Pinocchio phiên bản Guillermo Del Toro đã ra mắt trên Netflix vào ngày 09/12/2022. Đây là một năm làm việc đầy cảm hứng của Del Toro bởi trong thời gian ngắn, ông đã tung ra hai dự án chất lượng là Cabinet of Curiosity và giờ là Pinocchio. Tuy ra mắt cùng thời điểm nhưng tác phẩm của đạo diễn người Mexico đã đè bẹp phiên bản remake của Disney trên mọi mặt trận.

Với bộ óc sáng tạo độc đáo, Guillermo nói không với mọi ý tưởng an toàn và ru ngủ. Ngay từ những hình ảnh công bố đầu tiên về tạo hình cậu bé gỗ Pinocchio, ông đã làm hài lòng người hâm mộ vì đã mang lại hơi thở hoàn toàn khác cho nhân vật này. Bộ phim được đánh giá mang đậm màu sắc Guillermo trong từng khung hình. Toàn bộ quá trình sản xuất mất 15 năm, quy tụ các studio làm stop-motion giỏi nhất. Đặc biệt, Guillermo dành cơ hội cho studio Mexico quê hương mình thực hiện phần diễn hoạt cho các nhân vật quan trọng như Pinocchio và người cha Geppetto.

Không chỉ về thẩm mỹ mà cả phong cách kể chuyện, truyền tải thông điệp đều rất Guillermo. Từ trước đến nay trong những tác phẩm của mình, Del Toro luôn thẳng thắn bày tỏ quan điểm, phần lớn là phê phán chính trị, xã hội. Ông bày tỏ mối quan tâm đến những thân phận bị ghẻ lạnh như những con quái vật, dị nhân, người nhập cư. Pinocchio cũng là bộ phim như vậy, mang đầy tinh thần giải phóng và giàu cảm xúc, không khó khăn để nhận ra các thông điệp mà cụ thể thế nào Gấu Mèo sẽ trình bày dưới đây.
Bối cảnh lịch sử then chốt
Thời điểm diễn ra câu chuyện trong phim là vào thời Thế chiến I, nước Ý theo chủ nghĩa Phát Xít dưới sự thống trị của Benito Mussolini. Lựa chọn bối cảnh này, Guillermo muốn tạo mối liên kết con rối – kẻ giật dây. Đây là hình ảnh xuyên suốt phim và truyền tải thông điệp chính. Dưới chế độ phát xít, những con người Ý từ dân thường tới sĩ quan chẳng khác gì con rối cả và họ chỉ dám cúi đầu tuân theo quân luật, kể cả người cha Geppetto.
Mỉa mai thay, Pinocchio sinh ra từ gỗ cây, mang hình hài một con rối nhưng cậu có tinh thần tự do, thuần khiết hơn tất cả. Cậu là con rối không cần một sợi dây nào cũng di chuyển được, trong khi những tên sĩ quan dù là con người có da có thịt, thì lại sống chẳng khác gì con rối. Guillermo chưa bao giờ màu mè khi nhắc đến chính trị, thông qua nhân vật Pinocchio ông tấn công trực diện vào chế độ cầm quyền kìm hãm con người.

Ở một thời điểm nào đó trong câu chuyện, Pinocchio cũng đã từ bỏ tự do của chính mình. Nhưng đó là vì thương bố và muốn chịu trách nhiệm cho việc mình đã làm, một cách phát triển nhân vật mà thông qua những thử thách nguy khó nhất, cậu bé học cách làm “người”.
Bài học nhân sinh trong Pinocchio
Một điều nổi bật nữa trong Pinocchio của Guillermo đó là bài học nhân sinh, là quá trình cậu bé gỗ khám phá ý nghĩa của việc làm người. Trong phim tài liệu về quá trình sản xuất, Guillermo có nói ông muốn tạo ra Pinocchio giống Frankenstein. Ông quan tâm đến những thân phận lạc loài và hai nhân vật này có điểm tương đồng: họ được tạo ra theo cách không tự nhiên và bị xã hội phản đối, tuy vậy họ mang trong mình óc tò mò khám phá và nhìn ra cái đẹp của thế giới và nếu được tạo điều kiện, họ sẽ phát triển tốt đẹp bất chấp ngoại hình dị thường.

