Killers of the Flower Moon: tác phẩm chuyển thể tuyệt vời của Martin Scorsese
Chính xác thì Killers of the Flower Moon rất có ý nghĩa với người Mỹ và người Mỹ bản địa, nó tái hiện một thời kỳ đen tối của bộ lạc Osage ở Oklahoma, cũng như đánh dấu một trong những thành công đầu tiên của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) dưới thời ông J. Edgar Hoover, tức Giám đốc đầu tiên của FBI đã điều hành tổ chức này từ năm 1924 đến 1972. Họ đã phá được một vụ án lớn, vạch trần và bắt giữ những kẻ quyền lực muốn bòn rút bộ lạc Osage.
Cái tên Killers of the Flower Moon được truyền cảm hứng từ giai đoạn những vụ sát nhân bí ẩn bùng nổ ở Osage Nation, vùng đất có trữ lượng dầu quý giá. Flower Moon ở đây có nghĩa là “Tháng Năm” của năm 1921, thời điểm mà một loài hoa nhỏ nở rộ khắp vùng đất. Ban đầu báo chí dùng tên gọi này, sau đó tác giả David Grann viết quyển sách cùng tên mà dựa trên nó, đạo diễn Martin Scorsese chuyển thể thành phim mà chúng ta được xem đây.
Sau khi dầu phun lên từ dưới lòng đất, trong lãnh thổ của bộ lạc, người Osage trở thành cộng đồng giàu có nhất thế giới ở thời điểm đó. Họ đi ô tô sang trọng, thuê người da trắng làm lái xe, hầu bàn, nhưng đó là họa chứ không phải phúc. Bởi kẻ tham lam từ khắp nơi đổ về Oklahoma để xâu xé lợi tức từ những giếng dầu của Osage Nation bằng những chiêu trò bẩn thỉu, tàn độc.
May mắn phát hiện giếng dầu, người Osage từ nghèo khó vươn lên đỉnh cao thịnh vượng. Để hình dung lúc đó người Osage giàu như thế nào, thì vào năm 1920, thống kê cho thấy nếu chia ra thì mỗi người Osage, bao gồm cả trẻ em, nhận được khoảng 10.000 USD, tương đương khoảng 138.000 USD theo giá trị tiền tệ ở thời điểm hiện tại, chỉ tính trong một năm đó thôi nhé.
Tuy nhiên, giàu có mà làm gì khi họ chẳng sống được lâu, những người thừa kế tài sản của các gia đình giàu truyền thống thuộc bộ lạc Osage lần lượt qua đời trong nhiều tình huống khó lý giải, tài sản thì bị phân chia vào tay những người da trắng… Được lợi nhất ở đây là giới tư bản Mỹ, những ông chủ tập đoàn khai thác dầu mỏ, họ như bầy kền kền giành giật trên cái chết của người Osage.
Khi hơn 20 cái chết liên tục xảy ra, J. Edgar Hoover đã tìm đến một cựu Texas Ranger tên là Tom White (Jesse Plemons thủ vai) để giúp ông làm sáng tỏ các vụ án. White đã thành lập một đội đặc vụ, trong đó có một người Mỹ bản địa tiềm nhập vào Osage Nation. Họ đấu tranh, áp dụng các phương pháp điều tra mới nhất, bắt đầu vạch trần một trong những âm mưu sát nhân thâm độc nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Gia đình bà Lizzie Q, những con gái của bà như Mollie (Lily Gladstone), Reta, Anna… cho đến Ernest Burkhart (Leonardo DiCaprio), Bill Stepson, và ông trùm William King Hale (Robert De Niro) đều nhân vật có thật trong lịch sử. Tương tự như nguyên tác, vốn được xem là một tuyệt phẩm phi hư cấu, bộ phim của Martin Scorsese đã trình bày dễ hiểu kế hoạch sát nhân của William King Hale nhằm chiếm đoạt tài sản của người Osage nói trên.
Một chi tiết được nhắc tới nhiều lần trong phim là về những người Osage thuần huyết (hay thuần chủng), thường là những người phụ nữ ở hàng kế thừa đầu tiên của bộ lạc, họ không thực sự kiểm soát tiền của mình mà phải chịu đặt dưới sự giám hộ của người da trắng, rồi bị những gã da trắng gạ gẫm, dụ dỗ đi đến hôn nhân, từ đó chúng có thể cướp lấy tài sản của họ một cách hợp pháp.
Tựa phim của Martin Scorsese do ông đồng biên kịch với Eric Roth (đã tham gia các phim Dune, Forrest Gump) mang tới trải nghiệm điện ảnh tuyệt vời, phim đẹp, lãng mạn, nhưng cũng tàn khốc và phơi bày sự tàn nhẫn của những thẻ thủ ác nói riêng và một bộ phận người Mỹ da trắng nói chung, đã ngó lơ và trì hoãn việc điều tra cái chết thương tâm của nhiều người Mỹ bản địa thuộc bộ lạc Osage.
Ở đây không cần phải trả lời câu hỏi phim hay dở ra sao, chỉ riêng những tên tuổi đã làm nên tác phẩm cũng đủ để bảo chứng cho hơn 3 giờ xem phim đầy kịch tính. Điều quan trọng chính là bài học lịch sử, hiểu biết về các nhân vật và sự kiện ở một giai đoạn đáng lưu tâm của nước Mỹ vào đầu thế kỷ 20, và nó sẽ được mang đến người xem trên toàn thế giới, nhờ vào trải nghiệm điện ảnh và những người làm phim có tâm.