Life Hutch – Câu chuyện “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”

Life Hutch là tập phim thứ 25 của cả series và nó khiến mình hài lòng về trải nghiệm thị giác, diễn xuất của Michael B. Jordan cũng khá ấn tượng. Tuy nhiên về ý tưởng và cách diễn đạt mình đánh giá không cao vì nó đã rip-off khá trắng trợn từ một hoặc một vài tác phẩm khác, trong khi không thực sự đưa ra thông điệp thuyết phục hay câu chuyện có chiều sâu nào. Sau khi xem hết tập thì mình thấy thậm chí cả sự hiện diện của Michael B. Jordan cũng không bù được cho chất lượng của phim.
Life Hutch bắt đầu với một phi công tên Ernie Terrence và tuyên bố của anh ta là “Tôi sẽ chết ở đây!” khi cùng các đồng đội lái phi thuyền lao vào cuộc chiến ngoài không gian. Dễ hình dung ra được bối cảnh là trong tương lai xa, con người phải đối mặt với một chủng loài ngoài hành tinh nào đó, trông hình dạng của chúng khiến mình liên tưởng đến thực thể “Evil” trong phim The Fifth Element của đạo diễn Luc Besson có Bruce Willis, Gary Oldman và Milla Jovovich, đây là một phim sci-fi kinh điển.

Trong khi xoay sở phóng tên lửa tấn công đối thủ, những mảnh vỡ từ vụ nổ gần đó khiến tàu của Terence bị hư hại và buộc phải đáp xuống một hành tinh cằn cỗi. Sắp hết dưỡng khí, người phi công bỏ tàu và đi đến một trạm cứu hộ gần đó mà không biết mình sắp rơi vào tình thế nguy hiểm không kém. Con robot bảo trì trong trạm bị lỗi và tấn công bất cứ thứ gì di chuyển. Phân cảnh này dùng góc quay close-up và extreme close-up để đặc tả diễn xuất của Michael B. Jordan, cho thấy cả mồ hôi lấm tấm trên gương mặt của anh ta.
Sau một hồi chật vật, cuối cùng Terence cũng hạ gục được con robot bằng cách lừa cho nó tự đánh gãy chân. Nhiều khán giả xem xong tập này sẽ diễn giải rằng Life Hutch tái hiện những câu thành ngữ như Out of The Frying Pan Into The Fire hoặc Between Scylla and Charybdis (“tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” hay đại loại thế). Tuy nhiên, điều khiến mình chú ý và cũng thất vọng nhất đó là nhà làm phim đã bê nguyên xi hình dạng của con robot trong phim Red Planet của Antony Hoffman do Val Kimmer đóng chính, cũng là một phim sci-fi kinh điển.

Thậm chí con robot trong Red Planet còn xịn hơn đồng loại của nó trong Life Hutch nhiều. Theo mình đây không phải là tri ân mà chính là vay mượn lộ liễu. Điều này chứng tỏ đội ngũ phía sau Love, Death & Robots đã khá cạn ý tưởng, hoặc họ đã để dành những gì tốt nhất còn lại cho mùa 3 chăng? Theo như thông tin mình tìm được thì tập phim chuyển thể từ truyện ngắn sáng tác năm 1956 của Harlan Ellison, nhưng con robot trong nguyên tác chỉ là một cánh tay máy chứ không có hình dạng linh hoạt như trong tập phim.

Dù sao đi nữa, Life Hutch đã đưa ra một tình huống dù không mới nhưng vẫn thường gặp trong cuộc sống. Đôi khi bạn không nhìn trước được hiểm họa mà mình phải đối mặt, trớ trêu hơn là có lúc những thứ lẽ ra nên giúp đỡ bạn thì ngược lại sẽ hãm hại bạn. Trong thời điểm khó khăn đó chỉ có cách duy nhất là bình tĩnh ứng phó mới có thể vượt qua nghịch cảnh. Vâng, đấy là cố gắng văn vẻ thôi chứ tập phim không có gì nhiều hơn một xuất phẩm phô trương công nghệ dựng hình kỹ thuật số.

Có một tựa game sinh tồn cùng tên là Life Hutch trên Steam, cũng chuyển thể từ truyện ngắn của Harlan Ellison. Game này ứng dụng công nghệ VR và cho phép bạn nhập vai vào phi công Terence.