Nikkei Asia: Làm thế nào mà Việt Nam từ anh hùng chống dịch trở thành mớ hỗn độn do COVID?

“How Vietnam went from pandemic hero to COVID shambles”

Tờ báo phiên bản Châu Á của tập đoàn truyền thông Nikkei Nhật Bản đã có một bài viết ở mục “Ý Kiến” với tiêu đề khá nặng dành cho Việt Nam. Bài do cây bút uy tín William Pesek chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Nhật Bản, ông đã đặt tít như sau: “How Vietnam went from pandemic hero to COVID shambles“, đây là một cái tiêu đề rất “tinh tế” và có chủ đích của tác giả, nó khiến mình không thể bỏ qua mà phải đọc hết bài báo.

Có thể tạm dịch tiêu đề là: “Làm thế nào mà Việt Nam từ anh hùng chống dịch trở thành mớ hỗn độn do COVID?“, hay nặng hơn: “Làm thế nào mà Việt Nam từ anh hùng chống dịch trở thành lò sát sinh do COVID?“. Bởi vì chữ “shambles” có nghĩa là mớ hỗn độn, tình trạng hỗn loạn thiếu tổ chức, mà cũng có thể là lò sát sinh, lò mổ, cảnh chém giết loạn xạ. Mình cho rằng vẫn có nhiều từ khác để thay thế, nhưng tác giả đã cố ý chọn chữ shambles.

Bài viết này nếu nhìn tiêu đề thì có vẻ rất nặng, tuy nhiên khi đọc hết thì nó không quá nghiệt ngã như vậy. Thực tế là William Pesek đã dùng nhiều từ ví von rất châm biếm, tuy nhiên về ý chung thì vẫn là hy vọng Việt Nam vượt qua đại dịch, ghi nhận những thành công của Việt Nam và khó khăn mà chính quyền Trump đã gây ra cho Việt Nam một cách rất vô lý, đây là một thực tế mà nhiều bạn trẻ người Việt không nhận ra và vẫn thần tượng Trump.

William Pesek chỉ ra khó khăn lớn nhất của Việt Nam trong việc tìm kiếm nguồn cung vaccine, chủ yếu phụ thuộc vào ngoại giao để được viện trợ, trong khi đó dự án vaccine trong nước không mang đến thay đổi tích cực vào lúc tối khẩn cấp này. Nhìn chung, bài viết vẫn rất khách quan, chỉ ra sự chậm chạp và chủ quan, truyền thông phông bạt dắt mũi, một tình trạng chung của các nước Đông Nam Á khi chủ quan trước đại dịch.

Bài báo có thể tạm dịch như sau:

Chỉ vài tháng trước, cả thế giới ngạc nhiên về số lượng nhiễm COVID-19 cực kỳ thấp và tỷ lệ tử vong không đáng kể của Hà Nội. Sự ngoại lệ này là một chiếc lông vũ lớn trên chiếc mũ của chính phủ (một sự so sánh châm biếm cho thái độ ngạo nghễ khi dập được dịch sớm). Thắng lớn từ ​​cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Việt Nam đã ký kết được một lượng lớn đơn hàng gia công sản xuất vốn đã rời bỏ Trung Quốc. Sau đó, họ trở thành một hình mẫu của việc chống dịch thành công.

Thế nhưng giờ đây Việt Nam lại là ví dụ cho cái cách mà khu vực Đông Nam Á đã phát triển tự mãn như thế nào. Cũng như ở Thái Lan, Indonesia và các nơi khác, các nhà lãnh đạo của họ tin vào báo chí của chính họ. Họ giả định rằng những thành công nhỏ từ sớm có thể được nhân rộng nếu cần và các chương trình tiêm chủng quy mô lớn có thể được trì hoãn.

