Joan is Awful vừa bi hài vừa đáng suy ngẫm
Joan Is Awful là tập đầu tiên của Black Mirror Mùa 6 trên Netflix, kịch bản gốc viết bởi Charlie Brooker và đạo diễn bởi Ally Pankiw. Phim xoay quanh một cán bộ quản lý của công ty công nghệ, tên Joan (do Annie Murphy thủ vai), cô phát hiện ra rằng cuộc sống của mình đang được tập đoàn Streamberry chuyển thể thành phim bộ với diễn viên được tạo bằng AI dựa trên hình ảnh của Salma Hayek.
Tập phim gây chú ý khi ra mắt vào 15 tháng 7, ngay sau khi buổi đình công của Hiệp hội diễn viên Hoa Kỳ SAG-AFTRA diễn ra vì tranh chấp lao động với Liên minh các nhà sản xuất phim và truyền hình AMPTP. Nó cũng trùng hợp với những tranh cãi mới nhất liên quan tới việc dùng AI để tạo hình diễn viên dựa trên thông tin thu thập được bằng cách mua bản quyền hình ảnh khuôn mặt của họ.
Ừ thì trong phim Joan cũng thật tồi tệ, còn chúng ta thì sao? Câu hỏi khó mà trả lời ngay được, nhưng chỉ có một điều mình chắc chắn, đó là nếu những gì được thể hiện trong phim thực sự xảy ra, nó sẽ dẫn đến những điều tệ hại và dơ bẩn đến mức như có kẻ phóng uế ra giữa ngôi nhà linh thiêng của Chúa vậy. Lúc đó, cuộc sống của tất cả chúng ta sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí sẽ bị hủy hoại.
Joan is Awful là tập phim hợp thời, là một tấm gương khiến chúng ta soi rọi lại bản thân và còn đem đến chủ đề mang tính thời sự lẫn thông điệp cấp bách. Ngoài tranh cãi xung quanh AI, những chủ đề đó bao gồm bảo mật đời tư cá nhân, sự lệ thuộc của con người vào công nghệ và mạng truyền thông xã hội, hay quy chuẩn đạo đức trong việc sáng tạo nội dung giải trí…
Thứ nhất, phim nhắc tới việc các nền tảng và ứng dụng công nghệ có thể nghe lén và theo dõi người dùng. Ứng dụng giải trí hư cấu Streamberry biết mọi thứ về Joan, ngay cả những điều thầm kín nhất của cô ta. Ngoài đời cũng vậy, vừa trò chuyện với bạn bè hoặc người thân về món hàng mình thích mua và… boom, sản phẩm đó xuất hiện trong quảng cáo của Facebook hướng tới bạn.
Như Joan, chúng ta thường không bao giờ đọc kỹ các điều khoản sử dụng dịch vụ hoặc ứng dụng trên mạng, cứ thế mà bấm “Đồng Ý”, đến khi gặp thiệt hại lớn mới hốt hoảng thì đã muộn. Tư bản có mọi cách để moi móc, vơ vét, bòn rút người khác, nếu bạn dùng cái gì đó miễn phí thì bạn là một món hàng. Đối đầu với những kẻ khổng lồ, đôi khi pháp luật cũng chả giúp được gì.
Thứ hai, tập phim châm biếm ý định “mua một lần, dùng cả đời” của các ông lớn trong ngành giải trí, khi họ chỉ cần thu thập mọi hình ảnh và dữ liệu về diễn viên, trả tiền một lần, rồi muốn làm gì thì làm. Điều này có thể thực sự diễn ra trong thực tế với sự phát triển của AI. Lúc đó, họ muốn cho Salma Hayek hay Cate Blanchett phải “thổi kèn” cho một con đười ươi cũng được nữa.
