Trải nghiệm thú vị cùng Những Đứa Trẻ Trong Sương
Hôm đi xem về đã định viết, nhưng vì bận công việc và chán chường khi nghe gió dư luận về phim này nên đến giờ mới viết. Phim Những Đứa Trẻ Trong Sương (tựa tiếng Anh: Children of the Mist) của nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm kể câu chuyện của cô bé Má Thị Di, người Mông, 14 tuổi. Đó là cái tuổi mà cô bé được đi chợ Tết, được “đi với trai” và điều đó có thể dẫn đến thay đổi lớn lao trong cuộc đời cô.
Di về nhà người bạn trai tên Vàng và theo tục lệ kéo vợ, Vàng có thể giữ Di lại vài ngày trước khi cả hai đi đến quyết định có thể trở thành vợ chồng hay không. Tất nhiên, vấn đề phát sinh từ đây và trọng tâm của nó rơi đúng vào điểm có thể gây chia rẽ người xem, về việc đây là thuần phong hay hủ tục, về lựa chọn của những con người trong phim, và của đạo diễn.
Điều đầu tiên cần nói là dư luận tranh cãi về Những Đứa Trẻ Trong Sương không chỉ ở chủ đề của nó, mà cả ở cách tiếp cận vấn đề của đạo diễn, cách Hà Lệ Diễm phản ứng và xử lý các tình huống trong chính bộ phim của mình, cũng như liệu việc phim này có chịu sự ảnh hưởng của nhà tài trợ là tổ chức phi chính phủ nào đó để phục vụ cho một mục đích nào đó lớn hơn chăng.
Đối với mình, khi xem phim Những Đứa Trẻ Trong Sương, quan trọng nhất vẫn là trải nghiệm cá nhân của bản thân, mình đã cười nhiều ở hầu hết thời lượng phim hơn là trầm lắng, và cả rạp phim (kín người) mà mình xem ở Dcine Bến Thành cũng thế. Đó là điều đầu tiên mình muốn nói về phim này, khả năng cao là nó sẽ mang lại một trải nghiệm tốt, cho hầu hết người xem có quan tâm đến các vấn đề văn hóa, xã hội, nó không hề khắc nghiệt như thiên kiến của mình trước khi ra rạp.
Về bối cảnh, tất nhiên là Sapa, Lào Cai, Tây Bắc Việt Nam, bối cảnh này cũng có nhiều vấn đề để nói. Trước khi xem phim, mình đọc nhiều bài review của báo nước ngoài, đa số người viết tập trung nhận xét về tình tiết phim Những Đứa Trẻ Trong Sương và cuộc sống ở Tây Bắc với những từ ngữ như “brutal”, “poverty”, “stealing youth” hoặc có sắc thái tương tự, mà mình cho là thiển cận và thiếu sự tìm hiểu. Đọc báo châu Á như asianmoviepulse thì viết kỹ hơn, khách quan hơn.
Tất nhiên, cũng còn tùy thuộc vào việc báo chí phương Tây đánh giá dựa trên hệ quy chiếu của họ, nhưng đối với mình việc điều kiện sống thiếu thốn hơn ở miền xuôi, hay thiếu thốn hơn so với những nước phát triển không phải là vấn đề lớn nhất ở đây.
Trên thực tế thì mình không cho rằng gia đình Di là nghèo trong cộng đồng của họ, họ có ruộng rẫy, gia súc, xe máy, có những lựa chọn để kiếm thêm thu nhập, như nhuộm vải, làm đồ thủ công, thổ cẩm, chắc là để bán cho những cửa tiệm đồ lưu niệm ở Tây Bắc…
Di và chúng bạn đã được đi học đều, có smartphone kết nối internet, lên mạng xã hội chat chit, bóc phốt lẫn nhau đứa này chia tay đứa kia tà tưa đứa nọ, biết “ngu vờ lờ” là cái gì, đám tiệc có thịt thà, rượu nóng đầy bàn, có karaoke nhạc sống… mặc dù vẫn phải đập lúa bằng tay, có một sự giao thoa thú vị như thế đấy.