Các tác nhân gây bệnh không được cân nhắc về mặt chính trị, và biến chủng delta đang nhanh chóng làm lộ ra những lỗ hổng trên chiếc áo giáp chống đại dịch của các nước Đông Nam Á. Sự biến chủng của virus – và nhiều biến chủng khác nữa có thể đang diễn ra – đang dẫn đến việc cần phải nhanh chóng đánh giá lại sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam.

Nếu Thủ tướng mới nhậm chức Phạm Minh Chính hy vọng vào một nhiệm kỳ nhàn hạ, thì thực tế chính trị đã nhanh chóng khiến ông phải nghiêm túc. Vào tháng 4, ông đã nắm quyền thay cho người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc – nguyên thủ đã đẩy nhanh các nỗ lực cải cách và hiện đại hóa trong 5 năm cầm quyền. Nhưng như vậy là chưa đủ, vì 98 triệu dân của Việt Nam bỗng nhiên được nhắc nhở về thực tại (bởi đại dịch).

Điều đáng mừng là chính quyền của ông Chính đang triển khai chiến dịch tiêm chủng. Vào tháng 6, chính quyền đã tung ra ngân sách quỹ vắc xin trị giá 1,1 tỷ đô la. Và trong khi chỉ có 1,4% dân số được tiêm chủng đầy đủ tính đến ngày 18/8, Hà Nội đã đặt mục tiêu đạt 75% vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, con số này vẫn có thể là quá ít, quá muộn.

Chẳng hạn, Nhật Bản hiện đang bị ám ảnh bởi biến thể lambda của coronavirus, một biến thể mà các nhà dịch tễ học lo ngại có thể khiến chúng ta phải hoài niệm về chủng delta (bởi nó nguy hiểm hơn). Hoa Kỳ đã triển khai liều thứ ba cho hai loại vắc xin COVID tốt nhất mà họ có, do Pfizer và Moderna sản xuất.

Điều này sẽ đòi hỏi trình độ triển khai hậu cần và nỗ lực mua vaccine tích cực mà Việt Nam hiếm khi thể hiện được một quyết tâm lớn. Việt Nam đã lãng phí thời gian đáng kể vào năm 2020 để cố gắng hoàn thiện một loại vắc xin cây nhà lá vườn. Giai đoạn tiếp theo của đại dịch này sẽ tập trung vào hoạt động của điện thoại để nhập về các biện pháp khắc phục (ý nói ,là phải đi gọi điện cầu cứu nước khác để được viện trợ hoặc bán vaccine).

Chắc chắn Việt Nam có thể sẽ gây bất ngờ cho chúng ta, như đã làm vào năm 2020. Và chắc chắn, một số nhà đầu tư chứng khoán lớn nhất của quốc gia này vẫn giữ quan điểm nửa vời.

Tuần trước, Bill Stoops, Giám đốc đầu tư tại Dragon Capital Group, công ty quản lý khối tài sản 5,8 tỷ USD, nói với Bloomberg rằng cổ phiếu VN Index có thể tăng lên 1.500, tức tăng 10%, khi tỷ lệ tiêm chủng tăng. Tập đoàn VinaCapital cho biết họ sẽ săn lùng các công ty tiêu dùng và bất động sản.

Có lẽ thế, nhưng cảm giác deja vu về kinh tế thật khó lay chuyển. Có rất ít nền kinh tế quan trọng từng trải qua những thái cực đặc biệt lớn như Việt Nam. Kể từ cuối những năm 1990, nơi này đã bị khóa trong một chu kỳ bùng nổ, theo đó cứ sau vài năm hoặc lâu hơn, bong bóng tài sản mới nhất lại nổ tung và khiến nguồn vốn tháo chạy.

Bắt đầu từ năm 2016, chính quyền của ông Phúc đã làm việc để giảm biên độ dao động của nền kinh tế từ phông bạt đến mức phi lý trở nên dễ chấp nhận hơn một chút. Hà Nội đã nâng điểm số dễ kinh doanh, cải thiện cơ sở hạ tầng và tăng tính minh bạch – ít nhất là ở mức mà một hệ thống chính trị giống như Trung Quốc sẵn sàng thực hiện.

