giữa đêm, chui vào phòng ngủ của phụ nữ trẻ chưa kết hôn để tìm kiếm quan hệ tình dục. Theo thông lệ, gia đình không can thiệp nếu người phụ nữ đồng ý.

Cách mà Toi buộc 2 cái đèn pin trên đầu ngoài việc để soi đường trong đêm tối còn được xem là có ý nghĩa như một nghi thức cổ xưa khác được tương truyền ở Nhật Bản, khi một người muốn gieo rắc lời nguyền thì hắn ta sẽ đeo những cây nến ở trên đầu (như trong hình trên).
Lá thư tuyệt mệnh của Mutsuo Toi để lại
Mutsuo Toi đã để lại một số ghi chú dài tiết lộ rằng hắn ta bị bệnh lao (chưa có thuốc chữa vào những năm 1930), căn bệnh có tác động sâu sắc đến các mối quan hệ xã hội của Toi. Hắn cảm thấy rằng những người hàng xóm nữ ở xung quanh trở nên lạnh lùng khi họ biết về căn bệnh.
Đôi khi Toi bị người khác coi là người vô tính (mặc dù không phải như vậy), hắn cũng ghi lại trong thư tuyệt mệnh rằng từng bị hàng xóm xúc phạm và đối xử tệ. Hung thủ cũng thú nhận rằng hắn yêu người phụ nữ hàng xóm nhưng cô ta từ chối và xem nhẹ lời thỉnh cầu của hắn.

Việc ham muốn không được giải tỏa dẫn đến Mutsuo Toi quyết định giết người để trả thù mối tình đơn phương. Cuối thư, Toi ghi rằng hắn ta cảm thấy tiếc khi có một số người hắn muốn giết nhưng không giết được, trong khi có một số người vô tội lại bị hắn giết nhầm.
Về việc giết người bà đã nuôi mình từ tấm bé, Toi giải thích rằng hắn không thể để bà sống 1 mình thiếu người chăm sóc sau khi hắn tự sát. Trong khi cũng không thể để dư luận xã hội đàm tiếu rằng bà có đứa cháu giết người nên đã phải tự tay kết liễu bà ấy.

Hình ảnh của Toi về sau có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong văn hóa Nhật và truyền cảm hứng cho một số nhân vật điện ảnh cũng như Anime và Manga. Bộ phim Nhật Bản năm 1983, tựa đề Ushimitsu no mura (Làng diệt vong), dựa trên vụ thảm sát ở Tsuyama đang nói đến trong bài này.
Bộ phim có sự tham gia của diễn viên Masato Furuoya trong vai Tsugio Inumaru, một thanh niên bị hành hạ bởi cảm xúc đau khổ do không thể tham chiến vì bị bệnh lao. Furuoya tự tử bằng cách treo cổ vào ngày 25 tháng 3 năm 2003, 22 năm sau khi bộ phim được phát hành.
(Đọc thêm các bài viết thuộc series “Kỳ Án Nhật Bản“)