The Green Knight, phim chính kịch pha trộn yếu tố phiêu lưu kì ảo của đạo diễn David Lowery, sản xuất bởi hãng A24 vừa ra mắt hồi cuối tháng 7 năm 2021, tới nay đã nhận được nhiều chú ý từ giới phê bình lẫn khán giả. Bộ phim dựa theo bài thơ hoặc chuyện cổ dân gian Anh từ Thế kỷ 14 có tựa đề “Ngài Gawain và Lục Kỵ Sĩ“, kết hợp thêm một số dị bản, điển tích khác.

Chuyện cổ cùng phong vị cá nhân của chính đạo diễn đã tạo nên bộ phim đầy tính biểu tượng. Phim thích hợp cho những ai quen với phong cách siêu thực, yêu thích chuyện cổ hoặc muốn tìm hiểu điện ảnh. Nếu đơn thuần chỉ muốn giải trí, cần sự rõ ràng, thì The Green Knight không phải lựa chọn dành cho bạn.
Mặc dù cách thể hiện có phần bí ẩn, The Green Knight thật ra đã truyền tải câu chuyện với thông điệp dễ hiểu: thử thách lòng dũng cảm (theo tinh thần thượng võ của hiệp sĩ Tây phương) và từ đó chấp nhận điểm bất toàn ở con người, quan trọng là luôn nhớ điều đó và vươn lên.
Về nguyên tác “Ngài Gawain và Lục Kỵ Sĩ”
Nội dung The Green Knight cơ bản dựa theo câu chuyện cổ Ngài Gawain và Lục Kỵ Sĩ, nhưng giữa phim và chuyện vẫn có nhiều khác biệt, thế nên biết được nội dung chuyện cổ dưới đây cũng không khiến độc giả biết được hoàn toàn chi tiết bộ phim. Vào ngày Giáng Sinh tại lâu đài Camelot, khi vua Arthur cùng các Hiệp sĩ Bàn Tròn đang tổ chức tiệc mừng, thì có một kỵ sĩ dáng hình kỳ lạ màu lục, cưỡi con ngựa cũng màu lục tiến vào sảnh.
Người này một tay cầm rìu, một tay cầm nhánh cây đông thanh, động thái không muốn tấn công ai mà chỉ mời mọi người tham gia một trò chơi Giáng Sinh: Lục Kỵ Sĩ sẽ đưa mình chịu một nhát chém từ vị hiệp sĩ nào đó, vị hiệp sĩ đó sẽ có được cây rìu của Lục Kỵ Sĩ, nhưng đổi lại đúng một năm một ngày sau cũng vào dịp Giáng Sinh, hiệp sĩ phải thân chinh tới Lục Giáo Đường (The Green Chapel) và chịu lại một nhát chém từ The Green Knight.

Đó có thể là một nhát chí tử, hoặc chỉ là vết thương ngoài da, sau đó hai bên có qua có lại rồi thì đường ai nấy đi. Vua Arthur định chấp nhận thử thách vì không có hiệp sĩ nào muốn ra tay, thì Gawain, hiệp sĩ trẻ nhất và là cháu trai Arthur xung phong nhận thử thách. Anh vung rìu chặt đứt đầu kỵ sĩ, bởi hắn chủ động đưa cổ ra gợi ý. Đầu kỵ sĩ rơi xuống, nhưng hắn không gục ngã mà như một phép màu, hắn nhặt lại chiếc đầu, nhắc nhở Gawain về ngày hẹn và cưỡi ngựa rời đi.
Độc giả hãy chú ý điều này, Gawain trong nguyên tác là một hiệp sĩ, còn Gawain trong phim chưa phải là hiệp sĩ, điều này khiến cho tính chất chuyến phiêu lưu, hành trình khám phá bản thân của cả hai có điểm khác biệt quan trọng. Đến thời gian đã hẹn, Gawain lên đường đi tìm Lục Kỵ Sĩ, như mọi câu chuyện dân gian, trong hành trình của mình Gawain trải qua nhiều trận đấu và thử thách.

