Ngay khi tôi không còn hy vọng gì với Netflix và định huỷ gói thuê bao thì Adolescence xuất hiện và đang càn quét cộng đồng streaming tại gia. Adolescence thu hút sự chú ý bởi kỹ thuật quay one-shot đặc trưng của đạo diễn Philip Barantini. Nếu xem xong Adolescence và nghiện kỹ thuật quay phim của Barantini, bạn có thể xem thêm Boiling Point (2021), phim điện ảnh cũng quay bằng một cú máy, địa điểm gói gọn trong gian bếp nhà hàng. Boiling Point và Adolescence sẽ thay đổi cách bạn trải nghiệm một câu chuyện.
Điều đặc biệt trong cách thực hiện Adolescence
Quay trở lại Adolescence, mini-series ó 4 tập, mỗi tập dài 1 tiếng, xoay quanh vụ án do trẻ vị thành niên gây ra. Jamie Miller (Owen Cooper) bị bắt vì tình nghi là hung thủ gây ra cái chết của nữ sinh cùng khối Katie. Adolescence không mất thời gian dông dài, ngay từ những phút đầu tập 1 là cuộc bố ráp tại nhà Miller vào sáng sớm. Từ đây một cơn lũ tràn vào gia đình Miller vốn dĩ rất bình thường: người cha còn bối rối, ông chỉ là thợ sửa ống nước, người mẹ nội trợ hoảng loạn cực độ còn người chị sụt sùi ngồi bẹp dưới sàn.
Nên nhớ rằng series này được quay bằng kỹ thuật single-shot, tức các tập phim không có can thiệp của công đoạn cắt dựng, toàn bộ sẽ hoàn thiện trong một cú máy. Phương pháp này tạo nên đường dây kể chuyện khác biệt cũng như khán giả sẽ trải nghiệm câu chuyện ở góc độ người trong cuộc. Bắt đầu từ tập 1, khán giả sẽ theo chân các đặc vụ xông vào nhà, sau đó ngồi cạnh Jamie xe đi tới sở cảnh sát. Khi cần thay đổi điểm nhìn và người kể chuyện, máy quay lại bắt tiếp nối các nhân vật khác, theo chân họ suốt từng quy trình một.
Bởi vì đã là người trong cuộc, khán giả sẽ không dám rời mắt khỏi màn hình, biết đâu bỏ lỡ gì đó. Phương pháp quay phim này thay đổi đáng kể phương thức kể chuyện lẫn tiết tấu phim, tất cả diễn ra rất nhanh trong một không gian nhất định. Tuy nhiên cũng có ngoại lệ, ví dụ, cuối tập 2 đoàn phim phải nhanh chóng gắn máy quay vào drone để quay khung cảnh thị trấn từ trên cao. Các góc quay cận mặt cũng giúp chúng ta đồng điệu cảm xúc với diễn viên, những người chỉ có một cơ hội thể hiện ngay lúc đó, không được làm hỏng.
Từ đó cũng nói thêm, để thực hiện series one-shot này, các diễn viên phải luyện tập và tất cả công việc trường quay phải được đồng bộ sao cho việc quay phim hoàn chỉnh trong một lần, không thể biên tập. Bạn có thể hình dung áp lực lớn như thế nào. Do vậy mà màn diễn xuất sắc của diễn viên nhí Owen Cooper mới càng đáng chú ý. Ở độ tuổi 15-16 (không công bố), Cooper đảm nhiệm vai tội phạm vị thành niên, một cậu học trò thông minh, bối rối lẫn ranh ma, biết kiềm chế nhưng cũng bộc phát cơn giận.
Nạn nhân và hung thủ: những cuộc đời bị đánh mất
Tập 3 chính là sàn diễn cho Cooper cùng Erin Doherty trong vai chuyên viên tâm lý lâm sàng. Gói gọn trong căn phòng, đối diện nhau tại bàn, hai cô cháu có màn đấu trí căng thẳng nhất trên màn ảnh từ trước tới giờ. Đây quả là bệ phóng vững chắc cho Owen, mà thật ra tài năng của cậu đã sớm được phát hiện và trao cơ hội toả sáng. Đơn cử là sau Adolescence, Cooper còn một TV series của BBC do Aimee Lou Wood (Sex Education) biên kịch, cũng như dự án Wuthering Heights (2026), cậu sẽ vào vai Heathcliff thời niên thiếu.
