Puss In Boots: The Last Wish đã có mặt tại rạp. Đây là phần phim thứ 3 của loạt spin-off về Chú Mèo Đi Hia cũng như là phần phim thứ 6 trong franchise Shrek. The Last Wish thu hút ngay từ khi hé lộ trailer với nội dung hấp dẫn: người ta nói mèo có 9 mạng, nhưng Chú Mèo Đi Hia huyền thoại đã hao tổn hết 8 mạng, chỉ còn một lượt chơi nữa là đi đời! Puss thật sự đối diện Tử Thần, kẻ mà nó luôn cười vào mặt.
Không chỉ nội dung có đầu tư, Puss In Boots: The Last Wish còn đổi mới phong cách mỹ thuật, áp dụng kỹ thuật CG kết hợp vẽ tay như Spider-Man: Into the Spider-Verse. Ngoài ra thiết kế sản xuất Nate Wragg tạo nên khác biệt bằng cách khiến bộ phim trông như tranh vẽ minh họa trong sách cổ tích. Các bạn có thể hiểu rõ hơn thông qua video dưới đây:
Liệt kê và lý giải các references trong Puss In Boots: The Last Wish
Puss In Boots: The Last Wish hiện đang nhận được số điểm cao trên các nền tảng đánh giá phim với 7,8 IMDB cũng như 96%/93% điểm số do nhà phê bình và khán giả chấm trên Rotten Tomatoes. Đặc biệt phim có nhiều references (chi tiết tham khảo) lấy từ các truyện cổ tích cùng nhữung câu chuyện trẻ em khác, như Avengers Assemble của thế giới cổ tích vậy. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi Puss In Boots đặt trong thế giới của franchise Shrek. Danh sách dưới đây do Gấu Mèo tự soi nên có thể còn thiếu nhiều thứ. Mời bạn đọc bổ sung thêm chi tiết ở phần bình luận.
Tựa đề phim
Không biết có thể tính vào không nhưng ngay từ tựa phim Gấu Mèo đã thấy buồn cười. Nó làm mình liên tưởng tới tập tiểu thuyết The Witcher: The Last Wish của nhà văn Ba Lan Andrzej Sapkowski.
Không khí viễn tây
Một lần nữa thì đây cũng chỉ là cảm nhận. Đó là người viết cảm thấy phim mang nhiều màu sắc, yếu tố khiến ta liên tưởng tới các phim miền viễn tây vào thập niên 60. Bạn biết đấy, những phim cao bồi trứ danh của Hollywood như Dollars Trilogy, Once Upon a Time in the West thật ra được thực hiện bởi đạo diễn người Ý Sergio Leone, với nhạc phim bất hủ do nhà soạn nhạc cũng người Ý Ennio Morricone sáng tác nên.
Trong Puss In Boots: The Last Wish có những màn showdown hai, ba phe, tiếng huýt sáo của Tử Thần na ná như Once Upon A Time In The West… Tất cả chỉ là cảm giác thoáng qua nhưng người viết vẫn cảm thấy thôi thúc phải liệt kê ra.
Gingerbread Man
Đầu tiên là các nhân vật từ tuyến truyện Shrek như The Gingerbread Man (người bánh gừng). Đây là nhân vật cổ tích của Anh từ TK15 và về sau có nhiều dị bản. Câu chuyện gốc đầu tiên đăng trên St. Nicholas magazine rất đơn giản: một bà lão không con nướng bánh gừng hình người, chiếc bánh ấy sống dậy và chạy khắp nơi không ai đuổi kịp, cho đến khi nó gặp phải một con cáo và bị nuốt trọn.
The Wicked Witch
Một chi tiết dễ bỏ qua nữa nhưng quan trọng trong thế giới Shrek đó là nhân vật Phù Thủy Quỷ Quyệt (The Wicked Witch), binh đoàn của Rumpelstiltskin ngày xưa săn đuổi Shrek. Khi Puss đi ra khỏi phòng khám bệnh, bạn sẽ thấy một phù thủy mũi khoằm, đội mũ chóp ứng theo quan niệm dân gian cũng như tạo hình phim Shrek.
Pinnocchio
Tạo hình Pinocchio này nằm trong franchise Shrek, đây cũng là nhân vật cổ tích từ Ý như Mèo Đi Hia.
Goldilocks And The Three Bears
Màn góp mặt gây hào hứng hơn cả phải nói đến Goldilocks (Lawrence Pugh) và gia đình gấu. Hẳn các bạn đã quen thuộc với câu chuyện cổ tích Anh vào TK19 về cô bé Goldilocks đột nhập vào gia đình gấu. Cô bé ngồi trên ghế, ăn cháo trong tô, nằm ngủ trên giường của cả ba con gấu và ở mỗi cái, cô cũng đều chọn cái “vừa đẹp” (just right).