Thử thách quan trọng nhất diễn ra tại lâu đài của Sir Bertilak de Hautdesert, nhân vật mang plot twist trong nguyên tác nhưng ở phiên bản phim chỉ được gọi là The Lord và danh tính thực sự vẫn còn là bí ẩn. SPOILER ALERT: Đến đây thì bài viết sẽ đề cập đến các hình tượng quan trọng trong phim và thơ, độc giả nếu chưa xem phim hãy cân nhắc nếu không muốn bị tiết lộ chi tiết quan trọng trong phim.
Khác biệt vị thế giữa Gawain trong thơ và phim
Bộ phim chỉ mang tên The Green Knight chứ không kèm thêm “sir Gawain” có thể là vì thân phận của Gawain đã được thay đổi, không phải là một hiệp sĩ. Trong chuyện hoặc bài thơ cổ, Gawain đã là một hiệp sĩ được trọng vọng, hình tượng hoàn hảo của một chiến binh, người tình và tín đồ tôn giáo, thông qua hành trình mới phát hiện ra bản thân bất toàn như mọi con người bình thường.

Gawain trong phim thì ngược lại, chưa được phong hiệp sĩ, ngày qua ngày chỉ biết say sưa rượu chè. Dù là cháu trai của vua nhưng anh không có câu chuyện gì để kể, không có chiến công nào đáng tự hào giữa những Hiệp sĩ Bàn tròn. Từ đó qua hành trình đi tìm Lục Kỵ Sĩ, Gawain mới định hình được bản thân mình, mới bắt đầu nghĩ tới danh dự, lòng tự tôn và trở thành một hiệp sĩ thực thụ.
Ý nghĩa biểu trưng của chiếc thắt lưng màu lục
Chiếc thắt lưng màu lục là chi tiết mang tính hình tượng quan trọng. Trong phim, đó là chiếc thắt lưng Gawain được người mẹ pháp sư trao cho trước khi lên đường. Anh đã đánh mất nó, rồi lại tìm thấy nó, đeo khư khư bên người và cuối cùng giũ bỏ nó. Trong chuyện cổ, đó là thắt lưng do Lady Bertilak, vợ của Sir Bertilak de Hautdesert đưa cho Gawain khi quyến rũ anh. Chiếc thắt lưng được hứa hẹn là sẽ bảo vệ Gawain khỏi mọi thương tổn vật lý khi đối đầu với Lục Kỵ Sĩ.
Chiếc thắt lưng này tượng trưng cho khía cạnh rất con người của Gawain: nỗi sợ cái chết sâu kín. Gawain chấp nhận lên đường để trả món nợ năm trước, vì danh dự của một hiệp sĩ, thế nhưng ông vẫn lo sợ cái chết và đó là lẽ tự nhiên. Có chăng là trong mật mã văn hóa của tầng lớp hiệp sĩ ngày xưa, đề cao tự tôn và lòng dũng cảm, nên họ đã cố không bộc lộ nỗi sợ ra bên ngoài.

Thế nên trong câu chuyện gốc, Lady Bertilak mới lấy chiếc thắt lưng ma thuật ra dụ dỗ Gawain, khiến anh bội tín với Sir Bertilak và về sau phải mang chiếc thắt lưng ấy mãi bên mình như một đồ vật nhắc nhớ Gawain về nỗi xấu hổ khôn nguôi vì đã bội ước.
Trong phim, chiếc thắt lưng ban đầu được mẹ trao cho Gawain, cũng với công dụng tương tự, nhưng sau đó bị một toán cướp đoạt mất, khiến anh ta sợ hãi rơi nước mắt. Sau đó nhân vật The Lady (do Alicia Vikander thủ vai) bước vào phòng dụ dỗ Gawain (đây là một thử thách) cũng lấy ra chính sợi thắt lưng này và trao đổi với anh.