Ở miền Tây quê mình cũng có rất nhiều gia đình sống thoải mái với điều kiện tương tự như vậy, và họ rất bình yên, nếu có tốt hơn chăng thì chắc là do vị trí địa lý, cận thị cận giang nên nó thoải mái hơn khi phải so sánh với vùng núi rừng Tây Bắc.
Cái mình thấy ở đây là những tư liệu hữu ích về văn hóa, về sự giao thoa và chuyển đổi lối sống, chứ không phải để chỉ ra họ nghèo như thế nào chỉ vì họ không ngại chân lấm tay bùn như dân thành thị, chúng ta không nên phán xét về điều đó.
Hầu hết thời lượng phim mang đến cho mình những giây phút dí dỏm của lũ trẻ, khiến mình nhớ đến bản thân thời còn sống ở nông thôn miền Tây những năm 90. Cao trào chỉ bắt đầu đến vào nửa cuối phim khi gia đình Vàng nỗ lực giữ lấy cô con dâu này, bất kể sự chống trả quyết liệt của Di và kéo theo đó sự can thiệp bất đắc dĩ của chính đạo diễn. Chi tiết này độc đáo, mặc dù nó đã khiến nhiều người chỉ trích cô, cho rằng cô không phải là nhà làm phim công tâm.
Đó là một tình huống mà cảm xúc đã lấn át những quy tắc của một người làm phim tài liệu, dưới góc nhìn chuyên môn bạn có cơ sở để phê phán nhà làm phim, nhưng dưới tư cách của một con người, thì nó lại dễ chấp nhận hơn. Tình huống gay cấn nhất nói trên là ranh giới mỏng manh giữa “kéo vợ” và “bắt vợ”, hoặc “cướp vợ”, nhưng cuối cùng thì Di đã không trở thành vợ Vàng và ý chí cá nhân của cô bé được tôn trọng, theo mình đó là điều đáng lưu ý.
Kết quả này tất nhiên là sự nỗ lực rất nhiều của chính cô bé, của một người chị như Hà Lệ Diễm, của thầy cô giáo, cán bộ xã tác động một cách khéo léo. Câu hỏi đặt ra là trong những tình huống khác, hoặc trong quá khứ (như chị của Di), thì có lẽ hành vi cưỡng ép đã thành công. Đó là bản chất của vấn đề, cho thấy sự dễ dàng biến tướng của các phong tục, mặc dù về mặt ý tưởng nó luôn xuất phát từ một nhu cầu, một lý do chính đáng nào đó, ví dụ như tạo điều kiện để cặp đôi nghèo đến được với nhau.
Nhìn chung, Những Đứa Trẻ Trong Sương làm minh bạch được một vấn đề, mặc dù với góc nhìn của người nghiên cứu xã hội học như mình thì nó lại nhắc đến vấn đề lớn hơn, ví dụ như sắc tộc và văn hóa, vị trí địa lý chiến lược và phức tạp, thiên nhiên khắc nghiệt, vai trò của hệ thống chính trị cơ sở ở địa phương, công tác tuyên truyền về pháp luật và giáo dục, cũng như các vấn đề lý luận về đạo đức và luân lý… tất cả những yếu tố đã đặt để những con người trong phim vào một tình huống như vậy.
Tóm lại, theo trải nghiệm cá nhân của mình thì Những Đứa Trẻ Trong Sương gần như là một tư liệu văn hóa về đất, về người, một bộ phim về nhân học, về xã hội học hơn là phim tài liệu đơn thuần về tục kéo vợ của người Mông. Lời khuyên cuối cùng là hãy thưởng thức phim với một cái đầu không có thiên kiến và rồi xem nó sẽ dẫn dắt cảm xúc của bạn đến đâu.
P/s: Mình có trò chuyện sơ sơ với nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm và rất trân trọng thành quả của cô, phim được công chiếu là nỗ lực rất lớn. Ngoài ra các bạn có thể xem phim để tận mắt nhìn thấy tay “nhúng chàm” là thế nào, người Tây Bắc có nghề trồng chàm nhuộm vải lanh nổi tiếng, khi nhào chàm nhuộm vải thì sắc xanh dính vào tay không rửa được, rất đẹp, rất thú vị.