Trong phiên bản Puss In Boots, Goldilocks là trẻ mồ côi được gia đình gấu nhận nuôi. Cô cũng trong hành trình tìm kiếm ngôi sao ước để cầu mong một điều “vừa đẹp” cho mình, thứ giấu kín đến cuối phim.
Jack Horner và các chiến lợi phẩm
Phản diện lần này là (Big) Jack Horner, nhân vật nổi tiếng trong khúc hát ru kinh điển của Anh “Little Jack Horner”
Little Jack Horner
Sat in the corner,
Eating his Christmas pie;
He put in his thumb,
And pulled out a plum,
And said, “What a good boy am I!”
Jack Horner trong Puss In Boots là phản diện tàn bạo dã man nhất trong các phim do DreamWorks sản xuất. Jack kế thừa tiệm bánh giàu có và ra sức vơ vét các chiến lợi phẩm trong thế giới cổ tích. Thế nên, phần lớn references trong phim sẽ vây quanh quanh nhân vật này. Cùng điểm qua một số nhé:
The Baker’s Dozen
Một Tá Thợ Bánh, hay chính xác hơn là một tá theo cách tính của thợ bánh. Chi tiết này dường như không có trong truyện cổ nào mà chỉ là một nét văn hóa bắt nguồn từ thời xa xưa. Cụ thể là ở châu Âu thời trung cổ, thợ làm bánh sẽ bị phạt nặng bằng tiền hoặc đánh roi nếu bánh mì bán ra không có kích cỡ tương đương nhau, chứng tỏ lừa gạt khách hàng. Điều này khá vô lý bởi những chiếc bánh không thể đều tăm tắp do độ nở, thời gian nướng… Để tránh bị phạt oan, người xưa thường cho đại vào thêm 1-2 cái bánh. Nên một tá 12 bánh thường tăng lên 13 là vậy.
Giày Thủy Tinh của Lọ Lem
Thảm thần Aladin
Tàu của người Liliput trong Gulliver’s Travels
Bàn tay vua Midas
Hẳn bạn cũng biết thần thoại vua Midas cầu xin phần thưởng từ Dionysus là bàn tay có quyền năng chạm vào cái gì thứ đó biến thành vàng. Chẳng lâu sau Midas nhận ra phần thưởng này là một lời nguyền, ông chẳng thể ăn bởi đụng vào thức ăn là biến thành vàng. Đỉnh điểm là ông vô tình biến chính con gái mình thành vàng.
Cây đinh ba của Poseidon
Túi xách không đáy và ô của Mary Poppins
Móc câu của Captain Hook
Thuốc và bánh phóng to thu nhỏ trong Alice In Wonderland
Thanh kiếm Excalibur trong thần thoại King Arthur
Chỉ người xứng đáng mới rút được Excalibur, nên Jack Horner đành vung kiếm cùng tảng đá.
Xe quay sợi trong Sleeping Beauty
Ngoài ra, chiếc xe quay cũng xuất hiện xuyên suốt trong rất nhiều truyện cổ tích khác.
Châu Chấu Thần/ Dế Biết Nói
Ban đầu Jack Horner tưởng mình mang theo Magical Locust (Châu Chấu Thần), sau mới biết đã đem nhầm một con cào cào (grasshoper) vốn chỉ biết ngồi trên vai phán xét hành động con người. Không rõ đây là sinh vật trong câu chuyện nào nhưng cũng mang lại nhiều điều thú vị, hài hước cho bộ phim.
Bổ sung: Cảm ơn bạn đọc An Ngọc đã nhắc đây là Talking Cricket trong The Adventures of Pinocchio. Theo bản truyện gốc thì đây là con dế không có tên, nó biết nói và đã sống trong nhà Geppetto hơn thế kỷ.
Hansel & Gretel
Chiếc thẻ thư viện cuốn Tuyển tập truyện cổ tích, ngoài tên Goldilocks còn có hai anh em Hansel và Gretel
Vùng đất Far Far Away
Xứ sở Far Far Away là nơi đặt bối cảnh tuyến truyện Shrek, nơi Shrek, Fiona và băng đảng của họ sinh sống. Đoạn kết này hé lộ nhiều khả năng trong các dự án tương lai của DreamWorks. Họ sẽ trở lại thực hiện tiếp Shrek với sự tham gia của Chú Mèo Đi Hia, hay sẽ thực hiện thêm một phần Puss In Boots nữa?