Nhà làm phim lấy chính Netflix ra để làm ví dụ và châm biếm là một chi tiết thú vị, bạn có thể nghe tiếng “tudum” của Netflix ngay trên giao diện của Streamberry trong phim (cũng chính là giao diện của Netflix). Nó không chỉ là reference cho nền tảng độc quyền đã sản xuất và phát hành tập phim này, mà cũng khiến mình tự hỏi rằng, liệu trong tương lai có thể bản thân Netflix cũng sẽ trở thành đơn vị đầu têu cho những tiêu cực mà họ đang phê phán ở thời điểm hiện tại chăng?
Thứ ba, phim chỉ ra bản chất xấu xa, phù phiếm của con người, ưa thích theo dõi những thứ gì drama, bậy bạ, ngớ ngẩn, tiêu cực hơn là hướng tới những điều tốt đẹp. CEO của Streamberry từng thử làm những content tích cực, nhưng nó không ăn khách, nên họ đầu tư hết cho content tiêu cực. Có vẻ như ở đất nước nào cũng vậy, đa phần dân mạng vô minh và đần độn như nhau.
Dân mạng thật dễ dắt mũi, chỉ cần kẻ muốn định hướng dư luận làm content 3 phần thật 7 phần ảo, dặm mắm thêm muối vào câu chuyện, là đủ để khiến Joan trở thành tội đồ, mặc dù cô không hoàn toàn vô tội, nhưng rõ ràng những gì được diễn tả trên phim là tam sao thất bản, là không đúng với diễn biến và bản chất của sự việc ban đầu (ví dụ, Joan đã yếu lòng với Mac, nhưng cô thực sự muốn cưới Krish).
Tất cả những kẻ cười chê, công kích Joan lại cũng không hề biết rằng, họ cũng chỉ là một phần của hệ thống, họ xỉ vả Joan, nhưng rồi sẽ đến phần họ, vì không ai hoàn hảo và ai cũng có “phốt” để làm trò cười cho thiên hạ. Khi chấp nhận trở thành một phần của thứ mạng ảo này, thì mặt mũi, đời tư của bạn, sẽ là thứ để dư luận mổ xẻ và làm lợi cho kẻ khác, bạn đã nhận ra điều đó chưa?
Streamberry có series riêng cho mỗi người, vì ai cũng có mặt tối của mình. Tất cả chỉ là nội dung số, là thứ được dàn dựng một cách giả tạo, thế nhưng content giả nhưng thiệt hại thật, cuộc sống của bạn sẽ bị hủy hoại là điều không tránh khỏi. Hãy nhìn lại vào cuộc sống thật, bao nhiêu mạng sống đã bị tước đoạt bởi bạo lực mạng, bao nhiêu con người đã điêu đứng bởi thị phi trong thế giới ảo?
Charlie Brooker đúng là cây bút châm biếm tài tình và Annie Murphy diễn vai Joan vừa hài vừa bi thật tuyệt vời, xứng đáng là người sở hữu Emmy và đề cử Golden Globe. Sự xuất hiện của Salma Hayek như cân bằng cho tất cả, mang đến những phân cảnh với diễn xuất và lời thoại mạnh mẽ. Chúng ta đang xem một tập phim lồng trong phim rồi lại phim lồng trong phim.
Tầng tầng lớp lớp thế giới ảo chồng lên nhau, mô tả cách mà nhân loại ngày nay lầm lạc trong thế giới của nội dung số mà không biết đường ra, bị cuốn vào thị phi và mất thời gian vì những thứ không thực. Chỉ khi nào cái máy tính lượng tử có sức mạnh như ma thuật – thứ tượng trưng cho quyền lực chi phối tâm trí và làm nhân loại u mê bị phá hủy, thì thực tại mới trở lại.
Thế nhưng, trong phim thì Joan biết được rằng phá vỡ máy tính lượng tử sẽ trả lại cuộc sống bình thường cho cô, nhưng còn chúng ta trong thế giới thật này thì đang chống lại cái gì, và phải phá hủy cái gì để được an toàn? Ừ thì Joan thật tồi tệ, nhưng ít nhất cô đã tự cứu lấy mình, còn chúng ta thì sao? Xem phim xong, thì câu hỏi này có vẻ như càng khó trả lời hơn thì phải?