Thành quả: hàng loạt những tên tuổi lớn nhất trong số các doanh nghiệp tham gia vào quá trình toàn cầu hóa đã sử dụng một số lượng ngày càng tăng nhanh các lao động Việt Nam. Việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc là cái cớ để Adidas, Apple, LG, Nike, Panasonic, Samsung và vô số hãng khác gia tăng khoản cược của họ vào Việt Nam.

Có chỗ lạc quan là khi các biến thể COVID mới tấn công Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines và các nước khác, thì khi so sánh với Việt Nam, Việt Nam vẫn có vẻ đang chống chịu tốt hơn. Tất nhiên, điểm bắt buộc là chính phủ của ông Chính phải thực hiện nhiều nhiệm vụ để làm cho nó trở nên nổi bật hơn ở Đông Nam Á.

Tháng trước, ban bệ của ông Chính đã làm được điều đó khi thực hiện một thỏa thuận tiền tệ với Bộ Tài chính Hoa Kỳ của Tổng thống Joe Biden. Vào cuối năm 2020, Trump đã đưa Việt Nam vào danh sách những “kẻ thao túng tiền tệ” đáng sợ. Đó là một động thái khó hiểu. Trump đã làm lơ cho Trung Quốc với 16 nghìn tỷ đô la tổng sản phẩm quốc nội, trong khi nhắm mục tiêu vào nền kinh tế 354 tỷ đô la của Việt Nam. Đó là những gì Hà Nội nhận được khi chiến thắng cuộc chiến thương mại của Trump.

Thế nhưng tất cả những điều đó bây giờ cũng không quan trọng lắm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Giám đốc Kho bạc của Biden Janet Yellen đã nhất trí hạ nhiệt độ và tăng cường hợp tác về thương mại và tỷ giá hối đoái. Điều này giúp đội ngũ của ông Chính bớt lo lắng về các vấn đề toàn cầu hơn mà tập trung lo cho sức khỏe của người dân và nền kinh tế trong nước.

Ví dụ điển hình: một cú hích mới để khởi động một trong những thị trường thương mại điện tử nhỏ nhất Đông Nam Á. Đầu tháng này, Hà Nội đã công bố mục tiêu cho nền kinh tế kỹ thuật số tạo ra 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Với tốc độ chóng mặt mà các ứng dụng và công ty khởi nghiệp công nghệ đang gây xôn xao nền kinh tế ở khắp mọi nơi, những mục tiêu này có thể tỏ ra quá thận trọng.

Tuy nhiên, tất cả những điều này cho thấy Hà Nội hiểu rằng họ cần phải nuôi dưỡng và dung nạp sự xuất hiện của một hoặc hai Jack Ma nổi tiếng của Tập đoàn Alibaba – mà không làm biến mất ông ta, theo kiểu Trung Quốc. Nó gợi ý một sự thúc đẩy mới nhằm đa dạng hóa các động cơ tăng trưởng khỏi các ngành công nghiệp khói bụi, đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và đào tạo và suy nghĩ lại về chính sách hạn chế quyền tự do truyền thông. Nó cũng cho thấy đội ngũ của ông Chính biết chu kỳ bùng nổ rồi phải kết thúc.

Tuy nhiên, tất cả những điều này sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chính quyền không hành động quyết liệt và nhanh chóng để khôi phục Việt Nam về trạng thái trước đó, lúc họ đã thành công khi chống lại COVID. Có mọi lý do để nghĩ rằng Việt Nam có thể làm được điều đó. Nhưng tiếng đồng hồ tích tắc ngày càng lớn hơn và nhanh hơn bao giờ hết, khiến chính phủ mới này không còn một giây nào để lãng phí.

Bài viết của William Pesek trên báo Nikkei (lược dịch)

Đọc xong thấy khen nhiều hơn chê?

error: You are not allowed to copy this page, Thank you!