Gawain không cưỡng lại được và đã lấy chiếc thắt lưng đồng thời làm tình với The Lady. So với nguyên tác, Gawain trong phim có vẻ thất bại ê chề hơn cả vì không chỉ lấy chiếc thắt lưng từ The Lady mà còn quan hệ với cô, vốn là vợ của vị lãnh chúa đã đối xử rất tốt với anh ta.
Bằng việc nhận chiếc thắt lưng, Gawain còn phản bội niềm tin vào Chúa vì đã có ước muốn tránh né cái chết, thay vì chấp nhận nó như một sắp xếp cần thiết từ Người. Nói chung, chiếc thắt lưng là phản đề với tất cả mọi thứ cần có ở tinh thần thượng võ của một hiệp sĩ. Chỉ khi chấp nhận từ bỏ nó, Gawain mới tìm thấy sự cứu rỗi.
Ba chuyến đi săn và ba lần thử thách
Trên đường đi, Gawain có tới tá túc tại lâu đài của Sir Bertilak và được ông đối đãi với sự hiếu khách và nhiệt tình. Trong cả bản thơ và phim, Sir Bertilak đều đưa ra một điều kiện trao đổi: mỗi ngày khi Sir Bertilak đi săn, ông sẽ mang cho Gawain thứ tốt nhất ông săn được hôm đó, đổi lại Gawain cũng sẽ cho lại ông thứ tốt nhất anh có được ngày hôm đó. Một điều kiện khá khó hiểu vì mọi thứ ở lâu đài đều thuộc về lãnh chúa, đâu có món gì của Gawain đâu.
Ngày đầu tiên khi lãnh chúa đi săn, Lady Bertilak vào phòng dụ dỗ Gawain nhưng anh nhã nhặn từ chối, để không khiến cô ái ngại, anh chỉ trao cho cô một nụ hôn nhẹ nhàng. Khi lãnh chúa trở về cùng một con hươu tặng Gawain, anh cũng trao cho Bertilak một nụ hôn. Cũng phải nói thêm, ngày xưa hiệp sĩ hay hôn nhau như một phép xã giao xã hội, chứ không phải một hành vi gợi tình. Ngày thứ hai, Lady Bertilak lại quyến rũ Gawain, anh cũng từ chối và hôn cô như hôm trước. Khi lãnh chúa trở về cùng một con lợn rừng tặng Gawain, anh hôn lãnh chúa hai cái.

Đến sáng ngày thứ 3, Lady Bertilak vào phòng Gawain và tỏ ra khiêu khích hơn, táo bạo hơn. Gawain hết sức cưỡng lại. Lady Bertilak đành trao cho anh chiếc nhẫn vàng làm kỷ niệm, anh cũng từ chối ngay. Cuối cùng, cô tặng chiếc thắt lưng xanh lục, nói rằng nó đã được phù phép có thể bảo vệ người đeo khỏi mọi thương tổn vật lý. Gawain lập tức bị mê hoặc và nhận món quà, đổi lại anh trao cho cô ba nụ hôn. Lady Bertilak bắt Gawain phải giữ bí mật về món quà này, nên khi lãnh chúa đi săn về và tặng anh một con cáo, Gawain chỉ trao cho ông ba nụ hôn mà không nói gì đến chiếc thắt lưng, vốn cũng là thứ phải có qua có lại với lãnh chúa.
Từ xưa đến nay các học giả luôn cố liên kết 3 chuyến đi săn với 3 lần cám dỗ này với nhau. Theo họ, tính chất 3 chuyến săn của Sir Bertilak, cách ông xử lý các con vật cũng tương tự Gawain đối đầu với Lady Bertilak. Nhất là trong lần săn thứ 3, con cáo cũng là thứ khó lường như lần dụ dỗ thứ 3 của Lady, nên Sir Bertilak phải khó khăn lắm mới bẫy được nó, cũng như Gawain đã chật vật vượt qua cám dỗ của vợ ông.

