Vụ việc Scarlett Johansson kiện Disney: nữ diễn viên đã đệ đơn lên Tòa án Thượng thẩm Los Angeles hôm thứ Năm ngày 29 tháng 7 cáo buộc Disney vi phạm hợp đồng của cô khi phát hành bộ phim siêu anh hùng Black Widow trên dịch vụ phát trực tuyến của hãng là Disney +. Việc bộ phim được phát hành đồng thời trên hai nền tảng được cho là đã phá vỡ thỏa thuận giữa sao nữ và công ty.

Đơn kiện cáo buộc Disney dựa trên điều khoản rằng hợp đồng đã thỏa thuận rằng tiền lương của Johansson được hưởng từ bộ phim phần lớn sẽ dựa trên doanh thu phòng vé. “Để tối ưu hóa khoản thu này, và bảo vệ lợi ích tài chính của bản thân mình, cô Johansson đã trích dẫn một lời cam kết từ Marvel rằng việc phát hành bộ phim sẽ là một ‘bản phát hành tại rạp‘.” – đơn kiện tuyên bố.
Kế đến, “Như cô Johansson, Disney, Marvel và hầu hết những người khác ở Hollywood đều biết, ‘bản phát hành tại rạp’ là bản phát hành dành riêng cho các rạp chiếu phim. Disney đã biết rõ về cam kết này, nhưng vẫn chỉ đạo Marvel vi phạm cam kết của mình và thay vào đó, phát hành bộ phim trên dịch vụ phát trực tuyến Disney + cùng ngày nó được phát hành tại các rạp chiếu phim.” – đơn kiện cũng ghi thêm.

Giải thích: Tiền lương diễn viên của Scarlett Johansson từ Black Widow gồm 2 nguồn chính, bao gồm “lương cứng” và một phần dựa trên doanh thu tại rạp. Johansson và Marvel, Disney đã đồng thuận rằng phần lớn số tiền này sẽ là dựa trên doanh thu. Ví dụ, cô nhận trước một khoản 20 triệu USD và sẽ nhận tiếp % doanh thu từ việc bán vé, phim càng ăn khách, số % nữ diễn viên nhận được càng cao.
Như vậy, trong trường hợp phim chiếu ở cả hai nền tảng, doanh thu phòng vẽ sẽ bị giảm nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận khán giả chọn xem online khi được hãng thúc đẩy thông qua các quảng cáo cho nền tảng Disney+ đang ở trong một trạng thái có nhiều lý do để xem online hơn là ra rạp (và tiền của người xem trả cho dịch vụ này sẽ đi thẳng tới tay Disney), do đó thu nhập của Johansson bị giảm đáng kể “một cách có chủ đích” và quyền lợi của cô đã bị ảnh hưởng.

Đáp trả lại đơn kiện của Johansson, người phát ngôn của Disney cho biết: “Việc nộp đơn này không có giá trị gì. Vụ kiện này đặc biệt đáng buồn vì sự nhẫn tâm của nó khi coi thường những ảnh hưởng khủng khiếp và kéo dài trên toàn cầu của đại dịch Covid-19. Disney đã hoàn toàn tuân thủ hợp đồng của cô Johansson và hơn nữa, việc phát hành Black Widow trên Disney + với gói Premier Access đã nâng cao đáng kể khả năng kiếm thêm tiền bồi thường của cô ấy, ngoài 20 triệu USD mà cô ấy nhận được cho đến nay.”
Việc Disney viện dẫn các vấn đề liên quan đến đại dịch Covid-19 để làm cơ sở cho việc hạn chế các suất chiếu rạp vì đại dịch cũng được đơn kiện cho là không thuyết phục. Ngoài ra, việc tiết lộ chi tiết về khoản thù lao của Johansson (20 triệu USD) cũng là một hành vi tiết lộ bất thường có dấu hiệu vi phạm điều khoản không công khai của hợp đồng (disclosure agreement) – một hình thức hợp đồng thường thấy giữa hãng phim và các ngôi sao có tên tuổi, trong trường hợp họ không muốn bị tiết lộ thu nhập cá nhân.

