Có một sự thật là bạn sẽ không bao giờ thấy được một con cá mập trắng lớn trong thủy cung. Cơ thể vật lý và phong cách sống của loài này khiến chúng không thể chịu được môi trường nuôi nhốt và sẽ tử vong chỉ sau một thời gian ngắn. Nếu muốn chiêm ngưỡng loài vật kỳ vĩ nhưng cũng đáng sợ này, người hâm mộ chỉ có một cách là đi tour tham quan trong lồng kim loại.

Tuy nhiên, đây vẫn không phải cách tham quan an toàn cho cả người lẫn vật. Đã có trường hợp cá mập lao được vào lồng bảo vệ nơi thợ lặn vẫn còn ở đó, cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng.
Về mặt bảo tồn, hoạt động tham quan thế này thay đổi hành vi và hướng đi của cá mập trắng. Những phần thức ăn dùng để dụ cá mập trắng đến gần đa phần không đủ dinh dưỡng mà loài này yêu cầu, khiến chúng bơi một quãng đường xa đến nơi được cho là có thức ăn nhưng cuối cùng năng lượng thu vào không bù đắp đủ lượng bỏ ra. Đồng thời phúc lợi động vật cũng bị xâm hại nghiêm trọng khi cá mập bị đâm hoặc kẹt trong lồng sắt… Và nhiều bất cập khác. Hiện New Zealand đã ra lệnh cấm hình thức du lịch này và nhiều nơi khác vẫn tranh đấu.
Vì sao cá mập trắng không thể sống trong môi trường nuôi nhốt?
Bắt một con cá mập trắng sống trong thủy cung như những loài thủy sinh khác đồng nghĩa giáng án tử cho chúng. Cá mập sẽ chết sau 3 ngày bị nhốt, con duy trì lâu nhất là 3 tháng nhưng theo các nhà nghiên cứu: “Thật ra nó đang chết dần chết mòn, chỉ là chậm hơn những con khác”.

Có nhiều giả thiết về lý do cá mập trắng không thể bị nuôi nhốt để con người thỏa mãn chiêm ngưỡng. Sau đây là những giả thiết đáng tin cậy và phổ biến nhất:
- Cũng như mọi loài cá khác, cá mập trắng hô hấp bằng cách lọc oxy trong nước qua mang, nhưng khác ở chỗ là nó không tự bơm nước được mà phải dựa vào dòng thủy lưu. Cá mập trắng phải bơi liên tục để nước chảy qua mang, một con cá mập đứng yên tức là nó đang yếu dần. Thế nên, dù thủy cung có xây dựng bể chứa vĩ đại cỡ nào cũng không nuôi nổi cá mập trắng, nó sẽ căng thẳng và liên tục đâm đầu vào cửa kính.
- Xét về mặt kinh tế, sẽ thật dại dột cho các nhà đầu tư nếu muốn trưng bày cá mập trắng. Không chỉ bể chứa tốn kém mà lượng thức ăn chúng đòi hỏi cũng gấp bội các loài khác. Chưa kể chúng còn có thể tấn công những con cá mập khác vì căng thẳng, vì nhiều lý do khác. Chưa kể quá trình bắt chúng cũng nguy hiểm.
- Cá mập trắng trong bể chứa không chịu để con người cho ăn mà sẽ nhịn đói. Chúng có bản năng săn mồi và không bao giờ chấp nhận cá chết do con người đổ xuống.
- Nhiều giả thiết còn cho rằng cá mập trắng suy nhược trong bể chứa vì con người không cân bằng muối đúng cách đối với nước trong bể.
- Đây là loài nguy hiểm và khó đoán. Không có một nhân viên thủy cung nào đủ hiểu biết về loài này, tiền lương cũng không đủ để họ can đảm tiếp xúc với chúng. Thậm chí những nhà nghiên cứu chúng ngoài đại dương, theo dõi chúng mỗi ngày còn không thể nắm bắt hết được về cá mập trắng.

Rõ ràng cá mập trắng là loài vật của tự do, chỉ có đại dương mới nuôi dưỡng được chúng. Mọi hành vi đánh bắt cá mập trắng về chỉ để trưng bày chỉ thể hiện sự ích kỷ và kiêu ngạo của con người, dẫn đến cái chết của vô số con cá mập trắng trước đó. Hoạt động trưng bày cá mập trắng hiện đã dừng hẳn từ năm 2016, khi một thủy cung Nhật Bản thả vào bể một con cá mập trắng nhỏ trong thủy cung và nó đã chết sau 3 ngày.
Không chỉ cá mập trắng, nếu không vì mục đích bảo tồn, chăm sóc cá thể bị thương, bệnh thì không nên có loài cá nào đáng bị nhốt trong bể kính chật hẹp. Kể cả những loài thân thiện như Beluga hay cá heo, cá voi, chúng sẽ căng thẳng, cô đơn, thậm chí dẫn đến hành vi tự sát.