Trong bản phim của Lowery, Gawain chỉ có thể ở lại lâu đài Bertilak được hơn 1 ngày nên giao kèo cũng rút ngắn lại và đương nhiên chàng hiệp sĩ trẻ đã thất bại trong việc đáp lại lòng tốt của lãnh chúa. Lowery đã cố gắng trung thành với tài liệu gốc khi trong phim đều có sự xuất hiện của con hươu, con lợn rừng và con cáo, nhưng chỉ có con cáo là món quà lãnh chúa có thể ban cho Gawain. Gawain đã quá sợ hãi mà bỏ chạy khỏi lâu đài trong nỗi xấu hổ, không dám đón nhận lòng tốt của Bertilak nữa.
Cái đầu của Winifred
Chuyện về hồn ma Winifred không có trong bản gốc, nhưng được Lowery thêm vào phim do ấn tượng với địa danh Holy Head đã được nhắc tới trong bài thơ. Winifred là thánh nữ xứ Wales, người bị hôn phu Caradog chặt đầu khi bà bày tỏ ý muốn trở thành nữ tu. Nơi đầu bà rơi xuống chảy ra dòng suối có tác dụng chữa lành. Thánh Beuno là người hồi sinh cho Winifred và cầu xin thánh thần trừng phạt hôn phu của bà. Caradog chết ngay tại chỗ, mặt đất đã nứt ra nuốt chửng hắn.

Chuyện của Winifred trong phim có khác đôi chút, đó là cô bị một hoàng tử cưỡng ép nhưng không được, thế nên hắn chặt đầu cô rồi ném xuống hồ. Winifred nhờ Gawain lặn xuống tìm đầu giúp mình. Câu chuyện của Winifred ít nhiều khiến Gawain nghĩ ngợi về hành trình của mình. Cả hai đều dính vào một trò chơi chặt đầu, nhưng Winifred ở tình thế tối tăm hơn, không được quyền lựa chọn.
Dòng nước nơi đầu Winifred rơi xuống trở thành địa điểm hành hương từ Thế kỷ 12 và cho đến tận nay và nó có tên là St Winefride’s Well Shrine ở thị trấn Holywell, xứ Wales.
Người khổng lồ trong phim có ý nghĩa gì?

Phân cảnh Gawain gặp đoàn người khổng lồ có thể xem là một trong những cảnh tượng kỳ vĩ, đáng nhớ của phim. Đồng thời cũng trừu tượng, khó lý giải. Nó có thể liên kết với truyện cổ xứ Wales về một thời người khổng lồ còn bước đi trên vùng đất này, cũng có thể ám chỉ đến giai thoại vua Arthur từng đánh bại người khổng lồ. Đây là chi tiết làm tăng thêm yếu tố kỳ ảo trong cuộc phiêu lưu của Gawain.
Ý nghĩa của con cáo đồng hành
Con cáo là hình tượng dân gian kinh điển rất phổ biến trong các câu chuyện ngụ ngôn, dụ ngôn phương Tây. Thế nên, thật phấn khích khi lại bắt gặp nó trong The Green Night, còn sống và đồng hành với nhân vật chính. Vai trò con cáo quan trọng đến nỗi nó còn có một poster riêng quảng bá phim.
Hình tượng con cáo trong dân gian mang nhiều ý nghĩa: trí tuệ, gian xảo, ranh mãnh, lọc lừa… Trong bài thơ “Ngài Gawain và Lục Kỵ Sĩ”, nó tượng trưng cho lần cám dỗ thứ 3 của Lady Bertilak, nó rất khéo léo, xảo quyệt. Dù không lừa được Gawain lên giường với mình, cô cũng đã bắt chàng nhận chiếc thắt lưng và không được kể cho lãnh chúa. Khiến Gawain bị sụp đổ trước cám dỗ mà làm trái lại với đạo đức hiệp sĩ.