Đơn kiện tuyên bố rằng “các tiết lộ tài chính của Disney làm rõ rằng chính các giám đốc điều hành của Disney – người đứng sau chiến lược này sẽ được hưởng lợi cá nhân từ hành vi sai trái của họ và Disney“, vì nó xác định khoản vốn chủ sở hữu của CEO Disney Bob Chapek có “tổng cộng gấp 3,8 lần mức lương cơ bản 2,5 triệu USD của ông ấy” trong Năm 2021, với “lý do chính” cho số tiền đó là việc ra mắt các dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng (direct-to-consumer, tức Disney+, khi người dùng trả tiền trực tiếp cho Disney để xem phim trên nền tảng này).
Đơn kiện cũng lưu ý rằng chủ tịch Disney Bob Iger đã nhận được “phần lớn” khoản thù lao 16,5 triệu USD của ông dưới hình thức cổ phiếu, dựa trên báo cáo hàng năm của công ty trích dẫn sự tăng trưởng của Disney +. Như vậy, đội ngũ pháp lý của Johansson cho rằng việc Disney và Marvel cho phép khởi chiếu Black Widow đồng loạt tại rạp lẫn Disney+ là một kế hoạch đã được hoạch định từ trước, không chỉ nhằm tăng giá cổ phiếu cho công ty, mà còn là một hình thức tư lợi của lãnh đạo Disney.

Luật sư của Johansson, John Berlinski của văn phòng luật sư Kasowitz Benson Torres LLP, cho biết trong một tuyên bố: “Không có gì bí mật khi Disney phát hành trực tiếp các bộ phim như Black Widow trên Disney + để tăng lượng người đăng ký nền tảng này và do đó tăng giá cổ phiếu của công ty – và vụ việc này ẩn sau Covid-19 như một cái cớ để làm như vậy.“
“Việc bỏ qua điều khoản hợp đồng của các nghệ sĩ có công lao trong sự thành công của các bộ phim để thực hiện chiến lược thiển cận này đã vi phạm quyền của họ và chúng tôi mong muốn được chứng minh nhiều chứng cứ hơn trước tòa. Đây chắc chắn sẽ không phải là trường hợp cuối cùng mà các tài năng Hollywood đứng lên chống lại Disney và nói rõ rằng, bất kể họ có viện cớ gì thì cũng phải có nghĩa vụ pháp lý tôn trọng các hợp đồng của mình.” – luật sư nói tiếp.

Vụ kiện nhằm đưa ra những thiệt hại chưa đo lường được (đối với nữ diễn viên Scarlett Johansson) và nêu đích danh tên Công ty Walt Disney là bị đơn duy nhất. Theo đó, vụ kiện cũng đưa ra các tuyên bố là tập đoàn Disney cố tình can thiệp vào hợp đồng của công ty con Marvel với Johansson và khiến Marvel vi phạm hợp đồng. Nó trích dẫn một điều khoản trong hợp đồng của nữ diễn viên, viết rằng sẽ có một “bản chiếu rạp rộng rãi của bộ phim, tức là không ít hơn 1.500 rạp“.
Mặc dù Black Widow đạt doanh thu nội địa tốt nhất thời Covid tại phòng vé với 80,3 triệu USD, nhiều người trong ngành tin rằng bộ phim vẫn có thể mang về doanh thu tốt hơn nếu Disney không can thiệp theo những cách đã nói ở trên. Ngoài ra, việc Disney cho phép phát hành sớm bản chiếu online trên Disney+ cũng tăng những khả năng khiến phim bị đánh cắp bởi những kẻ chiếu phim lậu, và điều này cũng ảnh hưởng tới doanh thu chung của phim, cũng như thu nhập của Scarlett Johansson.

Bên cạnh Johansson, ngôi sao của Cruella là Emma Stone cũng được cho là đang cân nhắc lựa chọn tham gia cùng đàn chị để kiện Disney về chiến lược công chiếu phim trên Disney+. Việc Cruella được chiếu online tương tự như Black Widow cũng đã ảnh hưởng đến thu nhập của nữ diễn viên sinh năm 1988, người vốn cũng đạt được một hợp đồng có quy định tiền lương dựa trên doanh thu bán vé. Vụ việc đang tiếp tục được cập nhật.