Mình có dịp xem System Crasher (2019) (tựa tiếng Đức: Systemsprenger) ngoài rạp nhờ liên hoan phim Đức – KinoFest năm 2020 do viện Goethe tổ chức tại các thành phố lớn. Liên hoan phim là cơ hội quý báu cho khán giả trải nghiệm điện ảnh đa dạng hơn là chỉ có phim bom tấn, phim US-UK…. Bởi lý do doanh thu, các phim châu Âu không thường hay được các cơ quan phát hành nhập về.
Tầm quan trọng của điện ảnh với truyền bá văn hóa
Liên hoan phim (LHP) bài viết nhắc ở đây không phải những sự kiện trình chiếu và trao giải như Cannes, Kim Mã… Đó là sự kiện tổ chức chiếu phim của một đất nước nhằm mục đích quảng bá văn hóa nước đó. Tại Việt Nam hiện nay, phổ biến nhất là LHP Nhật Bản, cũng nhờ mối quan hệ hữu nghị lâu đời giữa hai quốc gia Việt-Nhật. Tiếp đến ta có LHP Đức, LHP Pháp ngữ thì trình chiếu phim nói tiếng Pháp nên xuất xứ các tác phẩm không chỉ từ Pháp mà còn có phim Việt Nam, Thụy Sĩ, Canada, Tunisie, Wallonie-Bruxelles/Bỉ…
Liên hoan phim không phải chỉ là những buổi chiếu phim suông mà những bộ phim đã được chọn lọc để giới thiệu với người xem hình ảnh, tinh thần của đất nước. Đó không nhất thiết phải luôn là những mảng màu tích cực, thể loại phim được chọn trải dài từ chính kịch, lãng mạn cho đến giật gân, hài đen… Thông qua những bộ phim, người xem có thể mang ấn tượng về đất nước không chỉ qua câu chuyện mà còn qua trình độ làm phim. Sức mạnh của sản phẩm giải trí, sau một thời gian đủ lâu còn có khả năng định hình cuộc đời con người.
Điện ảnh, truyền hình có vai trò truyền bá văn hóa rất quan trọng. Hàn Quốc là điển hình về thành công trong việc quảng bá văn hóa thông qua các loại hình giải trí như phim ảnh, âm nhạc. Làn sóng Hallyu mạnh đến mức một người chọn học tiếng Hàn và đến đất nước đó học tập, sinh sống vì quá ấn tượng với nền văn hóa được thể hiện qua các bộ K-Drama, hay chỉ vì lòng hâm mộ các nhóm nhạc thần tượng. Nhật Bản thì có manga, anime từ lâu thúc đẩy quá trình người Việt học tiếng Nhật và chọn xây dựng cuộc sống nơi ấy.
Nói về phim Đức thì bản thân người viết cũng đã thay đổi cái nhìn về nước Đức thông qua KinoFest. Kể từ khi xem System Crasher và Perfect Strangers ngoài rạp, người viết bắt đầu mày mò xem phim Đức nhiều hơn. Từ đây, mọi khuôn mẫu gán ghép về nước Đức đã thay đổi trong tôi: tiếng Đức không “bạo lực” như người ta vẫn trêu, âm sắc của nó rất hay mặc dù nếu muốn phát âm chuẩn, chắc tôi phải hút thật nhiều thuốc. Sau đó là những ấn tượng tốt đẹp khác về chính sách an sinh, thái độ con người, tính nhân đạo…
Thực tế chưa rõ ra sao, nhưng tạo được ấn tượng tốt với khán giả thông thường như tôi tức là bộ phim ấy thành công, liên hoan phim đã thành công. Nắm được yếu tố này, chúng ta lại đặt câu hỏi: Liệu bây giờ chúng ta có thể chọn phim Việt Nam nào trong khoảng thời gian không quá xa để giới thiệu hình ảnh đất nước? Tôi có thể nghĩ tới Trời Sáng Rồi, Ta Ngủ Đi Thôi (2019), Thưa Mẹ Con Đi (2019), Em Chưa 18 (2017) cũng là một phim ổn ở mảng phim hài thương mại. Gần đây nhất có Tro Tàn Rực Rỡ (2022) của Bùi Thạc Chuyên đạt nhiều giải quốc tế.
System Crasher là phim đáng xem
Quay lại System Crasher (2019) thì đây là phim chính kịch của Nora Fingscheidt đã nhận nhiều đánh giá tích cực ở thị trường quốc tế và ngôi sao sáng trong phim chính là diễn viên nhí Helena Zengel. Trong phim, Helena vào vai Benni, cô bé có vấn đề thần kinh khiến bản thân dễ kích động và nổ ra những cơn tam bành đáng sợ có thể gây nguy hiểm cho cô bé lẫn người xung quanh. Mẹ Benni không có khả năng chăm sóc nên Benni phải sống trong các nhà tình thương. Benni phải chuyển cơ sở liên tục do không nơi nào chịu nổi căn bệnh của cô bé.
System Crasher (2019) là một trong những tác phẩm hiếm hoi đạt sự cân bằng trong cách kể chuyện và nhân vật. Benni rõ ràng là một nhân vật không dễ thương, cô bé thường xuyên la hét, kích động, gây rối… Dù biết đứa trẻ này có bệnh, ta cũng thật khó mà nhìn nhận nó như một chú thỏ con. Tuy nhiên, khi không “lên cơn”, Benni trở về là đứa trẻ ngây thơ đầy tình cảm. Nó chỉ cần tình thương của mẹ. Thế nên Benni mới nảy sinh gắn kết không lành mạnh với các nhân viên công tác xã hội, bởi họ trao cho Benni thứ con bé khao khát: tình thương, sự chăm sóc.
Phim có những khoảnh khắc cảm động rơi nước mắt cũng như rất căng thẳng. Hành vi của Benni rất khó đoán và điều đó truyền cảm giác sợ hãi, hồi hộp lẫn kinh hoàng rất chân thực tới khán giả. Câu chuyện trình bày gần như hoàn chỉnh các khía cạnh của Benni cũng như nỗi khó xử của những người trong cuộc. Ta khó trách được người mẹ, khó trách những cơ sở đã từ chối Benni. Phim kết thúc với một dấu chấm lửng bởi số phận của những đứa trẻ như Benni quả thực khó mà đưa ra câu trả lời xác đáng. Đó vẫn còn là hành trình dài mà xã hội phải chung tay.
Phim sẽ có bản làm lại của hãng MGM, Mỹ với Channing Tatum tham gia diễn xuất cũng như ngồi ghế sản xuất. Thông tin thêm về dự án đến nay vẫn chỉ dừng lại ở vị trí biên kịch, studio sản xuất, chưa có thông báo về các diễn viên khác.