Trong phim, mối liên hệ có vẻ rời rạc hơn và con cáo mang ý nghĩa khác so với thơ. Nó hỗ trợ và cảnh báo Gawain, khi con cáo cất tiếng nói, nó đại diện cho nội tâm giằng xé của anh ở chặng cuối chuyến đi: “Đừng đi. Nơi đó không có từ bi, không kết thúc có hậu. Ngươi có thể trở về ngẩng cao đầu và xem như chưa có gì xảy ra“.
Có thể lúc đó Gawain đang tự đối thoại với chính mình do nỗi sợ không thể tránh khỏi. Tự trong sâu thẳm anh biết rằng, chiếc thắt lưng chỉ là thứ củng cố lòng can đảm, nếu có gan không sợ chết, anh đã không cần đến nó tới mức bội tín. Con cáo, hay tiếng nói nội tâm đã thách thức anh “Hãy cởi chiếc thắt lưng ra đi“.
Nhân vật người mẹ, hay Morgan le Fay
Đây cũng là một nhân vật chủ chốt trong câu chuyện của Gawain. Cụ thể, trong bài thơ, Morgan le Fay, em cùng mẹ khác cha với Arthur và là một pháp sư. Bà là người biến Bertilak thành Lục Kỵ Sĩ và bày trò thử thách cho Gawain. Nói chung bà là người giật dây mọi chuyện.
Trong phim, nữ pháp sư ấy trở thành mẹ Gawain, không rõ về danh tính có còn là Morgan le Fay không nhưng bà cũng là một pháp sư. Cảnh đầu phim cho thấy, có vẻ bà là người triệu hồi, hoặc kết nối Lục Kỵ Sĩ đến với bữa tiệc tại Camelot. Đó là lý do vì sao bà từ chối không dự tiệc.

Thay đổi quan trọng ở nhân vật Gawain và người mẹ tạo ra động cơ cho hành trình của trong phim: đó là người mẹ mong muốn đẩy đứa con lêu lổng của mình ra ngoài cuộc đời. Từ việc bà nghiêm khắc chất vấn Gawain khi từ nhà thổ về đã cho thấy, bà có đủ lý do để bày ra thử thách này. Đạo diễn Lowery chia sẻ, thay đổi này có liên quan đến câu chuyện đời anh, về mối quan hệ tương tự giữa anh và mẹ.
Được biết David Lowery là người ngại dấn thân (failure-to-launch) và mẹ anh đã phải cố hết sức để đẩy anh ra ở riêng. Trong những câu chuyện cổ về vua Athur, mối quan hệ giữa ông và Morgan le Fay không hề tốt đẹp. Câu chuyện Morgan le Fay đặt ra thử thách nhằm phơi bày bản chất của những hiệp sĩ đáng kính dưới trướng Arthur đã được biến chuyển thành mối quan hệ mẹ con riêng tư đầy mâu thuẫn.
Tính biểu tượng của màu xanh lục
Đương nhiên, chúng ta không thể không nhắc đến màu xanh lục – màu sắc chủ đề, ngự trị trên tựa phim và nhiều khía cạnh khác của tác phẩm. Nhân vật The Lady đã có một bài Ted Talk dài về màu sắc này, phần nào lý giải vấn đề chủ đạo của phim lẫn nguyên tác thơ: cuộc chiến giữa tự nhiên và con người. Sắc xanh đơn điệu ấy thật phong phú và cũng thật sâu sắc.
Màu xanh lục mang nhiều ý nghĩa với các sắc thái khác nhau, nó có thể là màu của tự nhiên, nhưng cũng là màu của quỷ dữ, phép phù thủy, cả mục rữa và nỗi xấu hổ. Xanh lục là màu của khởi đầu lẫn chết chóc, như mầm sống gieo vào tử cung thì ham muốn con người cũng tàn phai, hoặc là rêu phủ trên bia mộ và dây leo nuốt chửng thân xác hiệp sĩ và phẩm hạnh của anh.

