Ozu Yasujiro là một trong những người khổng lồ của điện ảnh Nhật. Sự nghiệp của ông trải dài từ thời phim câm cho đến phim đen trắng, rồi phim màu với hơn 50 bộ phim, nhưng chỉ 30 bộ được tìm lại và phục hồi. Phần lớn phim mất đi rơi vào giai đoạn phim câm. Ozu thường được nhắc đến và so sánh với một đạo diễn kỳ tài khác là Akira Kurosawa bởi hai người này dù có phong cách làm phim nhất quán (trung thành với chính mình) nhưng theo đuổi hai trường phái khác biệt trong câu chuyện lẫn kỹ thuật dựng.
Phong cách làm phim của Ozu Yasujiro
Akira Kurosawa nổi tiếng với những bộ phim Samurai, câu chuyện to lớn hoặc thâm u, phần lớn sự nghiệp của ông là những phim có bối cảnh thời chiến. Thậm chí khi không làm phim về những gã lãng nhân khét tiếng và những người lính, câu chuyện mà Kurowasa kể vẫn nhắm đến hệ thống to lớn hơn như phê phán xã hội, quan chức chính trị. Akira cũng nổi tiếng với khả năng dàn xếp khung hình tài tình. Những cảnh phim của Akira thường được mang ra mổ xẻ và làm ví dụ cho các nhà làm phim lẫn nhiếp ảnh gia hậu thế.
Ngược lại, Ozu Yasujiro nổi tiếng với những câu chuyện bình dị và cách quay phim cũng đơn giản. Phim của Ozu xuay quanh các mối quan hệ sơ cấp trong gia đình, chủ yếu giữa cha mẹ và con cái. Lời thoại đơn giản mà sâu sắc, không nặng giáo điều nhưng cực kỳ ý nghĩa. Nó phản ánh đời sống gia đình Nhật bản vào thập niên 50s-60s, cha mẹ sắp đặt hôn nhân cho con cái và trong phim của ông, đứa con có thể nghe theo hoặc phản kháng.
Góc quay cũng là thứ làm nên tên tuổi Ozu Yasujiro. Ông chỉ toàn đặt máy tầm thấp, khoảng 90cm cách mặt đất và đặt máy chính diện bất cứ nhân vật nào đang nói lời thoại. Chuyển cảnh cũng không hề cầu kỳ. Phim của Ozu về câu chuyện lẫn biên tập đều miêu tả được trong 3 từ: nhẹ nhàng, nhẹ nhàng, nhẹ nhàng. Đặc biệt là những pillow shots tôn vinh đời sống, cảnh quan Nhật Bản. Đến mức đạo diễn người Đức Werner Herzog đã từng làm phim tài liệu về chuyến thăm tới Nhật, hòng tìm lại mọi địa điểm đã từng xuất hiện trong phim Ozu.
Pillow Shots là gì?
Một đặc điểm làm nên thương hiệu của “người làm đậu phụ” Ozu Yasujiro là “pillow shots”. Đây là thuật ngữ nhà phê bình Noël Burch đặt ra dành cho cách quay phim của Ozu, dựa theo “pillow words” ( marukakotoba) trong thơ waka Nhật Bản. Như đã đề cập ở trên, Ozu chuyển cảnh rất đơn giản, nhưng ông dùng “pillow shots”, tức cảnh quay tĩnh “gối” vào giữa những lúc chuyển tiếp câu chuyện. Đó có thể là cảnh quay gần gũi như gian phòng, tĩnh vật, đô thị hoặc cảnh lớn như núi rừng, đồng lúa… Mỗi cảnh như vậy sẽ dừng khoảng hơn 5 giây.
Công dụng đầu tiên và rõ ràng nhất của pillow shots là thể hiện địa điểm nơi diễn ra tiếp theo của câu chuyện. Ví dụ cho cách dùng tiêu biểu này là An Autumn Afternoon (1962). Tham khảo ảnh dưới, ta sẽ thấy Ozu quay cảnh tĩnh một loạt khu vực từ rộng đến hẹp dần, đầu tiên là toàn cảnh một khu vực, sau đó đi vào chi tiết hàng rào, những cái thùng rỗng xếp lên nhau, tiếp tục là con hẻm nhỏ (với hình ảnh liên kết đống thùng rỗng), rồi bảng hiệu quán ăn.
Tiếp theo, ta “bước vào” quán nơi một người đang dùng bữa. Người này chỉ là một vai quần chúng nhưng Ozu vẫn đặc tả đầy đủ cảnh anh ta chậm rãi húp hết tô mì, thở khà ra một hơi khoan khoái, trả tiền, vác đồ đạc bước ra khỏi quán trước khi nhường chỗ cho nhân vật chính bước vào. Ozu Yasujiro luôn dành một khoảng thời gian như vậy cho những thân phận bình thường trong đời sống lẫn trong phim của ông ấy.
Ngoài chuyển cảnh, đôi khi pillow shots cũng giúp làm dày dặn cho cảm xúc. Ví dụ nổi tiếng nhất và tốn nhiều bút mực của các nhà phê bình nhất có lẽ là cảnh cái bình hoa trong Late Spring (1949). Cảnh này đã được phân tích trong quyển Transcendental Style in Film: Ozu, Bresson, Dreyer của Paul Schrader.
Cụ thể: cô con gái Noriko cùng bố ngủ cạnh nhau đêm cuối cùng trước khi cô xuất giá. Khi Noriko còn vui vẻ trò chuyện thì quay sang thấy bố đã chìm vào giấc ngủ. Cô cười nhẹ nhàng, cảnh phim cắt sang chiếc bình hoa trong 5s, rồi quay lại Noriko lúc này đã thay đổi sắc mặt, mắt ngấn lệ, tiếp tục cắt sang cảnh chiếc bình trước khi chuyển qua bối cảnh khác. Phương pháp của Ozu rất đơn giản nhưng kết quả cho ra khiến cảm xúc khán giả phải choáng ngợp. Trải qua mấy chục năm làm phim, Ozu Yasujiro đã định hình phong cách riêng, tinh tế, kỹ lưỡng.
Có rất nhiều chuyên gia phân tích cảnh cái bình, nhưng người viết sẽ không đi sâu vào nó. Phim ảnh vốn mang tính chủ quan và mỗi người sẽ có cách diễn giải riêng. Có thể Ozu chẳng có ý định gì gửi gắm chiếc bình, cũng có thể ông ngụ ý gì đó. Nhưng cũng như phong cách làm phim của ông, người viết sẽ giữ cảm xúc của mình về pillow shots của Ozu thật đơn giản.