Tất cả sự chú ý dồn vào tập 3 và nó hoàn toàn xứng đáng với sự công nhận đó. Tuy nhiên, tình cảm cá nhân của tôi lại gắn bó hơn với tập cuối. Nếu tập 3 đẩy ta ra gần mép vực của sụp đổ tâm trí nếu không biết duy trì thái độ chuyên nghiệp, thì tập 4 đầy cảm xúc nhân văn, khai thác một khía cạnh ít người nghĩ tới: hậu quả gia đình thủ phạm gánh chịu. Sau hơn 1 năm Jamie bị bắt giữ, nhà Miller cố gắng bước tiếp, duy trì cuộc sống giờ đây gắn thêm cái mác có đứa con trai sát nhân.
Tập phim mở ra với khung cảnh đầy nắng và ông Eddie tươi cười đùa giỡn với bà Amanda vào ngày sinh nhật. Họ chọc ghẹo nhau, tỏ ra là cặp đôi hạnh phúc sau mấy chục năm kết hôn, chính thái độ bình thường ấy đã khiến cho ngay từ những phút đầu, tập phim đau lòng hơn hết thảy. Cái bóng của đứa con giết người vẫn còn bao trùm lên gia đình họ và một lúc sau ta sẽ biết những gian khổ họ phải chịu: chiếc xe van bị vẽ bậy, hàng xóm tọc mạch, những ánh mắt lấm lét theo dõi trong cửa hàng…
Stephen Graham trong vai người cha Eddie, đồng thời cũng là người đồng sáng tạo ra series, cũng đã có màn trình diễn chân thật, xúc động mà đã lâu rồi, mới có một series khiến tôi cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa. Người ta hay nói mỗi người chỉ có một đời để sống, thế nên đọc sách là cách tốt nhất để đạt được lòng thấu cảm, để được sống hàng vạn cuộc đời. Diễn xuất của Graham khiến tôi nhớ lại nhận định đó, chỉ khác giờ đây đó là một TV series.
Tập 4 đào sâu vào những dằn vặt, băn khoăn của bậc làm cha mẹ, về trách nhiệm của họ trong việc nuôi dạy con cái. Ông bà Miller là những công dân lương thiện, bận rộn hay về trễ nhưng rõ ràng có ý thức trong việc dạy con. Ông Eddie ngày nhỏ bị cha đánh nhiều và ông quyết tâm không làm vậy với đám trẻ sau này. Một suy nghĩ đáng hoan nghênh, nhưng rồi James vẫn là kẻ giết người. Tất cả xoay mòng mòng trong đầu đấng sinh thành, rằng họ đã làm hết sức, họ đã bỏ lỡ điều gì, có biểu hiện gì họ bỏ qua không.
Khó có thể tìm được đích xác khoảnh khắc biến Jamie trở thành đứa trẻ có khả năng phạm tội. Có lẽ nó được hình thành qua một quãng thời gian, tiêu thụ đủ nội dung độc hại. Những nỗi xấu hổ ngoại hình, khao khát tình dục hay biến cố học đường như Jamie gặp phải có lẽ đứa trẻ nào ở mọi quốc gia cũng gặp phải. Giá mà ông bà Miller hay chị thằng bé có thể dành thời gian với nó, hiểu biết về mạng xã hội, biết về những gì nó xem trên internet, thì có thể kịp thời ngăn cản những mầm mống xấu nảy nở.
Đây là lời cảnh báo rất rõ ràng dành cho các bậc phụ huynh có con ở độ tuổi dậy thì. Khác biệt thế hệ, không bắt kịp công nghệ số là vấn đề được đề cập rõ trong tập 2, khi thanh tra Bascombe bối rối với mớ từ lóng và emoji đám trẻ dùng trên mạng, từ đó lúng túng với động cơ thủ phạm. Nếu không có con trai ở tuổi đó giải thích, cập nhập giúp, có lẽ Bascombe còn mất một thời gian lâu mới điều tra ra được.
Dù sao đó cũng là những cảnh báo khả dĩ nhất, để chúng ta có những hành động thiết thực nhất nhằm ngăn chặn tội ác tương lai. Còn lại thì, đây là sự vô thường của kiếp người. Mọi đứa trẻ đều được sinh ra dưới quyết định chủ quan của cha mẹ, chúng không quyết định được việc mình có nên xuất hiện trên cuộc đời này, để bị phát tán ảnh, bị bắt nạt, bị giết, hoặc trở thành kẻ giết người. Cả Katie và Jamie đều là những cuộc đời bị đánh mất. Katie hoàn toàn không còn cơ hội, Jamie thì sẽ mãi đeo đẳng trách nhiệm cho việc mình gây ra.