Pinocchio có rất nhiều điểm giống Frankenstein. Cậu cứng cáp, rất khỏe mạnh, bị khinh ghét và (vô tình) gây nhiều rắc rối. Nếu Frankenstein đặt câu hỏi rõ ràng về hiện sinh thì ở Pinocchio, tuy không đề cập đến nhưng tự khán giả có thể nhận ra vấn đề đó. Một chi tiết lấy cảm hứng lớn từ Frankenstein đó là Geppetto tạo ra cậu bé trong cơn say xỉn điên cuồng và không ý thức được mình đang làm cho đến hôm sau. Đây cũng là lý do Del Toro thiết kế Pinocchio thô sơ như vậy, nhưng vẫn rất đáng yêu.
Vậy Pinocchio cũng được tạo ra và trao cho sự sống không thuộc ý chí của cậu. Geppetto muốn cậu giống Carlo mà không nghĩ rằng cậu là thực thể độc lập không thể bắt giống bất kỳ ai. Đột nhiên cậu bị ném vào thế giới quá đỗi hiểm nguy với nhà thờ, bọn quân phiệt, những kẻ muốn lợi dụng cậu, lại còn nghe lời nói nặng nề từ bố.

Thế nhưng, điều đó có ngăn Pinocchio bước tiếp? Không. Nó có ngăn cậu yêu thương bố và cuộc đời không? Không. Thông điệp cuối phim đã nói rất rõ ràng “Điều gì đến sẽ đến/ What happens, happens”. Cũng như bé người gỗ, chúng ta được sinh ra theo ý nguyện của người khác (cha mẹ, ông bà, xã hội), không ai có thể hỏi ý kiến chúng ta về việc có muốn được chào đời không bởi điều đó bất khả. Vì vậy, ta chỉ có thể đón nhận mọi thứ xảy ra trong đời và sống tiếp mà thôi.
Trong hành trình phiêu lưu của mình, Pinocchio được dạy rằng bất tử không phải là món quà, nó giống lời nguyền hơn. Bởi cuộc đời con người có ý nghĩa khi nó có điểm kết thúc, còn nếu cậu sống mãi sống mãi, thì ngoài việc nhìn những người thân yêu lần lượt ra đi, cậu còn động lực gì để tranh đấu nữa? (Các bạn mà xem The Good Place cũng sẽ thấy điều này quen thuộc).
Bài học về tình gia đình
Pinocchio là phim dán mác 7+ phù hợp cho trẻ em, gia đình cùng xem và thấu hiểu nhau hơn. Bài học gia đình trong phim không hề sao rỗng và khuôn mẫu, đó là câu chuyện về yêu và chấp nhận điều không hoàn hảo của nhau và cùng phát triển.
Carlo của Geppetto là đứa bé hoàn hảo, thế nên khi tạo ra Pinocchio, Geppetto đã mong thằng bé giống đứa con đã mất của mình. Ông nhanh chóng vỡ mộng bởi Pinocchio là hiện thân ngược lại: cậu hoang dã như cỏ cây, hào hứng với tất cả mọi thứ nhưng đều vượt quá phép tắc xã hội. Pinocchio có nhiều thứ phải học, đặt ra nhiều câu hỏi và cần rất nhiều kiên nhẫn lẫn bao dung mới có thể giáo dục được cậu.

Bản thân Geppetto cũng không hoàn thiện. Ông tạo ra Pinocchio trong cơn say và áp đặt mong muốn của mình lên cậu bé, không lắng nghe cậu mà chỉ muốn nhét con mình vào khuôn mẫu xã hội lẫn bản thân ông. Phải trải qua vài sự kiện, ông mới nhận ra lỗi của mình và quyết định lên đường tìm cậu bé gỗ. Cùng nhau, hai con người học bài học của riêng mình, hiểu về người kia và đoàn tụ.
Nhìn chung, Pinocchio là bộ phim ấm áp với phong cách mỹ thuật độc đáo. Phim thích hợp cho trẻ con và người lớn, mỗi độ tuổi sẽ có cách hiểu tác phẩm ở mỗi khía cạnh khác nhau.