Vì sao phim kinh dị đáng sợ nhưng chúng ta vẫn thích xem?

Niềm đam mê phim kinh dị từ đâu mà có?

Nhìn vào những bộ phim mang về doanh thu cao nhất trong vài năm trở lại đây, tất nhiên bạn có thể thấy bom tấn chủ đề siêu anh hùng của Marvel luôn đứng đầu với cộng đồng fan đông đảo. Tuy nhiên, phim kinh dị vẫn luôn có một vị trí không thể lay chuyển trong lòng các “mọt phim”. Đó là lý do những tựa phim như Get Out hay A Quiet Place nằm trong danh sách những phim thành công nhất. Những bộ phim kinh dị do James WanMike Flanagan thực hiện sẽ trở thành kinh điển của dòng phim kinh dị thế kỷ mới.

Hush-movie
Phim kinh dị Hush (2016), hiện đang có trên Netflix.

Bộ não con người khi xem phim kinh dị?

Lý do gì khiến phim kinh dị tuy đáng sợ nhưng luôn thôi thúc chúng ta thưởng thức, giống như chuyện ma đáng sợ nhưng ai cũng muốn nghe? Hãy cùng Gấu Mèo khám phá nó dưới góc nhìn khoa học. Tiến sĩ Jeffrey Goldstein tại đại học Utrecht, Hà Lan cho biết: “Chúng ta đến rạp để trải nghiệm phim kinh dị vì cơ thể ta đòi hỏi cảm giác ”được sợ”. Ta chọn một loại hình giải trí vì thích hiệu ứng mà nó gây ra cho mình”.

Có thể nói, việc ”nghiện phim kinh dị” liên quan trực tiếp đến cơ chế vận hành của não bộ. Khi bạn xem phim, hình ảnh từ mắt được chuyển đổi thành tín hiệu đi đến vùng vỏ não xử lý hình ảnh (Visual Cortex) và truyền đến hạch hạnh nhân (Amygdala).

amygdala-stimulation
Cơ chế kích hoạt hạch hạnh nhân trong não người.

Hạch hạnh nhân chính là trung tâm xử lý các tín hiệu liên quan đến cảm xúc của con người, trong đó có cả cảm giác sợ hãi và thích thú. Đặc biệt, đối với các cảm xúc như sợ hãi, hạch hạnh nhân sẽ trực tiếp để nó tác động đến bản năng con người mà bỏ qua phần lý trí. Tức là khi xem phim kinh dị, bạn sẽ trực tiếp phản ứng với bộ phim thông qua bản năng sinh tồn sâu thẳm nhất của mình mà không cần phải suy nghĩ động não quá nhiều về những thứ lắt léo, khó hiểu trong cốt truyện như khi xem phim trinh thám hoặc tâm lý tình cảm.

insidious-the-last-key
Phim kinh dị kích hoạt chế độ ”khẩn cấp” trong não bộ, đưa ta vào trạng thái đấu tranh sinh tồn nguyên thủy.

Hạch hạnh nhân kích hoạt trước mọi tác nhân được xem là sự đe dọa đối với cơ thể (ma quỷ, jump scare trong phim kinh dị là một trong số đó), nó sẽ truyền tải tín hiệu đi khắp cơ thể đồng thời ra lệnh tuyến thượng thận tiết ra Adrenaline làm cho tim đập nhanh. Đó là lý do bạn cảm thấy hồi hộp, hoặc nổi da gà và cảm thấy ”lành lạnh” nơi sống lưng.

The-shining
Đối mặt với ”ma quỷ” trong phim sẽ khiến cơ thể bạn tiết ra Adrenaline.

Adrenaline là hormone của sự hưng phấn

Adrenaline chính là chìa khóa cho lý do chúng ta thích xem phim kinh dị. Mỗi lần tuyến thượng thận tiết ra chất này chúng ta được trải nghiệm một cảm giác thích thú kỳ lạ. Adrenaline thực sự có thể làm cơ thể chúng ta bị ”nghiện”, nó giống như một chất kích thích mà chính cơ thể tiết ra vậy.

Hơn nữa, một nghiên cứu khác cũng cho thấy nỗi sợ sẽ chuyển hóa thành thích thú nếu diễn biến bộ phim dẫn đến cái kết có hậu. Mỗi khi nhân vật chính thoát khỏi hiểm nguy và chiến thắng thì người xem đều hài lòng, đó gọi là cảm giác ”thở phào nhẹ nhõm” khiến ta cảm thấy thư giãn sau một hồi căng thẳng.

happy-death-day-movie

Như vậy, các bạn có thể thấy phim kinh dị mang lại những cảm xúc chân thực và thuần khiết nhất. Thể loại phim này đánh trực tiếp vào những gì nguyên thủy nhất trong tâm trí và cả những cơ chế sinh hóa đặc thù đang diễn ra trong não bộ nữa. Vậy nên còn chờ gì nữa mà không ra rạp tận hưởng ngay cảm giác chỉ có phim kinh dị mới đem lại cho bạn?

Nguồn bài: Shortlist

error: You are not allowed to copy this page, Thank you!