The Story of the Weeping Camel (2003) (tạm dịch: Chuyện Về Con Lạc Đà Khóc) là phim tài liệu Đức, theo chân đời sống một gia đình Mông Cổ ngoài sa mạc Gobi khắc nghiệt. Phim thực hiện theo lối tự sự rất chân thực về hành trình gia đình tìm cách giúp đỡ lạc đà con bị mẹ chối bỏ. Song song đó khán giả cũng được khám phá đời sống người Mông Cổ ngoài hoang mạc, cách họ hòa hợp với tự nhiên và quan điểm về vật chất hiện đại. Phim do Byambasuren Davaa đạo diễn và được đề cử hạng mục Phim Tài Liệu tại Oscar lần thứ 77.
Davaa ghi lại câu chuyện tại một gia đình bốn thế hệ sống chung trong những căn lều yurt rất vững chắc ngooài sa mạc Gobi. Chớ xem thường những con người này là lạc hậu hay thiếu văn minh. Để sinh tồn được trong môi trường này đòi hỏi kiến thức truyền đời và sức khỏe dẻo dai để chăn dắt một đàn gia súc rất đông bao gồm cừu, dê, lạc đà… Họ vẫn sở hữu những món đồ hiện đại để lắng nghe thế giới bên ngoài như radio, cũng ra tỉnh để sắm sửa và gửi con đi học nội trú, thế nhưng cậu bé quyết định trở về vì thích đời sống hoang mạc.
“Nhân vật chính” trong câu chuyện là con lạc đà trẻ tên Ingen Temee, nó lần đầu mang thai và sinh ra con lạc đà lông trắng Botok. Thế nhưng, không biết do màu lông đứa con hay quá đau đớn trong lần sinh đầu, nó không cho đứa bé bú sữa. Con lạc đà mới sinh liên tục gọi mẹ và cố gắng bú nhưng đáp lại chỉ có những chú huých và xa lánh. Gia đình làm đủ mọi cách từ buộc chân cho đến vắt sữa bú ngoài nhưng tình hình ngày càng kiệt quệ. Họ quyết định thực hiện nghi thức Hoos để gắn kết mẹ con lạc đà.
Hoos, hay còn gọi là khoos, khööslökh,… là nghi thức xoa dịu lạc đà của người Mông Cổ đã được UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Nghi thức này cần mời một nghệ sĩ chơi Morin khuur, nhạc cụ truyền thống Mông Cổ đến nay vẫn được duy trì và truyền bá ra thế giới thông qua các ban nhạc rock nổi tiếng như The HU, Hanggai… Trong khi nghệ sĩ chơi đàn, người phụ nữ trong già đình sẽ cất tiếng hát ru xoa dịu con lạc đà mẹ. Theo truyền thuyết người Mông Cổ, khi lạc đà mẹ rơi nước mắt, nó sẽ cho con bú.
The Story of the Weeping Camel không chỉ là câu chuyện làm thế nào để lạc đà mẹ cho con bú, thông qua bộ phim, khán giả còn được khám phá đời sống một gia đình du mục kiểu mẫu Mông Cổ với 4 đời sống cùng nhau. Câu chuyện ngày càng thú vị khi hai anh em Dude và Ugna cùng nhau tới Aimak Center để mời thầy chơi đàn, cũng như mua pin cho ông nội Amgaa. Ugna thật sự là ngôi sao của bộ phim bởi nét hồn nhiên, lanh lợi của cậu bé sẽ mang lại nụ cười cho bạn.
Mỗi thế hệ phản ứng với vật chất hiện đại khác nhau. Ta có thể thấy niềm vui của cậu bé Ugna khi được xem hoạt hình trên TV ở nhà người quen. Khác với cậu, gia đình không hứng thú mấy với ý tưởng mua một chiếc TV. Thứ nhất là vì nó đáng giá cả một bầy cừu, cộng thêm chi phí duy trì điện năng. Thứ hai, họ không thích ý tưởng con mình sẽ dán mắt vào màn hình suốt ngày, đó là thứ “quỷ ma”. Nhưng khi dùng từ “devil”, tôi không nghĩ cụ ông có ý nặng nề nào, bởi cuối cùng ông cũng mua một cái cho cháu.
The Story of the Weeping Camel tuy chậm nhưng không bức bối mà ngược lại rất thích hợp cho các bạn muốn tìm hiểu văn hóa lẫn thư giãn. Phim không có những hình ảnh lãng mạn mà chỉ là tự nhiên khắc nghiệt với những con bão cát chực chờ buộc người đi xa phải gấp rút về nhà. Gia đình Ugna chọn sống cân bằng giữa tự nhiên và hiện đại, họ cũng không phải nghèo khó gì mà ngược lại khá sung túc với bầy gia súc, đủ để mua một chiếc TV nhỏ và hệ thống điện năng lượng mặt trời. Kết thúc phim ấm áp.
Dưới ống kính của cinematographer Luigi Falorni, những con lạc đà hiện lên với vẻ uy nghi lạ thường và rất có thần. Botok, con lạc đà sơ sinh bị bỏ rơi thật sự xinh đẹp và gia đình Ugna liên tục khen ngợi nó. Trong mắt các nhà phê bình phương Tây, tình cảm của con người Mông Cổ với gia súc chỉ như món tài sản và việc gia đình trong phim lo lắng cho con lạc đà cũng như lo lắng cho một món đầu tư. Đúng là sự khỏe mạnh của con lạc đà là dấu hiệu sung túc và sức sống gia đình, nhưng họ không chỉ xem chúng là tài sản.
Tôi, một người châu Á có cảm nhận ngược lại và có chi tiết chứng minh họ trân trọng gia súc với tư cách đó là vật sống. Qua cách gia đình Ugna vuốt ve, chăm sóc bầy cừu, lạc đà, ta có thể hiểu họ trân trọng chúng hơn món tài sản vô tri. Trong lối sống đòi hỏi sự hòa hợp, họ không lạnh lùng với gia súc mà tiếp xúc rất gần và biết ơn vì chúng mang lại thịt, sữa, lông, tiền cho họ. Những con non được làm nghi thức ban phước. Qua mối liên kết thân thuộc đó, có thể đoan chắc họ thật sự cảm thương cho Botok.
Hiện bạn có thể xem The Story of the Weeping Camel trên iTunes hoặc Archive.org.