Lục Kỵ Sĩ gián đoạn bữa tiệc bằng sự xuất hiện của mình, cũng như khả năng xâm chiếm của tự nhiên, tính bất ngờ và hỗn mang của nó. Đó là màu của chiếc thắt lưng khiến Gawain không thể cưỡng lại trước Lady Bertilak. Gawain chỉ là một phần trong cuộc chiến trường kỳ giữa tự nhiên và con người. Tự nhiên là thế lực ngầm, song hành cùng con người và khiến họ bất toàn.
Cuộc chiến trong The Green Knight vì vậy là cuộc chiến giữa con người cố gắng thu vén bản thân, chống lại tính hỗn loạn của bản năng tự nhiên. Đối với Gawain trong phim, đạo diễn đã hint rằng nếu không trải qua những thử thách như vậy, anh ta có thể trở thành một kẻ có quyền lực nhưng vô đạo đức và cuối cùng sẽ chuốc lấy hậu quả thảm khốc cho bản thân và vương quốc của chính mình.
Lục Kỵ Sĩ là ai?
Trong bản thơ gốc, Lục Kỵ Sĩ chính là Bertilak de Hautdesert được Morgan le Fay hóa phép, nhằm thử thách Gawain. Trong bài thơ, khi đưa đầu chịu cú chém của Bertilak, Gawain vẫn không tháo thắt lưng ra. Để chọc ghẹo anh, Bertilak đã chém sượt nhẹ một đường chỉ đủ rách da cổ, cho Gawain biết rằng chiếc thắt lưng thật ra không bảo vệ anh được.
Gawain rất xấu hổ vì điều đó, nhưng Bertilak chỉ cười xòa an ủi, sau đó khen ngợi Gawain là hiệp sĩ trong sạch nhất. Sau đó cả hai bái biệt nhau trong không khí thân tình. Lúc trở về Camelot, Gawain vẫn khư khư đeo chiếc thắt lưng bên mình, nhằm nhắc nhở bản thân phải sống ngay thẳng.

Gawain trong thơ là một hiệp sĩ tưởng như hoàn hảo, nhưng thông qua chuyến phiêu lưu mới nhận ra thiếu sót bản thân. Trong phim, hành vi này cũng được Lowery tái hiện lại thông qua tưởng tượng của Gawain: sẽ thế nào nếu anh không tháo thắt lưng ra, bỏ chạy và sống suốt một thời đại với sợi dây quấn ngang lưng?
Bởi thế, Gawain trong phim khác nhiều so với nguyên tác, vốn chưa là hiệp sĩ và hành trình này là quá trình tìm kiếm bản ngã. Thế nên cái kết cần thiết cuối cùng cho Gawain của Lowery đó là anh phải buông bỏ được chiếc thắt lưng, vốn là vật cản trên con đường đạt được tinh thần thượng võ đích thực.
Bà lão bịt mắt trong lâu đài là ai?

Theo bài thơ, bà lão bịt mắt ở lâu đài Bertilak chính là Morgan le Fay, bà đứng chứng kiến Gawain thất bại trước cám dỗ. Đối với bản phim chuyển thể, thì có thể bà chính là hóa thân của mẹ Gawain, thông qua cử chỉ âu yếm của bà dành cho anh ta, bất kể biết được con mình đã phạm phải điều sai trái.
Lời kết
Dù có thể là bộ phim khó xem, khó hiểu và không dành cho tất cả mọi người, The Green Knight vẫn xứng đáng nằm trong danh sách của những người yêu phim, yêu truyện dân gian và thích thú hóa giải các hình tượng được cài cắm, mã hóa trong ngôn ngữ điện ảnh.
Sẽ có người không thích cách đạo diễn lồng ghép quá nhiều biểu tượng, thế nhưng bản thân bài thơ nguyên tác cũng đã mang rất nhiều hình tượng rồi dù nó cũng truyền tải thông điệp về lòng can đảm và phẩm hạnh hiệp sĩ. Mặc dù vậy, nhà làm phim cũng đã khéo léo cải biên.
Đạo diễn David Lowery đã xây dựng nhân vật gần gũi với thời đại, khiến người xem dễ nhìn thấy chính mình ở Gawain hơn. Bởi hành trình tìm kiếm bản ngã là thứ ai cũng đang và sẽ trải qua, hãy nhớ đến bộ phim này, vì biết đâu một lúc nào đó bài học từ nó có thể giúp ta trong đời thật.