Bridgerton đã được tiếp thị như một tựa phim kịch tính, lãng mạn được chuyển thể từ tiểu thuyết bestseller của Julia Quinn, lấy bối cảnh là London đầu những năm 1800, cụ thể là Thời kỳ Nhiếp Chính (Regency Era, hay Kỷ nguyên Nhiếp Chính), một cái tên không mấy quen thuộc đối với khán giả Việt Nam.
Loạt phim ăn khách mới nhất trên Netflix tái hiện lối sống của tầng lớp vương giả với các bộ váy dạ hội xa hoa, kiểu tóc trang trí công phu và sự lãng mạn ướt át của những quý ông quý bà, tất cả đều được đặt trong bối cảnh lịch sử của Thời kỳ Nhiếp Chính tại London, Vương quốc Anh.
Thời kỳ Nhiếp Chính là gì và chính xác là nó diễn ra vào thời gian nào?
Nhiều khía cạnh của loạt phim cũng đặc biệt gợi nhớ đến các bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Jane Austen, ví dụ Kiêu Hãnh Và Định Kiến, bởi tiểu thuyết của Austen cũng là những tác phẩm lãng mạn nổi tiếng nhất trong Thời kỳ Nhiếp Chính và nó vẫn phổ biến trong thời điểm hiện tại.
Thời kỳ Nhiếp Chính thường đề cập đến những năm từ 1795 đến 1837 và được gắn liền với tên tuổi của Vua George IV của Vương quốc Liên hiệp Anh và Ireland, người đã trị vì như “hoàng tử nhiếp chính” trong thời gian cha ông là Vua George III lâm bệnh từ năm 1811 đến năm 1820.
Thời kỳ Nhiếp Chính đánh dấu công lao của vua George IV
Thời kỳ này được biết đến với sự thăng hoa trong thời trang, kiến trúc và nghệ thuật, được phản ánh rất chân thực trên loạt phim Bridgerton. Nói chung, người yêu sử, văn hóa Anh Quốc và hâm mộ ánh hào quang của Kỷ nguyên Nhiếp Chính sẽ cảm thấy rất quen thuộc với tiền đề của Bridgerton.
George IV là người cổ vũ lối sống xa hoa và đóng góp nhiều cho sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang ở Thời kì Nhiếp Chính. Ông là người bảo trợ cho các hình thức giải trí mới lạ, mốt thời trang và thị hiếu. Ông đã ủy quyền cho kiến trúc sư John Nash xây dựng Rạp Vương thất ở Brighton.
Vị vua cũng cho sửa sang lại Cung điện Buckingham – nơi ở chính thức của Hoàng thất Anh ngày nay, sau đó cho Sir Jeffry Wyattville xây dựng lại Lâu đài Windsor – nơi mà Nữ hoàng Elizabeth II thường xuyên lưu trú. Ông cũng góp phần trong việc thành lập Thư viện Quốc gia và Đại học Vương thất Luân Đôn.
Những đóng góp to lớn và sức hấp dẫn thời trai trẻ của George IV đã giúp ông đạt được danh hiệu “quý ông bậc nhất của Anh quốc”.
Đó cũng là một thời kỳ loạn lạc được Bridgerton tái hiện
Trong cảnh mở đầu của tập cuối mùa 1, cuộc hôn nhân của Daphne và Simon được tiết lộ là diễn ra vào năm 1813, chi tiết này đặt mốc thời gian hiện tại của Bridgerton vào một thời điểm khá phức tạp trong Thời kỳ Nhiếp Chính khi đức tin Kháng Cách và phong trào giải phóng Công giáo ở Anh xung đột mãnh liệt.
Lúc này, hoàng hậu Charlotte là người đại diện hoàng gia bởi Vua George III đang bệnh nặng, nằm liệt giường. Trong tình cảnh đất nước thiếu một người cai trị thực thụ, nhìn bên ngoài thì giới vương giả vẫn chè chén, hưởng thụ như không có gì xảy ra, tuy nhiên mâu thuẫn nội bộ đã rất sâu sắc.
Mặc dù loạt phim được cho là diễn ra vào năm 1813, nhưng xét cho cùng, Bridgerton cũng chỉ là một tác phẩm hư cấu và không có gì ngạc nhiên khi tồn tại nhiều điểm không chính xác so với lịch sử. Ví dụ dễ thấy nhất là trang phục và tông màu trên phim tươi sáng, rực rỡ hơn nhiều so với bằng chứng lịch sử.
Hơn nữa, tầng lớp quý tộc thời đó cũng còn rất bảo thủ, trên thực tế họ không có những mối quan hệ và hành vi táo bạo như những gì chúng ta thấy trên phim. Tuy nhiên, sự thiếu chính xác so với lịch sử không phải sai lầm mà là cố ý, đạo diễn Chris Van Dusen đã từng chia sẻ với Screen Rant như sau:
Điều khiến tôi ấn tượng với Bridgerton là tựa phim trở thành cơ hội để thực hiện một chương trình kết hợp yếu tố lịch sử và giả tưởng một cách thực sự thú vị, chúng tôi đã làm việc với một số nhà sử học. Nhưng bởi vì bộ phim vốn được thực hiện cho khán giả hiện đại xem, vì vậy có các giá trị hiện đại trong chủ đề, nhân vật và những câu chuyện mà chúng tôi kể.
Mọi thứ đều được hiển hiện thông qua lăng kính đương đại của chính chúng ta, vì vậy chúng tôi đã không quá khắt khe và luôn giữ sự tự do sáng tạo nhất định. Bối cảnh phim là một thế giới được chúng tôi tưởng tượng lại.
– Chris Van Dusen