Top 10 kênh YouTube hay ho bạn nên subcribe nếu yêu điện ảnh

YouTube từ lâu đã là nền tảng chia sẻ nội dung khổng lồ. Một điều tuyệt vời của YouTube đó là nó thu hút rất nhiều nhà sáng tạo nội dung sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kỹ năng của họ hoàn toàn miễn phí. Bạn có thể học được rất nhiều thứ trên Youtube nếu biết chọn lọc, từ vẽ cho đến nhảy, làm thủ công,… Học ngoại ngữ ư? YouTube là thiên đường!

Đối với các mọt phim cũng không là ngoại lệ. Sau đây, Gấu Mèo xin giới thiệu một số kênh YouTube hữu ích nếu bạn yêu điện ảnh và muốn xem phim theo kiểu… khác một chút. Có thể là bạn muốn hiểu hơn về phim ảnh, muốn học cách phân tích phim, hay muốn trở thành biên kịch, nhà làm phim… thì những kênh sau sẽ giúp ích cho tầm nhìn của bạn về điện ảnh.

the-shape-of-water
Trứng trong phim không chỉ đơn thuần là trứng đâu nhé.

1. Every Frame a Painting

Một trong những kênh phân tích phim bài bản đầu tiên do Tony Zhou Taylor Ramos thực hiện. Đối với các bạn yêu điện ảnh và muốn biết cách “xem” một bộ phim thì có thể tham khảo các bài tiểu luận video trên Every Frame a Painting. Họ nổi tiếng qua các nội dung như Edgar Wright – How to Do Visual Comedy (phân tích khiếu hài và óc sáng tạo của Wright), Akira Kurosawa – Composing Movement (cách Kurosawa sắp đặt chuyển động trong khung hình)… và còn nhiều nữa.

Tuy nhiên, kênh đã dừng hoạt động từ năm 2017, với lý do là cả Zhou và Ramos đều bận những dự án riêng. Điều đáng mừng là tinh hoa của họ có cơ hội nở rộ với phim tài liệu Voir của David Fincher, cũng là loạt phim tập hợp những tiểu luận bàn về điện ảnh. Zhou và Ramos tham gia viết kiêm đạo diễn 3/6 tập phim. Voir hiện đang có mặt trên Netflix.

2. Accented Cinema

Cũng là một kênh video tiểu luận về điện ảnh. Accented Cinema tập trung chủ yếu vào phim châu Á. Dù không thâm sâu và có những chia sẻ khiến bạn “À há” như Every Frame a Painting, đây vẫn là kênh sản xuất nội dung gốc chỉn chu và có phong cách riêng, thậm chí hài hước hơn. Đồng thời đội ngũ sản xuất có công giới thiệu điện ảnh châu Á tới thế giới. Bạn có thể học hỏi nhiều về cách xem phim từ kênh này.

3. Lessons from the Screenplay 

Như tên của kênh, Lessons from the Screenplay cung cấp các nội dung phân tích cái hay trong kịch bản, cách kể chuyện của những bộ phim. Mục đích của kênh đó là vừa học vừa chơi, đủ gần gũi với khán giả đại chúng muốn tìm hiểu phim ảnh lẫn những người làm trong ngành. Thậm chí các studio lớn còn trích dẫn video của Lessons from the Screenplay trong quá trình sản xuất để đội ngũ tham khảo.

Video về tầm quan trọng của biên kịch giỏi

5. The Beauty Of

Đây không phải là kênh phân tích phim mà chỉ đơn giản lưu lại những khung hình đẹp của một bộ phim hay series. Điều đó có quan trọng không? Có. The Beauty Of giới thiệu những cảnh phim đẹp trên nền nhạc êm dịu, có thể thôi thúc bạn xem bộ phim đó mà chẳng cần giải thích dài dòng.

6. Thomas Flight

Nội dung của Thomas Flight sẽ không giải trí lắm mà cần bạn có thời gian lắng nghe anh ta trình bày. Kênh YouTube của Thomas có các nội dung chính như lý giải cách làm phim của một đạo diễn (Tại sao phim của David Lynch lại như thế?), các khía cạnh của một bộ phim như cinematography, biên tập, ánh sáng… đồng thời là những chia sẻ cá nhân về điện ảnh như Martin Scorsese có đúng khi nói điện ảnh đang hấp hối?, The Green Knight muốn bạn nghĩ về điều gì?

Thomas Flight cập nhật nội dung theo xu hướng nhưng không đu trend hời hợt mà bạn sẽ học được nhiều từ các tiểu luận của anh ấy.

7. Sideways

Khác với những kênh giới thiệu trên kia, Sideways tập trung nói về âm nhạc trong phim hoặc phim nhạc kịch. Đây sẽ là kênh khá thách thức vì có thể một số bộ phim nhạc kịch bạn yêu quý sẽ bị Sideways phân tích ra điểm tệ hại trong âm nhạc của họ (Les Misérables, những bài hát của Phil Collins… nhưng hãy nghe anh ấy giải thích).

Các nhà làm phim lớn đã xác nhận thành công của một bộ phim phụ thuộc 50% vào âm nhạc và nếu là phim âm nhạc thì nhạc không những hay mà còn phải đúng kỹ thuật nữa. Điều đáng ngại là sau khi xem hết video của Sideways, sau này bạn xem phim sẽ khó tính hơn đấy.

8. Fandor

Fandor là một nền tảng stream phim, tập trung vào phim độc lập, phim kinh điển, phim không nói tiếng Anh… Họ có một kênh YouTube nhỏ và gần đây tập trung làm podcast nhiều hơn, thế nhưng Fandor có series chia sẻ về SFX trong phim rất hay cùng một số tiểu luận thú vị.

9. Now You See It

Đây cũng là một kênh quan trọng nếu bạn muốn tìm hiểu điện ảnh và cách xem phim. Now You See It đề cập đến các khuôn mẫu, xu hướng, cách sử dụng một số thành tố nhất định trong các bộ phim (màu đỏ, sữa, kẻ sọc…). Kênh YouTube này có nhịp điệu nhanh và lượng thông tin rất dồi dào, đáng để dành một ngày cuối tuần để binge hết cả kênh.

10. Quality Culture

Cuối cùng trong danh sách, mình xin dành cho một kênh nhỏ nhưng cống hiến hết mình cho nội dung. Quality Culture chỉ có hai thành viên là StefTerrence, họ chia sẻ những điều không cao siêu mà bắt nguồn từ quan sát và sở thích của họ. Kênh tập trung nhiều vào cách kể chuyện của một bộ phim hay nhân vật (như những video về khả năng kể chuyện của Taylor Swift).

Đó là những kênh YouTube Gấu Mèo gợi ý cho những mọt phim, là một số ví dụ tốt nhất hiện nay giữa biển content mênh mông. Tuy nhiên, các bạn cũng nên có nhận định riêng của bản thân chứ không hẳn phải tin theo mọi phân tích của các kênh này, đó là cách học tốt nhất.

Bởi vì những người sáng tạo nội dung này đã rất khổ công tạo ra những video có ích, chia sẻ kiến thức có khi khó học được ở trường lớp nên các bạn đừng ngại xem quảng cáo để ủng hộ cho kênh nhé.

error: You are not allowed to copy this page, Thank you!